Viết văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện là một trong những chủ đề rất hay nằm trong chương trình Ngữ văn 10 sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10 gồm 3 dàn ý và 4 bài văn mẫu phân tích tác phẩm Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời, Thần Trụ Trời, phân tích Chữ người tử tù, phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên siêu hay. Hi vọng qua 4 bài văn mẫu này các bạn có thêm nhiều nguồn tư liệu hữu ích tham khảo củng cố kỹ năng lập luận để biết cách viết bài văn hay. Ngoài ra các bạn xem thêm nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 10 Kết nối tri thức.
Dàn ý phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện chuẩn nhất
1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tên tác giả,…) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm. Chia sẻ với người đọc lí do bạn lựa chọn tác phẩm này để phân tích, đánh giá, điều khiến bạn yêu thích tác phẩm.
2. Thân bài:
+ Tóm tắt nội dung chính của truyện.
+ Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện dựa trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm.
+ Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi phân tích, đánh giá đều cần có những chi tiết tiêu biểu được dẫn ra từ tác phẩm.
3. Kết bài:
Tóm lược các nhận định trong phần thân bài, khẳng định giá trị của tác phẩm, đưa ra một số ý tưởng mở rộng, …
Viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10
Văn học từ bao đời nay, là bản trường ca hát về những mảnh đất xa xôi ngoài chân trời, nơi mà những vẻ đẹp và lí tưởng con người luôn hướng đến. Con người sáng tác ra văn chương để vẽ về những vẻ đẹp của đời sống, nơi con người thực sự thăng hoa và được tôn vinh trong chính bức tranh nghệ thuật mà họ tạo nên . Nghệ thuật luôn là tấm gương chân thật nhất luôn hướng đời mình đến con người, họ là trung tâm của những sức mạnh trên thế giới này, họ có thể làm ra những điều phi thường, họ là những người có lí tưởng cao đẹp. Bởi vì vậy hình tượng con người trong vũ trụ luôn đi đôi với nghệ thuật sáng tạo, đặc biệt là những tác phẩm văn chương chân chính, thứ đã nuôi dưỡng và tạo ra những vẻ đẹp ấy. Không phải từ đời sống mà có thể tạo ra những giá trị hay, mà phải trải qua một quá trình gạn lọc, chưng cất từ trên những trang giấy để từ đó mới xuất hiện những điểm sáng của nghệ thuật được. Lí tưởng sống của con người luôn được đề cao, bởi nó mang tầm vóc của những điều phi thường, là yếu tố cơ bản để kiến tạo nên những điều kì diệu. Phải có lí tưởng, phải có khao khát, ước vọng mới có thể làm nên những việc lớn, chính vì vậy đây là yếu tố được khai thác nhiều trong sáng tạo nghệ thuật. Những lí tưởng bước ra từ bức màn của nghệ thuật luôn là những gì đẹp nhất, không chỉ hình thành từ một cá nhân trong cộng đồng mà nó còn là của tập thể chung. Sử thi Đăm Săn của người dân tộc Ê đê đã thực sự thành công khi tái hiện hình ảnh người anh hùng trong xã hội với những lí tưởng cao đẹp khi ước mơ bắt Nữ thần Mặt Trời về làm vợ.
Sử thi là một thể loại văn học vô cùng thú vị, bởi nó mang nhiều yếu tố hoang đường kì ảo nhưng không đánh mất đi những giá trị vốn có, vì bên cạnh những yếu tố ấy những chất liệu để tạo nên một sử thi hay là nhân vật có thật, câu chuyện có thật. Những yếu tố kì ảo chỉ được thêm vào để làm nền và làm nổi bật sự phi thường của người anh hùng. Nhân vật trong sử thi là những người phi phàm đại diện cho lí tưởng cao đẹp của cả một cộng đồng, là người đi tiên phong để mở ra một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho mọi người. Một người anh hùng chắc chắn phải lập ra được những chiến công lẫy lừng, vang danh, đó không chỉ là sự hào nhoáng mà còn là những ý nghĩa sâu xa và thế giới nghệ thuật muốn đề cập đến. Đến với Sử thi Đăm Săn, đặc biệt là đoạn trích đi chinh phục nữ thần Mặt Trời, người anh hùng ấy hiện lên với đầy đủ những vẻ sáng của cuộc đời, đó là khát khao của con người về tình yêu và hạnh phúc, về sự chinh phục thiên nhiên và vũ trụ rộng lớn. Chàng Đăm Săn là một hình mẫu cho những điều cao đẹp của một cộng đồng.
Người dân tộc Ê đê thuộc chế độ mẫu hệ, bởi vì vậy, chỉ có người vợ mới được bắt chồng chứ không có những người chồng được bắt vợ, hành động của Đăm Săn và kết quả của hành động ấy đã thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc văn hoá truyền thống của người Ê đê, chính vì vậy tính lịch sử và văn hóa trong tác phẩm sử thi này rất cao và tỉ mỉ. Đăm Săn muốn chinh phục nữ thần mặt trời về làm vợ xuất phát từ mong muốn cho cuộc sống của cộng đồng trở nên ấm no hơn, bởi có được sức mạnh của nữ thần.
