Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, một số ý kiến cho rằng việc này ảnh hưởng đến đào tạo và tuyển sinh của các trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tối 17/6 lý giải điều này không có nghĩa là các trường phải dừng triển khai “chương trình giáo dục chất lượng cao”. Theo Bộ, Luật Giáo dục năm 2018 không có khái niệm “chất lượng cao” nên việc bỏ các quy định liên quan là hợp lý. Tuy nhiên, việc phát triển các chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các trường đại học, miễn là đảm bảo đúng quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học xây dựng và phát triển các chương trình có chuẩn đầu vào, đầu ra cao hơn chuẩn chung của Bộ. Các trường cần công khai, minh bạch thông tin, cam kết với người học về chuẩn đầu ra của những chương trình này, giải trình với các bên liên quan và xã hội.
“Việc xây dựng và thực hiện các ‘chương trình chất lượng cao’ với yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, các điều kiện cao hơn về đảm bảo chất lượng thuộc quyền tự chủ của các trường”, thông báo của Bộ nêu.
Thực tế, theo Nghị định 81 về học phí của Chính phủ, với các chương trình đào tạo đạt kiểm định, trường đại học được tự xác định học phí. Do đó, việc không còn chương trình đào tạo mang tên “chất lượng cao” gần như không ảnh hưởng đến việc đào tạo, tuyển sinh và nguồn thu học phí của các trường.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, cho hay quy định mới của Bộ có hiệu lực từ tháng 12 nên năm nay trường vẫn tuyển sinh chương trình chất lượng cao bình thường. Năm sau, trường sẽ xây dựng và công bố chương trình mới thay thế.
“Các trường đã tự chủ, muốn mở chương trình đào tạo thu học phí cao hơn đại trà thì xây dựng lại chương trình và công bố, chịu trách nhiệm, giải trình với xã hội”, TS Hạ nói.
Ở trường Đại học Ngoại thương, theo PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng, trường có bốn mô hình đào tạo, tương ứng với bốn chương trình, gồm tiên tiến, chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế, tiêu chuẩn.
Trừ chương trình tiêu chuẩn, ba mô hình còn lại đều giảng dạy bằng tiếng Anh, một số dạy bằng tiếng Pháp và Nhật, đạt kiểm định quốc tế. Do đó, bà Hương cho biết những chương trình này thỏa mãn mọi điều kiện để tự xác định mức học phí.
“Nhiều tiêu chí trong kiểm định quốc tế còn khắt khe hơn quy định của Bộ. Do đó việc bãi bỏ văn bản này không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, đào tạo của trường Đại học Ngoại thương”, bà Hương cho biết. Trường Đại học Ngoại thương cũng có thể không thay đổi tên gọi các chương trình, tránh làm xáo trộn. Về lâu dài, trường này tiến tới thống nhất chỉ còn một mô hình, đó là chuẩn nghề nghiệp và phát triển quốc tế.
Theo ghi nhận, nhiều trường đại học đã chủ động loại bỏ chương trình chất lượng cao khỏi đề án tuyển sinh năm nay hoặc thay bằng một tên gọi khác. Ví dụ, trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội không còn tuyển sinh chương trình Răng – Hàm – Mặt chất lượng cao; trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM bỏ tên chương trình chất lượng cao mà chuyển thành chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao từng được đề cập trong Thông tư 23 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, chương trình này có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đại trà và được thu học phí cao hơn. Vì thế, hàng loạt đại học đã mở chương trình đào tạo chất lượng cao, thu học phí gấp 2-3 lần hệ đại trà, có trường lên tới 100 triệu đồng một năm. Tuy nhiên, nghịch lý là chương trình chất lượng cao ở nhiều trường lại thường lấy điểm chuẩn đầu vào thấp hơn hệ đại trà.
Lệ Nguyễn – Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/xoa-so-chat-luong-cao-o-dai-hoc-chi-la-thay-ten-goi-4618873.html