Minh Hằng (34 tuổi, ở Lai Châu) mất ăn mất ngủ khi ngày nào người nhà cũng thúc giục. “Trong lòng tôi không muốn bỏ đứa bé, nhưng nghe mọi người nói thì cũng rất sợ”, người mẹ nói.
Theo quan niệm “tam nam bất phú” của những người xung quanh chị Hằng, đẻ ba con trai có nghĩa gia đình sẽ gặp nhiều trắc trở, một trong ba trẻ trai sẽ nghịch ngợm, phá phách, bố mẹ các bé sẽ không sống thọ hoặc gia cảnh kiệt quệ.
Khi cái thai đến tuần thứ 14, một người họ hàng đưa Minh Hằng đi làm thủ thuật bỏ con. Nhưng các bác sĩ đều từ chối. “Em bé khỏe mạnh, đang phát triển rất tốt, nếu chỉ vì lý do sợ ‘tam nam bất phú’ thì em đừng bỏ con”, bác sĩ nói.
Hằng khóc, gọi cho chồng kể chuyện, anh tặc lưỡi, đồng ý giữ lại đứa bé. Người vợ như trút được gánh nặng.
Nhưng mẹ đẻ Minh Hằng khăng khăng phản đối con gái giữ lại cái thai. “Nếu mày muốn giữ thì chuyển khẩu ra khỏi nhà tao”, bà nói. Vì vợ chồng Minh Hằng đều đi làm gần nhà ngoại nên cô vẫn sống với mẹ đẻ. Hằng xin tách hộ khẩu, nhưng mẹ không đồng ý.
Vợ chồng Hằng dắt nhau đi thuê phòng trọ nhưng sau đó được ông bà ngoại gọi về ở cùng. “Bà bảo ông bà già rồi, không sợ gì nữa”, chị nhớ lại.
Chị may mắn được mẹ chồng và đồng nghiệp ủng hộ. “Mấy chị đồng nghiệp của tôi vừa khóc vừa kể trước đây cũng vì sợ tam nam mà bỏ con, nên giờ hối hận. Thế nên họ luôn động viên, hỗ trợ tôi trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ”, Minh Hằng, nay đã là mẹ của ba cậu con trai 9 tuổi, 5 tuổi và 13 tháng tuổi, kể.
Trần Hồng (34 tuổi, Nam Định) cũng hoang mang, buồn bã, sụt đến 8kg trong thời gian mang bầu vì biết con thứ ba vẫn là con trai. “Mình xác định trai hay gái cũng sinh, nhưng thật lòng buồn nhiều hơn vui”, chị nói.
Áp lực đến từ vợ chồng chị thì ít mà bị bủa vây bởi những người xung quanh thì nhiều. Nhà Hồng vốn bán hàng, nhiều người ra vào, hầu như ai cũng ra rả câu “tam nam bất phú, phải đẻ nữa”, làm người phụ nữ mang bầu ám ảnh. Đến tuần thứ 10, ý nghĩ bỏ con len lỏi trong tâm trí chị. “Nhưng tôi thấy làm thế là tạo nghiệp nên không dám”, Hồng nói.
Hằng và Hồng đều là thành viên của nhóm trên mạng xã hội có 1.700 thành viên, nơi tập hợp các bà mẹ sinh ba con trai. Chị Phạm Hương, admin thành lập diễn đàn năm 2017, khi mang thai đôi hai bé trai, sau khi đã có nam tử đầu lòng.
“Vì lo lắng có ba con trai nên tôi cứ trăn trở, muốn tìm thêm các mẹ có cùng hoàn cảnh để chia sẻ, động viên nhau”, chị Phạm Hương nói lý do gây dựng diễn đàn.
Nơi đây có hàng trăm bài viết của các bà mẹ chia sẻ nỗi bất an, lo lắng trong giai đoạn mang thai con trai thứ ba. Nhiều bài viết như Minh Hằng, kể về thách thức khi muốn giữ lại đứa con thứ ba, trước những lời bàn tán, can ngăn của người thân, hàng xóm… Có người xin lời khuyên có nên cho con mình đi làm con nuôi, để tránh xui xẻo “tam nam” hay không.
