Cảm nhận về lòng yêu nước qua Sông núi nước Nam vàPhò giá về kinh mang tới bài văn mẫu hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ tinh thần yêu nước mãnh liệt trong cả 2 tác phẩm.
Mặc dù bài thơ Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh ra đời cách xa nhau hàng thế kỉ, nhưng cả hai bài thơ đều thể hiện rõ nét lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của dân tộc. Mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn để có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài văn của mình:
Dàn ý Cảm nhận về lòng yêu nước qua Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh
1. Mở bài
- Khái quát về chủ nghĩa yêu nước trong nền văn học trung đại nói riêng và trong nền văn học Việt Nam nói chung.
- Giới thiệu khái quát về hai bài thơ Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh
- Nêu vấn đề cần bàn luận: Lòng yêu nước qua hai bài thơ Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh.
2. Thân bài
* Cả hai bài thơ đều thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc và khẳng định về chủ quyền lãnh thổ của đất nước
– Sông núi nước Nam
- Câu 1: Nam đế cư”, điều đó khẳng định nước Nam là của vua Nam, của toàn thể nhân dân nước Đại Việt, không bất cứ kẻ thủ nào có thể xâm hại được.
- Câu 2: “Thiên thư”, nó chính là chân lí, là niềm tin bất diệt của con người và rõ ràng rằng, sách trời đã phân định lãnh thổ cho nước Nam một cách rõ ràng, rạch mạch – đó là điều không bất cứ ai, không bất cứ điều gì có thể chối cãi và thay đổi.
– Phò giá về kinh
- Hai câu thơ mở đầu đã tái hiện lại những chiến thắng vang dội và có ý nghĩa quan trọng góp phần vào thắng lợi của quân ta.
- Sử dụng phép đối và các động từ mạnh “đoạt”, “cầm” kết hợp với nhịp thơ nhanh, dồn dập để từ đó làm bật nổi khí thế hào hùng trong cuộc kháng chiến và bộc lộ niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
* Hai bài thơ đều thể hiện ý chí kiên cường và lòng quyết tâm trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.
– Sông núi nước Nam
- Câu 3: Sử dụng hình thức câu hỏi nhưng đằng sau đó nó bộc lộ thái độ mỉa mai, khinh thường hành động trái lòng người, ý trời của bọn giặc xâm lược và qua đó khẳng định niềm tin chiến thắng của quân ta.
- Câu 4: Khẳng định về quyết tâm chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và là lời cảnh báo tới bọn giặc bạo tàn, ngoan cố.
– Phò giá về kinh
- Câu 3: Ra đời trong những ngày chiến thắng của quân và dân ta, lời thơ như một lời động viên để mọi người cùng chung tay, góp sức xây dựng một đất nước ngày càng thịnh vượng
- Câu 4: Khẳng định về sự vững bền, trường tồn của đất nước
3. Kết bài
- Khái quát về lòng yêu nước được thể hiện qua hai bài thơ và nêu cảm nghĩ của em.
