Đố kị là không bằng lòng với những gì bản thân đang có, luôn ghen ghét, muốn chiếm đoạt những thứ tốt đẹp hơn của người khác. Với 13 bài Nghị luận xã hội về lòng đố kị sẽ giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về lòng đố kị.
Người có lòng đố kị luôn mang tâm lí muốn chứng tỏ mình không thua kém người khác, thậm chí hơn người. Lâu dần sẽ khiến con người ta trở nên mù quáng, bất chấp công lý. Mời các em cùng theo dõi bài viết để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9.
Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về tác hại của tính đố kị.
Nghị luận về lòng đố kị của con người
- Dàn ý nghị luận xã hội về lòng đố kị của con người (2 mẫu)
- Nghị luận về lòng đố kị
- Nghị luận xã hội về lòng đố kị của con người (11 mẫu)
- Nghị luận về lòng đố kị
Dàn ý nghị luận xã hội về lòng đố kị của con người
Dàn ý 1
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: lòng đố kị.
Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.
2. Thân bài
a. Giải thích
Đố kị: là việc mỗi người không bằng lòng với những gì bản thân mình đang có, nhòm ngó, có thái độ ghen ghét, muốn chiếm đoạt những thứ tốt đẹp hơn của người khác; không can tâm chấp nhận bản thân mình thua kém người khác.
Lòng đố kị là một tính xấu mà chúng ta cần phải bài trừ để xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
b. Phân tích
Người có lòng đố kị luôn mang tâm lí muốn chứng tỏ mình không thua kém người khác, thậm chí hơn người. Đố kị là động cơ kích thích ý muốn hạ thấp, hãm hại người khác để thỏa lòng ích kỉ tăng lên.
Trên thực tế, không một lòng đố kị nào có thể ngăn cản được người khác thành công, cho nên lòng đố kị chỉ có hại cho bản thân kẻ đố kị. Nó vừa làm cho kẻ đố kị không được sống thanh thản, luôn dằn vặt khổ đau, lại vừa có thể dẫn họ đến những mưu đồ xấu xa, thậm chí phạm tội ác.
Lòng đố kị lâu dần sẽ khiến con người ta trở nên mù quáng, bất chấp những việc làm, hành động xấu xa để thỏa mãn những tham vọng của mình.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống với lòng đố kị đã chuốc lấy thảm hại để minh họa cho bài làm văn của mình.
d. Phản đề
Trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống với tấm lòng chân thành, yêu thương rộng mở; biết chấp nhận cuộc sống bản thân và hoàn thiện nó; không tranh đua, ghen ghét, nhòm ngó cuộc sống của người khác,… Những người này sẽ luôn thấy được vẻ đẹp của cuộc đời, ý nghĩa của cuộc sống và là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo.
e. Liên hệ bản thân
Là người học sinh, chúng ta cần nhận thức được tác hại của lòng đố kị và rèn luyện cho bản thân một lối sống lành mạnh. Mỗi người hãy sống chan hòa, yêu thương bản thân cũng như yêu thương những người xung quanh mình để thấy cuộc sống tốt đẹp hơn.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: lòng đố kị.
Dàn ý 2
I. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lòng đố kị.
II. Thân bài
1. Giải thích
- Đố kị là sự ghen ghét, không công nhận, thậm chí có suy nghĩ, hành động bài trừ đối với những thành tựu của người khác.
- Lòng đố kị thể hiện qua những hành động suy nghĩ tỏ ra khó chịu khi người khác hơn mình.
2. Bàn luận về lòng đố kị và tác hại của đố lòng kị
- Lòng đố kị biểu hiện qua: cảm giác tức tối khi người khác hơn mình hay ganh ghét với những người giỏi hơn mình. Khi người có lòng đố kị họ có thể đặt điều nói xấu, bôi nhọ thanh danh của người khác.
3. Nguyên nhân dẫn đến lòng đố kị
- Thiếu tự tin, mặc cảm hay do tự ti.
- Lòng đố kị xuất phát từ những người luôn bất mãn với cuộc sống của mình và từ đó ghen tị với người khác.
4. Tác hại
- Phá hoại các mối quan hệ của mình cũng như của người khác.
- Cuộc sống không thoải mái luôn nghĩ cách hãm hại người khác và cũng làm hại cả bản thân.
- Làm nảy sinh nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực, khiến cho bản thân người có lòng đố kị luôn căng thẳng, bức bối, không thoải mái.
5. Bài học nhận thức và hành động
- Lòng đố kị là tính xấu của con người cần phải loại trừ con người cần có lòng cao thượng khoan dung rộng rãi.
- Cạnh tranh lành mạnh, cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn.
III. Kết bài
- Khẳng định lại tác hại của đố kị và liên hệ bài học cho bản thân.
Nghị luận về lòng đố kị
Con người muốn trở nên tốt hơn thì cần rèn luyện cho bản thân mình những đức tính tốt đẹp cũng như bài trừ những tính xấu ra khỏi cuộc sống của mình. Một trong những tính xấu cần bài trừ đó là lòng đố kị.
Đố kị là việc mỗi người không bằng lòng với những gì bản thân mình đang có, nhòm ngó, có thái độ ghen ghét, muốn chiếm đoạt những thứ tốt đẹp hơn của người khác; không can tâm chấp nhận bản thân mình thua kém người khác. Lòng đố kị là một tính xấu mà chúng ta cần phải bài trừ để xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Người có lòng đố kị luôn mang tâm lí muốn chứng tỏ mình không thua kém người khác, thậm chí hơn người. Đố kị là động cơ kích thích ý muốn hạ thấp, hãm hại người khác để thỏa lòng ích kỉ tăng lên.
Trên thực tế, không một lòng đố kị nào có thể ngăn cản được người khác thành công, cho nên lòng đố kị chỉ có hại cho bản thân kẻ đố kị. Nó vừa làm cho kẻ đố kị không được sống thanh thản, luôn dằn vặt khổ đau, lại vừa có thể dẫn họ đến những mưu đồ xấu xa, thậm chí phạm tội ác. Lòng đố kị lâu dần sẽ khiến con người ta trở nên mù quáng, bất chấp những việc làm, hành động xấu xa để thỏa mãn những tham vọng của mình. Trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống với tấm lòng chân thành, yêu thương rộng mở; biết chấp nhận cuộc sống bản thân và hoàn thiện nó; không tranh đua, ghen ghét, nhòm ngó cuộc sống của người khác,… Những người này sẽ luôn thấy được vẻ đẹp của cuộc đời, ý nghĩa của cuộc sống và là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo.
