Gia tăng dân số quá nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống văn hóa, giáo dục, nảy sinh các tệ nạn xã hội. Với 5 bài Nghị luận về vấn đề gia tăng dân số hiện nay, kèm theo 2 dàn ý chi tiết, sẽ giúp các em học sinh lớp 8 hiểu rõ hơn về thực trạng này.
Gia tăng dân số, bùng nổ dân số gắn liền với sự gia tăng đói nghèo, bệnh tật, dốt nát, lạc hậu và các tệ nạn xã hội. Đây chính là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Vậy các em có suy nghĩ gì về vấn đề gia tăng dân số hiện nay? Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn:
Dàn ý nghị luận về vấn đề gia tăng dân số
Dàn ý chi tiết số 1
A. Mở bài:
- Hiện nay do sự phát triển quá nhanh của xã hội hiện đại, kéo theo rất nhiều hiểm hoạ đối với đời sống con người.
- Một trong những hiểm hoạ mang tính toàn cầu là hiểm hoạ gia tăng dân số hiện nay.
B. Thân bài:
1. Giải thích ngắn gọn:
a. Gia tăng dân số là sự tăng thêm số lượng cụ thể nhân khẩu ở một gia đình, địa phương, vùng miền, quốc gia. Có hai hình thức gia tăng dân số là gia tăng dân số tự nhiên (do sinh đẻ); gia tăng dân số cơ học (do dân số di cư giữa các vùng miền). Đây vốn là hiện tượng tự nhiên của đời sống xã hội, con người. Sự gia tăng dân số sẽ cung cấp nguồn lao động trẻ cho xã hội, góp phần duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của xã hội. Tuy nhiên, gia tăng dân số vượt quá điều kiện sống cho phép của xã hội là một thảm hoạ.
b. Gia tăng dân số hiện nay đang là một thảm họa vì gia tăng dân số gắn liền với sự gia tăng tình trạng sống đói nghèo, bệnh tật, dốt nát, lạc hậu và các tệ nạn xã hội. Đây là gánh nặng không chỉ với mỗi gia đình mà còn đối với toàn xã hội.
2. Bàn luận:
a. Gia tăng dân số quá mức như hiện nay do nhiều nguyên nhân: trình độ dân trí thấp, thiếu những hiểu biết sơ lược về kế hoạch hoá gia đình, quan niệm lạc hậu “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “con đàn cháu đống” mới có phúc, phong tục tập quán lạc hậu, tâm lí trọng nam khinh nữ vẫn còn rơi rớt…
b. Hành động thiết thực của tuổi trẻ trước thảm hoạ gia tăng dân số hiện nay:
- Tuổi trẻ phải là lực lượng tiên phong, gương mẫu trong công tác kế hoạch hoá gia đình.
- Tuổi trẻ cũng là lực lượng tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội nhằm vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm Pháp lệnh dân số của Nhà nước.
- Tuổi trẻ còn là thành viên tích cực tham gia các hoạt động xoá đói giảm nghèo; nâng cao dân trí, xoá bỏ những tập tục, tập quán lạc hậu; tác động để làm thay đổi những quan niệm lạc hậu trong nhân dân ở nơi mình cư trú, học tập hay công tác.
C. Kết bài: Liên hệ bản thân.
Dàn ý chi tiết số 2
1. Mở bài: Giới thiệu về vấn đề gia tăng dân số. Đó là sự tăng lên quá nhanh về số dân trong một đất nước nói riêng và trên thế giới nói chung. Và ngày nay, nó là một thực trạng đáng báo động và cần đc giải quyết.
2. Thân bài
– Biểu hiện của vấn đề gia tăng dân số: sự tăng nhanh về dân số, mỗi năm có rất nhiều trẻ em được sinh ra. Chủ yếu là xảy ra ở những gia đình nghèo, những quốc gia đang phát triển. Mà Việt Nam đang ở trong tình trạng đó.
– Tác hại của vấn đề gia tăng dân số:
- Đời sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đông con, sẽ không có đủ điều kiện để có thể chăm sóc con cái cho tốt hơn.
