Sau khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, sách giáo khoa (SGK) mới được đưa vào sử dụng lần đầu ở khối 1 từ năm 2020. Năm học 2021-2022, chương trình mới được áp dụng với lớp 2 và lớp 6 và năm nay là với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đến 2025, việc thay sách hoàn thành ở tất cả khối lớp.
Tuy nhiên, sách giáo khoa thời gian qua được cho là có một số “sạn”, sử dụng ngữ liệu chưa phù hợp. Là giáo viên Ngữ văn, cô Phạm Thị Giang, trường THCS Cù Chính Lan, TP Thanh Hóa, “chưa hài lòng” với một số văn bản trong sách Ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, khi lần đầu dạy chương trình mới năm ngoái, ví dụ bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh.
“Ngôn ngữ của bài thơ đời thường quá. Nhiều câu thơ viết dạng tự sự như ‘bắt nạt hôi lắm’ chưa phù hợp với học sinh”, cô Giang nói, cho biết các giáo viên khác cũng cho rằng ngôn ngữ thơ phải “tinh tế và có chọn lọc hơn”.
Cô Giang cũng chỉ ra “sạn” trong hai văn bản khác gồm “Lắc-ki thực sự may mắn” (trích chuyện Con mèo dạy hải âu bay) và “Vua chích chòe”. Trong trích đoạn “Lắc-ki thực sự may mắn”, phần đối đáp giữa con đười ươi Mét-thiu được chủ tạp hóa nuôi và Lắc-ki (chú hải âu mồ côi) tại tiệm tạp hóa có các câu như: “Tao không muốn phân chim quanh đây đâu, con nhỏ bẩn thỉu kia” hay “Chim chóc con nào chẳng làm thế. Ị bậy khắp mọi nơi. Mà mày thì đích thị là một con chim”.
Cô Giang cho rằng “Mèo dạy hải âu bay” “chưa trau chuốt từ ngữ”. “Tôi thấy vài từ không lịch sự lắm so với cách nói của người Việt”, cô nhận xét.
“Vua chích chòe”, một câu chuyện cổ tích của nước ngoài, có chi tiết nàng công chúa thay quần áo trước mặt quần thần. “Tại sao lại thay quần áo trước mặt mọi người? Bản đó có lỗi ở người dịch”, cô Giang nói.
Khi dạy đến bài 24 – “Bạn nhỏ trong nhà” ở trang 107, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Dương Thị Minh Sinh, giáo viên lớp 3 trường Tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc, thấy học sinh quay sang nhìn nhau tỏ ý không hiểu tại sao chú chó tên Cúp. “Tôi nghĩ cách đặt tên này không hợp lý lắm, có nhiều cái tên dễ thương và gần gũi hơn. Ở nhà các em cũng nuôi những con vật này, thường đặt Mi-lu hoặc Míc-ki”, cô Sinh cho hay. Thấy học sinh thắc mắc, cô Sinh giải thích đây là tên tác giả đặt cho nhân vật trong bài. Các em có thể chọn một cái tên khác yêu thích thay cho tên Cúp.
Trước đó, sách tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều, gây tranh cãi về việc sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch. Phần tập đọc bài 88 là bài “Hai con ngựa”, nói về ngựa tía biếng nhác còn ngựa ô chăm chỉ. Khi thấy ngựa ô “làm hùng hục”, ngựa tía nói: “Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn”. Bài đọc này bị phản ứng, cho rằng dạy học sinh lớp 1 thói xấu lười biếng. Ngoài ra, sách sử dụng từ địa phương, nhiều từ được cho là “vô nghĩa”. Ví dụ “con quạ kêu quà quà?”. Con ngựa thở “hí hóp”. Thay vì nói “không lo gì, không có gì”, sách dạy “chả lo gì, chả có gì”.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, khẳng định nhóm biên soạn đã làm rất kỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với VnExpress, GS Thuyết giải thích do thời gian đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ, vần nên nhóm tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi các em đã học để tạo thành câu văn hoàn chỉnh, có nghĩa. Ông lấy ví dụ với từ “chả”, tác giả không thể dùng từ “không” hoặc “chẳng” để diễn đạt ý phủ định của câu vì học sinh chưa học vần “ông”, “ăng”.
Với bài tập đọc “Hai con ngựa”, GS Thuyết cho hay: “Câu chuyện này có ý nghĩa nếu xúi người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả, không hề phản giáo dục”.