Là người học sinh, chúng ta cần nhận thức được tác hại của lòng đố kị và rèn luyện cho bản thân một lối sống lành mạnh. Mỗi người hãy sống chan hòa, yêu thương bản thân cũng như yêu thương những người xung quanh mình để thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Đố kị là một tính xấu làm cho con người trở nên tính toán hơn, ghen ghét hơn, chúng ta không nên học theo tính cách này và cần bài trừ chúng ra khỏi xã hội để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghị luận xã hội về lòng đố kị của con người
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 1
Ngược lại với tôn vinh là sự đố kị, ganh ghét. Nguyên nhân của thói đố kị chính là do không chấp nhận thực tế người khác hơn mình; không muốn nhìn thấy người khác thành công. Đó rõ ràng là biểu hiện cao nhất thói ích kỉ của con người. Sống mang lòng đố kị làm cho kẻ đố kị không có phút giây thanh thản, trong lòng luôn dằn vặt, đau khổ, căm tức một cách không chính đáng. Điều đó có thể dẫn họ đến mưu đồ xấu xa, thậm chí phạm tội ác.
Tâm lí đố kị xét cho cùng chỉ là sự biến dạng của lòng hiếu thắng bởi vì người đố kị và người hiếu thắng giống nhau ở chỗ đều muốn chứng tỏ mình không thua kém người khác, thậm chí hơn người. Lòng hiếu thắng và thói đố kị luôn thôi thúc người phải vượt qua người khác không phải bằng chính năng lực của mình mà bằng mưu chước. Đó chẳng qua chỉ là sự khôn lỏi nhất thời, là sự xảo trá chứ không phải trí tuệ chân chính.
Người có thói đố kị luôn muốn hạ thấp, hãm hại người khác để thỏa mãn sự ích kỉ, tham vọng của bản thân nên mang tính chất tiêu cực. Những người như thế thượng bị người đời khinh ghét và xa lánh. Thế nên, đừng vì đố kị, ganh ghét mà mang thù hận vô cớ ở trong lòng. Hãy biết trân trọng và tôn vinh điều người khác hơn mình và lấy đó làm động lực để không ngừng nỗ lực vươn lên cho đến khi đạt được như thế.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 2
Mỗi chúng ta không phải đều được tạo nên từ những phần tươi đẹp, có những góc tối u ám mà mỗi người luôn cố gắng khắc phục. Và có lẽ, hai chữ “đố kỵ” là điều mà không ai mong muốn nhưng nó lại luôn hiện hữu mạnh mẽ trong ta. Trong bức thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học, ông đã viết “Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ”. Dù bức thư đã được viết hơn 200 năm trước nhưng dường như lời nhắn gửi của ông vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
“Đố kỵ” là một thói xấu phổ biến trong xã hội. Đó là cảm giác ghen ghét, hậm hực, uất ức trước sự thành công, trước sự uy việt hoặc trước uy tín của người khác. Nhà văn Tạ Duy Anh đã nói “thói ghen tị là một thuộc tính của con người – luôn luôn ẩn náu trong chúng ta và luôn luôn chờ thời cơ để nhảy bổ vào chi phối những suy nghĩ, ứng xử, hành động của ta…cái con rắn ghen tức, đố kị sẽ tìm cách khuất phục lý trí để ngóc đầu dậy tác oai tác quái”. Như vậy, tổng thống Lincoln không chỉ muốn nhắn gửi đến sự giáo dục – hãy dạy trẻ em tránh xa góc tối đố kỵ đó mà còn hướng đến tất cả mọi người, chúng ta cần chung tay để loại bỏ nó.
Sự đố kỵ bắt nguồn từ đâu? Nó sẽ xuất hiện khi ta thấy xấu hổ bởi không thành công hay có được điều gì đó như những người khác. Nó cũng len lỏi khi ta muốn sở hữu thành công, danh vọng,…nhưng lại không chịu cố gắng, không học tập. Đã biết bao câu chuyện về sự đố kỵ. Trong truyện cổ tích “Sọ Dừa”, hai cô chị vì ghen ghét, đố kỵ với em lấy được Sọ Dừa – khi chàng đã trở nên khôi ngô mà hãm hại chính em gái ruột của mình. Nhưng rồi chính họ lại phải gánh chịu hậu quả. Hay như sự việc, một loạt những “anh hùng bàn phím” đã ra sức để chỉ trích, bôi nhọ MC Phan Anh khi anh có được sự tin cậy của đông đảo người dân để đóng góp vào quỹ từ thiện của mình. Đố kỵ gây ra vô vàn những hậu quả. Đối với cá nhân, nó làm thui chột những tình cảm tốt đẹp, nhiều mối quan hệ thiêng liêng, làm cho con người trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thậm chí độc ác, ích kỉ. Đối với xã hội, nó kìm hãm tài năng, cản trở phát triển hay kéo lùi sự phát triển của lịch sử.
Trong quá trình học tập và rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình, chúng ta phải dũng cảm, phải kiên quyết loại bỏ thói ghen tị “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim” (Ét-môn-đô A-mi-xi). Thay vì ghen ghét, hãy coi thành công của người khác là tấm gương để chúng ta học tập, noi theo, phấn đấu. Cuộc sống sẽ rạng rỡ, tươi đẹp hơn nếu không còn sự hiện hữu của “đố kỵ”.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 3
Thói ghen ghét, lòng đố kị là một trong những thói hư tật xấu, làm hạ thấp giá trị của con người, làm cho mối quan hệ giữa ta với người khác không được tốt đẹp. Lòng ghen ghét, đố kị không nhưng làm cho bản thân khổ sở mà còn gây cho người khác nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi thế, nhà văn Edmondo de Amicis đã từng nhắc nhở: “Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”.
Bằng hình ảnh so sánh độc đáo, nhà văn Edmondo de Amicis đã chỉ ra rằng thói ghen ghét, đố kị trước những thành công, tương lai, địa vị và những điều tốt đẹp mà người khác đang có chẳng khác nào như một con rắn độc từng bước đầu độc trái tim và khối óc, làm tha hóa tâm hồn, nhân cách, đạo đức của con người.
Thói ghen ghét, đố kị làm cho con người trở nên ti tiện, nhỏ nhen, tầm thường, ích kị, tự hạ thấp giá trị bản thân mình. Phải biết rằng những thành công mà người khác có được đâu phải tự nhiên mà có. Nó được đánh đổi từ mồ hôi, nước mắt, công sức lao động khó nhọc mà ra. Nếu ta chăm chỉ làm lụng, chịu khó học hành, trau dồi tài năng trí tuệ của bản thân mình thì ắt hẳn một ngày nào đó ta cũng sẽ thành tựu, có được những gì mình mong muốn. Thế nên, không nên đố kị, ghen tị người khác.
Mỗi một người đều có những sở trường, sở đoản, mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Có thể họ tài giỏi ở một lĩnh vực nào đó và ta cũng vậy. Đừng ghen tị so đo mà tự chuốc lấy phiền não, rồi tỏ ra cau có, bực dọc đối với người khác làm cho mối quan hệ giữa ta với họ trở nên không còn tốt đẹp như trước. Những người như thế thật đáng bị chê trách.
