Theo tiến sĩ Lindsay Broadbent, giảng viên khoa Virus học, Đại học Surrey, ước tính có khoảng 1,67 triệu loại virus chưa được xác định đang lây nhiễm cho chim và động vật có vú. Trong số này, có tới 827.000 loài có khả năng lây nhiễm sang người.
Hai năm Covid-19 lắng xuống, thế giới tiếp tục chứng kiến các mầm bệnh mới nổi hoặc trỗi dậy như đậu mùa khỉ, cúm gia cầm và virus Marburg ở Guinea Xích đạo.
Các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết về cách thức virus ra đời, nhưng hầu hết đồng ý rằng chúng đã tồn tại hàng tỷ năm, tiến hóa cùng với các sinh vật sống. Khi quá trình đồng tiến hóa ổn định bị gián đoạn, virus biến đổi và dịch bệnh sẽ ra đời.
Động lực chính để virus xuất hiện trong quần thể người là hoạt động sống. Hơn 10.000 năm trước, nông nghiệp trở nên phổ biến, con người vì thế tiếp xúc gần gũi hơn với động vật. Điều này tạo cơ hội cho các loại virus lây nhiễm trong tự nhiên nhảy sang người.
Tiến sĩ Broadbent cũng nhận định khi nền văn minh và công nghệ tiến bộ, việc phá hủy môi trường sống của động vật buộc chúng phải di cư đến khu vực mới để tìm kiếm nguồn thức ăn. Các loài khác nhau, từng không tiếp xúc với nhau, giờ đây chia sẻ cùng lãnh thổ. Cộng thêm hoạt động sống của con người, đây là “công thức hoàn hảo để” các loại virus mới nảy sinh.
Ngoài ra, đô thị hóa dẫn đến mật độ dân số cao, hạ tầng quá tải, tạo môi trường lý tưởng cho virus lây lan.
Biến đổi khí hậu cũng góp phần thúc đẩy mầm bệnh bùng phát. Ví dụ, arboviruses (virus lan truyền bởi động vật chân đốt như muỗi) đã được phát hiện ở những khu vực mới, vì phạm vi quốc gia muỗi có thể sống sót ngày càng tăng.
Theo tiến sĩ Broadbent, các nhà khoa học đã biết về những yếu tố này từ lâu. “Sự xuất hiện của Covid-19 không khiến bất cứ ai ngạc nhiên. Vấn đề không phải đại dịch có xảy ra hay không, mà là khi nào. Điều bất ngờ là quy mô của Covid-19 và khó khăn trong việc hạn chế nCoV lây lan”, bà nói.
Các chuyên gia không thể dự đoán tác động của thông tin sai lệch đối với lĩnh vực sức khỏe. Tư tưởng bài vaccine đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội vài năm qua, sự do dự tiêm chủng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học với tốc độ chưa từng thấy trong đại dịch, đã mở đường cho phương pháp phát hiện cũng như theo dõi virus mới. Ví dụ, nhiều nước đã giám sát nước thải rộng rãi để phát hiện nCoV. Phương pháp này cũng có thể giúp phát hiện các mối đe dọa khác đối với sức khỏe con người như cúm, sởi, bại liệt. Năm 2022, các nhà khoa học ghi nhận virus bại liệt kịp thời trong nước thải ở London, Anh.
Tăng cường giám sát sẽ khiến nhiều loại virus được báo cáo hơn, là chìa khóa để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. “Nếu đợt bùng phát xảy ra ở một khu vực không có hệ thống giám sát đầy đủ, virus có khả năng lây lan rất xa, không thể ngăn chặn”, bà Broadbent nói.
Thục Linh (Theo Conversation)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/vi-sao-ngay-cang-nhieu-virus-moi-xuat-hien-4583897.html