- Những đứa trẻ được sinh ra không được hưởng những điều tốt đẹp hơn.
- Gia tăng dân số, vấn đề việc làm, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của 1 quốc gia.
– Nguyên nhân:
- Những hủ tục lạc hậu, quan niệm phong kiến lỗi thời, tín ngưỡng nặng nề vẫn còn tồn tại trong tư tưởng mỗi người dân.
- Tư tưởng “sinh nhiều con để sau này còn có cái mà sướng” và đặc biệt là hệ lụy của “trọng nam khinh nữ”.
- Chưa có sự can thiệp 1 cách mạnh mẽ, nghiêm khắc từ chính quyền địa phương.
– Dẫn chứng cụ thể của thực trạng gia tăng dân số ở nước ta, và một số nước khác trên thế giới.
– So sánh với những gia đình, những quốc gia có tỉ lệ gia tăng dân số giảm mạnh và có khả năng ko tăng về điều kiện gia đình, cuộc sống của họ.
– Biện pháp:
- Thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đúng đắn kế hoạch hóa gia đình.
- Tự mỗi người chồng người vợ có ý thức hơn, tiến bộ hơn trong việc sinh con.
- Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn.
3. Kết bài: Chốt lại vấn đề, định hướng tương lai về một dân tộc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sẽ không còn phải lo âu nhiều về vấn đề gia tăng dân số nữa. Đời sống của người dân sẽ tốt hơn.
Nghị luận về vấn đề gia tăng dân số – Mẫu 1
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều vấn đề nóng bỏng nổi cộm lên thu hút sự quan tâm của dư luận toàn cầu. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay chính là việc gia tăng dân số của nước ta.
Nước ta thuộc một trong những quốc gia nghèo, có nền kinh tế chậm phát triển nhưng tỉ lệ gia tăng dân số lại thuộc top cao trên thế giới. Dân số tăng lên, chất lượng các dịch vụ về văn hoá, giáo dục, y tế… cũng sẽ bị giảm sút do phải chạy theo số lượng để phục vụ số đông. Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế khi nhiều nguồn phúc lợi phải chi ra để đáp ứng nhu cầu của con người.
Nguyên nhân của việc gia tăng dân số đầu tiên phải kể đến do ý thức chủ quan, suy nghĩ của con người: muốn có đông con để vui vầy, muốn có con trai nối dõi nên đẻ cố, có con ngoài ý muốn do không biết cách phòng tránh,… Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là do nước ta còn nghèo, chất lượng giáo dục chưa tốt, người dân chưa hình dung ra hậu quả của việc bùng nổ dân số, nhà nước chưa có biện pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân biết và hạn chế gia tăng dân số.
Hậu quả của vấn đề gia tăng dân số để lại vô cùng nghiêm trọng, đầu tiên, nền kinh tế ngày càng đi xuống, sức khỏe người dân không được đảm bảo đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em. Việc dân số tăng mạnh ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng đời sống con người mà còn ảnh hưởng đến môi trường khi hiện nay môi trường đang ngày càng bị tàn phá nặng nề. Chúng ta có thể kết luận rằng việc gia tăng dân số ảnh hưởng đến mọi phương diện của cuộc sống và làm cho cuộc sống ngày càng suy giảm chất lượng.
Để khắc phục sự bùng nổ dân số hiện nay, trước hết mỗi người dân cần tự nhận thức đúng đắn về hậu quả của việc gia tăng dân số đồng thời có biện pháp hạn chế tối đa gia tăng dân số bằng cách sinh ít con. Bên cạnh đó, nhà nước và xã hội cần tích cực tuyên truyền về hậu quả của việc sinh nhiều con và luật định rõ ràng nếu người dân cố ý vi phạm để răn đe người khác.
Mỗi con người một hành động nhỏ nhưng tạo ra một ý nghĩa lớn lao giúp nước nhà phát triển tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy nâng cao ý thức và cố gắng hết mình kiểm soát tình trạng gia tăng dân số.