Một số người vì ghen tị với tài năng của người khác mà tìm đủ cách hãm hại, trù dập, không cho người đó cơ hội thăng tiến, phát triển tài năng, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Phải phân biệt giữa thói ghen tị và thi đua. Thói đố kị, ganh ghét và tinh thần thi đua, cầu tiến giống nhau ở chỗ từ thành công của người khác khiến cho ta không hài lòng và vui vẻ. Nếu là người có lòng đố kị, ganh đua họ thường sẽ mỉa mai, gièm pha, khiêu khích. Nếu là người có tinh thần thi đua, họ sẽ lấy đó làm bài học mà phấn đấu vươn lên và vượt qua.
Quyết tâm loại bỏ thói ghen tị, luôn vui mừng trước những thành tựu của người khác, không ngừng học hỏi, trau dồi, hoàn thiện nhân cách, tài năng của chính mình.
Lòng đố kị là nguyên nhân dẫn đến sự dối trá. Sự dối trá lại mang đến tai họa cho bản thân. Bởi thế, hãy làm đúng như Edmondo de Amicis khuyên bảo: “Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 4
Con người sinh ra trong cuộc đời không ai là hoàn hảo. Tận sâu bên trong mỗi người đều tồn tại những mặt không tốt. Một trong số đó là lòng đố kị.
Trước hết cần hiểu lòng đố kị là thái độ ghen ghét, không hài lòng hoặc thậm chí là có những suy nghĩ, hành động bài trừ với những thành công trong cuộc sống của người khác. Lòng đố kị được biểu hiện rõ ràng qua suy nghĩ, hành động với những người xung quanh. Đó là khi chúng ta cảm thấy tức tối khi thấy người khác hơn mình về nhiều mặt trong cuộc sống. Khi một người có lòng đố kị, họ sẵn sàng đặt điều nói xấu người khác.
Ví dụ như trong học tập, khi một bạn có thành tích học tập tốt lại được thầy cô và những người xung quanh yêu quý. Chúng ta liền cảm thấy khó chịu và ghét người bạn đó. Hay trong công ty, cùng là nhân viên trong một phòng có người nhưng có người lại được có hiệu quả công việc cao hơn nên được nhận tiền thưởng nhiều hơn. Các nhân viên trong phòng cảm chắc hẳn sẽ cảm bất mãn khi mình đã cố gắng hết sức mà không đạt được kết quả như mong muốn. Ngay cả trong một gia đình, cùng là anh chị em sống chúng nhưng đôi khi cũng sẽ cảm thấy ghen tị khi một người được bố mẹ chiều chuộng, yêu thương nhiều hơn. Như vậy, lòng đố kị xuất phát điểm của nó đến từ việc chúng ta tự so sánh mình với những người xung quanh. Khi cảm thấy bản thân có điểm không bằng với họ, chúng ta cảm thấy tự ti và này sinh ra sự ghen ghét, đố kị. Hoặc cũng có thể xuất phát từ cảm giác bất mãn với cuộc sống của chính mình để rồi sinh ra đố kị.
Một con người, khi có luôn đố kị với người khác sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Những mối quan hệ trong xã hội sẽ trở nên rạn nứt chỉ vì những lời nói xấu do đố kị. Cuộc sống của chúng ta cũng sẽ không thể nào hạnh phúc khi cứ mãi tìm cách để nói xấu, hãm hại người khác. Đặc biệt là làm hại chính bản thân của chúng ta. Nó làm nảy sinh những trạng thái tâm lý tiêu cực, khiến cho chúng ta luôn cảm thấy căng thẳng mệt mỏi thậm chí tồi tệ hơn là rơi vào trạng thái trầm cảm. Ảnh hưởng đến tâm lý sẽ dẫn đến những hành vi cực đoan, không chỉ là hại đến người khác mà còn làm hại đến chính mình.
Đối với một học sinh, việc tu dưỡng đạo đức để giữa được một tâm hồn trong sáng. Cũng như bản thân nhận thức được rằng con người luôn không hoàn hảo. Mỗi người sinh ra đều có những thành công riêng của bản thân. Từ đó biết cảm thông và chia sẻ với hạnh phúc của người khác. Cũng như cố gắng để cuộc sống của bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Chỉ có vậy, những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước mới có thể ngày càng thành công trên con đường học tập.
Qua phân tích trên, mỗi người hãy nhận rõ được tác hại của lòng đố kị trong cuộc sống. Và cần biết cách tu dưỡng bản thân trở nên tốt đẹp hơn từng ngày.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 5
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại.
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”
(Dậy mà đi, Tố Hữu)
Con người khi đối mặt với thất bại của bản thân đa số đều cảm thấy tự ti. Còn khi nhìn vào thành công của người khác lại cảm thấy đố kị. Trong cuộc sống, lòng đố kị đã gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến mỗi người.
Đầu tiên, cần hiểu được thế nào là đố kị? Hiểu một cách đơn giản nhất, đố kị là một thái độ của con người đối với những người xung quanh. Đó là khi bạn cảm thấy ghen ghét với những người xinh đẹp, giỏi giang và thành công hơn mình. Việc cảm thấy đố kị với người khác xuất phát từ việc bản thân tự so sánh mình với những người xung quanh. Khi cảm thấy bản thân có điểm không bằng với họ, chúng ta cảm thấy tự ti và này sinh ra sự ghen ghét, đố kị. Hoặc cũng có thể xuất phát từ cảm giác bất mãn với cuộc sống của chính mình để rồi sinh ra đố kị.
Đứng trước tài năng hay thành tựu của người khác, người có lòng đố kị luôn cảm thấy khó chịu và không công nhận những điều ấy. Họ tìm cách nói xấu đối phương, hạ thấp giá trị và coi thường những thành quả mà người đó đạt được. Từ xa xưa đến nay, ông cha ta đã có rất nhiều câu để nói về lòng đố kị như: “Ghen ăn tức ở” hay “Trâu buộc ghét trâu ăn”… Thế mới thấy, đố kị chẳng còn xa lạ trong cuộc sống nữa.
Một người nếu cứ mãi đố kị với cuộc sống của người khác thì bản thân cuộc sống của họ sẽ luôn cảm thấy không hạnh phúc. Đặc biệt, việc nói xấu hay đặt điều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt là nó sẽ làm nảy sinh những trạng thái tâm lý tiêu cực, khiến cho chúng ta luôn cảm thấy căng thẳng mệt mỏi thậm chí tồi tệ hơn là rơi vào trạng thái trầm cảm. Ảnh hưởng đến tâm lý sẽ dẫn đến những hành vi cực đoan, không chỉ là hại đến người khác mà còn làm hại đến chính mình.
