Nhóm nghiên cứu tại Đại học Nova Đông Nam (Mỹ) gắn camera cho cá buồm (Istiophorus platypterus), loài cá được đa số chuyên gia coi là nhanh nhất đại dương, và ghi hình quá trình nó săn mồi, IFL Science hôm 21/2 đưa tin. Đây là lần đầu tiên trên thế giới các nhà khoa học thu được thước phim cá buồm đi săn một mình từ góc nhìn của chính nó. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Scientific Reports.
Cá buồm nổi tiếng với sức mạnh, vẻ ngoài độc đáo và hành vi săn mồi tốc độ cao. Tuy nhiên, các chuyên gia mới chỉ hiểu rất ít về cách săn mồi của cá buồm sống đơn độc, chủ yếu do không thể bắt kịp chúng.
Với kích thước của cá buồm, nhiều chuyên gia cho rằng chúng có tốc độ trao đổi chất cao. Nhưng điều này chưa được nghiên cứu kỹ vì chúng rất khó nuôi nhốt. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học gắn thành công bộ ghi dữ liệu cho một con cá buồm ở vùng nhiệt đới Đông Thái Bình Dương. Bộ ghi dữ liệu này trang bị camera để theo dõi hành vi của nó trong 24 giờ. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu có thể ghi lại cảnh tượng cá buồm đơn độc săn cá ngừ.
Cá buồm phải nỗ lực nhiều lần để bắt cá ngừ. Cá ngừ thậm chí cố gắng ẩn mình bằng cách bơi sát cá buồm, tránh lọt vào tầm nhìn của kẻ đi săn. Video không ghi lại khoảnh khắc cá buồm tóm được cá ngừ (vì góc quay không cho thấy miệng cá buồm) nhưng sau 60 giây, cá buồm thực hiện động tác “lắc đầu”. Các nhà nghiên cứu cho rằng động tác này thường biểu thị việc nuốt hoặc xử lý con mồi, cho thấy cá buồm đã săn thành công.
Cá buồm được nhiều chuyên gia coi là loài cá nhanh nhất thế giới với tốc độ tối đa khoảng 8,2 m mỗi giây, nhưng cá thể mà nhóm nghiên cứu tại Đại học Nova Đông Nam theo dõi chỉ đạt tốc độ tối đa 3,1 m mỗi giây trong cuộc truy bắt cá ngừ. Nhóm nghiên cứu cho rằng việc đuổi theo cá ngừ ở tốc độ thấp hơn giúp kẻ săn mồi cơ động và linh hoạt hơn, thay vì bơi quá nhanh và không thể theo kịp những lần đổi hướng của con mồi.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã cung cấp thước phim đầu tiên về quá trình cá buồm săn mồi đơn độc, hơn 24 giờ dữ liệu hành vi và các ước tính về tốc độ trao đổi chất. “Nghiên cứu giúp nâng cao hiểu biết của chúng ta về cuộc sống bí ẩn của loài cá quan trọng cả về mặt sinh thái lẫn kinh tế này. Kiến thức đó rất cần thiết để giúp chúng ta bảo vệ loài vật này tốt hơn”, tiến sĩ Mahmood Shivji, đồng tác giả nghiên cứu, giám đốc Viện nghiên cứu Guy Harvey thuộc Đại học Nova Đông Nam, cho biết.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/video-dau-tien-ve-chuyen-san-cua-loai-ca-nhanh-nhat-the-gioi-4572984.html