Bạn đang xem bài viết Viêm loét miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Hầu hết mọi người đều đã từng gặp tình trạng khó chịu khi bị nhiệt miệng ít nhất một lần trong đời. Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu bệnh viêm loét miệng (nhiệt miệng) là gì và nguyên nhân, dấu hiệu bệnh cũng như một số cách điều trị bệnh lý này nhé!
Bệnh viêm loét miệng (nhiệt miệng) là gì?
Viêm loét miệng hay còn có tên gọi khác là nhiệt miệng, loét áp-tơ (aphthous ulcers, aphtha).
Bệnh là những ổ loét nông, nhỏ trên bề mặt niêm mạc trong khoang miệng, lưỡi, nướu răng. Tuy không gây nguy hiểm nhưng các ổ loét này gây đau, nhất là khi ăn uống, nói chuyện, nuốt nước bọt,…
Viêm loét miệng thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Viêm loét miệng thường có thể tái diễn nhiều lần và có tính chất gia đình.
Các ổ loét có thể xuất hiện và tự khỏi trong khoảng 1 – 2 tuần mà không cần can thiệp điều trị đặc biệt.
Nhiệt miệng là những ổ loét nông trên bề mặt niêm mạc miệng
Dấu hiệu của bệnh viêm loét miệng
Đa số các vết loét miệng có dạng hình tròn, ở giữa trắng ngà hoặc vàng và xung quanh có viền đỏ. Vết loét có thể gặp ở nhiều vị trí niêm mạc khoang miệng như dưới lưỡi, bên trong má hoặc môi, đáy nướu hoặc trên vòm miệng mềm của bạn.
Đôi khi bạn có thể thấy có cảm giác đau, nóng rát nhẹ 1 – 2 ngày trước khi vết loét xuất hiện.
Có 3 dạng vết loét thường gặp, bao gồm vết loét nhỏ, vết loét lớn hoặc lở loét (herpetiform).
- Vết loét nhỏ: là dạng thường gặp nhất.
Vết loét có kích thước nhỏ, có hình tròn hoặc bầu dục với viền đỏ. Các vết loét này thường tự khỏi trong khoảng 1 tuần mà không để lại sẹo.
- Vết loét lớn: Các vết loét có kích thước lớn và sâu hơn, thường gây đau nhiều, liên tục, tăng lên khi nói chuyện, ăn uống, nuốt nước bọt,…
Những vết loét to và sâu sẽ cần thời gian dài hơn, có thể mất đến 6 tuần để niêm mạc miệng lành hoàn toàn và có thể để lại sẹo.
- Lở loét (herpetiform): không thường gặp.
Các vết lở loét có dạng herpes nhưng căn nguyên không phải do virus Herpes gây ra. Vết lở loét có kích thước và ranh giới xác định rõ ràng.
Ban đầu là những vết loét nhỏ tập trung thành cụm, từ 10 – 100 vết rồi tập hợp lại thành một vết lở loét lớn, do đó có bờ viền không đều. Các vết lở loét có thể điều trị được mà không tạo sẹo trong 1 – 2 tuần.
Viêm loét miệng có thể gặp các kích thước khác nhau
Nguyên nhân
Nguyên nhân thực sự gây viêm loét miệng vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm loét:
- Các tổn thương nhỏ ở khoang miệng do sử dụng bàn chải quá to hay quá cứng, do vô ý cắn vào niêm mạc miệng, lưỡi.
- Sử dụng kem đánh răng hay nước súc miệng có chất sodium lauryl sulphate.
- Do sử dụng gia vị hoặc thức ăn có tính axit.
- Do nhạy cảm với thức ăn như chocolate, cà phê, dâu, trứng, phô mai, dứa,…
- Chế độ ăn thiếu vitamin B12, kẽm, acid folic, sắt.
- Dovirus như herpes simplex,…
- Do vi khuẩn như giang mai, lậu,…
- Do thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
- Do stress.