Trái ngược với sự ghen ghét, đố kị là lòng khoan dung, rộng lượng. Chúng ta hãy trau dồi bản thân để trở thành một người thật tự tin. Khi đối mặt với thành công của người khác cần thật tâm chúc mừng. Đồng thời coi đó là động lực để bản thân cố gắng gấp đôi. Thái độ cạnh tranh công bằng sẽ khiến cho những người xung quanh nể phục và kính trọng bạn hơn.
Là một học sinh, tôi luôn ý thức được phải tránh xa lòng đố kị. Nhất là khi sống trong một tập thể lớp học. Mỗi bạn đều có những cá tính riêng, tài năng riêng. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng phát huy tốt nhất những thế mạnh của mình để có thể đạt được những kết quả tốt như mình mong muốn. Cùng nhau cố gắng để xây dựng một tập thể lớp học phát triển mới là điều tốt đẹp hơn cả.
Tóm lại, con người cần ý thức được tác hại của lòng đố kị. Từ đó bản thân cố gắng trau dồi hơn để trở thành một người thành công bằng chính năng lực của mình. Cuộc sống khi ấy mới có ý nghĩa tốt đẹp.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 6
Có ai đó đã từng nói rằng: “Sự cao cả là ở chỗ không cảm thấy ghen tị khi nhìn những người khác đạt được những thành công mà bản thân mình khao khát”. Nhưng trong cuộc sống, con người dường như khó có thể làm được điều ấy.
Đôi khi, lòng đố kị đã chiếm lĩnh suy nghĩ của con người. Trước tiên, đố kị là thái độ ghen ghét, không hài lòng hoặc thậm chí là có những suy nghĩ, hành động bài trừ với những thành công trong cuộc sống của người khác. Một người cảm thấy đố kị với người khác đa phần là do họ có được những thứ mà người đó không có được. Sự đố kị không chỉ xuất hiện trong suy nghĩ của con người mà còn được biểu hiện qua lời nói và hành động của người đó. Ông cha ta đã có những câu như “Ghen ăn tức ở”, “Con gà tức nhau tiếng gáy”… để nói về sự đố kị.
Biểu hiện của lòng đố kị rất dễ thấy trong cuộc sống hằng ngày. Trong một lớp học, nếu thấy bạn của mình thi được điểm cao hơn, liền cảm thấy ghen tức rồi không công nhận năng lực của bạn. Trong một công ty, nếu thấy đồng nghiệp giỏi giang hơn mình thì tìm cách nói xấu, hãm hại họ. Hoặc ngay trong một gia đình, khi tình cảm của bố mẹ với những đứa con của mình có sự chênh lệch, chắc chắn giữa những đứa con cũng có sự đố kị…
Đây là “một đức tính” không tốt đẹp của con người. Khi bạn luôn đố kị với người khác, có nghĩa là bạn luôn so sánh bản thân mình với họ. Cuộc sống như vậy sẽ rất mệt mỏi, lâu dần rất có thể sẽ nảy sinh những trạng thái tâm lý tiêu cực như trầm cảm. Người mang tâm lý đố kị sẽ khó có thể thành công. Đồng thời những phẩm chất tốt đẹp sẽ bị lu mờ, mà càng ngày càng trở nên “xấu xí” hơn. Họ cũng dễ bị những lợi ích làm mờ mắt mà không có được hành động sáng suốt, không thể nhìn xa trông rộng mà càng ngày càng đi vào lối mòn.
Trái lại nếu chúng ta biết hài lòng với cuộc sống của bản thân, biết đồng cảm và chia sẻ với những người xung quanh. Khi thấy người khác giỏi giang, thành công hơn nhưng không ghen ghét mà coi đó như một tấm gương, một động lực để phấn đấu. Thì chắc chắn chúng ta sẽ có một cuộc vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Đặc biệt là thành công sẽ tìm đến khi mỗi người biết tự mình nỗ lực.
Khi còn là một học sinh, việc tu dưỡng đạo đức để giữa được một tâm hồn trong sáng. Đồng thời bản thân cần nhận thức được rằng con người luôn không hoàn hảo. Ai cũng đều có một điểm mạnh và điểm yếu riêng. Đừng so sánh bản thân với người khác. Chúng ta hãy biết cảm thông và chia sẻ với hạnh phúc mọi người. Cũng như cố gắng để cuộc sống của bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Để gió cuốn đi) – tấm lòng biết chia sẻ và yêu thương. Mỗi người hãy luôn rèn luyện đạo đức để tránh xa khỏi thói độ kị.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 7
Con người có rất nhiều đức tính tốt như nhân hậu, thật thà, dũng cảm… nhưng song song với những đức tính tốt thì ở con người cũng tồn tại một số tính xấu đó là tham lam, ích kỉ, đố kị. Đặc biệt là lòng đố kị có thể tác động tiêu cực đến tinh thần, tình cảm của con người mà còn làm rạn nứt những mối quan hệ tốt đẹp.
Đố kị là sự ghen ghét so đo với những gì mà người khác có. Những người có lòng đố kị thường tính toán thua thiệt với người khác. Đứng trước tài năng hay những thành tựu của người khác thay vì ngưỡng mộ hay công nhận thì người có lòng đố kị lại tỏ ra khó chịu, phủ nhận những thành tựu, tài năng ấy bằng những lời nói, suy nghĩ hay những hành động tiêu cực. Chẳng hạn, trong một lớp học khi thấy bạn học của mình đạt điểm cao trong môn học nào đó, người có lòng đố kị sẽ tỏ ra không vui, thậm chí cho rằng kết quả ấy chỉ là sự may mắn mà hoàn toàn phủ nhận đi sự cố gắng, tài năng của bạn học nọ. Trong một công ty, nhân viên trong cùng một nhóm cùng tham gia thi đua đạt thành tích nhân ngày Quốc tế lao động ngày 1 tháng 5. Khi nhân viên có thành tích xuất sắc nhất được công bố, không đạt được kết quả như ý muốn người có lòng ghen tị sẽ tỏ ra bất mãn, hoài nghi với kết quả ấy, cũng có thể là đặt điều, nói xấu, lôi kéo “đồng bọn” để cùng nói xấu, thỏa mãn sự ích kị của mình mà không hề xét đến sự cố gắng chưa đủ của bản thân mình. Hoặc chẳng hạn cùng là hàng xóm với nhau gia đình bên cạnh họ hơn về tài chính hay con họ giỏi hơn con mình thì cũng đố kị tìm cách đặt điều nói xấu, hạ bệ họ làm sao để mình hơn họ.
