Bạn đang xem bài viết Viêm amiđan tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Viêm amiđan là gì?
Amiđan là một trong những khối bạch huyết thuộc vòng Waldeyer. Chúng nằm ở ngã tư giữa đường ăn và đường thở, gồm: amiđan vòm hay còn gọi là VA, amiđan vòi, amiđan khẩu cái (thường gọi tắt là amiđan), và amiđan đáy lưỡi. Chúng đảm nhiệm chức năng miễn dịch của vùng họng, bên trong các khối amiđan chứa các bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước các tác nhân vi khuẩn hoặc vi rút xâm nhập vào cơ thể qua mũi, miệng.
VA và Amiđan đã có từ sơ sinh và là tổ chức bình thường của con người, chúng phát triển ở giai đoạn trẻ nhỏ và thiếu nhi rồi teo nhỏ dần ở người lớn.
Viêm VA thường gặp nhiều ở lứa tuổi từ 2 đến 6 tuổi (lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo). Viêm A thường gặp nhiều ở lứa tuổi lớn hơn, chủ yếu ở lứa tuổi 6 đến 18.
Phân loại viêm amiđan: gồm 2 loại cấp tính và mạn tính.
– Viêm A cấp là tình trạng viêm sung huyết hoặc viêm mủ của Amiđan khẩu cái, thường do
virus hoặc vi khuẩn gây nên. Nếu do virus thường là nhẹ, nếu do vi khuẩn thì nặng hơn, đặc
biệt là do liên cầu tan huyết β nhóm A có nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm thận, viêm khớp, thấp tim…
– Viêm amiđan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần của amiđan khẩu cái. Tùy theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, amiđan viêm có thể phát triển to lên (viêm quá phát) thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi, hoặc amiđan có thể nhỏ lại (viêm xơ teo).
Triệu chứng của viêm amiđan
Người bệnh có thể sốt với các mức độ khác nhau, có thể sốt cao, rét run, ớn lạnh. Thể trạng mệt mỏi, nhức đầu.
Đau rát họng rõ rệt, đau có thể lan lên tai. Đau tăng khi ăn, nuốt, ngay cả khi nuốt nước bọt nên thường ứ đọng nước bọt, hơi thở hôi.
Người bệnh có thể có ho, ho khan hoặc kèm ít đờm, chảy mũi, khàn tiếng nhẹ…
Chẩn đoán:
– Bác sĩ có thể hỏi bệnh sử và khám lâm sàng.
– Khám họng: Toàn bộ niêm mạc họng đỏ, thành sau họng có xuất tiết nhày. Hai Amidan to, đỏ, có thể có các chấm mủ trắng ở các khe, có khi thành đám. Trụ trước, trụ sau Amidan nề, đỏ. Trường hợp viêm họng do liên cầu, có thể thấy các chấm xuất huyết ở vòm khẩu cái mềm và sau họng; lưỡi gà có thể sưng đỏ; hạch cổ 2 bên thường sưng và đau.
– Các xét nghiệm thường không chỉ định thường quy trong mọi trường hợp viêm amiđan cấp. Chủ yếu dùng khi nghi ngờ, để chẩn đoán căn nguyên nhân gây viêm Amidan cấp do liên cầu tan huyết beta nhóm A (GABHS).
– Test nhanh (Rapid antigen detection test): chẩn đoán GABHS bằng bệnh phẩm quệt họng, kết quả nhanh chỉ trong vài phút.
– Nuôi cấy dịch ở họng: là tiêu chuẩn vàng. Bệnh phẩm được lấy ở Amidan hoặc thành sau họng và cần đợi 24 – 48 giờ để có kết quả.
– Các xét nghiệm kháng thể kháng liên cầu (như : Antistreptolysin O – ASLO, Antideoxyribonulease B…) đạt mức cao nhất sau đợt viêm cấp từ 3 – 8 tuần. Do đó, không có giá trị trong chẩn đoán đợt cấp, chủ yếu dùng để chẩn đoán biến chứng thấp tim do GAHBS.
– Xét nghiệm khác: công thức máu: BC tăng cao khi bị viêm do vi khuẩn, CRP…
Điều trị viêm amiđan
– Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm amiđan, các phương pháp điều trị có thể gồm: không sử dụng thuốc, sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs), giảm đau, phẫu thuật.
– Nếu viêm amiđan không do nguyên nhân vi khuẩn (thường do virus) thì việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng mà cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ, điều trị triệu chứng (thường bệnh tự giới hạn trong vòng 1 tuần).
– Nếu nguyên nhân gây viêm amiđan là do vi khuẩn thì có thể sử dụng kháng sinh để điều trị. Việc sử dụng kháng sinh phải đủ thời gian điều trị để tránh tạo ra các chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh và tốt nhất là có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Các trường hợp có thể cần phẫu thuật cắt bỏ amiđan:
– Amiđan phì đại gây tắc nghẽn đường hô hấp trên, nuốt vướng, rối loạn giấc ngủ, hoặc kèm theo các biến chứng tim mạch.
– Viêm nhiễm amiđan từ 3 đợt trở lên mỗi năm dù đã được điều trị nội khoa đầy đủ.
– Đã phải nhập viện điều trị áp xe quanh amiđan.
– Viêm amiđan gây biến chứng sốt cao co giật.
– Hơi thở hôi kéo dài do viêm amiđan mãn không đáp ứng với điều trị nội khoa.
– Viêm amiđan mạn hoặc tái phát trên một bệnh nhân mang mầm bệnh streptococcus không đáp ứng với cac kháng sinh kháng beta-lactamase.
– Phì đại amiđan một bên nghi ngờ khối u tân sinh.
Nên hạn chế cắt bỏ amiđan ở những đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 50 tuổi hoặc có các bệnh mạn tính kèm theo.
Hiện nay, việc cắt amiđan áp dụng các phương pháp hiện đại, an toàn và hạn chế gây chảy máu.
Phòng ngừa viêm amiđan
Các biện pháp giúp phòng ngừa viêm amiđan:
– Giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh và vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Giữ ấm mũi, họng, đặc biệt là khi trời lạnh.
– Hạn chế việc tiếp xúc với những nơi ô nhiễm.
– Tránh những loại thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
– Có thể pha 1 muỗng cà phê muối với 500 ml nước ấm để súc miệng, họng. Lưu ý: nếu pha quá đậm đặc sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng, họng.
– Giữ gìn vệ sinh răng miệng.
Xem thêm: Phân biệt viêm amiđan và viêm VA
Triệu chứng viêm amiđan: đau họng, nuốt khó, sốt, đau lan lên tai, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, khàn tiếng, mất tiếng, hơi thở có mùi hôi.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm amiđan, các phương pháp điều trị có thể gồm: không sử dụng thuốc, sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs), giảm đau, phẫu thuật.
Phòng ngừa viêm amiđan: giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh và vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ ấm mũi, họng, đặc biệt là khi trời lạnh, hạn chế việc tiếp xúc với những nơi ô nhiễm,…
(Hình ảnh tổng hợp từ PinsDaddy, Thrive Global, EpiBeat, google,…)
Thạc sĩ Nguyễn Thành Tuấn
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Viêm amiđan tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.