Bạn đang xem bài viết Vi khuẩn Helicobacter Pylori tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn Hp) là gì?
Vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn Hp) là một dạng xoắn khuẩn gram âm, có 3-5 chiên mao và râu nên di chuyển dễ dàng, sống trong lớp nhày niêm mạc dạ dày, tăng trưởng 30-40oC. Có khả năng tồn tại trong môi trường axit đậm đặc. Vi khuẩn Hp là vi khuẩn hiếu khí, mọc chậm nên phải ủ 4-7 ngày. Vi khuẩn Hp được tìm thấy năm 1982 và được hai bác sĩ người Úc là Barry Marshall và Robin Warren tìm thấy.
Ngoài môi trường niêm mạc dạ dày, vi khuẩn Hp còn có nhiều trong nước bọt, cao răng. Vì vậy, đây là loại vi khuẩn rất dễ lây lan qua đường ăn uống.
Theo thống kê, tỷ lệ vi khuẩn Hp lây nhiễm ở nước ta khá cao khoảng hơn 70% dân số. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen dùng chung ly chén, thức ăn. Tỷ lệ này rất cao so với trung bình của thể giới là hơn 50%, với các nước phát triển như Canada, Hoa Kỳ là 30%.
Tính chất đặc trưng của vi khuẩn Hp?
Tiết ra men urease: làm NH3 tăng cao gây tổn thương niêm mạc dạ dày và HCO3- tăng gây tăng pH dạ dày làm tăng Gastrin tác động tế bào thành tiết HCL tạo loét dạ dày tá tràng.
Tiết ra các men (Catalase, oxylase, glucopolypeptidase): cắt cầu nối và liên kết H+ phá hủy lớp chất nhầy giúp H.pylori xâm nhập dễ dàng vào niêm mạc và gây phá hủy niêm mạc dạ dày tá tràng.
Tiết ra các độc tố tế bào (Cytotoxin): gây phá hủy tế bào sinh loét mạnh.
Nhiễm H. pylori trên người nhóm O cao gấp 1,5-2 lần so với người có nhóm máu khác.
Tính chất dịch tễ của vi khuẩn H. pylori
H.pylori có trong nước bọt, cao răng, phân
H.pylori lây qua đường tiêu hóa (Ăn uống chung), hôn nhau, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm kém.
H.pylori chia 3 nhóm chính: không độc, độc vừa (sinh viêm loét), độc mạnh (Gây ung thư: lymphoma, adenocarcinoma). Mỗi người chỉ nhiễm 1 trong các nhóm, nên mang tính chất gia đình do lây lan.
Muốn biết chủng độc hay không độc dựa vào gen mang chuỗi DNA loại CAG. Nếu CAG (+): độc, CAG (-): không độc.
Hậu quả của nhiễm vi khuẩn H.pylori
Nhiễm chủng H.pylori lành thường không triệu chứng
Viêm niêm mạc dạ dày cấp tính
Vi khuẩn Hp có thể gây viêm niêm mạc dạ dày cấp tính
Tác hại đầu tiên của vi khuẩn Hp có thể gây ra cho dạ dày được kể đến đó là viêm niêm mạc dạ dày cấp tính. Hầu như những ai mắc phải chứng bệnh này thường không có các biểu hiện cụ thể. Có một số ít người có những biểu hiện như: Chán ăn, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
Viêm niêm mạc dạ dày mãn tính
Trường hợp bệnh nhân bị viêm niêm mạc dạ dày cấp tính nhưng không được phát hiện và điều trị sớm sẽ chuyển thành mãn tính. Lúc này, bệnh sẽ nặng hơn, khó khăn trong việc điều trị và chi phí tốn kém hơn nhiều.
Loét dạ dày- tá tràng
Vi khuẩn Hp gây loét dạ dày
Ngoài những chứng bệnh nói trên, vi khuẩn Hp còn có thể gây ra chứng bệnh loét dạ dày tá tràng. Đây là một chứng bệnh nguy hiểm, có thể gây chảy máu dạ dày – tá tràng. Trường hợp nhẹ chỉ gây xuất huyết tạm thời, nhưng nếu bị nặng, vết loét sâu gây chảy máu nhiều không cầm máu kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao rất nguy hiểm.
Ung thư dạ dày
Vi khuẩn Hp tấn công gây ra tình trạng viêm dạ dày, loét dạ dày- tá tràng lâu ngày sẽ gây ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh ung thư dạ dày cũng có đặc điểm chung giống các loại ung thư khác là ở giai đoạn đầu như chướng bụng đầy hơi, đau tức vùng thượng vị, ợ chua, tiêu hóa không tốt. Vì vậy, nếu không có kiến thức về bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường tiêu hóa khác.
Vi khuẩn Hp gây ung thư dạ dày
Điều trị H.pylori
Phương pháp chẩn đoán H.pylori
Nội soi dạ dày kèm CLO-Test
Nuôi cấy và kháng sinh đồ
PCR trong mẫu nước bọt, phân
Huyết thanh học (IgA, IgG): xét nghiệm máu tìm kháng thể, thường tồn tại 9-12 tháng, thích hợp cho chẩn đoán H.pylori lần đầu, không dùng để theo dõi điều trị.
Test hơi thở C13, C14
Chỉ định diệt trừ H.pylori
– Rối loạn tiêu hóa (Đầy bụng, ợ hơi) không loét, bệnh nhân yêu cầu
– Viêm dạ dày cấp, mạn
-Loét dạ dày, tá tràng
– Sau cắt dạ dày vì ung thư có H.pylori
– Tiền căn gia đình bị ung thư và luôn bị H.pylori
– U MALT, Lymphoma
Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn H.pylori
– Giữ vệ sinh cơ thể và môi trường xung quanh: Đây được xem là cách cơ bản nhất để phòng ngừa lây nhiễm bệnh hiệu quả. Muốn có sức khỏe tốt thì chúng ta phải đảm bảo môi trường sống xung quanh sạch sẽ. Quần áo, chăn màn, giường chiếu cần được giặt thường xuyên. Trước khi ăn cần phải tập thói quen rửa tay sạch sẽ để tránh vi khuẩn từ tay xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống.
– Ăn chín uống sôi: Như chúng ta đã biết, vi khuẩn Hp cũng như những loại vi khuẩn khác chỉ sống được trong thực phẩm tươi. Chính vì vậy, việc làm chín thức ăn, nước uống trước khi sử dụng là cách tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả trước khi chúng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Tuyệt đối không được sử dụng nguồn nước hay thức ăn mà bạn nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh.
– Hạn chế tiếp xúc gần với người đang nhiễm Hp: Điều này cực kỳ quan trọng, khi trong gia đình đang có một người mắc bệnh liên quan đến vi khuẩn Hp thì những người còn lại nên lưu ý thực hiện tốt những điều sau:
+ Sử dụng đồ vệ sinh cá nhân riêng, tuyệt đối không dùng chung các vật dụng từ bàn chải, khăn tắm, khăn lau mặt đến chén, muỗng.
+ Vi khuẩn Hp sống được trong nước bọt nên không được hôn hay mớm đồ ăn, gắp đồ ăn, tiếp xúc gần miệng của người bệnh.
– Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: Đây cũng được xem là một phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Chúng ta cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời nên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe chống lại bệnh tật.
(Hình ảnh tổng hợp từ newsnetwork.mayoclinic.org, wasabisrestaurant.com, news.mayomedicallaboratories.com, google,…)
Thạc sĩ Ân Thái Hoàng Anh
Bệnh viện Đa khoa Triều An
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Vi khuẩn Helicobacter Pylori tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.