Đố kị là tính xấu của con người. Người nào mà có tính đố kị thì rất khó thành công vì họ luôn soi xét tìm những tìm điểm yếu của người khác luôn tìm cách để bôi nhọ họ, tìm cớ để gây sự, họ làm gì cũng không vừa ý. Tính đố kị sẽ làm cho những đức tính tốt lu mờ và thay vào đó từ đố kị con sẽ thêm các tính xấu khác như ích kị nhỏ nhen… Con người có tính đố kị họ sẽ tìm đủ mọi cách để kìm hãm phát triển của người khác và cũng ảnh hưởng đến cộng đồng khi ta tìm cách soi mói người khác thì ảnh hưởng đến công việc của mình cũng như của họ sẽ làm chậm tiến độ công việc. Tính đố kị còn khiến con người tự tách mình ra khỏi những mối quan hệ, làm cho những tình cảm vốn tốt đẹp trở nên ố màu, rạn nứt. Nếu duy trì thói quen soi mói, đố kị quá lâu con người sẽ trở nên cô độc trong chính mối quan hệ của mình.
Khi có tính đố kị, tầm nhìn và sự quan tâm của con người bị che mờ bởi sự ích kị nhỏ nhen, bởi vậy họ chỉ chăm chăm soi xét, bắt lỗi người khác mà trở nên dễ dãi với bản thân mình, tự cho mình quyền phán xét, đánh giá người khác. Khi không biết học hỏi, cố gắng để tự hoàn thiện mình thì người có lòng đố kị cũng chẳng thể phát triển trong xã hội vốn có nhiều khó khăn, thử thách này.
Nguy hiểm hơn nữa, khi lòng đố kị trở thành những hành động cực đoan, nó có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Không dừng lại ở nói xấu, đặt điều, luôn tỏ thái độ khinh ghét với người khác nữa mà có thể nảy sinh những hành động phá hoại, ngăn cản người khác bằng những hành động thiếu minh bạch. Người có tính đố kị bị thành tích lợi ích làm lu mờ tâm trí họ những thứ nhất thời làm mờ mắt mà không nhìn xa trông rộng.
Để không ngừng vươn lên, khẳng định giá trị bản thân, thay vì ích kỉ, đố kị với người khác, chúng ta hãy tự đặt ra những mục tiêu phát triển, nhìn vào điểm tốt, thế mạnh của người khác để học hỏi. Khi biết công nhận người khác đồng thời nỗ lực hoàn thiện mình các bạn không chỉ tự tạo ra được những thành tích đáng ngưỡng mộ mà còn loại bỏ được tâm lý tự ti, ích kị, soi xét người khác bằng con mắt khó chịu. Khi bạn nhìn mọi việc ở chiều hướng tiêu cực, suy nghĩ của bạn cũng sẽ thoải mái, khi đặt cái nhìn định kiến, ghen ghét đố kị thì chính bản thân bạn là nạn nhân của những phản ứng tâm lý tiêu cực ấy.
Hãy công nhận người khác nếu họ thực sự xuất sắc, sống bao dung, tích cực, không ngừng học hỏi để cởi trói cho những ràng buộc trong đời sống tình cảm và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh mình. Con người không có lòng đố kị là một con người tự do không lo âu một con người thanh thản thoải mái với cuộc sống. Khi họ đó không cần phải tính toán, tìm cách hại người khác. Khi mình có một cuộc sống không ganh đua ghen ghét đố kị, sống hết mình sống với những ước mơ của mình thì cuộc sống đấy mới có ý nghĩa.
Còn ngồi trong ghế nhà trường thì hãy cố gắng loại bỏ lòng đố kị đi và thay vào đó là hãy giúp đỡ nhau cùng nhau học tập và phát triển bản thân. Chúng ta cố gắng rèn luyện học tập chăm chỉ và tự hào về bản thân mình và hãy học tập những đức tính tốt.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 8
Trong đời sống, ta thường thấy một hiện tượng xấu là lòng đố kị. Thấy ai có chút thành tích, kẻ đố kị cảm thấy khó chịu, đau khổ như mình bị mất mát điều gì, tiếp đó nảy sinh những phản ứng bệnh hoạn.
Trong lớp, một học sinh có thành tích học tập giỏi, người có tính đố kị sẽ nói bóng gió là bạn ấy khéo làm thân với các thầy, các cô. Thấy bạn có bộ đồ mới hợp thời trang, người đố kị tìm cách dìm, bảo: “Báu gì, hàng thùng ấy mà!”. Thấy một đôi vợ chồng đẹp đôi, hạnh phúc, kẻ đố kị liền nói độc miệng: “Rồi xem, được bao lâu!”.
Hiện tượng đố kị trong cuộc sống đã có từ xưa. Thời Tam Quốc có danh tướng Đông Ngô là Chu Du, nổi tiếng thao lược nhưng lại có tính đố kị. Thấy Gia Cát Lượng tài ba, Du đã nhiều lần tìm cách chứng tỏ mình là người tài “đệ nhất thiên hạ”, nhưng lần nào cũng bị thua. Lòng đố kị còn khiến Chu Du tìm kế sách hãm hại Gia Cát Lượng, nhưng lần nào Lượng cũng đoán biết và thoát hiểm. Khi nhận ra tài trí của mình không bằng Gia Cát Lượng, Du đã ngửa mặt lên trời mà than: “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng!”. Câu nói đó đã bộc lộ chân tướng của người đố kị: không chấp nhận thực tế người khác hơn mình.
Lòng đố kị có thể gắn với sự hiếu thắng, một tâm lý muốn chứng tỏ mình không thua chúng kém bạn, thậm chí hơn người. Tính hiếu thắng có thể có tác dụng kích thích người ta phấn đấu, cạnh tranh vượt lên người khác, có ý nghĩa tiến bộ nhất định. Tâm lý đố kị ngược lại, chỉ là sự biến dạng của lòng hiếu thắng. Đố kị là tâm lí của kẻ thất bại. Động cơ kích thích phấn đấu giảm sút, mà ý muốn hạ thấp, hãm hại người khác để thỏa lòng ích kị tăng lên. Phân tích lòng đố kị, nhà triết học Hy Lạp cổ đại A-ri-xtốt đã nói: “Người đố kị sở dĩ cảm thấy dằn vặt đau đớn không chỉ vì cảm thấy mình thua kém mà còn vì phải nhìn thấy người khác thành công”. Nhà triết học đã chỉ ra thực chất kẻ đố kị là kẻ không muốn nhìn thấy người khác thành công.
Trên thực tế, không một lòng đố kị nào có thể ngăn cản được người khác thành công, cho nên lòng đố kị chỉ có hại cho bản thân kẻ đố kị. Nó vừa làm cho kẻ đố kị không được sống thanh thản, luôn dằn vặt khổ đau vì những lý do không chính đáng, lại vừa có thể dẫn họ đến những mưu đồ xấu xa, thậm chí phạm tội ác. Kẻ đố kị không hiểu rằng “ngoài trời còn có trời” (cao hơn), “ngoài núi còn có núi” (cao hơn), mình tài còn có người tài hơn.