Nghị luận về vấn đề gia tăng dân số – Mẫu 2
Viết về hiểm hoạ của việc gia tăng dân số quá nhanh – một đề tài vừa khó vừa khô khan, tác giả của “Bài toán dân số” đã chọn cách vào đề thật hấp dẫn, vừa thực tế, vừa giàu sức thuyết phục. Từ câu chuyện nhà thông thái kén rể đến 64 ô bàn cờ với một lượng thóc “nhiều đến mức có thể phù khắp bề mặt Trái Đất”, bạn đọc dễ dàng hình dung về sự gia tăng dân số chóng mặt với tốc độ sinh sản như hiện nay.
Vấn đề chính mà tác giả đặt ra trong văn bản này là: Con người đang ngày càng tăng lên gấp bội. Nếu không hạn chế sự gia tăng dân số thì con người sẽ tự làm hại chính mình.
Điều làm tác giả “sáng mắt ra” ấy là: không ngờ một vấn đề rất hiện đại mới được đặt ra gần đây (vấn đề dân số kế hoạch hoá gia đình) thế mà dường như nó đã được đặt ra từ thời cổ đại.
Nhập đề dưới hình thức một bài toán cổ, kể về việc kén rể của nhà thông thái, phần kể của nhà văn đã vừa gây được sự tò mò, hấp dẫn của người đọc, vừa mang lại một kết luận rất bất ngờ ở phía cuối của câu chuyện kể. Lấy câu chuyện ấy làm tiền đề, tác giả đã so sánh ngay với sự bùng nổ và gia tăng dân số (cả hai đều tăng theo cấp số nhân). Cách so sánh ấy, quả thực đã làm cho người đọc hình dung một cách nhanh chóng đến tốc độ gia tăng kinh khủng của dân số. Và đây cũng chính là trọng tâm vấn đề mà bài viết muôn nêu lên.
Việc đưa ra tỉ lệ sinh con của phụ nữ ở một số nước theo thông báo của Hội nghị Cai-rô là rất có ý nghĩa. Trước hết, nó thông tin cho người ta thấy người phụ nữ có thể sinh rất nhiều con (ít như Việt Nam thì trung bình cũng là 3,7; nhiều như Ru-an-đa thì tới 8,1). Từ đó có thể thấy chỉ tiêu mỗi gia đình có hai con là rất khó khăn. Thứ hai, các con số thống kê còn cho thấy các nước chậm phát triển lại sinh con rất nhiều.
Các nước được kể trong văn bản thuộc hai nhóm:
– Châu Phi: Nê-pan, Ru-an-đa, Tan-da-ni-a, Ma-đa-gát-xca.
– Châu Á: Ấn Độ và Việt Nam.
Có thể rút ra nhận xét: Những nước kém phát triển ở hai lục địa nêu trên là những nước dân số tăng nhanh. Sự bùng nổ dân số sẽ đi kèm với sự nghèo nàn lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, văn hoá, giáo dục không được nâng cao. Ngược lại, kinh tế, văn hoá, giáo dục càng yếu kém thì lại càng không thể khống chế được sự gia tăng dân số. Nói cách khác, hai vấn đề này quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động đến nhau một cách sâu sắc.
Nghị luận về vấn đề gia tăng dân số – Mẫu 3
Theo thống kê của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đầu năm 2008, tổng số trẻ sinh ra trong quý I năm 2008 đã tăng hơn 18.000 trẻ (tăng 7,2%) so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, có tới 39/64 tỉnh/thành phố có mức sinh tăng mạnh: Sóc Trăng (tăng 41,2%), Sơn La (40%), thành phố Hồ Chí Minh (30,2%), Hà Nội (27,6%), Phú Thọ (23%) Cũng theo Tổng cục DS-KHHGĐ, trong thời gian này, số trẻ mới sinh ra là con thứ 3 khoảng 182.000 trẻ, tăng hơn 35% so với cùng thời điểm năm 2007. Đặc biệt, đối tượng sinh con thứ 3 không chỉ dừng lại ở những hộ nông dân mà gần đây lại tập trung chủ yếu ở đối tượng công chức nhà nước, những gia đình khá giả. Cùng với đó, tỉ lệ mất cân bằng giới tính cũng đang khá cao, ở nhiều địa phương, số trẻ em trai đã vượt số trẻ em gái từ 20 đến 25%. Có 16 tỉnh/thành phố có tỉ lệ giới tính khi sinh từ 115 đến 128 nam/100 nữ và 20 tỉnh/thành phố là 111 đến 120 nam/100 nữ.