Vượt qua bao nhiêu là khó khăn cách trở, sự can ngăn của vợ, … Chàng Đăm Săn vẫn mang trong mình khát khao được gặp nữ thần mặt trời và bày tỏ mong muốn của mình. “Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh, có tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống”, chàng cứ thế trên con chiến mã của mình vẫn tiếp tục lao như bay về phía nơi ở của nữ thần mặt trời với đầy khí thế hừng hực. Chàng phi ngựa như bay qua vùng đất Sáp Đen, chàng cưỡi trên con chiến mã ấy vượt qua không biết bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu ngọn núi, người và người cứ thế lao vun vút như tên. Chẳng biết mấy ngày đem, Đăm Săn đã nhìn thấy cái chuồng nuôi trâu, cái bãi thả diều ở trời, khí thế hừng hực, lao đi trong không trung. Ta có thể thấy niềm tin trong người anh hùng ấy, anh tin tưởng vào sức mạnh và tài năng của mình, có thể giúp chàng lấy được nữ thần làm vợ, đó không phải là sự viển vông mà ngược lại càng làm cho Đăm Săn ra dáng một người anh hùng với sức mạnh phi thường thực thụ. Đó là lòng dũng cảm, sự quyết tâm và khát vọng của một người anh hùng mang trong mình những lí tưởng lớn lao và vững chãi. Trải qua những chặng đường gian nan, cuối cùng chàng đã đến được nơi ấy, trước mắt chàng là những cảnh vật mà trước giờ chưa bao giờ nhìn thấy ở buôn làng của mình. “Cầu thang trông như cái cầu vồng” , “cối giã gạo bằng vàng, chày cũng bằng vàng”, cái chày thì lấp lánh khiến Đăm Săn không khỏi ngạc nhiên, mình đã là một tù trưởng giàu có nhất ở buôn làng rồi, không thứ gì là không có, vậy mà ở đây nhiều điều mới lạ quá khiến chàng không rời mắt. Đăm Săn xuống ngựa rồi từ từ bước vào nha, khí thế người anh hùng dũng mãnh như toả ra thứ hào quang hào nhoáng lắm, ai ai cũng biết đến sự hiện diện của chàng. “Chàng vươn bước lên cầu thang thì trong nhà người ta đã nghe”, “Chàng vươn người trên sàn hiên thì trong nhà người ta đã nghe”, … sự vĩ đại trong từng hành động của Đăm Săn cũng khiến người ta biết đến. Chàng đi vào nhà rồi ngồi ở giữa gian như một vị thần, sự hiên ngang ấy khiến gia tớ trong nhà ai cũng nhìn, thế là đã đến tai của nữ thần mặt trời. Chàng Đăm Săn mặc một chiếc áo lụa thật đẹp, ở ngoài khoác một chiếc áo chiến trông oai hùng biết bao, “Lông chân như chải, lông đùi như chuốt”, “Tiếng nghe như trống gõ mõ”,… Các tù trường không một ai có một khí thế giống như vậy, cứ ngỡ là thần tiên ở trên trời.
Những người tôi tớ của nữ thần cứ hết người này đến người kia, những ánh mắt cứ chăm chăm vào Đăm Săn, càng làm cho chàng trở nên đẹp và dũng mãnh hơn, càng tô điểm thêm cho cốt cách của chàng. Nữ thần Mặt trời cũng không kém, nàng thay không biết bao nhiêu bộ váy để tiếp đón Đăm Săn, cuối cùng nàng cũng đã chọn được chiếc váy ưng ý, “Nàng mặc một váy ánh như sét, loáng như chớp”. úc này trông nữ thần như một vị tiên giáng trần, “Mái tóc vén bên tai trông thật là đẹp”, “Đi trông như diều bay liệng, như nước lững lờ trôi”, Chàng Đăm Săn khi thấy vẻ đẹp kiều diễm ấy lại càng mê mẩn hơn nữa, trước mặt chàng là một vị nữ thần vô cùng xinh đẹp và tài giỏi, “Thân hình như cái nụ tai, với một cái cổ như con công”. Những điều đó càng khiến cho Đăm Săn muốn chinh phục hơn nữa. Tiếng của nàng lanh lảnh khẻ hỏi Đăm Săn : “Hỡi con người trần thế, ngươi muốn gì”. Đăm Săn trả lời lại : “Tôi muốn có người nấu cơm canh tôi ăn, dệt khố áo tôi mặc”, chàng tỏ ý muốn lấy nữ thần mặt trời làm vợ mình, “muốn đưa nàng xuống trần làm juê, làm êm tai , làm chị em với Hơ Nhị, Hơ Bhị”, đứng trước sự xinh đẹp của nữ thần chàng không kiềm lòng nổi mà nói ra ước muốn trong suy nghĩ của mình, chàng dũng cảm bày tỏ và tin rằng nữ thần sẽ chấp nhận lời cầu hôn của mình. Những nữ thần lại kiếm cớ để từ chối lời cầu hôn ấy, “nếu ta đi thì lợn dưới gà trên, cọp tê giác,… sẽ chết hết”, “Chết cả người Khơ me, người Lào”, “Chết cả người Ê đê Ê ga”, “Cây trong rừng sẽ tuyệt diệt, cây trên rú sẽ chết khô” . Nữ thần một mực phủ nhận lời đề nghị của Đăm Săn, nàng từ chối một cách quyết liệt, “Thôi ngươi hãy đi lấy gùi nước về đi, Ta sắp ra đi đây”. Nhưng Đăm Săn vẫn vô cùng trung thành với cảm xúc của chính mình, chàng đã dùng cây chà gạc chẻ núi, phát rừng, giết bao nhiêu thú dữ, vượt ngàn khó khăn gian truân mới đến được đây, nói đi là đi được sao, chàng vẫn muốn nhận được sự chấp nhận của Nữ thần, “Tôi thương nàng da diết, lòng dạ tôi không nguôi, vì vậy tôi đã đến đây với nàng, muốn cùng nàng nên nghĩa vợ chồng, có lấy được nàng tôi mới về”. Sự quyết tâm và kiên định của Đăm Săn cho thấy chàng là một người hết sức mạnh mẽ và quyết đoán đối với suy nghĩ của mình, muốn làm gì thì chàng nhất định sẽ làm cho bằng được, đó cũng là một trong những yếu tố để kiến tạo nên một người anh hùng của cộng đồng.