Lòng đố kị là một tính xấu cần khắc phục. Con người cần phải có lòng cao thượng, rộng rãi, biết vui với thành công của người khác. Tình cảm cao thượng không chỉ giúp con người sống thanh thản, mà còn có tác dụng thúc đẩy xã hội và đồng loại tiến bộ.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 9
Con người bên cạnh những đức tính tốt đẹp thì cũng có những điểm hạn chế cần cải thiện khắc phục. Một trong những điều đó chính là thói đố kị.
Đố kị là sự ghen ghét, so đo với những gì người khác có. Người đố kị thường rất tính toán thiệt hơn luôn không bằng lòng với những gì mình đang có và cảm thấy khó chịu khi người khác hơn mình. Có thể nói người có tính đố kị là thường xuyên ghen ăn tức ở với những người xung quanh. Chẳng hạn khi ta thấy bạn ta học giỏi hơn ta, thi được giải cao hơn ta thì ta cảm thấy ghét bỏ, không công nhận năng lực của bạn, cho rằng bạn không xứng đáng, ganh ghét với những gì bạn nhận được. Trong công việc, khi bình bầu nhân viên xuất sắc, các cá nhân nhất trí, đồng lòng bình bầu một thành viên duy có một người vì đố kị, so đo với họ mà tìm cách vùi dập, nói xấu tìm ra yếu điểm của người kia. Rồi chẳng hạn thấy nhà bên cạnh cho con đi học thêm lớp này lớp khác, gia đình này cũng về cho con mình đi học để chứng tỏ với người ta con tôi cũng học nhiều học giỏi, thấy gia đình bên cạnh đi du lịch đây đó cũng về cố gắng sắp xếp đi du lịch để sang khoe khoang…
Đố kị là một đức tính không tốt đẹp của con người, người có thói đố kị sẽ khó có thể thành công, luôn luôn tìm cách bôi nhọ nói xấu người khác, thấy người khác làm gì cũng không vừa ý. Thói đố kị sẽ khiến cho những đức tính tốt đẹp của con người bị lu mờ, đạo đức và nhân phẩm của con người trở nên xấu xí, đáng chê trách. Vì con người có thói đố kị nên đã kìm hãm sự phát triển của người khác, ảnh hưởng đến sự phát triển chung bởi lẽ khi ta luôn soi mói, để ý tìm tòi những ưu điểm của người kia, những thành tích người khác đạt được thì ta sẽ không thể tập trung làm việc gì. Chưa kể, những người đố kị thường nảy sinh những hành động xấu như bôi nhọ, tìm cách dìm dập, hạ bệ đối phương, điều đó khiến cho con người và tập thể rơi vào một vòng tranh đấu mà không thể tập trung phát triển. Những người đố kị thường bị thành tích và lợi ích làm mờ mắt dẫn đến những hành động không sáng suốt, không thể nhìn xa trông rộng mà chỉ quanh co trong một lối mòn.
Ngược lại, nếu như con người biết tiết chế, bỏ qua tính đố kị, biến lòng đố kị thành sự ngưỡng mộ thì thực tế sẽ vô cùng khác biệt. Khi thấy người khác giỏi giang hơn ta, ta không ghen ghét, so đo tính toán mà ngược lại ngưỡng mộ họ, tôn sùng họ, thì ta sẽ có những động lực tích cực để phấn đấu, làm việc. Nếu như thói đố kị kìm hãm sự phát triển của con người thì ngược lại, lòng ngưỡng mộ, tôn trọng và yêu mến sẽ khích lệ mọi người cùng nhau cố gắng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Tinh thần con người khi không đố kị cũng sẽ thoải mái, nhẹ nhõm và sáng suốt hơn rất nhiều.
Trong xã hội hiện nay, những người có lòng đố kị càng ngày càng nhiều. Rất nhiều người luôn rình rập, tìm cách hạ bệ nhau. Thấy người khác hơn mình cái gì là lại khó chịu, bức bối. Những người như vậy rồi cũng trở thành những tấm gương xấu của mọi người, khiến tình cảm với mọi người xung quanh trở nên rạn nứt.
Trong môi trường học đường, mỗi bạn học sinh nên biết dẹp bỏ thói đố kị, giúp đỡ nhau cùng học tập, phát triển. Mỗi bạn học sinh thay vì đi để ý đến những gì mà các bạn khác làm được thì hãy tập trung vào việc học tập chăm chỉ, tự bản thân các bạn luôn cố gắng, không phải so đo với ai thì những gì các bạn làm được sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu và thành tích của chúng ta mới thật là đáng tự hào.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 10
Lòng đố kỵ như ngọn sóng âm ỉ trong lòng, nếu không chế ngự kịp thời sẽ bùng phát thành con sóng lớn, gây tác hại khó lường. Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng có người đàn ông rất may mắn, ước gì được nấy. Tuy nhiên, đi kèm với sự may mắn đó là điều kiện: Bất cứ điều gì ông ta ước, người hàng xóm sẽ có gấp đôi.
Thế là khi ông ta sở hữu ngôi nhà đẹp, người hàng xóm liền có một dinh thự lộng lẫy. Ông ta ước mình giàu có, người hàng xóm có hẳn một mỏ vàng…Không chịu được sự “bất công” đó, người đàn ông may mắn liền ước mình bị mù một mắt để người hàng xóm bị mù cả hai!
Chính lòng đố kỵ đã tạo nên sự nhỏ nhen, biến thành cảm giác hận thù và suy nghĩ mù quáng cho ông ta: thà kém may mắn hơn một chút để người khác đau khổ hơn mình thay vì chọn điều ngược lại.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, biết dẫu đằng sau lời khen, cái bắt tay chúc mừng chiến thắng chính là những ánh mắt ghen ghét, bực tức. Sự đố kỵ tạo nên cảm giác bực bội, khó chịu khi người khác giỏi hơn, đẹp hơn, hạnh phúc hơn mình… nó có thể xảy ra với tất cả mọi người.
Vậy làm thế nào để xóa bỏ những cảm giác, suy nghĩ tiêu cực và biến chúng thành điều tốt đẹp? Trước hết, hãy thành thật với bản thân. Bạn cần phải luôn tự vấn xem điều gì làm bạn ganh ghét người khác. Thực ra, khi đố kỵ với ai đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang thua kém họ. Hãy nhớ, khi không thích ai chính là lúc bạn đang thể hiện sự yếu kém của mình.
