Văn mẫu lớp 7: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ là tài liệu được giới thiệu đến bạn đọc.
Nội dung gồm 3 đoạn văn mẫu được đăng tải ngay sau đây. Mời bạn đọc cùng tham khảo để có thể làm bài tốt hơn.
Đoạn văn mẫu số 1
“Mẹ” của Đỗ Trung Lai là một tác phẩm đem đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Bài thơ là lời của người con bộc lộ nỗi xót xa, thương cảm khi thấy mẹ ngày một già đi. Cuộc đời của mẹ từng trải qua biết bao nỗi vất vả, nhọc nhằn. Tác giả đã mượn hình ảnh cây cau để nói về mẹ. Sự đối lập giữa mẹ và cau: “Lưng mẹ còng rồi – Cau thì vẫn thẳng” và “Cau – ngọn xanh rờn, Mẹ – đầu bạc trắng”, “Cau gần với giời – Mẹ thì gần đất” đã tạo ra một ám ảnh cho tiếng thơ tiếng lòng quặn bao nỗi thắt. Đặc biệt, hình ảnh “Một miếng cau khô – Khô gầy như mẹ” càng làm nổi bật sự giàu nua, héo hon của người mẹ. Điều đó khiến cho “Con nâng trên tay – Không cầm được lệ”. Hai chữ “nâng” và “cầm” đều chỉ động thái của tình cảm. Nếu “nâng” trang trọng kính trọng biết bao thì “cầm” lại nén bao đắng cay bấy nhiêu. Từng cặp biểu cảm được song hành tạo ra bao chất chứa, lời ít mà vọng xa. Chính đây cũng là sự vận động cảm xúc để cuối bài nhân vật trữ tình đã tự hỏi: “Ngẩng hỏi giời vậy – Sao mẹ ta già”. Câu hỏi tu từ không nhận được lời đáp, để lại sự cô đơn, trống vắng. Không ai trả lời được vì sao mẹ già, cũng không ai ngăn được guồng quay của thời gian tàn nhẫn. Hình ảnh “mây bay về xa” cũng giống như mái tóc mẹ bạc hòa cùng với mây trắng trên cao thể hiện một niềm xót xa, tiếc nuối. Bài thơ thật cảm động, bộc lộ nỗi xót xa thưởng cảm của người con trước hình ảnh già nua của mẹ theo năm tháng.
Đoạn văn mẫu số 2
Đến với tác phẩm “Lời của cây”, người đọc đã cảm nhận được một thông điệp ý nghĩa. Bài thơ giống như một cuốn nhật kí ghi lại hành trình phát triển của cây, từ khi còn là hạt mầm đến khi trở thành cây. Giọng thơ nhẹ nhàng giống như một lời tâm tình, trò chuyện với cây. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh, từ ngữ đặc sắc mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ để miêu tả quá trình từ hạt thành cây: nằm lặng thinh, nảy mầm, nhú lên giọt sữa, thì thầm, mầm mở mắt, đón tia nắng hồng, nở vài lá bé. Chúng ta có thể cảm nhận được cây cũng có tâm hồn, giống như con người. Và giữa cây với nhân vật trữ tình trong bài có một mối giao cảm, thấu hiểu đến kì lạ. Từ đây, người đọc nhận ra thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Con người cần biết lắng nghe để thấu hiểu và biết trân trọng những mầm xanh của sự sống.
Đoạn văn mẫu số 3
Nguyễn Khoa Điềm với bài “Đồng dao mùa xuân” đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc về hình ảnh người lính. Họ vốn là những con người trẻ tuổi, vẫn còn hồn nhiên nhưng đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc để lên đường đi chiến đấu. Cuộc đời người lính có nhiều gian khổ, thiếu thốn với quân tư trang ít ỏi là ba lô con cóc, với tấm áo lính màu xanh; phải chịu căn bệnh nguy hiểm là sốt rét rừng nhưng vẫn giữ vững sự lạc quan, niềm tin vào tương lai. Từ đó chúng ta càng thêm khâm phục tinh thần, ý chí của những người chiến sĩ. Họ đã ra đi nhưng còn sống mãi trong lòng đồng đội, nhân dân. Mùa xuân của người lính hay chính là mùa xuân của đất nước đã trở nên bất tử. Hình ảnh những người anh hùng kiên trung, bất khuất sẽ mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ Những bài văn mẫu lớp 7 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.