TOP 4 Đoạn văn phân tích nhân vật Lục Vân Tiên hay nhất, giúp các em thấy rõ tính cách nghĩa hiệp, dũng cảm, không màng danh lợi của nhân vật chính trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.
Nhân vật Lục Vân Tiên chính là hình mẫu lí tưởng, được Nguyễn Đình Chiểu xây dựng một cách gần gũi, giản dị và mộc mạc. Qua đó, còn thể hiện mong ước của nhà thơ về một xã hội yên bình, nơi công lí lúc nào cũng được thực thi. Mời các em cùng ùng theo dõi bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn:
Đoạn văn phân tích nhân vật Lục Vân Tiên – Mẫu 1
Lục Vân Tiên là nhân vật chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công những phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên, qua đó thể hiện ước mơ về người anh hùng có thể hành đạo cứu đời. Trên đường về kinh đô ứng thí, Lục Vân Tiên đã gặp chuyện bất bình: đám cướp Phong Lai hoành hành, gây hại cho người dân vô tội. “Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ” (giữa đường thấy việc bất bình, rút gươm ra giúp sức), Lục Vân Tiên không suy tính thiệt hơn mà “bẻ cây làm gậy”, một mình chống lại toán cướp Phong Lai. Hành động ra tay tương trợ này đã thể hiện con người ngay thẳng, chính nghĩa của Lục Vân Tiên. Dù bọn cướp có hung dữ, ngang tàn thì bằng tài nghệ của mình, Lục Vân Tiên vẫn làm cho “lâu la bốn phía vỡ tan”. Dẹp tan được ”lũ kiến chòm ong”, Lục Vân Tiên ân cần hỏi han, an ủi hai cô gái bị nạn. Hành động dịu dàng, lễ nghĩa của Lục Vân Tiên còn thể hiện qua hành động ngăn cản Kiều Nguyệt Nga “Khoan khoan ngồi đó chớ ra” nhằm bảo vệ danh dự và thể hiện sự tôn trọng của bản thân với Kiều Nguyệt Nga. Không chỉ là con người chính nghĩa, ngay thẳng, trọng lễ nghi, Lục Vân Tiên còn là một người anh hùng hào sảng, không màng danh lợi, chàng quan niệm: Giúp người không mong đền ơn. Qua những hành động và lời nói của Lục Vân Tiên, ta có thể thấy đây là một con người anh hùng mang tinh thần nghĩa hiệp, thấy việc bất bình ra tay tương trợ; giúp người mà không mong người trả ơn.
Đoạn văn phân tích nhân vật Lục Vân Tiên – Mẫu 2
Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là một người chính trực, nhân nghĩa. Gặp cảnh cướp bóc giữa đường, Lục Vân Tiên đã ra tay hành hiệp trượng nghĩa, bảo vệ dân lành. Dù phải đơn độc đối đầu với một đám cướp hung dữ có đầy đủ vũ khí, Lục Vân Tiên không chút sợ hãi mà bẻ cây bên đường, dùng chúng làm vũ khí để dẹp tan lũ cướp Phong Lai. Không chỉ dũng cảm, chính trực, vì nghĩa quên thân, Lục Vân Tiên còn là một con người hào hiệp, nhân hậu và trọng lễ nghĩa. Sau khi dẹp tan lũ “lâu la”, Lục Vân Tiên đã “động lòng” an ủi, hỏi thăm hai cô gái bị nạn. Không những thế, chàng còn bảo vệ danh dự nữ nhi của Kiều Nguyệt Nga mà ngăn cản nàng xuống kiệu. Khi nghe Kiều Nguyệt Nga bày tỏ mong muốn báo đáp ơn cứu mạng, Lục Vân Tiên “nghe nói liền cười” bởi chàng coi việc hành đạo giúp đời là trách nhiệm, bổn phận, hành động nên làm, không mong cầu được báo đáp. Thể thơ lục bát kết hợp với ngôn từ bình dị, gần gũi và nghệ thuật kể chuyện mang đậm màu sắc Nam Bộ đã thành công tái hiện chân dung và vẻ đẹp của nhân vật Lục Vân Tiên.
Đoạn văn phân tích nhân vật Lục Vân Tiên – Mẫu 3
Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” đã khắc họa thành công hình tượng Lục Vân Tiên, một con người dũng cảm, nghĩa hiệp, không màng danh lợi. Trước hết, Lục Vân Tiên hiện lên là một con người nghĩa hiệp, giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha. Chứng kiến cảnh cướp bóc, bắt nạt dân lành của lũ cướp Phong Lai, Lục Vân Tiên không màng an nguy của bản thân mà “bẻ cây bên đường” rồi “nhằm đàng xông vô” để dẹp tan lũ cướp chòm ong, bảo vệ người dân vô tội. Sau khi dẹp tan lũ cướp, Lục Vân Tiên còn ân cần hỏi thăm, động viên người bị nạn. Khi Kiều Nguyệt Nga muốn gặp mặt để cảm ơn công cứu mạng thì Lục Vân Tiên liền từ chối “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/Nàng là phận gái ta là phận trai”, hai câu thơ cho thấy Lục Vân Tiên là một con người hiểu biết, trọng lễ nghĩa. Lục Vân Tiên còn là một người chính trực, ngay thẳng, không màng danh lợi. Điều này được thể hiện rõ trong câu thơ “Nhớ câu kiến ngã bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”, với Lục Vân Tiên, giúp đỡ người bị nạn là việc nên làm, không mong chờ được đền đáp, trả ơn. Qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga ta có thể thấy Lục Vân Tiên là một con người chính nghĩa, dũng cảm. Thông qua nhân vật Lục Vân Tiên, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng gửi gắm ước mơ về một người anh hùng lí tưởng “hành đạo cứu đời”.
Đoạn văn phân tích nhân vật Lục Vân Tiên – Mẫu 4
Lục Vân Tiên là một trong những hình mẫu lí tưởng về người anh hùng trong xã hội phong kiến xưa. Vẻ đẹp của chàng đã được Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rất rõ qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”. Chàng hiện lên trước hết với lòng dũng cảm, không ngại hành hiệp trượng nghĩa. Gặp chuyện bất bình, chàng dứt khoát “bẻ cây làm gậy”, chẳng đắn đo mà “nhằm làng xông vô”. Sau khi đã dẹp tan lũ cướp, Vân Tiên lại trở về thành một đấng quân tử dịu dàng, ấm áp, trọng lễ nghi. Biết trong kiệu có nữ nhi, chàng vô cùng ân cần mà hỏi han, bảo vệ danh dự cho họ: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/Nàng là phận gái, ta là phận trai”. Không chỉ có vậy, Lục Vân Tiên còn là một người anh hùng không màng danh lợi. Lúc Kiều Nguyệt Nga bày tỏ ý muốn đền ơn trả nghĩa, chàng chỉ cười mà từ chối. Đối với chàng, việc giúp đỡ người khác là điều đương nhiên. Nếu như làm ơn mà chỉ để đổi lấy của cải, vật chất thì đó lại thành “phi anh hùng”. Như vậy có thể thấy rõ Lục Vân Tiên chính là hình mẫu lí tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu muốn hướng tới. Qua nhân vật, tác giả đã thể hiện ước mơ, khát vọng của bản thân về một xã hội công bằng, tốt đẹp.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn phân tích nhân vật Lục Vân Tiên (4 mẫu) Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiều của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.