- Hoặc trong một số bệnh lý như viêm loét ruột non, bệnh viêm loét đại – trực tràng (ví dụ: bệnh Crohn), bệnh viêm toàn thân (bệnh Behcet), suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS),…
Một số yếu tố nguy cơ gây viêm loét miệng
Biến chứng nguy hiểm
Nhiệt miệng có thể tự khỏi trong 1 – 2 tuần tùy theo kích thước vết loét. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị nhiệt miệng hoặc vết loét kéo dài, lâu lành, bạn nên cẩn thận. Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần can thiệp điều trị chuyên sâu. Một số bệnh lý cần chú ý như:
- Rối loạn da nghiêm trọng gọi là pemphigus,…
- Bệnh lý tiêu hóa như bệnh celiac, bệnh viêm ruột, viêm loét đại – trực tràng,…
- Bệnh lý toàn thân gặp trong bệnh Behcet,…
- Bệnh lý tự miễn dịch hoặc biểu hiện ở người mắc suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS),…
- Một số trường hợp hiếm gặp hơn như ung thư vòm họng hoặc bệnh bạch cầu,…
Các bệnh lý tiêu hóa thường là nguyên nhân gây nên nhiều biến chứng của viêm loét miệng
Cách chẩn đoán bệnh
Viêm loét miệng thường được các bác sĩ răng hàm mặt dễ dàng chẩn đoán bằng các triệu chứng trên lâm sàng mà không cần các xét nghiệm khác.
Với những trường hợp loét kéo dài hoặc thường xuyên, các bác sĩ sẽ cần chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để tìm các vấn đề sức khỏe khác kèm theo như xét nghiệm máu, xét nghiệm liên quan đến yếu tố miễn dịch, HIV, thăm dò khác sàng lọc bệnh đường tiêu hóa,…
Chỉ cần làm xét nghiệm khi nghi ngờ bệnh lý kèm theo
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
- Vết loét lớn bất thường, kích thước trên 1 cm.
- Loét tái diễn, xuất hiện vết loét mới trước khi vết loét cũ chưa kịp lành hoặc xuất hiện loét miệng thường xuyên.
- Vết loét kéo dài, dai dẳng trên 2 tuần.
- Vết loét lan rộng từ niêm mạc miệng đến da vùng môi (đường viền màu đỏ son).
- Loét gây đau nhiều và khó kiểm soát bằng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà.
- Vết loét ở vị trí gây khó khăn khi ăn uống, sinh hoạt, nói chuyện, ảnh hưởng thẩm mỹ.
- Lở loét kèm theo sốt.
- Vết loét miệng kèm ban đỏ ở các vị trí khác như lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông,…
- Vết loét kèm theo tình trạng rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn, ợ hơi, đi ngoài phân lỏng, phân có nhầy máu,…
- Một số trường hợp do răng của bạn sắc nhọn hoặc các dụng cụ nắn chỉnh răng gây ra.
Cần đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu cảnh báo
Nơi khám chữa răng miệng
- TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, bệnh viện Đại học y dược,…
- Hà Nội: bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, bệnh viện Bạch Mai,…
- Bạn có thể đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Răng hàm mặt hoặc phòng khám nha khoa uy tín.
Các cách điều trị bệnh viêm loét miệng
Viêm loét miệng có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần và không để lại sẹo.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp vết loét sâu, loét lớn và gây khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng tới sinh hoạt và ăn uống thì bạn nên sử dụng một số cách dưới đây để hỗ trợ làm lành vết loét nhanh hơn.
Dùng nước súc miệng
Khi bạn sử dụng nước súc miệng hàng ngày giúp hỗ trợ làm sạch khoang miệng, nhờ nước súc miệng có tính sát khuẩn giúp tránh được tình trạng viêm niêm mạc vùng miệng lợi do vi khuẩn và hỗ trợ điều trị tình trạng loét miệng.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nước súc miệng có chứa thành phần dexamethasone, một loại chất chống viêm giảm đau nhóm Steroid, giúp làm giảm tình trạng đau và hỗ trợ giảm viêm, nhanh lành vết loét.
Sử dụng nước súc miệng có tính sát khuẩn để điều trị viêm loét miệng
Thuốc bôi
Bạn có thể dùng các dạng thuốc bôi tại chỗ (dung dịch, gel, kem) vừa có tác dụng làm dịu, giảm đau tại chỗ vừa có tác dụng ngăn cách vết loét với vi khuẩn khoang miệng giúp nhanh lành vết nhiệt miệng.