Ông cho rằng việc hiểu nội dung truyện như nào còn tùy thuộc quan điểm mỗi người. Ví dụ, khi đọc truyện “Cua, cò và đàn cá”, một số người bảo sách dạy học sinh tính lừa lọc của cò khi nói dối để chén hết đàn cá. Tuy nhiên, bài học rút ra từ câu chuyện dân gian này là không nên nhẹ dạ nghe lời của người lạ, dạy trẻ cảnh giác với người xấu.
Sau năm đầu tiên dạy sách giáo khoa mới lớp 6, năm nay cô Giang trở lại với khối lớp này và nhận thấy những văn bản trước đây bị ý kiến đều có thể chấp nhận được. Bài thơ “Bắt nạt” mang yếu tố tự sự mà đặc điểm của dạng này khác với thơ trữ tình đơn thuần. Ngôn ngữ của tự sự thường không được trau chuốt tối đa vì nó phản ánh đời sống thường ngày. “Năm ngoái là lần đầu tiên cả cô và trò tiếp cận văn bản trong sách mới nên vẫn mang mặc cảm câu từ. Giáo viên xử lý cũng chưa khéo léo”, cô Giang chia sẻ.
Cô Giang cũng nhận ra việc sử dụng ngôn từ trong đoạn trích tác phẩm “Mèo dạy hải âu bay” là do con đười ươi là một nhân vật chuyên đi chọc phá người khác nên người dịch giữ nguyên ý tứ của người viết và dùng những từ ngữ như vậy để phù hợp với tính cách nhân vật được tác giả xây dựng. “Tôi lý giải với học sinh để các em không có ý nghĩ xấu về tác phẩm, đồng thời giải thích những ngôn từ này chỉ sử dụng trong trường hợp nào”, cô Giang nói.
Theo cô Giang, chương trình mới yêu cầu giáo viên phải tìm tòi, sáng tạo và đủ năng lực để biến những ngữ liệu chưa ổn thành ổn. Qua thời gian dạy, chị đánh giá nhóm biên soạn có sự cân nhắc, chọn lọc kỹ càng các văn bản để giúp hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh.
PGS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, cho hay theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, ngữ liệu được lựa chọn đưa vào SGK phải bảo đảm các tiêu chí, trong đó có phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học. Từ ngữ dùng làm ngữ liệu dạy tiếng ở cấp tiểu học được chọn lọc trong phạm vi vốn từ văn hoá, có ý nghĩa tích cực.
“Ở tiểu học, tìm được văn bản hay, đáp ứng yêu cầu về độ dài rất khó, vì vậy đôi khi phải ‘biên tập’ lại”, ông nói, cho biết ngữ liệu còn phải đáp ứng yêu cầu cân đối về vùng miền, dân tộc, giới tính.
Theo nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, việc lựa chọn ngữ liệu trong SGK không chỉ là “đọc lên sao cho hay” mà trước hết phải đáp ứng đúng mục đích của bài tập đọc và phải phù hợp với năng lực đọc theo độ tuổi của trẻ. Bài đọc cần xoay quanh những âm, vần mà trẻ đã nắm bắt được để giúp trẻ tự tin tập đọc. Bà Phương cho rằng việc cho trẻ tiếp xúc với các từ ngữ các địa phương cũng có những khía cạnh tích cực, giúp các em mở rộng sự hiểu biết về các vùng miền.
Chuyên gia nói ngữ liệu nên bám vào nguyên tắc “chân, thiện, mỹ”. “Chân” là đúng, phù hợp với mục tiêu; “thiện” là dạy trẻ hướng thiện, sau đó mới tới cái đẹp. Tuy nhiên, các ngữ liệu trong SGK hiện bị áp lực bám sát cái đúng (chữ “chân” mà lại chưa chú trọng các vế sau là “thiện” và “mỹ”). Bà đề xuất làm rõ mục tiêu soạn sách và truyền thông đến những chủ thể quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ. Quy trình lựa chọn, phản biện sách cần công khai, rõ ràng, tránh độc quyền, áp đặt. Phụ huynh và giáo viên được tham gia nhiều hơn trong việc lựa chọn, phản biện sách.
Cô Sinh cũng nghĩ rằng việc chọn lọc ngôn từ trong SGK cần tinh tế, dễ hiểu và ít đa nghĩa vì trẻ suy nghĩ trong sáng. Còn cô Giang nói chương trình mới thú vị, nhiều chất liệu thực tế và “dũng cảm” khi đưa các văn bản hiện đại, gần gũi với cuộc sống vào sách.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/y-kien-trai-chieu-ve-san-trong-sach-giao-khoa-4557878.html