Văn mẫu lớp 7: Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến sự kiện lịch sử là tài liệu tham khảo hữu ích.
Bạn đọc hãy cùng theo dõi dàn ý và 2 bài văn mẫu được chúng tôi đăng tải chi tiết ngay sau đây.
Dàn ý hướng dẫn
1. Mở bài
Giới thiệu nhân vật và sự việc có thật liên quan đến sự kiện lịch sử.
2. Thân bài
Thuật lại quá trình diễn biến của sự việc, chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với sự kiện lịch sử, kết hợp kể chuyện với miêu tả.
3. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết.
Bài văn mẫu số 1
Bản Tuyên ngôn Độc lập (1945) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn được viết bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới.
Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mốc thời gian đầu tiên phải kể đến là vào ngày 4 tháng 5 năm 1945, Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào. Giữa tháng năm, Người đã yêu cầu trung úy Giôn, báo vụ của OSS (Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) điện về Côn Minh, đề nghị thả dù cho Người cuốn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kì.
Đến ngày 22 tháng 8 năm 1945, Bác rời Tân Trào về Hà Nội. Tối 25 tháng 8 năm 1945, Người vào nội thành, ở tầng 2 tại căn nhà số 48 Hàng Ngang. Sáng 26 tháng 8 năm 1945, Bác đã cho triệu tập một cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, để bàn về các vấn đề như chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; công bố danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt toàn thể nhân dân.
Vào ngày 27 tháng 8 năm 1945, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ đưa ra đề nghị Chính phủ ra mắt quốc dân, đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người đã chuẩn bị. Bác đưa ra bản thảo và đề nghị các thành viên phải xét duyệt kĩ vì không chỉ đọc cho đồng bào cả nước nghe mà còn độc cho Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, các nước đồng minh nghe.
Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1945, Bác đến làm việc tại 12 Ngô Quyền (trụ sở chính của Chính phủ lâm thời) và dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi tối tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Bác đã tự đánh máy bản Tuyên ngôn Độc lập trên một cái bàn tròn.
Vào ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bác cho mời các đồng chí đến để trao đổi, đóng góp ý kiến cho bản Tuyên ngôn độc lập. Bác đọc cho mọi người nghe, hỏi ý kiến của từng người. Đến ngày 31 tháng 8, Bác đã bổ sung một số ý vào bản Tuyên ngôn. Bản Tuyên ngôn Độc lập chính thức được hoàn thiện.
Đúng 14 giờ ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Quá trình viết Tuyên ngôn Độc lập đã cho thấy sự chuẩn bị kĩ lưỡng cũng như trí tuệ và tầm nhìn của một vị lãnh tụ – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài văn mẫu số 2
Những sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn lao với một quốc gia, dân tộc. Và sự kiện mà tôi ấn tượng nhất chính là Cách mạng tháng Tám (1945) của dân tộc Việt Nam.
Năm 1945, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa để phá bỏ xiềng xích nô lệ hơn tám mươi năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, mở ra một bước ngoặt mới cho đất nước Việt Nam.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, trong đêm Nhật – Pháp bắn nhau, Hội nghị Thường vụ mở rộng dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Trường Chinh. Đến ngày 12 tháng 3 năm 1945, Ban thường vụ trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng, ra Chỉ thị nêu rõ “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa. Đến chiều cùng ngày, một đơn vị Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên, mở đầu cho Cách mạng tháng Tám.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ trước sân đình Tân Trào. Vào ngày 18 tháng 8 năm 1845, nhân dân bốn tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi tại thủ đô Hà Nội. Từ ngày 20 tháng 8, cuộc tổng khởi nghĩa lan rộng ra trên khắp các tỉnh thành phố.
Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Hoàng đế Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn thoái vị. Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám toàn thắng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Viết bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến sự kiện lịch sử Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 7 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.