Viết bài văn kể lại một câu chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 4 rèn kỹ năng kể chuyện đã đọc hoặc đã nghe thật tốt.
Mỗi câu chuyện là bài học quý giá, sâu sắc cho các em noi theo, hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. Với 2 bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em dễ dàng trả lời câu hỏi tiết Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 6, 7 – SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Kết nối tri thức trang 75.
Đề 2:Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người.
Kể câu chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người – Mẫu 1
Người Việt Nam ta từ xưa đã nổi tiếng thông minh, sáng tạo. Vì vậy, trong dân gian lưu truyền rất nhiều những câu chuyện hay về trí tuệ của con người. Trong đó, em đặc biệt ấn tượng với câu chuyện Em bé thông minh.
Câu chuyện kể về một cậu bé tuy còn nhỏ, lại chưa đến trường hay học qua lớp học nào, nhưng lại có trí tuệ và sự hiểu biết vượt qua người thường. Trí thông minh của cậu bé được thể hiện qua những thử thách mà cậu gặp được và cách giải quyết nó. Thử thách đầu tiên của cậu là câu đố của viên quan tình cờ đi ngang qua làng. Ông ta theo lệnh nhà vua, cưỡi ngựa đi khắp cả nước để tìm người tài. Khi đi qua làng của cậu bé, thấy một đứa trẻ trông có vẻ nhanh nhẹn, nên đã dừng lại để thử tài. Viên quan đưa ra một câu đố rất hóc búa, rằng tính xem một ngày ngựa của ông ta đi được bao nhiêu bước. Nhưng thật bất ngờ, câu bé lập tức hỏi ngược lại viên quan: Nếu ông ấy tính được một ngày trâu của cha cậu cày bao nhiêu đường, thì cậu sẽ nói cho ông ấy biết số bước đi của chú ngựa. Nghe vậy, viên quan liền nhận ra cậu bé này rất thông minh, nên vội vàng trở về kinh thành báo cáo với nhà vua.
Nghe chuyện, nhà vua vẫn chưa tin về tài năng của cậu bé, nên đã nghĩ ra thêm một thử thách cho cậu. Ông ban cho làng cậu ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, yêu cầu làng sau một năm phải làm cho trâu sinh ra trâu con rồi nộp cho nhà vua, nếu không sẽ bị trị tội. Điều này làm cho cả làng sợ hãi và bất lực vô cùng. Nhưng cậu bé thì lại rất bình tĩnh. Cậu nói với dân làng hãy giết thịt hai con trâu, đồ xôi bằng hai thúng gạo nếp để mở tiệc. Phần còn lại thì bán lấy tiền làm lộ phí cho cha con cậu lên kinh gặp nhà vua. Khi đến nơi, cậu đứng trước cửa cung vua, gào khóc ầm ĩ, khiến nhà vua rất khó hiệu, bèn gọi cậu vào diện kiến. Trước mặt nhà vua, cậu bé khóc lóc đòi nhà vua bắt cha phải sinh em bé để chơi cùng với mình. Tuy nhiên, mẹ cậu đã mất từ lâu, mà cha cậu lại là đàn ông, làm sao mà sinh được? Khi nhà vua giải thích cho cậu bé hiểu điều đó, thì cậu liền nhân cơ hội mà hỏi ngược lại ông rằng: Tại sao lại yêu cầu làng cậu nuôi cho ba con trâu đực sinh ra nghé con chứ? Vì điều đó cũng vô lý như ép cha cậu sinh em bé mà thôi. Điều này khiến nhà vua hiểu ra, đứa trẻ trước mặt chính là người tài mà mình đang thử thách. Thế là, ông liền ra lệnh đưa cha con cậu bé vào cung vua để tiện hỏi chuyện. Để chắc chắn hơn, ông đã thử tài cậu bé thêm lần nữa. Bằng cách yêu cầu cậu làm thịt con chim sẻ nhỏ thành một mâm cỗ thịnh soạn. Người hầu vừa truyền chỉ, cậu bé đã lấy ngay từ trong túi một cái kim khâu, đưa cho anh ta, và nói rằng hãy nhờ nhà vua mài cây kim đó thành chiếc dao sắc để làm thịt chim sẻ. Lần này thì nhà vua thật sự thán phục tài trí của cậu bé rồi.