Hãy cố gắng nhận ra và thật sự hiểu nó. Một trong những cách hữu hiệu để đối phó với lòng đố kỵ là nhìn nhận và hiểu nó. Có nhiều người không nhận ra rằng cảm giác tức giận khi mình thua thiệt ai đó chính là lòng đố kỵ. Những lúc như vậy, bạn sẽ khó điều chỉnh hành vi của bản thân. Nếu bạn không thể hiểu được vấn đề đang diễn ra, hãy tìm một ai đó để trò chuyện: Tất nhiên, đây phải là người có kinh nghiệm giải quyết vấn đề. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên xác đáng để thay đổi tình hình.
Đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Thói quen này hoàn toàn không tốt, nó sẽ làm bạn cảm thấy mệt mỏi và bị thua thiệt về mọi thứ. Tốt nhất, hãy sống thoải mái và hài lòng với những gì mình có. Hãy biến sự đố kị thành động lực để cố gắng phấn đấu. Hãy phân tích xem tại sao mình kém hơn người khác. Sau đó, hãy biến sự thua sút đó thành động lực để nỗ lực hơn.
Cần có suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Bạn đừng chỉ nhìn vào chiến thắng của người khác mà đem lòng ghen tức. Thực ra, ai cũng có những vấn đề, khó khăn riêng của mình. Nghĩ kỹ xem, chắc chắn họ cũng có những điểm yếu đấy.
Hãy dành thời gian nhiều hơn cho những niềm vui, đó có thể bữa ăn cùng gia đình, bạn bè; hẹn hò với người yêu đi xem bộ phim yêu thích… Nói chung, hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn thoải mái, niềm vui sẽ giúp bạn quên đi những suy nghĩ nhỏ nhen của mình.
Hạn chế lòng đố kị bằng cách suy nghĩ và làm việc nhiều hơn. Đầu tiên, hãy nghĩ về thành công của mình và nhận thấy rằng thật may mắn khi “sở hữu” chúng. Tiếp theo, nghĩ về niềm hạnh phúc của người thân, cảm thấy vui vì họ xứng đáng được như vậy. Sau đó, nghĩ tương tự như thế về một người quen và sau cùng là nghĩ về một người bạn đang đố kỵ. Bằng cách này, khi nghĩ đến “người đáng ghét” đó, những cảm giác tiêu cực trong bạn hầu như không còn.
Nghị luận về lòng đố kị của con người – Mẫu 11
Hiểu đơn giản, đố kị (hay ganh tị, ghen tị) là một cảm xúc xảy ra khi một người thiếu phẩm chất, năng lực tốt đẹp, thành tích, vật sở hữu mà người khác có và mong muốn điều đó hoặc mong muốn người khác không có được điều đó. Nếu tôn vinh là một năng lực của trí tuệ thì đố kị lại là biểu hiện sinh động của bản năng.
Thi đua và ganh đua, ranh giới thật mong manh. Nếu vì ngưỡng mộ và tôn vinh tài năng của người khác mà phấn đấu vươn lên thì đó là thi đua. Còn nếu vì đố kị, ganh ghét với thành tựu của người khác mà không ngừng khiêu khích, bôi nhọ, phỉ báng họ thì đó là hiếu thắng. Tâm lí đố kị xuất phát từ lòng ích kỉ, không muốn ai hơn mình. Đó chỉ là sự biến dạng của lòng hiếu thắng mà thôi. Dù xuất phát ở bất kì động cơ nào, đố kị luôn là một biểu hiện của cái xấu. Đó là cảm xúc tiêu cực, cần phải điều chỉnh nếu không có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Đố kị chính là nguyên nhân mạnh mẽ nhất gây ra khổ đau và bất hạnh. Chu Du chỉ vì đố kị với tài trí của Gia Cát Lượng mà tỏ ra ganh ghét, hiếu thắng, không chấp nhận thực tế người khác hơn mình, bản thân chưa thất bại nhưng không mong muốn Gia Cát lượng thành công. Chính điều đó mà khiến cho tâm lực của Chu Du bị tổn thương nặng nề, cuối cùng thổ huyết mà chết.
Tính đố kị của Chu Du là bài học sâu sắc, nhắc nhở chúng ta đừng sinh lòng đố kị, đừng trở nên hiếu thắng mà hãy nỗ lực phấn đấu rèn luyện mình, cạnh tranh công bằng, vượt lên người khác bằng tài năng, ý chí và nghị lực của chính mình, bằng sự thi đua chứ không phải là lòng đố kị thấp kém.
Nghị luận về lòng đố kị
Tính đố kỵ, ganh ghét từ xa xưa đã có. Trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” Chu Du vì ghen tức Gia Cát Lượng tài trí hơn mình đã bao lần đan tâm hãm hại mà không được, cuối cùng vì uất hận hộc máu mồm mà chết. Đó chính là một điển hình về lòng ganh ghét, đố kỵ. Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến. Ganh ghét, đố kỵ là gì? Do đâu mà có? Khắc phục nó như thế nào?
