Pgdphurieng.edu.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích thiên nhiên trong bài Cảnh khuya và Rằm tháng giêng.
Với 4 bài văn mẫu sau đây, hy vọng có thể giúp ích cho các bạn học sinh lớp 7 khi tìm hiểu về những tác phẩm trên.
Thiên nhiên trong Cảnh khuya và Rằm tháng giêng – Mẫu 1
Bác vốn là người có tình yêu thiên nhiên tha thiết. Dù trong hoàn cảnh ngày đêm lo cho vận mệnh đất nước, Bác vẫn dành ra chút thời gian ít ỏi để thưởng thức, cảm nhận và hòa mình vào thiên nhiên vạn vật. Hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng đều được khơi gợi cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên mà chính xác là trong một đêm trăng đẹp ở chiến khu Việt Bắc.
Thơ Bác tràn ngập ánh trăng, trăng chính là người bạn tri âm, tri kỷ, người đã đồng hành cùng Bác trong những năm tháng gian lao vất vả khi bị giam ở nhà tù Trung Quốc cho đến những ngày hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Bởi vậy, trong cả hai bài thơ đều có sự xuất hiện của ánh trăng, nhưng dưới con mắt của thi nhân, mỗi bài ánh trăng lại mang những đặc sắc riêng. Trong bài “Cảnh khuya”, trăng không xuất hiện ngay từ ban đầu, mà là âm thanh tiếng suối du dương, tha thiết là yếu tố mở đầu bài thơ:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Câu thơ sử dụng nghệ thuật so sánh, ví âm thanh tiếng suối như tiếng hát của con người. Ở câu thơ ta thấy rõ nét hiện đại, tư duy thơ mới mẻ của Bác. Đó là lấy con người làm chuẩn mực của cái đẹp để so sánh với thiên nhiên. Đồng thời sự so sánh này cũng làm cho thiên nhiên trở nên gần gũi với con người hơn. Âm thanh tiếng suối trong trẻo tựa như giọng hát của cô sơn nữ khiến không gian trở nên sống động, tràn trề sức sống.
Sau âm thanh của tiếng suối là sự hòa hợp của thiên nhiên: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Ở đây ta có thể tưởng tượng theo hai cách. Ánh trăng chiếu vào vòm cổ thụ, bóng lồng vào bóng hoa hoặc ánh trăng chiếu rọi vào các vòm cổ thụ in bóng xuống mặt đất như muôn ngàn bông hoa. Dù hiểu theo cách nào cũng đều cho thấy sự hài hòa, hòa hợp tuyệt diệu của thiên nhiên. Ánh trăng dìu dịu, kết hợp với âm thanh tiếng suối trong trẻo xa xa làm không gian thêm phần lung linh, huyền ảo.
Đến với bài “Rằm tháng giêng”, người đọc lại có cảm nhận, cái nhìn khác về thiên nhiên Việt Bắc. Mở đầu bài thơ là tràn ngập ánh trăng:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”
Hai câu thơ mở ra khung cảnh không gian cao rộng, bát ngát, tràn ngập ánh sáng của trăng. Ánh trăng trong trẻo khiến cho khung cảnh trở nên đẹp đẽ mà cũng vô cùng hài hòa. Câu thơ thứ hai vẽ ra không gian bao la, bát ngát. Trong nguyên tác, chữ “xuân” được lặp lại ba lần: “xuân giang, xuân thủy, xuân thiên” đã nhấn mạnh vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân. Không khí mùa xuân đã thấm đẫm trong mọi cảnh vật, đâu đâu cũng thấy thiên nhiên căng đầy sức sống. Sự vật có sự hòa hợp tuyệt đối với nhau, đất trời nối tiếp, hòa với nhau làm một. Và trong khung cảnh đó, chân dung Bác hiện lên thật đẹp đẽ. Lo cho dân cho nước đến tận canh khuya nhưng vẫn không quên thưởng thức, cảm nhận vẻ đẹp của ánh trăng, tiếng suối, của trời xuân. Đặt trong hoàn cảnh giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ta không chỉ thấy Bác là người có tình yêu thiên nhiên mà còn thấy được phong thái ung dung, lạc quan của Bác.
