Văn mẫu lớp 9: Nghị luận Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò mang tới bài văn mẫu hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em hiểu rõ hơn, dễ dàng Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay).
Lứa tuổi học trò suy nghĩ vẫn chưa chín chắn, không thể tránh khỏi những bất đồng, xung đột. Vậy nên chúng ta cần bình tĩnh xem xét, biết nhận thức được cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào cần phải loại bỏ và cái nào nên tích cực phát huy. Mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn:
Dàn ý Nghị luận Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò
a. Mở bài
- Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò.
b. Thân bài
- Giải thích khái niệm xung đột, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò.
- Nêu hiện trạng hiện nay của tình trạng xung đột, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò.
- Nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò.
- Nêu ra các giải pháp cho tình trạng xung đột, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò.
c. Kết bài
- Khái quát, liên hệ bản thân về vấn đề.
Nghị luận Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò
Lứa tuổi học trò không thể tránh khỏi những bất đồng, xung đột. Thậm chí ở một vài nơi vẫn tồn tại bạo lực học đường trên lớp học, trong nhà trường, ngoài xã hội và đặc biệt còn bạo lực trên mạng xã hội. Điều này đã được hình thành và tồn tại từ lâu trong môi trường học đường. Đây cũng là vấn đề nhức nhối cần có sự phối hợp của cả học sinh, nhà trường, gia đình, xã hội để cải thiện tình hình và để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh các trường THCS, THPT ở một số tỉnh, thành như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hải Phòng, Cà Mau, TP Hà Nội…đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường, trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà cả một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, giẫm đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy, mũ bảo hiểm đánh bạn một cách tàn bạo, nạn nhân chỉ biết van xin, không thể phản kháng, trong khi đó rất nhiều bạn bè đứng xung quanh nhưng không có hành động gì để can ngăn, thậm chí còn cổ vũ, đáng lưu ý hiện tượng bạo lực hiện nay không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Những clip này là cú sốc lớn đối với phụ huynh và toàn xã hội khi tất cả mọi người đều nghĩ rằng các em đến trường đều chuyên tâm học hành, được đùm bọc trong sự thương yêu của thầy cô, bạn bè.
Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo về sự bất lực của nhà trường, gia đình và xã hội. Khi xem những clip này nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ trước tình trạng bạo lực học đường đang ngày một nghiêm trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng về tinh thần của học sinh, tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội. Khó ai biết, mỗi ngày đi học, con em mình có bị xâm hại thân thể, tinh thần hay không; bất cứ lúc nào, ở đâu, học sinh cũng có thể đánh nhau.
Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột ở học sinh là gì? Thứ nhất, đó là nguyên nhân từ chính các em học sinh. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi mà tâm, sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, tâm lý có những nét bất ổn, đôi lúc bốc đồng, không kiểm soát được hành vi bản thân. Thứ hai, nguyên nhân từ môi trường gia đình và xã hội: môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ được sinh ra tiếp xúc là gia đình, bố, mẹ là những người có ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của con cái. Trong tình hình hiện nay, có không ít ông bố, bà mẹ dạy con bằng cách la mắng, đánh đập thô bạo con khi con mắc sai lầm, dần dần đã hình thành trong con cái tính hung hăng hơn. Việc con cái tiếp xúc với văn hóa như phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi (kiếm, súng) mang tính bạo lực… cũng gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ. Xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Đa số những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng, nơi có nhiều tệ nạn xã hội… khi tiếp xúc với nhiều đối tượng xấu đó đã tác động xấu tới các em, dần dần đưa vào môi trường học đường và tác động, ảnh hưởng đến những học sinh khác trong nhà trường. Thứ ba, nguyên nhân từ nhà trường: các trường học còn nặng về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người. Mặt khác, cuộc sống thực dụng, chạy theo đồng tiền của một phần xã hội đã làm cho giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo bị xuống cấp. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay tại lớp học nhưng nhà trường không hay biết, chỉ đến khi trên mạng xuất hiện clip mới quay lại xác minh, xử lý.
Vậy làm thế nào để có thể giảm thiểu những mâu thuẫn, xung đột ở học sinh? Nhà trường cần có biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh về hành động, hậu quả của hành động bạo lực. Với những học sinh cá biệt, có biểu hiện “đầu gấu” thì phải khoanh vùng, phối hợp cùng gia đình uốn nắn, giúp đỡ các em, lôi kéo các em vào các phong trào của lớp, tạo sân chơi lành mạnh làm cho các em đỡ nhàm chán.
Các gia đình cần nhìn nhận lại cách giáo dục con trẻ, cần quan tâm tìm hiểu xem trẻ nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè; cha mẹ hãy là bạn đồng hành với con cái, không nên tạo cho con cái một vỏ bọc quá cứng nhắc sẽ gây tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, chơi bời, hưởng thụ; cần có thái độ phê phán, lên án những hành vi thô bạo và có những biện pháp xử lý có tính chất răn đe để làm gương cho người khác.
Nhà trường cần chủ động trao đổi thông tin với gia đình các em học sinh và chính quyền địa phương để nắm tình hình, quản lý và giáo dục học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm chắc diễn biến tư tưởng của học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra. Cần chú trọng việc dạy các môn học giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè.
Cả hệ thống chính trị cần nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm của mình trong giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, phát huy hết vai trò của mình trong công tác phòng ngừa tình hình bạo lực học đường, chủ động sử dụng tốt biện pháp vận động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, vận động tại các khu dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn cần kịp thời ngăn chặn, không để gây hậu quả xấu.
Những xung đột ở lứa tuổi học sinh đang ngày càng nhiều hơn và trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Những hành động tưởng như rất nhỏ của một thế hệ học sinh nhưng đang đe dọa đến sự ổn định xã hội mà chúng ta đang sinh sống. Không có gì là tự nhiên mà có, chúng ta phải hành động, phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, biết nhận thức được cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào cần phải loại bỏ và cái nào nên tích cực phát huy. Những xung đột, mâu thuẫn của học trò là những điều cần loại bỏ để thời thanh xuân của mỗi người đẹp đẽ hơn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay) của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.