Bạn đang xem bài viết Viêm mũi dị ứng tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng xuất hiện khi niêm mạc mũi tiếp xúc với các dị nguyên, từ đó phản ứng dị ứng xảy ra gây ra tình trạng niêm mạc mũi bị viêm phù nề, xuất tiết dịch, biểu hiện bằng các triệu chứng: Ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi,…Các dị nguyên thường gặp là mạt bụi nhà, lông súc vật, phấn hoa, mùi hóa chất, không khí ô nhiễm, thời tiết… Viêm mũi dị ứng có 2 loại và chúng thường có những triệu chứng hay dấu hiệu giống nhau.
Viêm mũi dị ứng theo mùa: Bệnh thường xuất hiện đột ngột vào mùa lạnh hay đầu mùa nóng và nóng ẩm.
Viêm mũi dị ứng quanh năm: Xuất hiện thường xuyên, khi gặp các tác nhân gây bệnh, thì người bệnh sẽ dễ tái phát.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng thường khởi phát đột ngột, khi bị viêm người bệnh thường hắt xì liên tục. Có cảm giác ngứa mũi, cổ, mắt, da ống tai ngoài, chảy nước mũi trong nhiều hay có khi là nghẹt mũi.
Nếu khám tại chỗ sẽ thấy niêm mạc hốc mũi nhợt nhạt, cuốn mũi phù nề có các đám nhỏ màu tím.
Bệnh thường xuất hiện vào ban ngày, chia làm nhiều lần, đặt biệt là vào lúc sáng sớm mới ngủ dậy, khi thay đổi thời tiết kéo dài vài ngày có khi là vài tuần, triệu chứng thuyên giảm khi trời tối.
Người bệnh thường xuyên thấy cay cay trong mũi, có khi là cảm giác rát bỏng ở vòm hầu họng, kèm theo là các cơn ho dai dẳng.
Nguyên nhân viêm mũi dị ứng
Môi trường sống xung quanh có nhiều yếu tố gây dị ứng như, phấn hoa, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo, gia cầm), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt…), khói, bụi hay một số thực phẩm (tôm, cua, ốc…).
Khi khí hậu thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hay lạnh sang nóng gây kích thích niêm mạc mũi vì thế tạo điều kiện cho viêm mũi dị ứng xuất hiện.
Đối với một số người làm việc trong môi trường đặc biệt như: Hầm mỏ, người tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại.
Ngoài ra các loại thuốc trong điều trị bệnh như gây tê gây mê, hay kháng sinh cũng là một trong những nguy cơ gây bệnh.
Nhiều trường hợp bị nhiễm trùng xoang, amidan… kích thích gây viêm còn có kèm theo hiện tượng viêm nhiễm bởi vi khuẩn. Hay còn gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội mà hay gặp nhất là S. pneumoniae, H. influenzae, cầu khuẩn (tụ cầu, liên cầu).
Mặt khác, người bị viêm mũi dị ứng mà có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, exsema, tổ đỉa, hen suyễn…) thì tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người bị viêm mũi dị ứng mà không có cơ địa dị ứng.
Viêm mũi dị ứng hay gặp ở mọi lứa tuổi và mọi đối tượng có chứa và tiếp xúc nhiều với yếu tố gây bệnh.
Cách chữa viêm mũi dị ứng
Người bệnh không tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như: Phấn hoa, khói bụi, các loại ký sinh trùng.
Tránh tiếp xúc với chó, mèo, chống nấm mốc, luôn giữ nhà và nơi làm việc khô thoáng, sạch sẽ…
Không ăn những chất có thể gây dị ứng, nổi mề đay. Giữ ấm mũi đặc biệt là lúc giao mùa.
Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi thường xuyên. Nếu làm việc trong môi trường độc hại phải sử dụng bảo hộ lao động.
Đối với một số thể viêm mũi dị ứng bác sĩ sẽ dùng các loại thuốc để điều trị như kháng histamin, corticoid xịt mũi, kháng sinh khi có bội nhiễm… Tuy nhiên, người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị mà phải có hướng dẫn của bác sĩ vì các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc.
Cách phòng viêm mũi dị ứng
Để phòng bệnh viêm mũi dị ứng, nên giữ môi trường sạch sẽ khô thoáng, nếu sử dụng máy lạnh nên vệ sinh thường xuyên, tránh khói bụi, nấm mốc phát triển. Thường xuyên giặt chăn, mền. Không nuôi, hay tiếp xúc với chó, mèo, côn trùng.
Khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang hoặc kính râm chống bụi bẩn, sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường độc hại.
Rửa sạch mũi sau khi đi ra ngoài, bằng cách xịt hay rửa nước muối. Uống thuốc nếu thấy có dấu hiệu của dị ứng như hắt xì, chảy nước mũi.
Nên vệ sinh răng miệng hằng ngày, đánh răng sau ăn, trước hay khi thức dậy. Bỏ thói quen hút thuốc lá, thuốc lào và không nên ăn những thức ăn khi cơ thể bị dị ứng như tôm, cua, cá…
Giữ cơ thể ấm, đặc biệt là vùng mũi, họng và phổi khi thời tiết giao mùa hay lạnh.
Nếu nghi ngờ bệnh viêm mũi dị ứng nên đến bác sĩ để kịp thời điều trị bệnh.
Xem thêm Làm thế nào để biết bạn đang mắc bệnh viêm mũi dị ứng
(Hình ảnh tổng hợp từ chuyenkhoataimuihong.com, dongythanhtuan.com, google,…)
Bác sĩ Trần Thiên Tài
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM (Cơ sở 1)
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Viêm mũi dị ứng tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.