Cả hai bài thơ đã sử dụng những hình ảnh thơ đẹp, phép so sánh, điệp ngữ tài tình. Ngôn ngữ tinh tế, tài hoa, giàu cảm xúc, nhịp điệu. Giọng thơ khỏe khoắn, trẻ trung, có suy tư, trăn trở mà vẫn đầy hào hứng và tin tưởng.
Qua hai bài thơ “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng”, ta thấy được những rung động tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, tài hoa trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. Với những lời thơ giản dị mà cũng hết sức hàm súc người đọc đã được thưởng thức bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Bắc ở những thời điểm khác nhau. Đằng sau tình yêu thiên nhiên còn là một người luôn lo cho dân cho nước, một phong thái ung dung, một tâm hồn lạc quan vào cuộc sống.
Thiên nhiên trong Cảnh khuya và Rằm tháng giêng – Mẫu 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người không chỉ có tình yêu đất nước, yêu đồng bào, mà còn yêu cảnh đẹp thiên nhiên đến cháy bỏng. Bác có rất nhiều bài thơ về cảnh thiên nhiên, trong đó phải kể đến bài thơ “Cảnh khuya” và bài “Rằm tháng giêng”.
Hai bài thơ đều được viết khi Bác đang trong tâm trạng lo lắng chồng chất cho sự nghiệp đấu tranh của dân. Tuy lo lắng nhưng Bác thể hiện sự lạc quan yêu đời, mọi cảnh vật xung quanh đối với Bác vẫn đẹp đến thơ mộng. Trong bài thơ “Cảnh khuya” thiên nhiên hiện lên sống động, bình dị mà lung linh, huyền ảo biết bao. Bằng nghệ thuật so sánh sắc sảo và tài tình, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên đầy ấn tượng hiện lên trong ngay khổ thơ đầu của bài thơ:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Giữa một không gian vắng lặng, con người và cảnh vật đã hòa quyện vào làm một. Bác đã có thể nghe được cả tiếng nước chảy của dòng suối. Tiếng suối chảy róc rách, văng vẳng mơ hồ khiến Người tưởng như có tiếng hát êm ái, ngọt ngào, trong trẻo, ngân xa của ai đó vọng lại. Cách so sánh ấy không chỉ làm cho tiếng suối lạnh lẽo, vô hồn bỗng trở nên sống động, trẻ trung mà còn làm cho cảnh rừng yên ắng, tĩnh mịch trở nên có hồn người, xao động. Đêm rừng chiến khu bỗng trở nên gần gũi, thân thương với con người, bỗng mang hơi ấm của sự sống con người. Có lẽ trong đêm khuya thanh vắng, Bác đang mê mải với công việc cách mạng thì tiếng suối ngân lên khiến Người rời bàn viết. Khẽ ngước lên, vẻ đẹp của đêm lại quyến rũ Người. Nét đặc sắc và rất riêng biệt của đêm chiến khu tiếp tục tạo ấn tượng cho thị giác:
“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Cảnh vật dưới mặt đất thật nên thơ, trên bầu trời ánh trăng rọi xuống mặt đất khiến cảnh vật dưới mặt đất càng thêm huyền ảo. Câu thơ vẽ nên một hình ảnh hữu tình, ấm cúng: ánh sáng của trăng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây đổ xuống lại bao trùm lên hoa. Nếu câu đầu là trong thơ có nhạc thì câu thứ hai này là trong thơ có họa . Hình ảnh thơ có vẻ đẹp của bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối đa dạng. Các sự vật đan lồng vào nhau tạo nên một bức tranh chỉ có hai gam màu sáng tối, trắng đen như nhiều lớp lang, tầng bậc cao thấp lung linh, chập chờn, huyền ảo, sống động mà ấm áp, hòa hợp quấn quýt với hàng chục, hàng trăm sắc hình đa dạng. “Trăng, cây cổ thụ và hoa” – ba vật thể cách nhau ngàn trùng, cao thấp, lớn bé cũng rất khác nhau nhưng lại đan cài, nâng đỡ, soi sáng và tôn lên vẻ đẹp của nhau tạo nên một bức tranh nên thơ, sống động, có hồn. Điệp từ “lồng” được nhắc đi, nhắc lại hai lần thật đắt, thật hay bởi nó đã tạo nên âm hưởng ngọt ngào cho câu thơ.
