TOP 4 Đoạn văn phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về số phận bất hạnh, bi thương của Vũ Nương để đưa ra lời nhận xét về kết thúc tác phẩm.
Kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương có thể gọi là hoang đường nhưng mang lại nhiều giá trị tư tưởng nhân văn sâu sắc, vừa tăng tính hấp dẫn, để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc, vừa truyền tải hiện thực về sự bất công trong xã hội phong kiến. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9:
Đoạn văn phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 1
“Chuyện người con gái Nam Xương” là tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Dữ thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc. Điều đó được cảm nhận qua chính cách kết thúc truyện. Vì bị chồng ruồng rẫy, Vũ Nương chọn gieo mình xuống sông Hoàng Giang. Sau đó, cô được cứu và sống ở dưới thủy cung. Khi biết chuyện, Trương Sinh đã lập đền minh oan cho vợ. Cách kết thúc đó đã bộc lộ ước mơ, khát khao của nhân dân về một xã hội công bằng “ở hiền gặp lành”. Người tốt thì dù có phải trải qua bao nhiêu oan ức thì cuối cùng cũng sẽ được minh oan. Tuy nhiên, kết thúc truyện dường như vẫn còn ẩn chứa những bi kịch đau đớn. Vũ Nương được trở về trần gian, nhưng chỉ là chốc lát, lúc ẩn, lúc hiện rồi lại biến mất và không thể đoàn tụ với gia đình. Còn chàng Trương phải trả giá cho sự đa nghi của mình bằng việc sống cô đơn và tội lỗi suốt đời. Bé Đản mất đi một người mẹ tốt, không được cảm nhận tình yêu trọn vẹn. Tóm lại, qua cách kết thúc này, ta cảm nhận được số phận và cuộc đời bất hạnh không chỉ của Vũ Nương, mà là của nhiều người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến. Từ đó, ta thấy được tấm lòng thương cảm, thấu hiểu của tác giả dành cho những con người nhỏ bé, không có tiếng nói ở xã hội cũ coi trọng nam quyền, đầy rẫy bất công.
Đoạn văn phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 2
“Chuyện người con gái Nam Xương” kể về cuộc đời và số phận bất hạnh của Vũ Nương. Người phụ nữ, tần tảo, yêu thương gia đình nhưng lại phải chịu nỗi oan ức vì sự đa nghi của chồng. Cuối cùng, nàng phải chọn gieo mình xuống sông Hoàng Giang để tự vẫn. Chỉ có cách đó, người phụ nữ bất hạnh đó mới chứng minh được sự trong sạch của bản thân. Sau đó, Vũ Nương được Linh Phi cứu giúp và sống dưới thủy cung. Trương Sinh sau khi biết chuyện đã lập đàn giải oan. Kết thúc đó tưởng là có hậu nhưng lại ẩn chứa bi kịch đau đớn. Nàng đã được minh oan nhưng lại chẳng thể đoàn tụ bên gia đình với thú vui nghi gia nghi thất. Có lẽ, sau khi hiểu được nỗi oan của vợ, Trương Sinh sẽ cảm thấy tội lỗi, cắn rứt lương tâm và phải sống cô đơn suốt đời. Còn bé Đản ngây thơ, chẳng thể có được tình yêu thương của mẹ. Từ cách kết thúc truyện, ta thấy Nguyễn Dữ đã thể hiện ước vọng của nhân dân về sự công bằng, ở hiền sẽ gặp lành nhưng vẫn tôn trọng hiện thực để răn dạy người đọc.
Đoạn văn phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 3
Truyện kết thúc có hậu, thể hiện được ước mong của con người về sự công bằng trong cuộc đời, bởi vì người nói đã thấy được giá trị nhân đạo, nhân văn của tác phẩm: người tốt dù có gặp bao nhiêu oan khuất, cuối cùng cũng sẽ được minh oan, được trả lại thanh danh và phẩm giá. Cách kết đó mang dáng dấp một kết thúc có hậu của truyện cổ tích. Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ở ngay trong cái kết lung linh kì ảo, bởi ý kiến đó xuất phát từ việc nắm bắt giá trị hiện thực của tác phẩm: tuy nhân vật Vũ Nương vẫn được miêu tả với kiếp sống ở chốn thuỷ cung và sự trở về lung linh kì ảo để thể hiện ước mơ của con người về sự công bằng trong cuộc đời, nhưng tính bi kịch cũng tiềm ẩn ngay từ cái kết này bởi sự trở về và ước mơ hạnh phúc của Vũ Nương mang màu sắc ảo ảnh, hư vô, con người chỉ biết tìm đến cho mình hạnh phúc ở một thế giới không hiện hữu.
Đoạn văn phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương – Mẫu 4
Kết thúc truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương, khi Trương Sinh lập đàn giải oan bên bến sông Hoàng Giang, Vũ Nương đã trở về ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, lúc ẩn, lúc hiện và nói lời tạ từ với Trương Sinh: “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Sự trở về “uy nghi, rực rỡ” nhưng chỉ trong chốc lát ấy đã giúp Vũ Nương giải oan, tạo nên kết thúc phần nào có hậu cho tác phẩm, thể hiện ước muốn ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng, “ở hiền gặp lành”. Tuy nhiên tính bi kịch của tác phẩm không vì thế mà giảm đi. Lời nói của Vũ Nương rằng chẳng thể trở về nhân gian được nữa thể hiện sự tuyệt vọng, bất lực trước thực tại. Lời nói của nàng có ý nghĩa tố cáo xã hội phong kiến xã hội bất công, không có chỗ cho những người phụ nữ như nàng, không thể mang lại hạnh phúc cho nàng. Vũ Nương mãi mãi chẳng thể trở về, bé Đản mãi mãi là một em bé mồ côi. Nỗi oan dù đã được hóa giải nhưng hạnh phúc gia đình thì không thể làm lại. Hành động dứt áo ra đi của Vũ Nương biểu hiện thái độ phủ định cõi trần thế với những bất công mà ở đó người phụ nữ không có hạnh phúc. Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ở ngay trong cái kết lung linh kỳ ảo này.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương (4 mẫu) Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.