Linh là học sinh trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ba tuần nữa em sẽ thi vào trường THPT Quang Trung – Đống Đa, trường lấy điểm chuẩn trung bình môn năm ngoái là 7,7. Sức học khoảng 7 điểm mỗi môn, nên Linh lo sốt vó.
Nhà cách trường một km, buổi sáng nữ sinh đi bộ, hoặc gọi xe ôm công nghệ, trưa bố đón về. Linh nói may mắn nhà gần, nên em về và kịp ngủ trưa 30 phút, nhiều bạn trong lớp ăn trưa xong, đi học là vừa.
Đầu giờ chiều Linh trở lại trường. 17h tan học, Linh được mẹ chở đến trung tâm luyện thi, cách đó 5 km. Hôm nào thầy cô chữa đề, tan học muộn, gần 23h Linh mới về tới nhà. Do nhiều bài tập, nữ sinh tự học thêm 1-2 tiếng, có hôm tới 2h sáng mới đi ngủ. Trung bình thời gian học mỗi ngày của Linh khoảng 13 tiếng, có ngày nhiều hơn.
Nữ sinh nói thường tranh thủ ăn tối trong lúc đợi mẹ đón, chủ yếu là bánh mỳ, xúc xích rán, xôi mua ngay tại cổng trường. Hôm nào mệt hoặc chán ăn, Linh chỉ uống milo dầm trân châu – thức uống khoái khẩu của em và nhiều bạn. Nếu trường tan muộn, hoặc mẹ đón trễ, Linh ăn luôn trên yên xe máy. Chỉ nặng 37 kg, tạng người gầy, nhỏ, nhiều người còn nghi ngờ khi em nói mình là học sinh lớp 9. Đợt này ăn uống thất thường, Linh giảm tiếp 2 kg.
“Căng thẳng, mệt mỏi nhưng vẫn phải học, sắp thi rồi. Em cố để mỗi môn tăng 1 điểm, vậy mới có khả năng đỗ”, Linh nói.
Hoàng Nam, huyện Thanh Trì, cũng bận rộn không kém. Ngoài hai buổi ở trường, tối nào Nam cũng học thêm, hai ngày cuối tuần cũng kín lịch. Nguyện vọng một Nam chọn THPT Ngô Thì Nhậm, nguyện vọng hai vào trường Nguyễn Quốc Trinh với điểm chuẩn trung bình năm ngoái lần lượt 6,85 và 6,25 mỗi môn. Sau các lần thi thử, Nam đạt khoảng 7 điểm mỗi môn, nhưng vì chưa yên tâm, mỗi tối khi về nhà lúc 21h, em chỉ dám nghỉ một chút rồi lại ngồi vào bàn học.
Sợ con không đảm bảo sức khỏe, chị Phượng – mẹ của Nam, không cho con tự đạp xe đến các lớp học như trước. Chị phân công bố đưa, mẹ đón. Chồng chị thoải mái thời gian hơn, nên về sớm buổi chiều lo cơm nước cho Nam để kịp giờ học tối, bắt đầu lúc 18h30.
“Con ôn thi mà cả nhà áp lực, như cùng thi với con”, chị Phượng nói.
Để giành một suất vào lớp 10 công lập, Linh, Nam và hàng chục nghìn học sinh lớp 9 đang chạy đua với thời gian để ôn luyện. Tuy không có thống kê cụ thể, việc học sinh tham gia nhiều lớp học thêm rất phổ biến, theo bà Tô Thị Hải Yến, hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ.
Các giáo viên, hiệu trưởng chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng học sinh lớp 9 “bơi ra học” trước kỳ thi chuyển cấp.
Một là tỷ lệ cạnh tranh gắt gao để vào lớp 10 công lập ở Hà Nội, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống giáo dục Học mãi. Năm nay, gần 105.000 thí sinh đăng ký thi, trong khi tổng chỉ tiêu khoảng 70.000, nên tỷ lệ trúng tuyển trung bình 66,5%.
Nếu nhìn vào khu vực nội thành, tình hình khắc nghiệt hơn. 12 quận có gần 45.000 học sinh đăng ký, với tổng chỉ tiêu là 21.890, tỷ lệ đỗ chỉ 48%. Trong khi đó, các trường THPT ở ngoại thành tuyển gần 48.000 em trong tổng 60.000 em đăng ký, tỷ lệ trúng tuyển tới 80%.