Nhà thơ như giãi bày tâm sự của mình với cảnh thiên nhiên, cảnh thiên nhiên cũng như hiểu được tâm sự của một thi sĩ không ngủ được. Trong bức tranh đêm hiền hòa, dịu êm như thế xuất hiện hình ảnh con người “chưa ngủ”. “Chưa ngủ” vì “lo nỗi nước nhà” và cũng vì thế bất chợt bắt gặp và chia sẻ với vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên. Nếu như trong “Cảnh khuya”, thiên nhiên hiện lên là cảnh rừng Việt Bắc chập chờn hai gam màu cơ bản trắng – đen thì trong “Rằm tháng giêng” thiên nhiên hiện lên lại là vẻ đẹp lồng lộng, bát ngát trăng vàng giữa dòng sông xuân mênh mang:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.
Bài thơ được Xuân Thủy dịch là:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Với bút pháp tả cảnh tài tình của nhà thơ, người đọc được chiêm ngưỡng cảnh trăng rằm vô cùng đẹp. Vầng trăng mùa xuân vừa đúng độ tròn, xinh tươi, soi sáng khắp bầu trời cao rộng, trong trẻo, thoáng đãng. Bầu trời và vầng trăng tưởng như không có giới hạn, dòng sông mùa xuân, màu nước mùa xuân nối liền với bầu trời xuân: “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”. Điệp từ “xuân” được nhắc đi nhắc lại ba lần mang âm điệu bay bổng, gợi cảm giác trong trẻo, rộng lớn, thảnh thơi, thanh bình, thú vị làm sao. “Thủy, nguyệt, thiên” vốn là những chất liệu của thi ca cổ nhưng Bác đã có sự sáng tạo đặc biệt tài hoa để làm nổi bật cái thần của bức tranh “nguyên tiêu”: tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống của vạn vật, con người.
Trong các bài thơ tả cảnh của Bác, hình ảnh con người luôn xuất hiện hòa quyện cùng thiên nhiên, “Nguyên tiêu” không thể thiếu vắng hình ảnh con người, và đó là người chiến sĩ cách mạng. Chỉ có khác một điều, trong “Nguyên tiêu”, hình ảnh người chiến sĩ không hiện lên đơn độc mà được thể hiện qua hình ảnh con thuyền cách mạng ấm cúng tình đồng chí, đồng đội:
“Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”
Dù tả cảnh nhưng lại thể hiện tâm trạng của con người. Thái độ lạc quan yêu đời của nhà cách mạng ấy thật đáng khâm phục, nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng rất đỗi thiêng liêng, bí mật mà đẹp như trong huyền thoại, nơi bàn chuyện hệ trọng sống còn của đất nước, vậy mà Người vẫn đắm say tận hưởng một vầng trăng đẹp, một vầng trăng viên mãn. Ở đó, cái thực và cái ảo đan xen, hài hòa: “Yên ba thâm xứ” là ảo, “đàm quân sự” là thực, “nguyệt chính viên” là thực; nhưng “nguyệt mãn thuyền” là ảo. Song cái ảo đó chính là chất lãng mạn, chất trữ tình trong thơ Bác. Sau hội nghị quan trọng, quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh của Đảng, của đất nước; con thuyền, con người hòa quyện với thiên nhiên, thấm đẫm, tràn trề lai láng ánh trăng.
