Xe đạp Fixed Gear là một trong những dòng xe đạp thể thao được người dùng ưa chuộng bởi xe có thiết kế đơn giản, trọng lượng nhẹ và có thể đi lùi. Để biết rõ hơn xe đạp Fixed Gear là gì, có ưu, nhược điểm gì, mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây.
Xe đạp Fixed Gear là gì?
Định nghĩa
Xe đạp Fixed Gear hay còn gọi là xe đạp không phanh là dòng xe có cấu tạo đơn giản. Xe chuyển động nhờ vào dây xích nối giữa líp và đùi đĩa và chỉ có thể chuyển động khi nào bàn đạp chuyển động.
Do đặc trưng của líp là bánh răng chết nên xe có thể đi lùi, khi đạp tiến xe sẽ chuyển động tiến về phía trước, còn đạp ngược xe sẽ chạy lùi và khi không đạp thì xe dừng chuyển động.
Phân loại
Có hai loại xe đạp Fixed Gear:
- Fixed Gear đạp ngược pedal để dừng xe: Dễ sử dụng và an toàn cho người mới tập
- Fixed Gear đạp ngược pedal để đi ngược: Khó tập, cấu tạo theo kiểu moay-ơ bắt chiết vào líp và khung xe nên khi đạp tiến xe sẽ tiến về phía trước, còn khi đạp lùi xe sẽ lùi về phía sau.
Hai dòng xe đạp này thích hợp sử dụng cho những người yêu thích phượt, đi dạo phố hay đi học và có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết khác nhau. Tuy nhiên, đây là dòng xe không phanh nên người lái cần tập làm quen trước khi sử dụng trên đường phố đông người.
Vì sao xe đạp Fixed Gear phổ biến với giới trẻ?
Ở nước ngoài, xe đạp Fixed Gear thường được sử dụng để tham gia các cuộc đua xe đạp đường phố hay thậm chí được dùng để đưa thư hay chuyển phát nhanh,… nên đã không còn quá xa lạ với người dân nơi đây.
Ngược lại, xe đạp Fixed Gear chỉ vừa được du nhập vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây. Mặc dù trào lưu sử dụng xe đạp Fixed Gear còn khá mới mẻ nhưng lại được rất nhiều bạn trẻ đón nhận, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Dòng xe đạp này gây ấn tượng mạnh bởi tính đơn giản và cá nhân hoá, phù hợp với giới trẻ năng động ngày nay. Bạn có thể phun sơn, vẽ chữ, tạo hình,… biến những chiếc Fixed Gear đầy cá tính theo phong cách của bản thân.
Sức hút của xe đạp Fixed Gear còn ở tính thử thách khi đi xe. Khác với xe đạp thông thường, do không có phanh nên xe đạp Fixed Gear yêu cầu người lái phải tính toán trước khoảng dừng xe và thả dần nhịp đạp cho hợp lý.
Hơn nữa, khi đã sở hữu và làm chủ được một chiếc xe đạp Fixed Gear, người lái sẽ có thể tự do sáng tạo, tự do điều khiển và biểu diễn các kỹ thuật mình thích, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Ưu điểm và nhược điểm của xe đạp Fixed Gear
Ưu điểm:
- Thiết kế đơn giản nhưng không kém phần ấn tượng: Xe đạp Fixed Gear có thiết kế không phanh nên hạn chế được các chi tiết nhỏ như thắng và dây nối từ thắng xuống bánh xe. Mặt khác, xe được các hãng thiết kế màu sắc cá tính và nổi bật, giúp xe trở nên ấn tượng, thời trang so với những mẫu xe truyền thống thông thường.
- Có khả năng đi lùi: Bạn có thể đi lùi, hoặc dừng xe bằng cách đạp ngược bàn đạp (tùy model) và dễ dàng di chuyển qua những cung đường khó mà không hề có cảm giác bị cản trở. Thêm vào đó, dòng xe này không làm người lái mất sức quá nhiều vì xe hoạt động nhẹ nhàng, êm ái và dễ dàng điều khiển.
- Tuổi thọ cao: Xe đạp Fixed Gear sở hữu thiết kế chắc chắn với một số dòng có khung được làm từ hợp kim thép chịu lực bền bỉ, do đó người dùng không phải bảo dưỡng và sửa chữa quá thường xuyên.
Nhược điểm:
- Khó khăn và nguy hiểm cho người mới bắt đầu đi xe đạp Fixed Gear vì đây là xe không phanh, khác với các mẫu xe truyền thống thường lái
- Nếu lái không quen dễ bị chạm bánh trước vào chân trong lúc rẽ.
- Phanh xe lại khó khăn khi chạy xe ở tốc độ nhanh.
- Giá thành tương đối cao so với những dòng xe truyền thống, dao động khoảng từ 2 triệu – 15 triệu.
Những lưu ý khi sử dụng xe đạp Fixed Gear
Khi sử dụng xe đạp Fixed Gear bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để đảm bảo xe luôn mới, hoạt động bền bỉ và đảm bảo an toàn khi sử dụng:
Lắp hệ thống phanh cho xe
Khi bắt đầu đi xe đạp Fixed Gear, bạn sẽ cảm thấy vô cùng mới mẻ, và đôi khi do việc điều khiển chưa quen sẽ khiến bạn xảy ra các chấn thương không mong muốn.
Do đó, để đảm bảo an toàn trong quá trình tập luyện, bạn có thể cân nhắc lắp thêm hệ thống phanh cho xe.
Tập xe ở nơi an toàn
Ngoài ra, bạn nên chọn thời điểm tập xe là buổi tối hoặc sáng sớm, tránh những con đường có nhiều phương tiện di chuyển, đặc biệt là ở các thành phố lớn khi lượng xe lưu thông đông đúc có thể gây cản trở việc tập luyện, thậm chí gây nguy hiểm cho bản thân.
Không nên nghe nhạc
Khi điều khiển xe đạp không phanh hay bất kể phương tiện nào đi chăng nữa, bạn cũng không nên nghe nhạc. Vì khi lái xe, bạn cần sự tập trung cao độ và quan sát đường đi. Tiếng nhạc trong tai nghe có thể khiến bạn xao lãng và không chú ý đến tín hiệu của xe khác.
Đội mũ bảo hiểm
Khi di chuyển trên đường, bạn không thể tránh khỏi những cú va chạm bất ngờ. Vì vậy, việc trang bị cho mình một chiếc mũ bảo hiểm đi xe đạp sẽ giúp hạn chế những tốn thương.
Tuân thủ luật giao thông
Bạn nên đi đúng làn đường dành cho người đi xe đạp để tránh xảy ra những va chạm không đáng có và tránh trường hợp vi phạm luật giao thông.
Tiếp xúc với bàn đạp bằng phần ức của bàn chân
Việc đạp xe bằng phần ức của bàn chân sẽ tạo cảm giác thoải mái khi tiếp xúc với bàn đạp, tránh tình trạng căng cứng cơ như khi tiếp xúc bằng gan bàn chân, đồng thời truyền lực tốt hơn giúp bạn dễ dàng điều khiển xe khi di chuyển.
Không đứng để đạp xe
Người lái cũng nên chú ý không nên đùa giỡn hoặc đứng lên trong khi lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường. Đặc biệt là với xe đạp Fixed Gear do cơ chế hoạt động đặc biệt, việc đứng đạp xe rất nguy hiểm khiến bạn khó có thể xử lý khi gặp sự cố.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về xe đạp Fixed Gear. Mọi thắc mắc bạn vui lòng để lại bình luận bên dưới nhé!