Cảm nhận về lòng yêu nước qua Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh
Chủ nghĩa yêu nước là một trong số những nội dung lớn của văn học Việt Nam nói chung và văn học trung đại nói riêng. Và có thể nói, “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt và “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải là những tác phẩm tiêu biểu về chủ nghĩa yêu nước trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam. Mặc dù thời gian ra đời của hai tác phẩm cách xa nhau nhưng cả hai tác phẩm đều thể hiện rõ nét lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa yêu nước là một nội dung lớn của nền văn học từ xưa đến nay và mỗi tác phẩm lại có những cách biểu hiện khác nhau. Và lòng yêu nước qua hai bài thơ “Sông núi nước Nam” và “Phò giá về kinh” trước hết được thể hiện ở lòng tự hào, tự tôn dân tộc và khẳng định về chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Đọc “Sông núi nước Nam” – tác phẩm được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, chắc hẳn người đọc sẽ không thể nào quên được hai câu thơ mở đầu bài thơ với lời khẳng định đanh thép, hùng hồn về chủ quyền lãnh thổ của nước Nam.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở)
Trước hết, tác giả đã khẳng định chủ quyền dân tộc của nước Nam với việc sử dụng cụm từ “Nam đế cư”, điều đó khẳng định nước Nam là của vua Nam, của toàn thể nhân dân Đại Việt, không bất cứ kẻ thủ nào có thể xâm hại được. Câu thơ mở đầu với hào khí mạnh mẽ đã dõng dạc khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt và hơn thế nữa, để khẳng định cho chủ quyền ấy, tác giả còn mượn hình ảnh “thiên thư” trong câu thơ tiếp theo. “Thiên thư” chính là sách trời, nó chính là chân lí, là niềm tin bất diệt của con người và rõ ràng rằng, sách trời đã phân định lãnh thổ cho nước Nam một cách rõ ràng, rạch mạch – đó là điều không bất cứ ai, không bất cứ điều gì có thể chối cãi và thay đổi. Và như vậy, với giọng thơ hùng hồn, đanh thép, hai câu thơ mở đầu bài thơ đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Đại Việt và qua đó thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Và với Phò giá về kinh của Trần Quang Khải cùng vậy, hai câu thơ mở đầu bài thơ đã thể hiện lòng tự hào dân tộc thông qua việc tái hiện hào khí chiến thắng của quân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược.
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù)
Hai câu thơ mở đầu bài thơ đã tái hiện lại một cách chân thực và rõ nét những chiến thắng vang dội và có ý nghĩa quan trọng, là những chiến thắng mang tính chiến lược, góp phần to lớn vào sự thắng lợi của quân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược. Trong hai câu thơ, tác giả đã sử dụng biện pháp liệt kê – Chương Dương, Hàm Tử cùng việc sử dụng phép đối và các động từ mạnh “đoạt”, “cầm” kết hợp với nhịp thơ nhanh, dồn dập để từ đó làm bật nổi khí thế hào hùng trong cuộc kháng chiến và bộc lộ niềm tự hào, tự tôn dân tộc trước những chiến thắng vang dội ấy.
Thêm vào đó, lòng yêu nước trong hai bài thơ còn được thể hiện ở ý chí kiên cường và lòng quyết tâm trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong Sông núi nước Nam, ý chí kiên cường ấy được thể hiện rõ nét qua hai câu thơ kết thúc bài thơ.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ)
Câu thơ “Nhữ hà nghịch lỗ lai xâm phạm” sử dụng hình thức câu hỏi nhưng đằng sau đó nó bộc lộ thái độ mỉa mai, khinh thường hành động trái lòng người, ý trời của bọn giặc xâm lược và qua đó khẳng định niềm tin chiến thắng của quân ta. Thêm vào đó, câu thơ kết thúc bài thơ với âm hưởng hào hùng, vang vọng đã cất lên lời khẳng định về quyết tâm chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đó cũng chính là lời cảnh báo tới bọn giặc ngoan cường bởi chúng nhất định sẽ bị đánh bại không chỉ bởi chúng có những hành động trái lẽ trời mà còn bằng cả sức mạnh, ý chí, lòng quyết tâm của cả dân tộc.
Trong Phò giá về kinh, ý chí, lòng quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước cũng được thể hiện rõ nét qua hai câu thơ khép lại bài thơ.
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
(Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu)
Ra đời trong những ngày chiến thắng của quân và dân ta, lời thơ như một lời động viên để mọi người cùng chung tay, góp sức xây dựng một đất nước ngày càng thịnh vượng, giàu có và phát triển để có thể sánh vai với các cường quốc khác. Đồng thời, câu thơ kết thúc bài thơ như một lời khẳng định về sự vững bền, trường tồn của đất nước. Và những điều đó, xét đến cùng chính là ý chí, là quyết tâm, là khát vọng xây dựng một đất nước thái bình và hưng thịnh đến mãi muôn đời.
Tóm lại, Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh mặc dù ra đời cách xa nhau hàng thế kỉ, nhưng cả hai bài thơ đề thể hiện rõ nét lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc. Chúng đã góp tiếng nói của mình để làm phong phú và giàu có hơn cho mạch nội dung yêu nước trong nền văn học trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận về lòng yêu nước qua Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh Bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.