Vậy là cuộc cầu hôn của Đăm Săn đã thất bại, Đăm Săn đã quyết định ra về mặc lời can ngăn của Nữ thần. Đăm Săn không cần sống hay chết, chàng cũng không cần ai cùng về, chàng một mình một ngựa phi như bay ra khỏi vùng đất của Mặt trời. Đất sáp đen đã dần nhão ra, chàng và chiến mã vẫn cứ phi, càng chậm dần chậm dần rồi biến mất trong khu rừng ấy. Người anh hùng ấy đã hy sinh vì những lí tưởng của chính mình. Chàng đã chết trong khát vọng với sự hiên ngang bất khuất, đó là dáng vẻ của một người anh hùng thực thụ. Cái chết đầy tính bi tráng của Đăm Săn nhuốm đầy màu sắc của bi kịch lịch sử và thời đại, đó là mâu thuẫn gay gắt giữa sự có hạn của những điều xung quanh, trái ngược với những khát vọng và lí tưởng vô hạn của người anh hùng sử thi. Hình ảnh người anh hùng ấy vẫn mãi mãi sống trong lòng người Ê đê, tồn tại mãi mãi trong những nét văn hoá lâu đời.
Truyện Sử thi về chàng Đăm Săn đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống của người Ê đê. Trật tự mẫu quyền của dân tộc được thể hiện vô cùng sâu sắc qua những chi tiết của truyện, Đăm Săn không thể nào cầu hôn được nữ thần mặt trời chính là vì lí do ấy, những bản sắc văn hoá được in sâu vào trong tác phẩm nghệ thuật. Người anh hùng ấy khát vọng về tình yêu, hạnh phúc, muốn chinh phục được nữ thần mặt trời để giúp đỡ cho người dân ở buôn làng, nhờ vào quyền năng của nàng có thể đem lại cho mọi người một cuộc sống tốt hơn nhưng tiếc thay chàng đã thất bại. Nhưng đó không phải là một sự thất bại hoàn toàn, tiếng thơm muôn đời của chàng Đăm Săn vì muốn đem lại hạnh phúc cho muôn dân mà hy sinh cuộc đời mình mãi mãi in sâu vào trong tâm trí của cộng đồng dân tộc, từ hình ảnh ấy là những bài học vô cùng quý giá về lí tưởng trong cuộc sống. Sống một cuộc đời giống như Đăm Săn không bao giờ lãng phí, đó là một cuộc đời mà nhiều người mơ ước, được vùng vẫy trong lí tưởng cao đẹp, được là người anh hùng của mọi người, mãi mãi về sau.
Truyện Đăm Săn đi chinh phục nữ thần mặt trời không chỉ có những ý nghĩa hay về nội dung mà những đặc sắc về nghệ thuật cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết để tạo nên một câu chuyện ý nghĩa như vậy. Nhân vật Đăm Săn được lí tưởng hoá, thần thánh hoá với những yếu tố kì ảo và sức mạnh phi thường đã thể hiện được những lí tưởng cao đẹp của một bậc anh hùng tượng trưng cho xã hội. Ngôn ngữ đối thoại của Đăm Săn và Nữ thần vô cùng chặt chẽ, linh hoạt, thể hiện được đầy đủ tính cách qua từng lời nói của nhân vật, chính vì vậy sử thi Đăm Săn trở nên vô cùng gần gũi với bạn đọc. Các yếu tố phiêu lưu, trải nghiệm trong chuyện cũng đã góp phần làm nên thành công, không chỉ là những bài học khô khan nhạt nhẽo, những điều nhân văn được thể hiện một cách kém hấp dẫn, câu chuyện lôi cuốn người đọc bằng những yếu tố hết sức màu sắc Sử thi, hết sức nghệ thuật và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc người Ê đê.
Sử thi Đăm Săn đã mở ra trong cảm xúc của người đọc những điều tuyệt vời về cuộc đời của một người anh hùng dân tộc, một người anh hùng của thời đại. Lí tưởng trong người chàng là những thứ cao đẹp và đầy tính nhân văn, nó không chỉ góp phần thể hiện một đời sống phong phú dân tộc mà còn mang ý nghĩa giáo dục, thẩm mỹ vô cùng sâu sắc. Không đơn thuần là một người anh hùng bước ra từ những trang sử thi với những yếu tố kì ảo mà còn là một tượng đài kì vĩ về những điều tuyệt vời trong đời sống, người anh hùng văn hoá tạo dựng những nét đẹp phi thường cho cộng đồng, dân tộc.
