Bạn đang xem bài viết Vì sao nên bổ sung vitamin A cho trẻ? Lịch uống Vitamin A tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Vitamin A là một chất dinh dưỡng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Vậy vitamin A là gì và làm cách nào để bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ nhỏ? Hãy cùng tìm hiểu thông tin này qua bài viết dưới đây nhé!
Vitamin A là gì?
Vitamin A là một hợp chất hữu cơ mà cơ thể không tự tổng hợp được, phải bổ sung từ nguồn cung cấp bên ngoài, có vai trò đảm bảo sự sinh trưởng và hoạt động bình thường trong cơ thể. Vitamin A có 3 dạng dẫn xuất:
- Retinol: đây là loại hợp chất dạng este, có nhiều trong các loại thực phẩm như gan, bơ, sữa và lòng đỏ trứng.
- Retinal: đây là hợp chất dạng aldehyde của vitamin A.
- Acid retinoic: đây là dạng chuyển hóa của retinol và retinal trước khi hoạt động trên da.
Bên cạnh đó, có khoảng 3 loại tiền chất vitamin A, bao gồm alpha, beta và gamma caroten. Trong đó đặc biệt quan trọng là tiền chất beta carotene, chất này được chứa nhiều trong các loại trái cây và củ quả có màu như gấc, cà rốt và rau xanh. Khi vào cơ thể, các caroten này được chuyển hóa thành retinol.
Vitamin A có vai trò đảm bảo sự sinh trưởng và hoạt động bình thường trong cơ thể
Nguyên nhân thiếu vitamin A ở trẻ?
Khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin A
Nguyên nhân quan trọng nhất gây thiếu vitamin A thường gặp ở trẻ em chính là khẩu phần ăn của trẻ thiếu hụt vitamin A, đặc biệt là khi bà mẹ nuông chiều theo sở thích của trẻ, chỉ cho trẻ dùng những loại thức ăn mà trẻ ưa thích nhưng không quan tâm đến vấn đề bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
Tình trạng thiếu vitamin A xảy ra khi khẩu phần ăn thiếu vitamin kéo dài, nhất là trong giai đoạn sau 6 tháng tuổi, thời điểm mà trẻ bắt đầu ăn dặm. Việc lựa chọn thực phẩm và chế biến thức ăn sai phương pháp như thiếu dầu, thiếu rau củ quả,… đều có thể gây thiếu hụt nguồn cung cấp vitamin A cho trẻ. Đa phần các loại dầu ăn dán nhãn dùng cho bé chứa loại chất béo chưa bão hòa, là chất béo có lợi nhưng dễ bị biến đổi dưới tác dụng nhiệt.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin A thường gặp ở trẻ em là khẩu phần ăn của trẻ thiếu hụt vitamin A
Các bệnh nhiễm khuẩn
Trẻ em là một đối tượng nhạy cảm khi hệ miễn dịch, sức đề kháng và khả năng chống chọi bệnh tật còn kém phát triển. Do đó, trong quá trình lớn lên khó tránh khỏi việc mắc các bệnh nhiễm khuẩn như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,…
Một số các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp,… làm tăng nhu cầu sử dụng vitamin A của cơ thể để chống lại tác nhân xâm nhập, điều này có thể gây mất cân bằng giữa quá trình bổ sung và sử dụng vitamin A khi nhu cầu đối với vitamin A tăng lên đột ngột. Do đó, bổ sung vitamin A không kịp thời và đầy đủ, từ đó khiến cơ thể trẻ thiếu hụt vitamin A.
Sốt xuất huyết cũng có thể là nguyên nhân gây thiếu vitamin A ở trẻ
Cơ thể không hấp thu được nhiều vitamin A
Ở một số trường hợp đặc biệt, mặc dù trong khẩu phần ăn của trẻ đã được bổ sung đầy đủ vitamin A từ nguồn thức ăn như rau củ, trái cây. Tuy nhiên, cơ thể trẻ vẫn xuất hiện các triệu chứng thiếu hụt vitamin A, điều này được lý giải là do cơ thể trẻ không có khả năng hấp thu được nhiều vitamin A.
Vitamin A và caroten được hấp thu cùng với các loại dầu mỡ trong thức ăn qua màng ruột nhờ vào thành phần muối mật. Do đó, khi đường ruột bị tổn thương, đặc biệt là chức năng của ruột bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến tình trạng kém hấp thu vitamin A.
Một số nguyên nhân có thể kể đến như:
- Khẩu phần ăn thiếu dầu mỡ: vitamin A là hợp chất tan trong dầu. Do đó, khi khẩu phần ăn thiếu dầu mỡ thì tự bản thân vitamin A không thể đi qua được màng ruột dẫn đến cơ thể không thể hấp thu được.
- Sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh kéo dài: bên cạnh tác dụng chính là điều trị bệnh nhiễm khuẩn thì kháng sinh còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hệ tiêu hóa nếu dùng lâu ngày, đặc biệt là hệ lợi khuẩn đường ruột. Do đó, khi dùng kháng sinh lâu ngày sẽ dẫn đến suy yếu chức năng hấp thu của đường tiêu hóa, điều này lý giải cho tình trạng kém hấp thu vitamin A ở trẻ.
- Trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,…: các bệnh lý này gây rối loạn nghiêm trọng quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin A. Hơn nữa, bệnh lý đường tiêu hóa còn gây ứ trệ chất thải hoặc làm tổn thương các vi nhung mao ở niêm mạc ruột, từ đó gây suy giảm chức năng hấp thu chất dinh dưỡng tại đây.
Khẩu phần ăn thiếu dầu là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin A
Lượng dự trữ vitamin A trong cơ thể không còn
Hàm lượng vitamin A dự trữ ở gan của trẻ sơ sinh rất thấp, do đó việc bổ sung vitamin A là hết sức cần thiết vì trong quá trình phát triển, lượng vitamin A trong cơ thể trẻ sẽ giảm dần nếu không được bổ sung đầy đủ.
Tình trạng thiếu vitamin A sẽ càng trầm trọng hơn ở những trẻ mắc bệnh tại gan do gan tích trữ khoảng 90% hàm lượng vitamin A của cơ thể, đặc biệt hơn là ở những trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời do sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A chủ yếu cho trẻ. Việc bà mẹ không cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có thể là do một số nguyên nhân như:
- Mẹ bị mắc bệnh HIV, ung thư, lao tiến triển,…
- Sai lầm của bà mẹ về vai trò quan trọng của sữa mẹ, cho trẻ uống bổ sung nhiều sữa công thức.
- Thể trạng bà mẹ quá kém, không đủ sữa nuôi con.
Bà mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để bổ sung vitamin A cho trẻ
Tầm quan trọng của vitamin A đối với trẻ em
Vai trò tăng trưởng
Trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, vai trò của sữa mẹ dường như không thể bàn cãi. Sữa mẹ chính là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất cho trẻ mà không có bất kỳ loại sữa công thức nào có thể làm được điều này. Hơn nữa, sữa mẹ còn phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ, tiết kiệm chi phí, tiện lợi, dễ sử dụng và đặc biệt là tạo sự gắn bó giữa mẹ và trẻ.
Vitamin A là một chất dinh dưỡng thiết yếu, cơ thể trẻ không thể tự tổng hợp được. Nhờ vào hợp chất acid retinoic của vitamin A đóng vai trò như một loại hormone điều hòa sự phân chia và phát triển của mô xương, qua đó giúp xương dài ra và lớn lên. Từ đó, giúp trẻ phát triển toàn diện về mặt thể chất.
Vitamin A hỗ trợ phát triển mô xương, từ đó giúp trẻ cao lên
Chức năng thị giác
Dạng chất retinal của vitamin A đảm nhiệm vai trò quan trọng trong hoạt động thị giác của cơ thể người. Trong máu, vitamin A qua nhiều giai đoạn trung gian, cuối cùng được chuyển hóa thành 11-cis-retinal, khi đó:
- Trong bóng tối: 11-cis-retinal kết hợp với opsin tạo thành rhodopsin, đây là một sắc tố nhạy cảm với ánh sáng giúp võng mạc nhận được các hình ảnh trong điều kiện ánh sáng kém.
- Khi có ánh sáng: rhodopsin bị phân hủy ngược lại thành opsin và trans-retinal. Chất được tạo thành có thể được chuyển hóa lại thành 11-cis-retinal hoặc trans-retinol đi vào máu và tiếp tục chu trình.
Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thị lực của trẻ
Bảo vệ biểu mô
Ngoài chức năng chính là đảm bảo và duy trì thị lực ở người, vitamin A còn có vai trò bảo vệ biểu mô nhờ vào dạng chất acid retinoic. Chất này có khả năng kích thích để biệt hóa các tế bào biểu mô trong cơ thể, đồng thời sinh tiết nhày và ức chế sự sừng hóa tế bào biểu mô.
