Đau đầu có thể là một phản ứng của cơ thể khi đói. Cơ thể giải phóng các hormone thông báo cho não biết cần thức ăn để chuyển hóa năng lượng, đồng thời sử dụng năng lượng trên các bộ phận khác để bù đắp. Việc này gây tăng huyết áp và làm các mạch máu giãn ra. Sự giãn nở mạch máu là nguyên nhân dẫn đến đau đầu.
Đau đầu lúc đói có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ, cơn đau liên tục và ảnh hưởng đến cả hai bên đầu, thường kết thúc trong 72 giờ sau khi ăn. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau đầu lúc đói.
Lượng đường trong máu: Lượng đường trong máu thấp, còn gọi là hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong cơ thể xuống dưới 70 mg/dL. Hạ đường huyết phổ biến ở người bệnh tiểu đường, nhưng nhiều trường hợp người không mắc bệnh tiểu đường cũng có thể gặp phải tình trạng này. Người bị hạ đường huyết dễ gặp các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, run tay chân, không tập trung. Do đó, người bệnh được khuyến nghị ăn uống điều độ, các bữa ăn cách nhau không quá 3 giờ.
Mất nước: Nhức đầu là một triệu chứng mất nước. Nước cần thiết cho cơ thể để thực hiện chức năng chuyển hóa tế bào và giúp cơ thể xử lý thức ăn, duy trì các chức năng cơ bản. Khi đói, cơ thể thiếu năng lượng và mất nước, sẽ bắt đầu tiết kiệm năng lượng và lấy nước ở những bộ phận khác. Điều này có thể dẫn đến co thắt mạch máu gây đau đầu.
Phụ thuộc caffeine: Tiêu thụ caffeine thường xuyên dẫn đến tình trạng giãn nở mạch máu. Nếu không nhận được lượng caffein như thói quen, các mạch máu có thể co lại và dẫn đến chứng đau đầu do cai caffein. Tình trạng đau đầu biểu hiện rõ nhất khi đói. Đau đầu do đói gây ra cảm giác khó thở, tay chân bủn rủn, đầu đau nhói. Cơn đau có thể xảy ra xung quanh đầu, ở thái dương hoặc sau đầu và cổ. Nếu bạn thường xuyên bị đau đầu khi đói nên sớm đi khám để tìm ra nguyên nhân.
Người bị đau đầu do lượng đường trong máu thấp có thể tuân theo quy tắc 15-15: tiêu thụ 15 mg carbohydrate, đợi 15 phút và đo lại lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu vẫn dưới 70 mg/dL, hãy lặp lại các bước trên cho đến khi lượng đường trong máu đạt 70 mg/dL. Người bệnh cũng có thể kiểm soát tình trạng hạ đường huyết bằng cách mang theo đồ ăn nhẹ (chứa carbohydrate), thường xuyên ăn thực phẩm lành mạnh.
Nếu nguyên nhân do mất nước, bạn nên tăng lượng nước tiêu thụ, có thể là nước lọc, nước canh, hoa quả. Mọi người nên ghi lại nhật ký uống nước trên điện thoại để thiết bị này hỗ trợ theo dõi và nhắc nhở thời điểm uống nước.
Với nguyên nhân đau đầu do caffein, người bệnh phải đảm bảo vừa giữ đủ nước vừa giảm lượng caffein nạp vào cơ thể từ từ. Bạn cũng có thể thử uống đồ uống có hàm lượng caffein thấp, chẳng hạn như các loại trà. Khi cơ thể quen với lượng caffein thấp, bạn có thể bỏ hẳn.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/vi-sao-dau-dau-khi-doi-4592091.html