Phân tích đánh giá truyện Chữ người tử tù
Dàn ý phân tích Chữ người tử tù
1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về Nguyễn Tuân: là một nhà văn vô cùng tài hoa, uyên bác.
– Giới thiệu chung về tác phẩm “Chữ người tử tù”.
2. Thân bài:
Ý 1: Tình huống truyện đặc biệt
– Huấn Cao – một tử tù và viên quản ngục tình cờ gặp nhau và trở thành tri âm tri kỉ trong một hoàn cảnh đặc biệt: nhà lao nơi quản ngục làm việc.
– Tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục đồng thời thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm: ca ngợi cái đẹp, cái thiện có thể chiến thắng cái xấu cái ác ngay ở nơi bóng tối bao trùm, nơi cái ác ngự trị.
Ý 2: Vẻ đẹp các nhân vật
* Nhân vật Huấn Cao
– Huấn Cao được lấy nguyên mẫu từ Cao Bá Quát – một con người lỗi lạc thời trung đại.
– Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa:
- Là người có “tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp”. Hơn thế mỗi con chữ của Huấn Cao còn chứa đựng khát vọng, hoài bão tung hoành cả đời người.
- “Có được chữ ông Huấn là có được báu vật ở đời”.
⇒ Ca ngợi nét tài hoa của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình: kính trọng những con người tài hoa tài tử, trân trọng nghệ thuật thư pháp cổ truyền của dân tộc
– Là anh hùng có khí phách hiên ngang
- Thể hiện rõ nét qua các hành động: dỗ gông, thảm nhiên nhận rượu thịt
- Trong mọi hoàn cảnh khí phách hiên ngang ấy vẫn không thay đổi
– Là người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao cả
– Quan niệm cho chữ: trừ chỗ tri kỉ ngoài ra không vì vàng bạc châu báu mà cho chữ
+ Đối với quản ngục:
- Khi chưa hiểu tấm lòng quản ngục Huấn Cao cho hắn là kẻ tiểu nhân tỏ ra khinh biệt ” Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn từ có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa”.
- Khi nhận ra tấm lòng quản ngục Huấn Cao không những cho chữ mà còn coi quản ngục là tri âm tri kỉ.
⇒ Huấn Cao là hình tượng của vẻ đẹp uy nghi giữa tài và tâm của người nghệ sĩ, của bậc anh hùng tuy thất thế nhưng vẫn hiên ngang.
* Nhân vật quản ngục
– Một tấm lòng biệt nhỡn liên tài.
– Có sở thích cao quý: chơi chữ.
Ý 3: Cảnh cho chữ – “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có”
– Không gian: ngục tối ẩm ướt, bẩn thỉu.
– Thời gian: đêm khuya.
– Dấu hiệu:
- Người cho chữ là tử tù, người xin chữ là quản ngục
- Người cho chữ mất tự do cổ đeo gông chân vướng xiềng nhưng vẫn hiên ngang, chủ động trong khi quản ngục – người xin chữ khúm núm, bị động.
- Tử tù lại là người khuyên quản ngục.
– Sự hoán đổi ngôi vị:
- Ý nghĩa lời khuyên của Huấn Cao: cái đẹp có thể sản sinh ở nơi đất chết, nơi tội ác ngự trị nhưng không thể sống chung với cái xấu cái ác. Người ta chỉ xứng đáng được thưởng thức cái đẹp khi giữ được thiên lương.
- Tác dụng: cảm hóa con người.
⇒ Điều lạ lùng ở đây không chỉ là thú chơi chữ tao nhã, thanh cao được thể hiện ở nơi tối tăm bẩn thỉu, người trổ tài là kẻ tử tù mà đặc biệt hơn là trong chốn lao tù tối tăm ấy cảnh cho chữ là sự thăng hoa của cái tài, cái đẹp, người tử tù sắp chết lại cảm hóa được viên quản ngục. Chính những điều này đã tạo nên hào quang rực rỡ, bất tử cho hình tượng Huấn Cao.
3. Kết bài:
– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:
- Nội dung: Khắc họa thành công nhân vật Huấn Cao, người nghệ sĩ tài hoa tài tử có thiên lương trong sáng, tiêu biểu cho kiểu người chỉ còn vang bóng trong thời kì trước cách mạng. Qua đó, ta thấy được quan niệm thẩm mĩ của nhà văn Nguyễn Tuân.
- Đặc sắc nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện độc đáo với màu sắc, không khí cổ xưa; thủ pháp đối lập được đẩy lên đến đỉnh cao; sử dụng ngôn ngữ góc cạnh, giàu tính tạo hình.
– Cảm nhận chung của em về giá trị tác phẩm.
Phân tích Chữ người tử tù
Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, ông có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng ông thoát li hiện thực, tìm về một thời vang bóng, tập “Vang bóng một thời” chính là tập truyện tiêu biểu nhất cho phong cách của ông trước cách mạng. Trong đó ta không thể không nhắc đến “Chữ người tử tù” với niềm trân trọng thú viết chữ tao nhã truyền thống.
“Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940, tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tên “Dòng chữ cuối cùng”, sau in thành sách đổi thành “Chữ người tử tù”. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài, khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.
Tác phẩm có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ, chúng diễn ra trong hoàn cảnh nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao kẻ tử từ, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện đầy độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.
Nổi bật trong tác phẩm chính là Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ai khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của ông còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường mà đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm.
Không chỉ tài năng, vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. “Khoảnh” ở đây có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi ông ý thức được giá trị của tài năng, luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời ông, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương ấy còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của Huấn Cao với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.
Ở Huấn Cao ta còn thấy được trong ông vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản, đối đầu với triều đình. Khi bị bắt ông vẫn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.
Và đẹp đẽ nhất là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không để tâm đến mọi điều xung quanh chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng của quản ngục, trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.
Viên quản ngục là người có số phận bi kịch. Ông vốn có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải sống trong tù – môi trường chỉ có tàn nhẫn, lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông tự nhận thức về ki kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối, nhầm nghề. Nhưng dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn: bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ kẻ tử tù – Huấn Cao, chắc chắn sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa Huấn Cao vốn “khoảnh” không phải ai cũng cho chữ.
Trong những ngày cuối cùng của ông Huấn, quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông trân trọng, ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người, ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần hiện ra…, viên quản ngục khúm lúm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Tác phẩm đã sáng tạo tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của tác phẩm. Bút pháp đối lập tương phản vận dụng thành thục, tài hoa.
Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống đắc sắc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Xem thêm: Phân tích Chữ người tử tù
Phân tích đánh giá truyện Thần Trụ Trời
Dàn ý phân tích truyện Thần Trụ trời
I. Mở bài:
– Giới thiệu về truyện kể: Truyện “Thần Trụ trời” thuộc nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, muôn loài hay còn gọi là thần thoại suy nguyên được tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm.
– Trình bày khái quát nội dung cần phân tích, đánh giá: Chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện “Thần Trụ trời”.
II. Thân bài:
1. Giới thiệu chủ đề của truyện kể và ý nghĩa của chủ đề:
– Truyện “Thần Trụ trời” đã giải thích quá trình tạo lập thế giới: phân chia trời, đất và nguồn gốc hình thành các dạng địa hình như núi, đảo,… một cách sáng tạo qua các yếu tố kì ảo.
2. Phân tích, đánh giá các khía cạnh trong chủ đề của truyện kể:
* Phân tích
– Giải thích quá trình tạo lập thế giới:
- Giải thích sự phân chia trời, đất thông qua sự kiện thần Trụ trời xây cột đá chống trời.
- Sự hình thành các dạng địa hình khác nhau: thần lại phá cột đi, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi…”.
* Đánh giá:
Truyện “Thần Trụ trời” đã cho thấy khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của con người trong buổi đầu sơ khai.
3. Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể:
– Truyện đã xây dựng nhân vật Thần Trụ trời – vị thần sức mạnh siêu nhiên, thực hiện công việc phân chia trời và đất, tạo nên các dạng địa hình khác nhau.
– Thủ pháp cường điệu, phóng đại kết hợp với các chi tiết hư cấu tạo nên một câu chuyện đầy sức hấp dẫn và thuyết phục đối với người đọc.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể.
– Nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
Phân tích truyện Thần Trụ trời
Truyện “Thần Trụ trời” thuộc nhóm thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, muôn loài hay còn gọi là thần thoại suy nguyên được tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm. Truyện được coi là tác phẩm có nét đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật.
“Thần Trụ trời” kể về thần Thần Trụ trời với sức mạnh phi thường đã phân chia bầu trời và mặt đất, dùng đất đá tạo nên núi, đảo,.. Qua đó, câu chuyện đã giải thích nguồn gốc của sự hình thành các sự vật trong tự nhiên một cách sáng tạo.
Mở đầu câu chuyện, tác giả dân gian mở ra không gian vũ trụ hoang sơ “một vùng hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo” và thời gian chưa được xác định rõ ràng “Chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người”. Trong khoảnh khắc tối tăm mù mịt ấy, Thần Trụ trời đã xuất hiện với thân hình khổng lồ “Chân thần dài không thể tả xiết”. Mỗi bước chân của thần “có thể qua từ vùng này đến vùng nọ, hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác”. Nhờ sức mạnh phi thường ấy, thần đã tự mình đào đất, đập đá, tạo nên cái cột đá cao và to để chống trời. Cột càng đắp cao, tấm trời lại càng thêm rộng mở. Chẳng bao lâu sau, thần Trụ trời đã đẩy vòm trời lên phía mây xanh, khoảng cách giữa đất trời được phân chia rõ ràng. Sau khi trụ trời xong, thần lại phá cột đá và dùng đất đá ném ra mọi nơi, tạo thành hòn núi, dải đồi cao,… Mượn các hình ảnh thiên nhiên, tác giả dân gian đã giải thích quá trình tạo lập thế giới một cách sáng tạo. Từ đây, chủ đề của truyện trở nên gần gũi và hấp dẫn với bạn đọc.
Chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm văn học luôn song hành và bổ sung cho nhau. Truyện “Thần Trụ trời” cũng vậy, những sáng tạo hình thức nghệ thuật về cốt truyện, nhân vật đã đóng góp vào thành công trong việc làm nổi bật chủ đề truyện. Là truyện thần thoại, cốt truyện “Thần Trụ trời” được xây dựng hết sức đơn giản và gần gũi, xoay quanh việc thần Trụ trời làm công việc phân chia đất, trời và tạo nên những dạng địa hình tự nhiên khác nhau. Dựa vào trí tưởng tượng của con người cùng những yếu tố kì ảo, truyện đã giải thích quá trình tạo lập vũ trụ và thế giới tự nhiên. Qua đó, ta cũng thấy được khát khao tìm hiểu và khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Đặc sắc nghệ thuật còn được thể hiện trong việc xây dựng nhân vật kết hợp sử dụng thủ pháp cường điệu, phóng đại kết hợp với các chi tiết hư cấu. Hình ảnh Thần Trụ trời có kích thước “khổng lồ” với những bước chân rộng lớn, sở hữu sức mạnh phi thường, đã giúp cho người đọc hình dung rõ ràng, sắc nét về một vị thần trong thần thoại.
“Thần Trụ trời” với những đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật đã mang đến cho bạn đọc câu chuyện thú vị lí giải về nguồn gốc các sự vật trong tự nhiên. Đồng thời truyện cũng phản ánh mong muốn, khát khao được tìm tòi, khám phá của con người trong buổi đầu sơ khai. Mong rằng tác phẩm sẽ mãi để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc yêu thích văn học dân gian của dân tộc.
Phân tích truyện Tản Viên từ Phán sự lục
Dàn ý phân tích Tản Viên từ Phán sự lục
I. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và tập Truyền kì mạn lục: Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỉ XVI. Truyền kì mạn lục là tác phẩm xuất sắc của ông ghi chép những chuyện li kì trong nhân gian.
– Giới thiệu về tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”: Là một trong 20 truyện của tập truyền kì mạn lục kể về câu chuyện chức quan coi việc xử án ở đền Tản Viên.
II. Thân bài
1. Giới thiệu nhân vật Ngô Tử Văn.
– Tên: Ngô Tử Văn tên Soạn
– Quê quán: Huyện Yên Dũng đất Lạng Giang
– Tính tình: Khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không chịu được
→Cách giới thiệu trực tiếp ngắn gọn mang tính khẳng định gây chú ý người đọc
→Giọng điệu ngợi ca định hướng cách nhìn nhận cho người đọc về những hành động tiếp theo của nhân vật
2. Cuộc đấu tranh ở trên trần gian của Ngô Tử Văn.
a. Hành động đốt đền
– Nguyên nhân đốt đền: Tức giận trước sự hống hách, lộng hành làm hại dân chúng của hồn ma tên tướng giặc
– Hành động:
+ Tắm gội chay sạch, khấn trời
→Đốt đền là hành động có chủ đích, cẩn trọng, không phải hành động bộc phát
+ Châm lửa đốt đền, vung tay không sợ gì cả mặc cho mọi người lắc đầu lè lưỡi
→Hành động công khai đầy dũng cảm, quyết liệt.
⇒ Thể hiện sự khẳng khái, chính trực, kiên cường, dũng cảm của trí thức Việt
⇒ Thể hiện ý thức dân tộc mạnh mẽ qua việc diệt trừ hồn ma tên tướng giặc.
b. Cuộc gặp gỡ của Ngô Tử Văn và bách hộ họ Thôi
– Sau khi đốt đền, Tử Văn trở về bị “sốt nóng sốt rét”.
– Hình ảnh hồn ma tướng giặc:
+ Diện mạo khôi ngô, cao lớn, đầu đội mũ trụ
+ Lời nói: Mắng mỏ đe dọa, bắt Ngô Tử Văn lập lại đền.
→Đây là một kẻ xảo trá, tham lam, hung ác
– Thái độ của Ngô Tử văn: Ung dung, mặc kệ vẫn ngôi ngất ngưởng, tự nhiên
→Thái độ của con người tự tin vào việc làm chính nghĩa.
c. Cuộc gặp gỡ của Ngô Tử Văn với thổ công
– Thổ công: Kể lại toàn bộ sự việc mình bị hại để Tử Văn thấy được sự xảo trá tác oai tác quái của tên tướng giặc, lo lắng cho Tử Văn
→Thổ công biết sự tồn tại của cái xấu nhưng cam chịu và chấp nhận, không dám đấu tranh để đòi lại công lí
– Thổ công bày cách để Ngô Tử Văn đối phó với tên hung thần và đối chất với Diêm Vương
→Tạo ra sự phát triển logic cho câu chuyện.
→Tử Văn không còn chiến đấu đơn độc mà đã có sự hỗ trợ của thổ công.
3. Cuộc đấu tranh giành lại công lí ở Minh Ti.
a. Chặng 1: Tử Văn đối đầu với những thử thách
– Tên bách hộ họ Thôi: Tỏ vẻ khép nép, đáng thương, để kêu oan
– Diêm Vương: Nghe theo lời tố cáo của tên tướng giặc, trách mắng, phán Tử Văn ngoan cố, bướng bỉnh
– Thái độ của Tử Văn:
+ Điềm nhiên, không kinh hãi trước cảnh Minh ti rùng rợn
+ Một mực kêu oan, điềm tĩnh, cứng cỏi trước uy quyền của Diêm Vương và sự xảo trá giả tạo của tên tướng giặc
b. Chặng 2: Tử Văn vạch trần tội ác của tên tướng giặc
– Khi tranh cãi, biết mình yếu thế, tên bách hộ Thôi sợ hãi, tỏ vẻ giả nhân giả nghĩa xin giảm án cho Tử Văn.