Do đó, vitamin A giúp bảo vệ sự toàn vẹn và thống nhất của các tế bào biểu mô trên cơ thể như biểu mô giác mạc ở mắt, biểu mô da, biểu mô niêm mạc ở đường hô hấp và các tuyến bài tiết như tuyến mồ hôi, tuyến bã,…
Vitamin A giúp bảo vệ biểu mô ở da, giúp da đàn hồi và chắc khỏe
Tạo miễn dịch cơ thể
Lý do vì sao vitamin A giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi các bệnh nhiễm trùng và chống chọi lại những loại bệnh thông thường như cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản,.. tốt hơn là nhờ vào chức năng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, tiền chất beta carotene làm tăng hoạt động của tế bào diệt tự nhiên (natural killer cell).
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân là do khi thiếu vitamin A dẫn đến kích thước của tổ chức tế bào miễn dịch trong cơ thể thay đổi vì vitamin A có khả năng kích thích sự nhân lên của tế bào lympho B và T.
Vitamin A tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, từ đó chống chọi với bệnh tật tốt hơn
Dấu hiệu thiếu hụt vitamin A ở trẻ em
Vitamin A giữ vai trò đặc biệt quan trọng cho cơ thể trẻ, do đó khi thiếu vitamin A thì những vai trò này sẽ bị suy giảm và biểu hiện ra bên ngoài với nhiều triệu chứng đa dạng như:
- Cơ thể trẻ dễ bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập và gây bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm khuẩn sinh dục,…
- Trẻ chán ăn, chậm lớn. Thông thường bà mẹ sẽ theo dõi cân nặng và chiều dài (đối với trẻ nhỏ) và chiều cao (đối với trẻ lớn), vậy khi những chỉ số này tăng chậm hay thậm chí là không tăng thì có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu vitamin A.
- Tăng sừng hóa biểu mô trên cơ thể, da của trẻ thường khô lại, trẻ dễ bị nhiễm trùng da và thoái hóa tuyến mồ hôi.
- Ảnh hưởng xấu đến thị lực của trẻ như nhìn mờ, quáng gà, trẻ thường phải đi lần theo vách tường, khó khăn trong việc tìm kiếm đồ chơi.
Xem thêm: Chỉ số BMI – Cách đo và tính BMI chính xác, chuẩn mới nhất 2022
Chậm lớn so với độ tuổi là biểu hiện thường gặp ở trẻ thiếu vitamin A
Tác hại của việc thiếu hụt vitamin A ở trẻ em
Thiếu vitamin A mức độ nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng và tác hại nghiêm trọng ở trẻ em, thậm chí có khả năng để lại những di chứng tồn tại suốt đời, khó có thể phục hồi hoàn toàn khi trẻ được bổ sung vitamin A trở lại.
Một số tác hại nặng nề ở trẻ em thiếu hụt vitamin A mức độ nặng và kéo dài như:
- Mù lòa: đây là biến chứng cần đặc biệt chú ý. Ban đầu có thể chỉ là tình trạng giảm thị lực, quáng gà, viêm kết mạc, viêm giác mạc thông thường. Tuy nhiên, khi hàm lượng vitamin A giảm quá thấp và không được bổ sung thì bệnh lý viêm giác mạc lâu ngày có thể gây sẹo giác mạc và có khả năng khiến trẻ bị mù vĩnh viễn nếu không được can thiệp điều trị đúng lúc.
- Suy dinh dưỡng: một trẻ được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu bao giờ cũng có thể chất và cơ địa tốt hơn trẻ có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Hơn nữa, vitamin A còn giữ vai trò giúp trẻ tăng trưởng, đặc biệt là cơ xương, do đó, ở trẻ thiếu vitamin A lâu ngày thường có chiều cao thấp hơn so với tiêu chuẩn.
- Suy giảm hệ miễn dịch: hệ miễn dịch được xem là hàng rào bảo vệ vững chắc của cơ thể, vì vậy khi trẻ thiếu hụt vitamin A dễ dẫn đến nhiều bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết,…
Biến chứng tổn thương giác mạc ở trẻ thiếu vitamin A trầm trọng
Lịch uống vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi
Trước khi cho trẻ uống bổ sung vitamin A, các bậc cha mẹ cần phải nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu vitamin A ở trẻ nhỏ để có hướng thực hiện cho phù hợp. Hoạt tính của vitamin A được biểu thị bằng đương lượng hoạt tính của retinol (RAE), vậy nhu cầu vitamin A mỗi ngày tùy theo lứa tuổi của trẻ: [1]
- Trẻ từ0 đến 6 tháng tuổi: 400 RAE.
- Trẻ từ7 đến 12 tháng tuổi: 500 RAE.
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 300 RAE.
Các bậc phụ huynh có thể tham khảo lịch uống bổ sung vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi sau đây: [2]
- Trẻdưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ: 50.000 UI mỗi 6 tháng, tương đương 1/4 viên đối với viên 200.000 UI.