Mấy hôm sau, nước ta tiếp đón đoàn sứ thần nước bên sang thăm. Họ đem sang một câu đố rất khó, để kiểm tra xem nước ta có người tài hay không. Vì vậy, cả triều đình vô cùng căng thẳng. Từ các quan lớn đến học sinh trong trường đều không ai tìm ra cách nào xâu sợi chỉ qua thịt ốc mà vẫn còn nguyên mình ốc cả. Đúng lúc đang bối rối, nhà vua nhớ ra cậu bé thông minh nọ đang ở trong cung, nên đã sai lính đến hỏi cậu bé. Câu đố khó đến vậy, mà vừa nghe, cậu bé đã giải được ngay, thậm chí còn hát thành một bài ca dao nữa chứ. Sau sự kiện đó, cả triều đình đều khâm phục tài trí của cậu bé. Nhà vua thì phong cậu làm trạng nguyên, và xây dinh thự cạnh cung vua để tiện hỏi thăm việc nước.
Câu chuyện Em bé thông minh được sáng tác để ngợi ca và khẳng định sức mạnh của trí tuệ dân gian trước trí tuệ cung đình. Từ đó, giúp chúng ta hiểu được rằng, kiến thức có thể có ở mọi nơi, không chỉ có ở trong sách vở. Vì vậy, cùng với học ở lớp, chúng ta cần học ở cuộc sống xung quanh mình.
Kể câu chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người – Mẫu 2
Câu chuyện về trí thông minh, khả năng tìm tòi, và sáng tạo của con người luôn là nguồn cảm hứng tuyệt vời, tiếp thêm cho ta động lực học để phấn đấu học tập. Trong đó em thích nhất là câu chuyện Nhà phát minh 6 tuổi.
Ma-ri-a sinh ra trong một gia đình sáu đời có người là giáo sư đại học. Cô bé rất thích quan sát. Hồi cô 6 tuổi, có lần, gia đình tổ chức bữa tiệc. Cô bé nhận thấy một điều lạ: Mỗi lần gia nhân bưng trà lên, tách đựng trà thoạt đầu trượt trong đĩa. Nhưng khi nước trà rót ra đĩa thì những tách trà kia bỗng nhiên dừng chuyển động, cứ như bị cái gì đó ngăn lại. Ma-ri-a nghĩ mãi mà vẫn không hiểu vì sao. Thế là cô lặng lẽ rời khỏi phòng khách.
Cô bé vào bếp, lấy một bộ đồ trà ra và tự mình làm đi làm lại thí nghiệm. Cuối cùng cô cũng hiểu ra: Khi giữa tách trà và đĩa có một chút nước thì tách trà sẽ đứng yên. Lúc ấy, Ma-ri-a chợt thấy cha đang vào bếp. Cô liền nói với cha phát hiện của mình. Cha cô hết sức vui mừng. Ông nâng bổng cô con gái nhỏ lên vai, đi thẳng ra phòng khách, hân hoan nói: “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!”.
Về sau, Ma-ri-a trở thành giáo sư nhiều trường đại học danh tiếng của Mỹ. Năm 1963, bà vinh dự được tặng Giải thưởng Nô-ben Vật lí.
Sáng tạo là khả năng đặc biệt của con người. Câu chuyện tri Nhà phát minh 6 tuổi khiến em nhận ra rằng khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người có thể tạo nên nhiều điều thật tuyệt diệu.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Viết bài văn kể lại một câu chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người Kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe lớp 4 KNTT của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.