– Tử Văn không chịu bỏ cuộc, xin Diêm Vương cho người xuống tản Viên chứng thực
– Diêm Vương: Chứng thức và tin lời Ngô Tử Văn, xử cho Tử Văn thắng kiện.
→Cuộc đấu tranh đã bộc lộ khí phách, sự thông minh, cam đảm, quyết liệt của Ngô Tử Văn trên hành trình đòi lại công lí
→Làm rõ bộ mặt giả nhân giả nghĩa, xảo trá, giả tạo của hồn ma tên tướng giặc.
→Kết quả của cuộc chiến cho thấy ước mơ về sự công bằng của nhân dân.
4. Ngô Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên
– Là phẩn thưởng cho sự khẳng khái, cương trực và dũng cảm của Ngô Tử Văn.
– Diệt trừ tận gốc cái ác, lấy lại danh dự cho thổ công, làm sáng tỏ nỗi oan khuất cho Ngô Tử Văn
– Gửi gắm khát vọng của nhân dân về một vị quan chính trực, thanh liêm.
– Cuộc gặp gỡ giữa quan phán sự và người quen cũ: Thể hiện niềm tin về một vị quan tốt, giúp nước, giúp dân.
5. Ý nghĩa, bài học
a. Ý nghĩa của truyện
– Thể hiện niềm tin vào công lí, ước mơ về một xã hội công bằng ở hiền gặp lành, ác giả ác báo
– Phản ánh hiện tượng oan trái, bất công của xã hội đương thời
– Phê phán thói tham nhũng, lộng quyền của quan lại đương thời
– Phê phán sự hèn nhát không dám đứng lên đấu tranh bảo vệ lẽ phải của một bộ phận quan lại và nhân dân
b. Bài học
– Cần dũng cảm đứng lên đấu tranh bảo vệ công lí và lẽ phải.
– Có niềm tin vào lẽ phải: Thiện thắng ác
6. Đặc sắc nghệ thuật
– Sự kết hợp giữa bút pháp thực và ảo, mượn truyện kì ảo để nói chuyện thực ở đời vì thế nó mang giá trị thời đại
– Cốt truyện kịch tính, hấp dẫn với kết cấu logic có mở đầu, thắt nút, cao trào, mở nút
– Lựa chọn tình tiết li kì, lôi cuốn
– Xây dựng tính cách nhân vật qua lời nói và hành động
III. Kết bài
– Khái quát lại nội dung và nghệ thuật của truyện “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”
– Trình bày suy nghĩ của bản thân về tác phẩm: Đem lại sự thích thú cho người đọc bởi người tốt đã được đền đáp xứng đáng, kẻ ác bị trừng trị
Phân tích Tản Viên từ Phán sự lục
“Truyền kì mạn lục” là tác phẩm tạo nên tên tuổi của Nguyễn Dữ trong nền văn học Việt Nam mà cụ thể hơn là văn học thời kì trung đại.Tác phẩm này ra đời vào khoảng thời gian nửa đầu thế kỉ XVI, bao gồm 20 truyện được viết bằng chữ Hán.Một trong những truyện tiêu biểu của “Truyền kì mạn lục” là “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”.
Truyền kì là “một thể văn xuôi tự sự thời trung đại phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, hoang đường.Trong truyện truyền kì, thế giới con người và thế giới cõi âm với những thánh thần, ma quỷ có sự tương giao”.Đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với người đọc bao thế hệ.Ẩn đằng sau những chi tiết hoang đường ấy là những vấn đề then chốt của hiện thực, những quan niệm, tư tưởng và thái độ của tác giả.”Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” kể về việc kẻ sĩ Ngô Tử Văn đốt đền của viên Bách hộ họ Thôi đã tử trận làm yêu làm quái, gây hại cho dân lành.Hắn đe dọa và kiện Tử Văn ở Minh ti. Được Thổ công mách bảo cách đối phó với tên hung thần ấy nên khi bị giải đi xuống âm phủ Ngô Tử Văn đã vạch trần những tội ác mà hồn viên Bách hộ gây ra. Kẻ ác bị trừng phạt, Ngô Tử Văn được sống lại.Nhờ sự tiến cử của Thổ công mà chàng được nhận một chức phán sự ở đền Tản Viên.Sau đó, Tử Văn “thu xếp việc nhà rồi không bệnh mà mất”.