Bạn nên bôi thuốc thường xuyên trong ngày và lưu ý sử dụng sau khi ăn để thuốc phát huy công dụng tối đa. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ để được tư vấn về cách sử dụng nào phù hợp nhất với bạn.
Sử dụng thuốc bôi trị nhiệt miệng
Thuốc uống
Bạn có thể lựa chọn uống thuốc khi tình trạng vết loét nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các biện pháp điều trị tại chỗ.
Một số loại thuốc uống không chỉ dùng riêng trong điều trị nhiệt miệng như sucralfat dùng làm chất phủ bề mặt niêm mạc trong điều trị viêm loét đường ruột hoặc như colchicine, chống viêm được sử dụng trong điều trị bệnh gút.
Chỉ sử dụng các thuốc chống viêm steroid khi vết loét nghiêm trọng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng của nhóm thuốc này lên đường tiêu hóa.
Một số loại thuốc uống hỗ trợ điều trị nhiệt miệng
Đối với vết loét
Một số cơ sở y tế đang sử dụng biện pháp đốt vết loét bằng hóa chất, các hóa chất này có tác dụng rút ngắn quá trình liền vết loét.
Hóa chất được lựa chọn sử dụng là debacterol, thuốc này có thể rút ngắn thời gian lành vết loét xuống còn khoảng 1 tuần. Một số cơ sở sử dụng bạc nitrat, mặc dù chưa được chứng minh khả năng đẩy nhanh tốc độ chữa lành, nhưng thuốc có thể giúp giảm đau và ngăn vết loét lan rộng.
Đốt vết loét miệng bằng debacterol giúp nhanh lành tổn thương
Các cách phòng ngừa
- Chú ý chế độ ăn uống
Bạn nên tránh các thực phẩm có thể gây kích ứng hoặc tổn thương niêm mạc miệng của bạn như các loại hạt cứng, bánh quy, hoặc các loại thức ăn, thực phẩm chế biến quá mặn, quá cay hoặc có tính axit như giấm, ớt,… gây tổn thương lớp niêm mạc miệng.
- Chọn thực phẩm lành mạnh
Thiếu hụt một số vi chất như kẽm, sắt, vitamin cũng làm tăng tần suất bị nhiệt miệng. Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và vi chất cần thiết. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau xanh cùng các loại ngũ cốc.
Chế độ ăn lành mạnh giúp phòng ngừa loét miệng
- Vệ sinh răng miệng
Thực hiện theo thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Thường xuyên đánh răng sau bữa ăn và nên dùng chỉ nha khoa để giữ cho khoang miệng sạch sẽ, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây ra vết loét.
- Bảo vệ miệng của bạn
Bạn nên sử dụng bàn chải mềm và chỉ nha khoa, không dùng những loại bàn chải cứng hoặc tăm xỉa răng để tránh gây kích ứng cho lợi mỏng manh. Đồng thời, nên tránh dùng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa natri lauryl sulfat.
Nếu bạn đang niềng răng hoặc dùng các dụng cụ chỉnh nha khác, hãy tham khảo nha sĩ của bạn về loại sáp chỉnh nha và giải pháp để bảo vệ lợi khỏi các cạnh sắc nhọn.
Vệ sinh răng miệng giúp ngăn ngừa viêm loét miệng
- Giảm căng thẳng
Nếu vết loét của bạn thường xuất hiện liên quan đến các đợt căng thẳng, stress, hãy tìm hiểu về một số giải pháp giúp giảm căng thẳng, như thiền định, yoga,…
- 12 cách chữa đau răng tại nhà đơn giản, an toàn
- Sưng lưỡi là bệnh gì? 8 nguyên nhân gây sưng lưỡi bạn cần biết
- 13 cách chữa nhiệt miệng (lở miệng, loét miệng) hiệu quả nhất
Hi vọng những thông tin trên giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm loét miệng (nhiệt miệng) cũng như biết thêm các cách điều trị khi gặp phải tình trạng khó chịu này. Hãy chia sẻ những kiến thức bổ ích trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!
Nguồn: MayoClinic, WebMD, CleveLandClinic, Healthline.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Viêm loét miệng là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.