Lý do thứ hai là cách xét tuyển lớp 10 của Hà Nội. Nhiều năm nay, thành phố vẫn được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng, trong đó nguyện vọng một và hai thuộc khu vực thường trú, nguyện vọng ba bất kỳ. Thí sinh trượt nguyện vọng một được xét vào nguyện vọng tiếp theo, nhưng phải cao hơn 1-2 điểm so với điểm chuẩn của trường đó.
“Đây là cách xét tuyển lạc hậu, gây lo lắng cho các em và gia đình, vì sợ trượt hết nguyện vọng”, thầy Ngọc nói.
Chênh lệch môi trường, học phí giữa trường công và tư là lý do thứ ba, theo một hiệu trưởng ở quận Đống Đa. Hai năm gần đây, học phí THPT công lập ở Hà Nội tối đa 109.000 đồng một tháng. Năm tới, học phí dao động 100.000-300.000 đồng, thấp hơn cả trăm lần so với trường tư.
Các trường tư thường có nhiều hệ với học phí khác nhau, thấp nhất khoảng 4,5 triệu đồng, cao nhất 86 triệu đồng một tháng, chưa kể chi phí khác như bán trú, đồng phục, cơ sở vật chất. Trong khi đó, thu nhập bình quân năm 2021 của người dân thủ đô là 6 triệu đồng một tháng, theo Tổng cục thống kê.
“Mức đóng góp của trường tư là quá sức với đa số phụ huynh Hà Nội”, hiệu trưởng này nhận định. Ông cũng cho rằng ngoài yếu tố tài chính, một đứa trẻ đã học công lập từ lớp 1 đến 9 khi chuyển sang tư thục sẽ không dễ hòa nhập.
Điều đó khiến phụ huynh và học sinh e ngại, từ đó mà kỳ vọng vào trường công tăng, ông kết luận.
Kỳ vọng tăng dẫn đến học nhiều, trong khi thời gian ngủ nghỉ, ăn uống không đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất của học sinh. Đây là tác động rõ ràng, hiển nhiên, theo hiệu trưởng Đinh Thị Vân Hồng, trường THCS Đống Đa. Ngoài ra, việc học sinh chịu căng thẳng trong thời gian dài còn tác động tới tâm lý các em. Bà Hồng đánh giá đây mới là hệ lụy đáng lo ngại, không thấy ngay lập tức và diễn biến khó lường.
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng THCS Giảng Võ, khuyên học sinh dành thời gian tự học. Chiến lược ôn thi quan trọng trong giai đoạn nước rút là sử dụng thời gian hợp lý. Các em nên học buổi sáng sớm, hạn chế thức đêm, đồng thời cần phân bổ thời gian nghỉ ngơi, ăn uống để tái tạo sức khỏe.
Phụ huynh cũng cần có phương án dự phòng. Bà Yến đánh giá nhiều trường tư, cao đẳng dạy nghề có chất lượng tốt, các gia đình không nhất thiết đóng khung lựa chọn chỉ có trường công lập.
Dù vậy, các giải pháp này chỉ là phần ngọn, theo thầy Ngọc. Theo thầy giáo này, Hà Nội nên điều chỉnh nguyên tắc xét tuyển, học hỏi mô hình xét tuyển đại học hiện nay: cho học sinh đăng ký không giới hạn và không phân biệt điểm chuẩn giữa thứ tự nguyện vọng. Cách làm này tiến bộ, ít áp lực hơn hẳn.
Chị Phượng xót xa khi mỗi lần thấy con trai mệt rũ, bài tập làm không xuể, song vẫn mong con đỗ công lập vì môi trường “lành” hơn.
“Nếu con kém, tôi xác định luôn cho đi học tư thục, đằng này con học lực khá cứng, đang chới với nên cả bố mẹ và con đều muốn cố gắng”, chị nói.
Ngọc Linh cũng biết bố mẹ đã tính phương án dự phòng cho em vào THPT Lương Văn Can – một trường tư thục gần nhà, nhưng nữ sinh không giảm cường độ học.
“Em hiểu điều kiện gia đình, nếu học trường tư, bố mẹ sẽ gặp áp lực chi phí, nên vào được công lập vẫn tốt hơn. Em cũng muốn cố hết sức để không hối hận khi nhận kết quả”, Linh nói.
Thanh Hằng – Bình Minh
*Tên học sinh, phụ huynh đã được thay đổi
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/vat-chan-len-co-chay-dua-vao-lop-10-4606036.html