Văn mẫu lớp 8: Ý nghĩa nhan đề đoạn trích Trong lòng mẹ gồm 4 mẫu, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nhan đề của đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.
Thông qua đó, sẽ giúp các em củng cố kiến thức, trau dồi vốn từ để đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra sắp tới. Vậy mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn:
Ý nghĩa nhan đề đoạn trích Trong lòng mẹ – Mẫu 1
Tên văn bản trước hết có ý nghĩa tả thực, gắn với một sự việc cụ thể: Hồng được gặp mẹ, được ngồi trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương, âu yếm. Nhan đề văn bản còn mang ý nghĩa tượng trưng: “trong lòng mẹ” là được sống trong tình thương của mẹ, là những khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc của cậu bé khi được mẹ chở che, vỗ về. Từ nhan đề văn bản, người đọc đã phần nào hiểu được tình yêu thương mẹ tha thiết, sự khao khát được sống trong tình mẹ của chú bé Hồng, một chú bé có tuổi thơ đầy cay đắng và phải sống giữa những cay nghiệt của người đời.
Ý nghĩa nhan đề đoạn trích Trong lòng mẹ – Mẫu 2
“Những ngày thơ ấu” là một tập hồi ký kể lại tuổi thơ đầy cay đắng của tác giả. Tác phẩm này gồm 9 chương và được in thành sách năm 1940. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” thuộc chương IV của tác phẩm kể lại sự việc nhân vật Hồng được gặp lại mẹ sau nhiều tháng ngày xa cách. Hình ảnh “lòng mẹ” chắc hẳn luôn gợi cho mỗi người một cảm giác an toàn, ấm áp. Và với cậu bé Hồng cũng vậy. Suốt ngày tháng sống cùng người cô – những lời lẽ cay nghiệt của cô đã khiến Hồng cảm thấy đau khổ và tủi nhục. Khoảnh khắc được gặp lại mẹ, được mẹ ôm vào lòng có lẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất với cậu. Khi nép vào lòng mẹ, được mẹ âu yếm bỗng nhiên mọi tủi nhục ấy đều tan biến. Như vậy, nhan đề trên chứa đựng một ý nghĩa thật sâu sắc. “Trong lòng mẹ” chính là hình ảnh của tình mẫu tử đầy ấm áp mà không có thứ tình cảm nào có thể thay thế.
Ý nghĩa nhan đề đoạn trích Trong lòng mẹ – Mẫu 3
Đoạn trích “Trong lòng mẹ” thuộc chương IV của cuốn hồi kí “Những ngày thơ ấu”. Khi đọc đến chương truyện này, có lẽ điều đầu tiên mà người đọc cảm thấy ấn tượng sẽ là nhan đề. Nó gợi cho chúng ta một cảm giác ấm áp về tình mẹ. Trước hết, nhan đề này mang ý nghĩa tả thực. Đó là hình ảnh cậu bé Hồng khi gặp lại mẹ. Cậu được ngồi trong lòng mẹ, đầu ngả vào cánh tay mẹ và được cảm nhận hơi ấm quen thuộc của mẹ. Cảm giác ấy dường như đã xóa tan mọi nỗi tủi hờn mà cậu phải chịu đựng trong suốt khoảng thời gian ở nhà người cô. Trong giây phút ấy cậu đã ước mình bé lại để có thể áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, được vuốt ve khuôn mặt mẹ… cho thỏa nỗi nhớ mong. Có lẽ, chỉ có tình mẫu tử mới khiến con người ta bỗng trở nên bé bỏng như vậy. Cũng chỉ có tình mẫu thử mới đủ để khỏa lấp đi những sự cô độc, trống vắng trong tâm hồn con người. Một nhan đề ngắn gọn thôi nhưng đã bao chứa trong đó ý nghĩa thật lớn lao. Tình cảm mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống của con người.
Ý nghĩa nhan đề đoạn trích Trong lòng mẹ – Mẫu 4
“Trong lòng mẹ” là chương IV trong cuốn hồi kí “Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng. Nhan đề của đoạn trích trước hết miêu tả một hình ảnh thực tế diễn ra trong câu chuyện. Cậu bé Hồng được gặp lại mẹ sau bao nhiêu ngày xa cách và được ngồi trong lòng mẹ, được mẹ âu yếm và hỏi han đầy yêu thương. Ngoài ra, nhan đề ấy còn mang ý nghĩa biểu tượng, hình ảnh “trong lòng mẹ” tượng trưng cho sự yêu thương của người mẹ. Đó là nơi đã bảo vệ chúng ta khi còn non nớt. Đó cũng là nơi mang lại cảm giác bình yên và ấm áp nhất cho con người. Mỗi khi trải qua khó khăn trong cuộc đời, con người đều muốn tìm về “trong lòng mẹ” để có được cảm giác an toàn. Từ nhan đề của văn bản, người đọc đã thấy được tình cảm mẫu tử thiêng liêng sâu nặng. Cùng với đó là lòng khao khát được sống trong tình cảm ấy của cậu bé Hồng hay cũng chính là tác giả.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Ý nghĩa nhan đề đoạn trích Trong lòng mẹ (4 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 8 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.