Bấy lâu nay người Việt Nam vẫn thường xem vấn đề “nhập khẩu” vợ là chuyện khác thường, nhưng có thể một ngày gần đây viễn cảnh sẽ hiện hữu như một thực tế. Cách đây 10 năm, tỉ lệ giới tính ở Việt Nam ngang bằng với mức độ trung bình của thế giới (100 bé gái thì có 105-107 bé trai), nhưng trong vài năm trở lại đây, khi chúng ta thực hiện cuộc vận động dân số với khẩu hiệu dừng lại ở 1-2 con để nuôi dạy cho tốt đã góp phần hạn chế mức sinh, nhưng lại làm cho các gia đình phải cân nhắc, lựa chọn giới tính thai nhi để sinh bằng được con trai. Hệ quả là, khoảng cách tỉ lệ giới tính (số trẻ em trai/trẻ em gái) ở nước ta ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2000, tỉ lệ này mới ở mức bình thường là 106/100, thì đến cuối năm 2007 đã lên đến mức báo động là 126/100. tỉ lệ này gia tăng theo số lần sinh, đặc biệt đối với những gia đình sinh con thứ 3 trở lên. ở nhiều vùng, số lượng bé trai đã vượt số lượng bé gái 20-25%. Mặt khác, tình trạng phụ nữ di cư lấy chồng nước ngoài có xu hướng tăng ở một số địa phương. Thực tế này không bao lâu nữa sẽ dẫn đến tình trạng nhiều bé trai khi trưởng thành sẽ không lấy được vợ, giống như tình trạng của Trung Quốc. Nguy cơ này có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội như: ẩu đả, hiếp dâm, buôn bán phụ nữ qua biên giới… tăng lên.
Khu vực nông thôn, miền núi vẫn còn nặng về quan niệm con trai hơn con gái, công việc gia đình là trách nhiệm của riêng phụ nữ, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống… nên việc đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được chú ý và quan tâm nhiều như với trẻ em trai. Việc làm này tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn về trình độ, năng lực và tay nghề của phụ nữ thấp, khiến họ chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, ở những nơi có điều kiện làm việc thiếu thốn, thu nhập thấp, bấp bênh, dễ mất việc làm hoặc không được bảo hiểm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Đến hết năm 2008, Việt Nam sẽ hết thời hạn nhận tài trợ các phương tiện tránh thai (PTTT) hiện đại (bao cao su, thuốc ngừa thai). Theo đó, đến năm 2009, Việt Nam sẽ thiếu 80% số lượng PTTT hiện đại bởi chưa có cam kết cung cấp nào từ phía các nhà tài trợ. Theo tính toán của các chuyên gia dân số, mỗi năm, nhu cầu cần 100 – 150 tỉ đồng mua PTTT nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Đó là một bài toán ngân sách đối với các cơ quan, ban/ngành. Và một thách thức nữa trong vấn đề này là việc xã hội hóa cung cấp PTTT không thu được nhiều kết quả như mong đợi bởi từ nhiều năm nay, nhiều người dân vẫn được cung cấp miễn phí thuốc tránh thai, bao cao su. Sự khủng hoảng này là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm, rất dễ dẫn đến bùng nổ dân số. Nguyên nhân:
Một là, đời sống của một số gia đình ngày càng khá giả, vấn đề nuôi con không còn là gánh nặng nên có nhu cầu sinh thêm con.