- Trẻ từ6 đến 12 tháng: 100.000 UI mỗi 6 tháng, tương đương 1/2 viên đối với viên 200.000 UI.
- Trẻ từ13 đến 36 tháng: 200.000 UI mỗi 6 tháng, tương đương 1 viên đối với viên 200.000 UI.
- Trẻ từ sau36 tháng đến dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A: 200.000 UI mỗi 6 tháng, tương đương 1 viên đối với viên 200.000 UI.
Khuyến cáo ba mẹ nên cho trẻ đi bổ sung vitamin A theo lịch của Bộ Y Tế
Vitamin A có vai trò thực sự cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải chú ý, quan tâm đến tình trạng thiếu hụt hay dư thừa vitamin A ở trẻ, việc bổ sung vitamin A cần phải được hướng dẫn và tư vấn từ các chuyên gia y tế, đặc biệt khi phụ huynh cho trẻ uống bổ sung vitamin A cần phải tuân theo lịch và phác đồ của Bộ Y Tế để đạt được hiệu quả và an toàn.
Theo đó, lịch uống vitamin A định kỳ diễn ra thành 2 đợt hằng năm:
- Đợt 1 vào tháng 6.
- Đợt 2 vào tháng 12.
Cho trẻ uống vitamin A cần có sự tư vấn và hướng dẫn từ chuyên gia y tế
Cách bổ sung vitamin A tại nhà
Tăng cường vitamin A vào thực phẩm
Cách tốt nhất để tăng cường vitamin A cho cơ thể là bổ sung dạng tiền chất của vitamin A bằng cách ăn các loại thực phẩm chứa hàm lượng cao beta carotene. Đây như một phương pháp hiệu quả và an toàn cho trẻ em. Một số loại thực phẩm có thành phần beta carotene cao như: [3]
- Rau ngót: chứa khoảng 6650 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Rau muống: chứa khoảng 5597 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Rau đay: chứa khoảng 4560 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Rau diếp: chứa khoảng 4443 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Rau kinh giới: chứa khoảng 4360 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Rau dền đỏ: chứa khoảng 4080 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Rau bí: chứa khoảng 1940 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Ớt đỏ to: chứa khoảng 1624 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Khoai lang nghệ: chứa khoảng 1470 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Xoài chín: chứa khoảng 445 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Ổi: chứa khoảng 374 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
- Đu đủ chín: chứa khoảng 276 microgram beta carotene trong 100 gram thực phẩm.
Bên cạnh đó, để thuận tiện trong quá trình lựa chọn thực phẩm bổ sung vitamin A cho trẻ, phụ huynh có thể dựa vào màu sắc của các loại rau củ quả như màu xanh, màu vàng, màu đỏ,.. Thông thường các loại rau củ và trái cây này chứa hàm lượng cao beta carotene.
Rau muống là một trong những loại thực phẩm giàu beta caroten
Cải thiện bữa ăn
Bên cạnh vấn đề tăng cường bổ sung vitamin A cho trẻ nhờ vào việc ăn đầy đủ các loại thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả thì các bậc cha mẹ cần phải quan tâm đến tình trạng hấp thu vitamin A của trẻ, tránh trường hợp ăn quá nhiều thực phẩm giàu beta carotene nhưng trẻ vẫn có dấu hiệu thiếu vitamin A.
Để quá trình hấp thu vitamin A được hiệu quả, trong bữa ăn, phụ huynh cần bổ sung thêm dầu mỡ do vitamin A là một chất tan trong dầu. Đây được xem như một giải pháp lâu dài và bền vững để giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin A ở trẻ em.
Cha mẹ cần bổ sung dầu mỡ trong quá trình chế biến thức ăn để trẻ hấp thu vitamin A tốt hơn
Nguồn sữa mẹ
Sữa mẹ chính là nguồn thức ăn tốt nhất, phù hợp nhất đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt là vấn đề cung cấp vitamin A cho trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện về mặt thể chất lẫn tinh thần, đồng thời hạn chế được tối đa bệnh tật, nhất là bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp và bà mẹ cần lưu ý rằng không có bất kỳ loại sữa nào có thể thay thế và so sánh được với sữa mẹ.
Do đó, ở phụ nữ cho con bú, vấn đề làm sao để duy trì được nguồn sữa mẹ dồi dào là hết sức quan trọng. Vậy để có được nguồn sữa mẹ đủ đáp ứng được nhu cầu của trẻ, bà mẹ nên:
- Uống nhiều nước, khoảng 2 đến 3 lít nước/ngày.
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Ngủ đủ giấc, ít nhất 8 giờ/ngày.
