Nhiều người nghĩ chúng ta làm việc nhiều hơn các thế hệ trước nhưng thực tế không đúng. Nghiên cứu cho thấy thời gian rảnh của nam giới Mỹ đã tăng từ 6 đến 9 giờ một tuần trong 50 năm qua. Số giờ rảnh của phụ nữ cũng tăng gấp đôi, từ 4 lên 8 giờ một tuần.
Vậy tại sao chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thốn thời gian? Các chuyên gia về năng suất lao động đã chỉ ra mọi người thường rơi vào một số “cái bẫy” khiến thời gian không bao giờ là đủ.
Công nghệ làm gián đoạn thời gian nghỉ
Công nghệ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, nhưng nó cũng lấy đi thời gian của chúng ta. Điều này được gọi là nghịch lý về quyền tự chủ. Những khoảng thời gian dài rảnh rỗi mà chúng ta từng tận hưởng giờ đây liên tục bị gián đoạn bởi các thiết bị công nghệ. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng nhận thức và phân chia thời gian rảnh rỗi của chúng ta.
Bạn có một tiếng để nghỉ ngơi buổi tối, nhưng cứ một lúc lại phải kiểm tra hoặc phản hồi những thông báo, email hay tin nhắn. Những gián đoạn dường như vô hại này khi gộp vào sẽ chiếm một khoảng thời gian không nhỏ và làm đứt quãng thời gian nghỉ của bạn.
Điều này khiến chúng ta ít tận hưởng giờ nghỉ hơn và cảm giác rằng mình có ít thời gian rảnh hơn thực tế.
Tập trung quá nhiều vào tiền bạc
Một cái bẫy khác là nỗi ám ảnh văn hóa về công việc và kiếm tiền. Chúng ta được dạy một cách sai lầm rằng tiền bạc (chứ không phải thời gian) mang lại nhiều hạnh phúc hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng tiền bảo vệ chúng ta khỏi nỗi buồn nhưng không mua được niềm vui. Có tiền chắc chắn bảo vệ chúng ta khỏi căng thẳng. Cầm tiền mặt trong tay thậm chí còn mang lại cảm giác an tâm. Nhưng việc ngăn chặn kết quả tiêu cực khác với việc tạo ra những điều hạnh phúc.
Có một suy nghĩ rằng cách để trở nên giàu có hơn về thời gian là trở nên giàu có hơn về tài chính. Thực ra đây là sai lầm bởi việc theo đuổi sự giàu có và của cải là không có hồi kết.
Đánh giá thấp thời gian
Trong nền văn hóa ám ảnh với tiền bạc, nhiều người đánh đổi thời gian để bảo vệ tiền của họ. Chúng ta luôn chọn phương án với chi phí thấp nhất theo phản xạ, kể cả khi đó không phải phương án tối ưu.
Ví dụ, khi bạn đặt chuyến bay có transit (nối chuyến) để được rẻ hơn một chút, bạn đang rơi vào một cái bẫy thời gian. Bạn có thể tiết kiệm 300 USD nhưng sẽ mất thêm 8 tiếng trong kỳ nghỉ và thấy mệt mỏi và căng thẳng hơn.
Rất khó để đo lường giá trị thời gian nên bạn sẽ dễ đưa ra những lựa chọn sai lầm. Bạn vẫn có thể cảm thấy rằng sự đánh đổi này là xứng đáng, nhưng việc tính toán đơn giản này đặt ra một cách nhìn khác về giá trị của thời gian, thứ mà chúng ta hay có xu hướng đánh giá thấp.
Coi bận rộn là thành công
Danh tính của chúng ta ngày càng gắn liền với công việc. Trong một cuộc khảo sát năm 2017 ở Mỹ, 95% thanh niên nói rằng có một “nghề nghiệp thú vị và có ý nghĩa” là điều cực kỳ quan trọng đối với họ.
Do cảm thấy giá trị bản thân của chúng ta được quyết định bởi công việc và năng suất, vẻ ngoài bận rộn khiến chúng ta thấy hài lòng về bản thân. Ngược lại, tập trung sự chú ý vào một thứ khác ngoài công việc có thể đe dọa địa vị của chúng ta. Chúng ta muốn được coi là nhân viên làm việc nhiều giờ nhất, ngay cả khi những giờ này không hiệu quả.
Bất an tài chính cũng thúc đẩy chủ nghĩa tôn thờ công việc. Hầu hết chúng ta đối phó bằng cách làm việc nhiều hơn và cố gắng kiếm nhiều tiền hơn. Chúng ta cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền vào những thứ khiến chúng ta hạnh phúc, chẳng hạn như đi ăn ngoài hoặc đi nghỉ.
Ác cảm với sự nhàn rỗi
Ngay cả khi sống trong một xã hội hoàn toàn bình đẳng chúng ta vẫn sẽ tạo ra căng thẳng về thời gian cho mình bởi khó thích nghi với sự nhàn rỗi.
Các nhà nghiên cứu gọi đây là ác cảm với sự nhàn rỗi và nó khiến chúng ta làm một số điều kỳ lạ. Một thí nghiệm tại Đại học Havard cho thấy khi không có gì để làm, hầu hết mọi người vẫn muốn làm gì đó, kể cả là điều tiêu cực như tự làm mình bị điện giật hơn là ngồi không.
Công nghệ có thể giữ đầu óc bận rộn, nhưng nó lại là một cái bẫy góp phần gây ra căng thẳng và thiếu thời gian. Việc liên tục kết nối với các thiết bị công nghệ sẽ ngăn não phục hồi, khiến mức độ căng thẳng tăng cao.
Trên thực tế, sự nhàn rỗi đã được chứng minh là một hình thức giải trí có giá trị và có thể làm tăng sự sung túc về thời gian. Những lợi ích về thể chất và tinh thần của việc giải phóng bộ não có giá trị hơn nhiều so với sự căng thẳng do giữ cho tâm trí luôn bận rộn.
Nghĩ rằng ngày mai mình có nhiều thời gian hơn
Hầu hết chúng ta đều quá lạc quan về tương lai của mình. Chúng ta lầm tưởng rằng ngày mai chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn hôm nay. Điều này đôi khi được gọi là lỗi lập kế hoạch (planning fallacy) – chỉ việc đánh giá không đúng lượng thời gian, chi phí và hoạt động cần thiết để hoàn thành một kế hoạch.
Theo thống kê, yếu tố dự đoán tốt nhất về mức độ bận rộn của chúng ta trong tuần tới là mức độ bận rộn của chúng ta trong hiện tại. Tâm trí của chúng ta thường đánh lừa rằng sau này chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn bây giờ. Sự lạc quan thái quá này tạo ra sự dồn ứ công việc, để rồi cuối cùng chúng ta chẳng còn lại chút thời gian nào.
Mặc dù đây là 6 cái bẫy thời gian phổ biến nhất, nhưng tất nhiên có nhiều lý do khác khiến chúng ta không sắp xếp được thời gian. Có được sự sung túc về thời gian là nhận ra và vượt qua những cạm bẫy thời gian trong cuộc sống của chúng ta và tạo ra những khoảnh khắc hạnh phúc và ý nghĩa hơn mỗi ngày.
Đức Anh (Theo Ideas TED)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/vi-sao-chung-ta-luon-thieu-thon-thoi-gian-4592057.html