Hai là, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” theo kiểu “chồng chúa, vợ tôi”, “xuất giá tòng phu”, “mười gái không bằng một trai” vẫn còn tồn tại trong ý nghĩ của một bộ phận dân cư, nhất là ở các vùng ven biển, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, họ cho rằng con trai có trách nhiệm nhiều hơn con gái trong việc phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi về già và lo liệu ma chay, thờ cúng sau khi cha mẹ mất, đồng thời tâm lý sinh con trai còn để dự phòng trong trường hợp rủi ro (tai nạn, tệ nạn xã hội…).
Ba là, nhiều địa phương còn có cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, đã tác động không tốt đến phong trào vận động nhân dân thực hiện KHHGĐ.
Bốn là, hiểu biết của các cặp vợ chồng về việc sử dụng các biện pháp phòng tránh thai còn hạn chế.
Năm là, tỉ lệ gia tăng tự nhiên theo quy luật. Với sự phát triển của kinh tế, khoa học và công nghệ, tỉ lệ chết ngày càng giảm, dẫn đến tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên (tỉ lệ sinh – tỉ lệ chết) ngày càng tăng. tỉ lệ sinh hiện nay ở nước ta ước lượng là 15% tỉ lệ chết xấp xỉ 5%, như vậy, chỉ một phép tính thông thường cũng cho thấy, hiện nay tỉ lệ gia tăng dân số sinh tự nhiên ở nước ta là 10%. Đây là con số cộng dồn cố định vào mức tăng dân số của nước ta mỗi năm.
Sáu là, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên (CTV) dân số còn mỏng, chất lượng chưa đồng đều, nhiều địa phương cán bộ dân số phải đảm nhiệm khối công việc rất lớn, chế độ phụ cấp thấp. Mặc dù Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ phải có chính sách khuyến khích thỏa đáng tinh thần và vật chất cho đội ngũ này, song thực tế cho thấy, ngân sách của một số địa phương hiện nay huy động để hỗ trợ, khuyến khích cho lực lượng làm công tác dân số ở cơ sở vẫn còn hạn chế.
Bảy là, nhận thức về công tác DS-KHHGĐ ở nhiều địa phương còn chưa đúng, chưa đồng đều, dẫn đến việc đầu tư nguồn nhân lực làm công tác này còn hạn chế. Chưa kể đến việc không có chế tài thống nhất xử lý các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, nên hầu hết các địa phương khó thực hiện. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, còn phó mặc cho cán bộ chuyên trách cơ sở…
Tám là, sự thay đổi về tổ chức. Năm 2007, tổ chức bộ máy ngành dân số, gia đình và trẻ em (DSGĐ&TE) có những thay đổi lớn. Việc giải thể Ủy ban DSGĐ&TE, sáp nhập bộ phận dân số về Bộ Y tế (nhưng 6 tháng sau mới có quyết định chính thức thành lập Tổng cục DS-KHHGĐ) đã ít nhiều làm xáo trộn tâm tư của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác dân số ở nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước, đặc biệt là đội ngũ CTV, cán bộ chuyên trách ở cơ sở không khỏi băn khoăn, lo lắng. Một trong những khó khăn trước mắt, đó là làm sao duy trì ổn định lực lượng CTV dân số (7.200 người) tại các thôn, bản, xã, phường, những người đã bao năm lăn lộn với phong trào “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con thực hiện KHHGĐ. Nhờ có đội ngũ CTV dân số mà công tác DS – KHHGĐ của các tỉnh/thành phố đã được đẩy mạnh, tăng cường đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nơi có mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 cao.
Chín là, sự phát triển của khoa học và công nghệ. Có thể nói sự mất cân bằng giới còn có nguyên nhân từ sự phát triển của khoa học và công nghệ. Y học ngày càng phát triển đã giúp việc sinh con theo ý muốn, làm cho tỉ lệ bé trai được sinh ra tăng lên rõ rệt. Thông qua sự hỗ trợ của các biện pháp như siêu âm, lựa chọn giới tính nhờ ăn uống, các cặp vợ chồng có thể lựa chọn giới tính thai nhi theo mong muốn.