- Cho trẻ bú đúng cách.
- Khi sử dụng thuốc bắt buộc phải được sự chỉ định từ bác sĩ.
- Giữ tâm lý thoải mái, không áp lực, buồn bã, lo lắng.
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là cách bổ sung vitamin A tốt nhất
Lưu ý khi bổ sung vitamin A cho trẻ?
Cách cho trẻ uống vitamin A
Khi cho trẻ uống bổ sung vitamin A, ngoài việc quan tâm đến liều lượng và thời điểm uống thì cha mẹ cần phải lưu ý đến vấn đề cho trẻ uống vitamin A đúng cách để đạt được hiệu quả cao. Cách uống vitamin A cho trẻ khác nhau tùy theo từng lứa tuổi:
- Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: giữ viên nang vitamin A bằng hai ngón trỏ và ngón cái, sau đó cắt đầu núm viên nang rồi bóp từ từ cho trẻ uống, khoảng 3 giọt. Cuối cùng cho trẻ uống tráng miệng bằng một thìa nước lọc.
- Trẻ từ 13 tháng đến 24 tháng tuổi: giữ viên nang vitamin A bằng hai ngón trỏ và ngón cái, sau đó cắt đầu núm viên nang rồi bóp từ từ cho trẻ uống đến khi viên nang hết hoàn toàn. Cuối cùng cho trẻ uống tráng miệng lại bằng một thìa nước lọc.
- Trẻ trên 24 tháng tuổi: cho trẻ nhai trực tiếp hoặc nuốt viên nang vitamin A cùng với nước lọc.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần phải lưu ý trước khi cho trẻ uống vitamin A nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng.
Khi cho trẻ bổ sung vitamin A thì cần phải đúng liều, đúng lúc và đúng cách
Tác dụng phụ của vitamin A
Ngoài những hiệu quả đáng kể mà vitamin A mang lại đối với sức khỏe của trẻ thì vitamin A còn có nhiều tác dụng phụ mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm đến như:
- Rối loạn tiêu hóa: nôn ói, tiêu chảy, đầy bụng.
- Đau đầu.
- Ngứa da.
- Sưng mặt, môi.
- Khó thở.
- Ho, sốt.
- Vàng da.
- Rối loạn sắc tố da.
Tuy nhiên, những tác dụng phụ này hầu như xảy ra ở mức độ nhẹ nếu có, thậm chí là hiếm gặp. Và thường những triệu chứng này ít có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Mặc dù vậy, khi cha mẹ phát hiện được những dấu hiệu bất thường sau khi cho trẻ uống vitamin A thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Ngứa da là một trong những tác dụng phụ của vitamin A
Không lạm dụng vitamin A
Mặc dù vitamin A là rất cần thiết cho trẻ, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường, nặng nề nhất là gây mù lòa cho trẻ. Tuy nhiên, việc lạm dụng vitamin A sẽ gây dư thừa hàm lượng vitamin A trong cơ thể trẻ, điều này có thể gây nên nhiều bệnh lý như:
- Da phát ban, khô, tróc vảy, ngứa da.
- Viêm da, viêm niêm mạc miệng.
- Tăng áp lực nội sọ, đau đầu, co giật
- Chán ăn, mệt mỏi, dễ bị kích động.
- Vàng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Xuất huyết dưới da.
Khi trẻ xuất hiện dấu hiệu phát ban sau khi dùng vitamin A thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay
Xem thêm: Thiếu Vitamin A, trẻ nhỏ sẽ dễ mắc nhiều bệnh hơn
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về các vấn đề xoay quanh việc bổ sung vitamin A ở trẻ em. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay hãy chia sẻ cho bạn bè và gia đình cùng tham khảo nhé!
Nguồn: WHO, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố
Nguồn tham khảo
-
Trang 1024, Phác đồ Điều trị Nhi khoa năm 2016 của Bệnh viện Nhi Đồng 2
http://www.benhviennhi.org.vn/upload/files/PHAC%20DO%20NOI%20TRU%202016%20.pdf
-
Kế hoạch triển khai chương trình phòng chống thiếu vitamin A năm 2011
http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/1687/ke-hoach-trien-khai-chuong-trinh-phong-chong-thieu-vitamin-a-nam-2011.html
-
Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam
https://www.fao.org/fileadmin/templates/food_composition/documents/pdf/VTN_FCT_2007.pdf?fbclid:IwAR0E4o4ATYYwj9OluD20BDe-nJwjzorAoxY-eUP-qv-o3rMBjUi3bdakW7M
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Vì sao nên bổ sung vitamin A cho trẻ? Lịch uống Vitamin A tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.