Nhân vật Ngô Tử Văn được Nguyễn Dữ giới thiệu một cách trực tiếp bằng những lời văn ngắn gọn: “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”.Đó cũng là những lời văn thể hiện thái độ ngợi khen về tính cách, phẩm chất con người Ngô Tử Văn của tác giả.Tức giận vì không thể chịu được sự gian tà nên chàng đã đốt đền của viên Bách hộ họ Thôi đã tử trận “làm yêu làm quái trong dân gian”.Trước khi thực hiện hành động này, Tử Văn đã “tắm gội sạch sẽ, khấn trời” rồi châm lửa đốt. Trong khi tất cả mọi người xung quanh đều lo sợ thay cho chàng thì chàng “vẫn vung tay không cần gì cả”, không mảy may suy nghĩ đến hậu quả khôn lường. Hành động đốt đền của Tử Văn đã thể hiện sự quyết liệt, dũng cảm, ngay thẳng, chính trực của một kẻ sĩ trong xã hội.Chàng tiêu diệt cái ác vì muốn mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Ngỡ tưởng chỉ cần đốt đền là mọi việc xong xuôi nhưng Ngô Tử Văn “thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét”. Chàng thấy hồn ma tướng giặc đến đòi lại đền và nói những lời đe dọa: “Biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì, vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ”.Trước những lời đe dọa ấy, Tử Văn không chút run sợ, “ngồi ngất ngưởng tự nhiên” bởi đấu tranh cho cái thiện chưa bao giờ là việc làm sai trái. Hồn ma viên Bách hộ họ Thôi có ngoại hình cao lớn, khôi ngô, trên đầu đội mũ trụ, nói những lời đạo lý nhưng thực chất lại là một kẻ hung ác, gian xảo. Khi sống, hắn theo Mộc Thạnh sang “lấn cướp” nước ta, đến khi chết đi trở thành hồn ma thì hắn lại chiếm đền của Thổ công làm nơi trú ngụ cho mình. Những lời đạo lí giả dối không thể che giấu đi bản chất xảo trá, bạo tàn của hắn.Ngô Tử Văn tin rằng hành động của mình là đúng, là việc chính nghĩa nên làm để bảo vệ cuộc sống của nhân dân nước Việt.
Nhờ có cuộc gặp gỡ với Thổ công mà Tử Văn thấy rõ được những hành động “hung yêu tác quái”, quấy rầy hại dân của hồn ma tướng giặc. Thổ công bày cách giúp Tử Văn “khỏi phải chết một cách oan uổng” khi bị hồn ma kiện ở dưới chốn Minh ti.Chàng bị hai tên quỷ sứ bắt xuống dưới âm phủ. Đó là một không gian đáng sợ đến mức ghê rợn: “gió tanh sông xám, hơi lạnh thấu xương”, “mấy vạn quỷ Dạ Xoa đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác”,…Cảnh tượng ấy không làm cho Tử Văn khiếp sợ, chàng rất cứng cỏi, “không chịu nhún nhường” trước những lời buộc tội của hồn ma tướng giặc. Cuộc cãi cọ của Tử Văn và hồn ma tướng giặc mãi chưa phân phải trái nên Tử Văn đã xin Diêm Vương “đem tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi” để xác nhận sự thật, phân xử cho công bằng. Thấy vậy, người đội mũ trụ đã có những lời nói đỡ cho Tử Văn: “Gã kia một kẻ học trò,thật là ngu bướng,quả đáng tội lắm. Nhưng đã trách mắng như vậy, cũng đủ răn đe rồi. Xin đại vương khoan dung tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi. Chẳng cần đòi hỏi dây dưa.Nếu thẳng tay trị tội nó, sợ hại đến cái đức hiếu sinh”.Thoạt đầu người đọc ngỡ tưởng đó là lòng tốt của hồn ma tướng giặc nhưng thực chất đó chỉ là cách mà hắn tự bao biện, bênh vực cho chính mình.
Sau khi Diêm Vương sai người đi chứng thực, sự thật được làm sáng tỏ, tướng giặc bị “lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng”, bỏ vào ngục Cửu U. Ngôi mộ của tên tướng giặc “tự dưng thấy bị bật tung lên, hài cốt tan tành ra như cám vậy”. Đó là sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ làm điều phi nghĩa, gian tà. Tử Văn về nhà mới biết mình đã chết được hai ngày, một tháng sau đó, chàng nhận chức phán sự ở đền Tản Viên do Thổ công tiến cử rồi “không bệnh mà mất”.
“Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bởi các chi tiết kì ảo, có sự đan xen các câu chuyện về con người, ma quỷ, chuyện trần gian, địa ngục, chuyện chết đi và sống lại của Ngô Tử Văn,…Chi tiết Diêm Vương xử kiện ở dưới âm phủ đã thể hiện niềm tin của con người vào công lí xã hội. Nếu trên cõi trần gian cái ác có thể hoành hành, không bị trừng trị thì xuống dưới âm phủ mọi tội ác đều bị trừng trị thích đáng. Chi tiết này đã đẩy xung đột truyện lên cao trào để Ngô Tử Văn có cơ hội bộc lộ sự cương trực và bản lĩnh của mình. Đồng thời cũng có ý nghĩa giáo dục ý thức sống và hành động của con người, con người hãy sống hướng thiện, làm theo lẽ phải bởi “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”.
“Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ đã ngợi ca sự cương trực, khảng khái và bản lĩnh chống lại cái ác, bảo vệ lẽ phải của Ngô Tử Văn. Chàng là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp trí thức của nước ta lúc bấy giờ dũng cảm đấu tranh với cái ác. Bên cạnh đó, truyện cũng thể hiện niềm tin tưởng của tác giả Nguyễn Dữ vào công lí và chính nghĩa trong xã hội. Đó là lí do mà “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện (Dàn ý + 4 Mẫu) Những bài văn hay lớp 10 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.