Mất cân bằng giới tính, mức sinh có xu hướng tăng trở lại, tất yếu sẽ tác động xấu đến sự phát triển của xã hội. Do đó, chúng ta cần có một chiến lược đầu tư lâu dài cho công tác dân số – sức khỏe sinh sản. Giải pháp quan trọng nhất chính là tăng cường thông tin – giáo dục – truyền thông, đi đôi với việc sẵn sàng các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ sức khỏe sinh sản lành mạnh. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể về công tác dân số, trong đó trọng tâm là tạo sự chuyển đổi hành vi tự nguyện và bền vững về công tác dân số nói chung và sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nói riêng. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, việc ổn định cơ cấu tổ chức, hoạt động của bộ máy mới sau khi tách nhập lĩnh vực DSGĐ&TE về các ngành cần được tiến hành nhanh chóng. Cần thực hiện chế tài về dân số một cách nghiêm túc. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước sinh con thứ 3 trở lên phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nhà nước; thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức; đảng viên sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Ngoài ra, cần chú trọng việc biểu dương những tấm gương phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà để thay đổi cách nhìn nhận của nam giới về năng lực của người phụ nữ. Phụ nữ, họ không chỉ là những người chỉ giỏi việc nhà mà họ còn có khả năng làm rất tốt những công việc bên ngoài xã hội.
Nghị luận về vấn đề gia tăng dân số – Mẫu 4
Gia tăng dân số là một trong những vấn đề quan trọng của đất nước ta. Đó cũng là vấn đề mà mỗi người cần quan tâm và có trách nhiệm đặc biệt là với thế hệ thanh niên.
Gia tăng dân số chóng mặt chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng bùng nổ dân số, kéo theo đó là nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Gia tăng dân số có thể kéo theo việc tạo gánh nặng lên quỹ bảo hiểm xã hội cùng với đó là hàng loạt các vấn đề khác nhau như gây sức ép lên tài nguyên thiên nhiên, vấn đề an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, nguồn lao động.
Vấn đề dân số có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của mỗi nước. Ở một số quốc gia phát triển, dân số già, thiếu nguồn lao động thì có những chủ trương khuyến khích người dân sinh đẻ, tạo điều kiện để các gia đình cởi mở hơn trong việc sinh con bằng các chính sách hỗ trợ chăm sóc bà mẹ và em bé, hỗ trợ kinh phí cho đứa trẻ đến trường… Ngược lại, đối với những quốc gia dân số đông và tỉ lệ gia tăng dân số cao thì cần áp dụng những chính sách kế hoạch hóa gia đình để hạn chế gia tăng dân số. Ví dụ tiêu biểu là đất nước Trung Quốc với chính sách mỗi gia đình chỉ được sinh một con và chính sách đó chỉ vừa mới được bãi bỏ vào năm 2015 sau 35 năm thực hiện.
Ở Việt Nam, với tư tưởng trời sinh voi trời sinh cỏ, con cái là lộc trời cho rồi tư tưởng trọng nam khinh nữ đã khiến cho các gia đình cứ vô tư sinh đẻ, càng nhiều con càng có lộc. Điều này đã khiến dân số nước ta không ngừng gia tăng chóng mặt trong những năm vừa qua. Tuy nhiên chúng ta cũng rất quan tâm tới vấn đề dân số và đã có nhiều biện pháp để thực hiện những chính sách này như tuyên truyền vận động người dân hiểu và thực hiện chính sách dân số. Thực hiện mỗi gia đình chỉ có nhiều nhất 2 con. Có các chế tài xử phạt đối với những gia đình sinh đẻ vỡ kế hoạch.
Là những học sinh thế hệ rường cột tương lai của đất nước, tuổi trẻ hôm nay phải có những nhận thức rõ ràng về hệ quả của việc gia tăng dân số. Đồng thời các bạn cũng cần phải hiểu được những vấn đề có thể gặp phải nếu gia tăng dân số quá nhanh từ đó hiểu được trách nhiệm của mình đối với vấn đề này.
