Hội nghị quốc tế về Quản lý tài sản kỹ thuật (WCEAM) là dự án nòng cốt của ISEAM. Chủ đề của sự kiện lần này là “Công nghiệp 4.0, Chuyển đổi số, Xã hội 5.0 và các chủ đề khác”.
Ban tổ chức đã chọn TP HCM, trung tâm tài chính – kinh tế lớn nhất cả nước, làm địa điểm tổ chức Hội nghị quốc tế về Quản lý tài sản kỹ thuật 17. Bởi lẽ, Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố tiềm năng để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và hình thành doanh nghiệp mạnh về công nghệ số.
Cụ thể, với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, Việt Nam là thị trường tiềm năng để phát triển công nghệ số trên tất cả các lĩnh vực. Theo báo cáo thường niên về chuyển đổi số doanh nghiệp do Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào ngày 16/2, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phân bổ ngân sách cụ thể cho hoạt động này. Báo cáo nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố, Việt Nam ghi nhận thành tích phát triển kinh tế số kỷ lục. Tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đạt mức 7,18%.
Bên cạnh đó, theo báo cáo “e-Conomy SEA 2022” do Google, Temasek và Bain & Company đưa ra vào tháng 10/2022, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 31% tổng giá trị hàng hóa (GMV), từ 23 tỷ USD vào năm 2022 lên 49 tỷ USD vào năm 2025. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Giáo sư Brett Kirk – Trưởng ban tổ chức, Trưởng khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, RMIT Việt Nam – cho biết, quản lý tài sản kỹ thuật là lĩnh vực giúp doanh nghiệp dùng công nghệ đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu. Lĩnh vực này là khởi nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống SMART và chuyển đổi số.
WCEAM sẽ tập hợp kiến thức học thuật, chính sách và chuyên môn trong các ngành nghề từ nhiều nền kinh tế; khu vực địa lý, công và tư. Dự kiến, sự kiện có hơn 250 đại biểu trên thế giới tham gia.
“Đây là sự kiện kết nối doanh nghiệp trong ngành với giới học thuật để trao đổi kiến thức và chuyên môn, tạo nên tác động cho cộng đồng, hỗ trợ sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế công nghiệp Việt Nam”, ông nói thêm.
Theo đó, qua các hoạt động, cuộc họp thường niên và sự kiện của WCEAM, người làm công tác giáo dục, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nghiên cứu viên và chuyên gia đào tạo sẽ thảo luận về cách làm thế nào khai thác công nghệ từ công nghiệp 4.0, quản lý tài sản kỹ thuật bền vững theo cách phù hợp với lý tưởng của xã hội 5.0. Đồng thời, họ có thể tham gia thảo luận sâu về sự phát triển, tiến bộ của cả mảng kiến thức và thực hành lĩnh vực này.
Ngoài ra, các diễn giả sẽ chia sẻ kiến thức hiện đại nhất trong nghiên cứu và ứng dụng khung quản lý tiên tiến, công cụ phân tích và công nghệ quản lý tài sản kỹ thuật trong mọi lĩnh vực. Trong đó, năng lượng, dầu và khí đốt, nước, giao thông, xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, quốc phòng, y tế và cơ sở hạ tầng cộng đồng… là những nội dung trọng tâm.
Các nghiên cứu và phân tích ví dụ chất lượng nhất được lựa chọn, thẩm định, chấp thuận và trình bày tại WCEAM lần thứ 17. Sau đó, ban tổ chức sẽ công bố những tài liệu này trên kỷ yếu khoa học điện tử của Springer với tiêu đề “Kỷ yếu Hội nghị quốc tế về Quản lý tài sản kỹ thuật lần thứ 17”.
Chuỗi ấn phẩm điện tử Springer do Scopus lập chỉ mục và được đánh giá để đưa vào EI Compendex. Những kỷ yếu trước đây hiện có sẵn trên trang web Springerlink. Hạn cuối nộp bản tóm lược nghiên cứu là ngày 7/4. Người nộp trước hạn này có thể đăng báo cáo đầy đủ trước ngày 24/5.
Nhật Lệ
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/viet-nam-dang-cai-hoi-nghi-quoc-te-quan-ly-tai-san-ky-thuat-4583754.html