Một số thành viên truyền động lực cho mọi người bằng cách khuyên bỏ qua nỗi lo gia đình gặp chuyện vì sinh ba con trai, kể về gia đình tam nam đang hạnh phúc của mình. “Cũng có một số mẹ quyết định sinh con thứ tư để tránh họa ‘tam tai’ theo quan niệm truyền thống’, admin của diễn đàn nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam giải thích “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần” là cách nói ngắn gọn về quy định bắt lính, thuế khóa của thời phong kiến.
Câu nói xuất hiện thời Tấn ở Trung Quốc. Thời đó, triều đình quy định nhà có ba con trai thì hai người phải đi lính, một người được ở nhà nhưng vẫn phải đóng thuế đinh, thuế điền nên cuộc sống lầm than cơ cực. Nhà có bốn con gái trở lên thì hai cô phải “nam tùng” (theo nam) để binh lính có thể lập gia đình, định cư nơi đất mới. Nhà có con gái “nam tùng” được miễn sưu thuế, cấp thêm ruộng đất, không đến nỗi bần hàn, nghèo khó.
Có thể nói thành ngữ “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần” không liên quan đến vận mệnh, phong thủy hay phúc họa của gia đình như những suy diễn hiện nay.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định quan niệm “tam nam bất phú” được thực tế cuộc sống chứng minh là hoàn toàn sai.
Bà Hồng Hương cho biết trong tâm lý học, mọi thứ đều do tâm trí quy định. Nếu chúng ta nhìn nhận mọi thứ đơn giản, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng. Khi có niềm tin vào một thứ xui xẻo càng lớn, chẳng hạn sinh ba con trai là đen đủi, thì ta càng dễ gặp phải điều không may đó.
“Một người sợ sinh ba con trai kiểu gì một đứa cũng hư nên nặng về giáo huấn mà không chịu lắng nghe con. Nỗi sợ như con chip điều khiển, khiến bạn yêu thương không đúng cách, mất tỉnh táo để dạy con, dĩ nhiên con khó thể ngoan và thành công”, bà lý giải.
Chị Ngô Huyền (33 tuổi, ở Thanh Hóa) có con trai 9 tuổi, 6 tuổi và một tuổi từng bị những người xung quanh gây sức ép khi mang bầu đứa con trai thứ ba. Nhưng chị nghĩ “nếu nuôi dạy không tốt thì một trai cũng hư”. “Ngày xưa vất vả nghèo, không đủ điều kiện lo đất, lo nhà cho con mới sợ ‘bất phú'”, người mẹ làm kinh doanh nói. Điều chị tiếc duy nhất đến nay là nhà không có “cô công chúa” để mẹ làm điệu như kỳ vọng.
“Từ ngày có con trai thứ ba vợ chồng tôi làm ăn càng lúc càng thuận lợi”, chị kể. Ba con chị bé nào cũng ngoan, khỏe, nhà luôn tràn ngập tiếng cười. “Mọi người vẫn khuyên sinh tiếp, nhưng chồng tôi bảo chẳng tội gì phải đẻ nhiều, mỗi lần sinh xong sức khỏe yếu đi, bầu bí tăng đến 30 kg. Dù trai hay gái, ba hay bốn con, sau này chúng trưởng thành cũng đi hết, chỉ còn đôi vợ chồng già với nhau thôi”, chị nói.
Từ khi con trai út chào đời, vợ chồng chị Minh Hằng gạt bỏ nỗi lo để chăm chút cho con. “Dường như con biết để sinh ra mình mẹ đã khó khăn thế nào nên rất hiểu chuyện, chẳng kén ăn món gì, ăn ngủ ngoan, chẳng mấy khi quấy khóc”, chị Minh Hằng nói.
Ngắm các con vui đùa bên nhau, gia đình quây quần, nỗi lo ba con trai của vợ chồng chị chỉ còn là dốc sức lo kinh tế và nuôi dạy con thành người.
Phạm Nga
*Tên một số nhân vật thay đổi.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/vuot-dinh-kien-de-ba-con-trai-4590588.html