Đối với bản thân, mỗi bạn phải có nhận thức rõ ràng, tự chủ và hiểu biết. Không để bản thân bị lôi kéo, dụ dỗ vào những thói hư tật xấu, những lời tán tỉnh của các đối tượng xấu. Không quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp an toàn. Thực hiện nghiêm túc chính sách kế hoạch hóa gia đình. Tránh tình trạng như hiện nay, có rất nhiều vụ xâm hại, cưỡng bức trẻ vị thành niên có thể xảy ra. Rồi đây đó lại có một vụ kết hôn mà cô dâu chú rể chỉ mười mấy tuổi, còn là độ tuổi vị thành niên. Đối với cộng đồng xã hội, các bạn trẻ phải có kiến thức rõ ràng về vấn đề gia tăng dân số mới có thể tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chính sách dân số.
Vấn đề dân số là vấn đề của toàn xã hội, đối với tất cả các đối tượng, nếu chúng ta còn né tránh và rụt rè với những vấn đề này thì tình trạng sẽ xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy cách tốt nhất để phòng tránh nó chính là hiểu rõ về nó và có ý thức chủ động thực hiện. Mỗi một bạn trẻ lại là một lao động tương lai của đất nước, là những phụ huynh tiếp theo vì vậy hãy cùng chung tay góp sức ngay từ bây giờ để xây dựng một xã hội văn minh văn hóa hơn, đảm bảo cuộc sống và sự phát triển của con người là tốt nhất.
Nghị luận về bùng nổ dân số hiện nay
Bùng nổ dân số là hiện tượng dân số tăng nhanh và đột biến trong một khoảng thời gian ngắn. Trên thế giới, bùng nổ dân số diễn ra mạnh nhất ở các nước, châu lục nghèo và kém đô thị hóa nhất đó là Châu Á và Châu Phi. Một tỷ người, một phần sáu dân số thế giới hay một phần ba dân số đô thị, hiện đang sống ở các khu đô thị tồi tàn, vốn được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho các vấn đề xã hội như tội phạm, ma túy, nghiện rượu hay thất nghiệp, nghèo.
Tại các nước nghèo, các khu nhà ổ chuột có tỷ lệ dịch bệnh cao vì các điều kiện vệ sinh kém, suy dinh dưỡng, thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế đói. Nguyên nhân là do sự chênh lệch giữa tỉ lệ sinh – tử: tỉ lệ sinh vẫn được duy trì; tỉ lệ tử có xu hướng giảm do điều kiện sống được nâng cao, y học phát triển,… Do nhu cầu về lực lượng sản xuất, ở nhiều quốc gia chậm phát triển, nơi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, lực lượng lao động chỉ mới ở trình độ cơ khí thủ công,… Và một nguyên nhân nữa là do quan điểm lạc hậu, tại một số quốc gia, vẫn tồn tại một số quan niệm lạc hậu như sinh nhiều con, tư tưởng trọng nam khinh nữ,… Điều này khiến cho tỉ lệ sinh cao, mất cân bằng giới tính thậm chí là bùng nổ dân số. Hậu quả của việc bùng nổ dân số cũng thật ghê gớm, nó khiến suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng mức độ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất và ô nhiễm tiếng ồn, thay đổi thành phần khí quyển và hậu quả nóng lên toàn cầu, xung đột về nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, dẫn tới sự gia tăng các nguy cơ chiến tranh, tăng cơ hội phát triển của dịch bệnh, gánh nặng cho y tế, giáo dục, chính sách an sinh,….
Như vậy, để khắc phục tình trạng này, cần giáo dục và tuyên người người dân ý thức về các hậu quả của vấn đề bùng nổ dân số; lợi ích của kế hoạch hóa gia đình; các biện pháp kiểm soát sinh sản,… đồng thời các quốc gia cần phải có biện pháp kiểm soát tỷ lệ sinh. Một khi có sự chung tay của cộng đồng, chúng ta có thể ngăn chặn và giảm thiểu tác động của hiện tượng bùng nổ dân số, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Nghị luận về vấn đề gia tăng dân số hiện nay 2 Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 8 hay nhất của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.