Người ta hay so sánh mình với những người cùng điều kiện như mình, chẳng hạn như: Bạn cùng lớp, đồng nghiệp cùng cơ quan, hàng xóm láng giềng, thâm chí anh, chị, em ruột thịt trong nhà… đối với những người càng ở gần, càng nhiều quan hệ càng dễ nảy sinh ra lòng ganh tỵ. Nếu phát hiện ra những người quen biết xung quanh mình có một vài mặt nào đó hơn mình thì thường cảm thấy trong lòng mình kém vui, sốt ruột, lo lắng, buồn bã, xấu hổ, lặng thinh, ngờ vực… rồi thì bực bội, căm ghét, thấy mình bị xúc phạm, muốn trả thù… Tất cả các tâm trạng đó tổng hợp lại thành một trạng thái tâm lý phức tạp, khó lý giải. Đó chính là tính ganh ghét, đố kỵ. Ganh ghét và đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Dễ nhận thấy nhất là khi ai đó có thành tích, địa vị, vinh dự, chuyên môn, bằng cấp, của cải, nhân duyên, gia đình hạnh phúc, thành đạt là nảy sinh ganh ghét, đố kỵ… Có người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ ra ngoài, nhưng có người lại “chôn kín” ở trong lòng. Nhưng dù bất cứ hình thức nào, lòng ganh ghét, đố kỵ đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc. Trước hết sự ganh ghét, đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa người với người, hòa khí vốn có trước đây bỗng chốc vì ganh tỵ mà rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Thứ nữa lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau được thì nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
Ngoài ra lòng ganh tỵ, có ảnh hưởng rất to lớn đến sức khỏe thể chất và tâm thần của con người. Người có tính ganh ghét, đố kỵ bao giờ cũng căng thẳng về tinh thần và tổn hại về sức khỏe. Họ luôn bị một chứng bệnh khổ sở “stress” hành hạ. Ở cơ quan tôi có hai anh Trưởng phòng, một làm Hành chính, môt làm Nghiệp vụ. Trong công việc cũng như ngoài đời họ là cặp đôi lý tưởng, tình bạn, tình đồng nghiệp của họ những tưởng luôn bền chặt theo năm tháng. Thân thiện, chín chắn, thẳng thắn và đầy trách nhiệm, đó là những gì tốt đẹp mà cấp dưới dành cho họ. Thế rồi, vì khuyết một vị trí Phó giám đốc, một trong hai người đã được Ban giám đốc đề bạt. Chỉ vừa mới nộp hồ sơ để làm thủ tục, qui trình, trong buổi họp ở cơ quan, anh Trưởng phòng Nghiệp vụ có đôi lời trao đổi, anh Trưởng phòng Hành chính đã hét lên: “Mày chưa là Sếp tao đâu mà ra lệnh!” nói hết câu đã bỏ ra ngoài cuộc họp, để lại bao lời xì xào, bàn tán. . . Thế rồi từ đó tình bạn rạn nứt, mấy lần anh Trưởng phòng Nghiệp vụ chủ động qua phòng anh Trưởng phòng Hành chính làm lành đều bị anh ta từ chối, bỏ ra ngoài không tiếp. Ngày anh Trưởng phòng Nghiệp vụ nhận quyết định bổ nhiệm phó giám đốc, thì cũng chính là ngày anh Trưởng phòng Hành chính nộp đơn xin từ chức. Cũng từ đó, có dịp là anh ta công kích bất luận là đúng sai, phải quấy, miễn sao trút được cơn oán giận vô cớ trong lòng mình mới thỏa mãn. Người ngoài cuộc thì lấy đó làm trò đùa để tán gẫu, người trong cuộc lại tự nhủ đó là kẻ gác cổng giúp mình biết dừng lại trước “Ba-ri-e”. Ngẫm nghĩ thật tội nghiệp! Hơn 2500 năm trước, trong 14 điều răn, Đức Thích Ca Mâu Ni đã từng dạy chúng sinh:“Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ. Sai lầm lớn nhất của đời người là tự đánh mất chính mình”. Nhà văn Pháp De Balzac cũng đã từng nói: “Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”. Chân tướng của sự ganh ghét và đố kỵ ta đã biết rõ, thế muốn xóa bỏ ganh ghét, đố kỵ ta phải làm gì?
Phải nhận biết cái mà người ta có, không phải tự dưng nó đến mà phần lớn là công sức lao động, học tập kết hợp với tài năng, trí tuệ hình thành. Phải biết chấp nhận trong cuộc sống một chút tài năng và may mắn sẽ đem lại sự thành đạt cho con người. Nếu họ như ta mà họ hơn ta, tức là họ có may mắn hơn ta. Còn tại sao may mắn lại cứ đến với họ mà không đến với ta thì nên xem lại các điều kiện ngoại cảnh, các mối quan hệ, bản lĩnh sống của ta. Nếu có tin vào số mệnh thì hãy tự làm chủ số mệnh của mình:“việc gì đến nó sẽ đến”.
Trước sự thành công của “Đối thủ” hãy bình tĩnh, tự tin và lạc quan. Hãy nhìn sự vật một cách biện chứng trong mối quan hệ vận động và phát triển. Không nản lòng, không nhụt chí trước những điều chưa đạt được, luôn tin tưởng ở bản thân, ở tương lai chính mình, thất bại chỉ là tạm thời, đời người không ai tránh khỏi thất bại. Hãy dùng phép thắng lợi tinh thần: “thất bại là mẹ thành công” chỉ cần ta có dũng khí, đứng thẳng trên đôi chân mình thế nào cũng đi đến đích. Hồn thanh thản khi ta vào cuộc chiến đấu mới.
Học cái hay cái tốt của “đối phương”để bổ sung và hoàn thiện mình. Phát huy sở trường hạn chế sở đoản tìm kiếm những giá trị mới để bù đắp. Chẳng hạn, bạn gái ghen tỵ với một người nào đó xinh đẹp hơn mình, cho dù bạn có đi giải phẫu thẩm mỹ, hoặc trang điểm, hoặc dùng hàng hiệu cỡ nào mọi người cũng không khen là bạn đẹp hơn. Sắc đẹp là trời phú, vậy thì làm sao? Tôi khuyên bạn hãy chú tâm vào những việc làm khác, chẳng hạn bạn siêng năng tập thể dục, chơi thể thao để có sức khỏe dồi dào, ít đau ốm. Mọi người nhìn bạn lúc nào cũng căng phồng đầy sức sống, sắc diện hồng hào, thân hình cân đối, dáng đi thanh nhã, gọn gàng… thêm nữa bạn hãy tập ăn nói lưu loát, nhẹ nhàng, thuyết phục… như thế chẳng phải “bằng chúng, bằng bạn”. Nhờ vào những giá trị mới này mà bạn vượt qua “đối thủ”.
Cuối cùng, nếu không thể xóa bỏ được tâm lý ganh tỵ vì nó đã ăn quá sâu vào tâm trí ta, thì hãy làm cho nó có ý nghĩa tích cực hơn lên. Hãy cạnh tranh một cách lành mạnh, chính đáng. Bạn có thể so bì, ấm ức thì tại sao không biến những cái đó thành nghị lực để phấn đấu vươn lên. Hãy biến niềm kiêu hãnh của “người ta” thành liều thuốc kích thích cho chính mình. Tự đặt ra mục tiêu và tự kiên trì thực hiện, thực hiện bằng được. Nhưng đặt mục tiêu thì cần phải “biết người, biết ta thì mới trăm trận trăm thắng” và phải nhớ cho rằng: “Ước mơ càng lớn thì nghị lực càng cao”. Đó thử thách của lòng kiên trì và ý chí sắt đá của bạn.
Tóm lại chúng ta không vì sự ganh ghét, đố kỵ mà phải chán nản, đau khổ, buồn phiền. Càng không vì ganh tỵ mà thù oán, làm tổn thương, làm hại người mà ta ghen tức. Làm như thế chỉ tỏ ra ta là người yếu thế và tổn hại đến nhân cách ta mà thôi. Chúng ta không dấu ước mơ, hoài bão của mình, nhưng phải tỏ ra là người có ước mơ, hoài bão cao thượng và sẽ đạt được hoài bão, ước mơ đó bằng các phương châm, phương thức và hành động đúng đắn. Đối với tôi, tôi có chủ trương riêng không dám khuyên mọi người. Tôi sẵn sàng giúp đỡ, hợp tác, học tập kinh nghiệm của những người thành đạt để tỏ rõ bản lĩnh và giá trị đích thực của mình. Cách tôi tự khẳng định là học hỏi và nếu có thất bại thì cũng vượt qua được chính mình.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận xã hội về lòng đố kị của con người 2 Dàn ý & 13 bài văn nghị luận lớp 9 hay của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.