Trang web hãng đấu giá Dương Minh Thượng Hải hiện thông tin các cổ vật sẽ được bán ở phiên đấu giá Xuân 2023. Theo hãng này, có 12 đạo sắc phong – chủ yếu của vua thời Nguyễn – sẽ được rao bán ở phiên ngày 22/4. Những thánh chỉ này in trên giấy vàng, họa tiết rồng, còn nguyên vẹn.
Trong số đó có sắc phong được cho là của vua Lê Hiển Tông dành cho hoàng đế triều đại trước, ban bố năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740). Mức giá khởi điểm của sắc phong là 2.800 nhân dân tệ (9,5 triệu đồng). Bức thứ hai được cho là sắc phong thần ban hành năm Thiệu Trị thứ tư (1844), nói về công đức của thiền sư thời Lý Từ Đạo Hạnh, có giá khởi điểm 2.800 nhân dân tệ. Thánh chỉ khác được rao bán là của vua Thành Thái, ban bố năm 1889, sắc phong vị thần làng ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (cũ).
Ngày 12/4, ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho biết đã nắm về chương trình đấu giá. Bộ giao cơ quan chuyên môn thông báo cho các địa phương xác minh thông tin các sắc phong.
Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết đã gửi văn bản đến Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Cục trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. Cục đề nghị các Sở triển khai thực hiện và báo cáo trước ngày 17/4 để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Cùng ngày, ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, cho biết UBND xã đã báo cáo công an huyện về sự việc. “Hiện chúng tôi chờ cơ quan chức năng để làm rõ độ chính xác của thông tin”, ông Minh nói.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch huyện Tam Nông cho hay trước đây nhiều sắc phong của vua được cất giữ tại đền Quốc tế thuộc xã Dị Nậu đã bị lấy trộm. Một số sắc phong này có thông tin trùng với thông tin sắc phong được rao bán trên website ở Trung Quốc. “Huyện đã họp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ để bàn cách tiếp cận thông tin về các sắc phong bị mất”, ông Mạnh Hùng nói.
Đền Quốc Tế nổi tiếng là đền giữ nhiều đạo sắc phong có giá trị nhất tỉnh Phú Thọ. Vào tháng 5/2021, kẻ gian đã đột nhập vào đền lấy mất 40 đạo sắc phong.
Theo ông Trần Ngọc Đông – một thành viên nhóm Làng Việt xưa và nay, sau vụ mất 40 đạo sắc phong ở đền Quốc Tế, ông luôn mong tìm kiếm tung tích hiện vật. Khi biết thông tin về việc đấu giá, ông Ngọc Đông nói: “Quan sát hình ảnh trên website, đối chiếu kiểu chữ, cách viết, hoa văn, tôi thấy một số sắc có khả năng là giả, hoặc là bản sao. Theo sử sách, khi làm sắc, mỗi đời vua sẽ có quy định về cách vẽ rồng, câu chữ, cách viết ra sao. Ngoài ra, trường hợp các làng bị mất sắc phong, họ chép lại trên các tờ giấy vàng, nội dung thì vẫn đúng nhưng câu chữ xô lệch, không phải của vua ban. Nếu có kinh nghiệm, dễ phát hiện ra”.
Sắc phong là văn bản truyền mệnh lệnh của vua, phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền, chùa… trong tín ngưỡng làng xã của người Việt.
Có hai loại sắc phong thường thấy, là sắc phong chức tước và sắc phong thần. Sắc phong chức tước được vua ban cho quan lại, công thần, quý tộc để phong chức tước. Loại này thường được các dòng họ, gia đình lưu giữ, ít phổ biến với công chúng.
Sắc phong thần được ban bố để phong tặng, xếp hạng, công nhận các vị thần được thờ cúng trong các đình, đền, miếu. Nhân vật được phong thần có thể là người có công với nước, thần linh trong tín ngưỡng dân gian. Các sắc phong thần là tư liệu nghiên cứu về nhân vật lịch sử, tín ngưỡng đương thời. Những di vật này còn thể hiện quyền uy tối thượng của hoàng đế, là cai quản cả đời sống kinh tế xã hội lẫn đời sống tâm linh.
Sắc phong thần là tài sản chung của làng, xã nên thường được lưu giữ, bảo tồn chung. Sắc phong thường được viết lên giấy hoặc vải màu vàng, in hình rồng, có đóng ấn của vua.
Theo website của nhà đấu giá, từ tháng 6/2016 đến nay, gần 100 đạo sắc phong của hoàng đế, chủ yếu thời Hậu Lê, Nguyễn, được đăng bán qua hãng Dương Minh Thượng Hải, mức giá phổ biến từ 3.000 tới 10.000 nhân dân tệ (từ 10,2 tới 34 triệu đồng). Nhiều thánh chỉ được đấu giá thành công gồm: Sắc phong thần ban bố năm 1917 của vua Khải Định, giá 8.000 nhân dân tệ (27,2 triệu đồng), Sắc phong Hùng uy tướng quân ban bố năm 1847 của vua Thiệu Trị, giá 10.350 tệ (hơn 35,2 triệu đồng). Một trong cổ vật được bán cao nhất là sắc phong thần cho xã ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây, ban năm 1924 của vua Khải Định, giá 19.550 nhân dân tệ (hơn 66,6 triệu đồng).
Công ty đấu giá Dương Minh Thượng Hải được Cục Công thương thành phố Thượng Hải và Ủy ban Thương mại thành phố Thượng Hải phê chuẩn thành lập năm 2014. Sau đó, công ty này được Cục quản lý di sản văn hóa Trung Quốc cấp phép đấu giá các sản phẩm liên quan di sản. Các mặt hàng chủ yếu được đấu giá ở hãng này gồm tiền cổ, trái phiếu cổ, các tư liệu lịch sử.
Hiểu Nhân – Nghinh Xuân – Phạm Chiểu
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/xac-minh-tin-sac-phong-viet-nam-duoc-dau-gia-o-trung-quoc-4592364.html