Hai bài thơ trên của Bác đều được viết về trăng ở chiến khu Việt Bắc, nhưng ở mỗi bài vẻ đẹp của trăng lại được người thi sĩ cảm nhận bằng một vẻ riêng. Trăng trong “Cảnh khuya” là ánh trăng đã được nhân hóa. Trăng lồng bóng vào cây cổ thụ để giãi “hoa” (hoa trăng) trên mặt đất. Cảnh vật như hiện ra lồng lộng dưới ánh trăng. Thêm nữa, tiếng suối trong đêm trong trẻo như tiếng ai đang ngân nga hát càng làm cho trăng khuya thêm mơ mộng. Trong khi đó, trăng trong Rằm tháng giêng là trăng xuân, trăng mang không khí và hương vị của mùa xuân. Cảnh ở đây là cảnh trăng ở trên sông, có con thuyền nhỏ trong sương khói. Nhưng điểm đặc biệt nhất phải nói đến đó là sự chan hòa của ánh trăng như tràn đầy cả con thuyền nhỏ.
Tinh thần lạc quan yêu đời của Bác thể hiện trong hai bài thơ thật đáng khâm phục. Bao nhiêu khó khăn gian khổ còn ở phía trước, bao điều suy nghĩ trăn trở chưa tìm ra cách giải quyết, vậy mà vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta vẫn giữ một tinh thần tự tại, ung dung. Điều này thể hiện sự quyết tâm không ngại khó khăn gian khổ, quyết chiến quyết thắng kẻ thù của Bác.
Thiên nhiên trong Cảnh khuya và Rằm tháng giêng – Mẫu 3
Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ tài ba, kiệt xuất, một nhà chính trị tài năng mà còn là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc, tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Trong khoảng thời gian làm việc ở Pác Bó, Bác đã sáng tác hai bài thơ về trăng rất tiêu biểu, đó là bài “Cảnh khuya” và bài thơ “ Rằm tháng giêng”.
Cùng lấy cảm hứng từ ánh trăng nhưng trong mỗi bài thơ, Hồ Chí Minh lại thể hiện một sắc thái riêng biệt, điều này đã làm nên nét độc đáo cho mỗi bài thơ. Trong bài thơ “Cảnh khuya” bức tranh thiên nhiên được Bác khắc học bằng những nét sinh động, cụ thể, gợi ra một bức tranh đa sắc màu và có sức hấp dẫn với người đọc.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Ở trong câu thơ này, Bác đã ví tiếng suối như “tiếng hát xa”, âm thanh của nước va chạm vào vách đá không ồn ào mà lại dịu nhẹ, êm du. Bằng tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ, Hồ Chí Minh đã liên tưởng ngay đến tiếng hát xa. “Tiếng hát xa” là tiếng hát thoảng đưa trong gió, có tiết tấu, giai điệu song nếu không chú ý lắng nghe thì cũng sẽ không thể cảm nhận hết.
Tiếng suối ở đây cũng vậy. Ta có thể liên tưởng đến dòng suối nhỏ róc rách chảy trong đêm, nó nhẹ đến mức nếu không gian không yên tĩnh, người nghe không nhập tâm để cảm nhận thì cũng khó có thể nhận ra. Nhưng một khi đã cảm nhận được rồi thì nó sẽ như một giai điệu nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng da diết, cứ vương vấn lòng người không thôi.
Trong không gian tĩnh lặng, tiếng suối du dương hiện lên thật gợi cảm, nó tác động đến tâm hồn của người thi sĩ. Ngồi trong đêm, bác dùng sự nhạy cảm để cảm nhận cái tĩnh của âm thanh, song cũng đồng thời cảm nhận cảnh khuya bằng cái nhìn thị giác đầy tinh tế: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Hình ảnh ánh trăng ở đây được đặt trong mối quan hệ với cây và hoa. Cách cảm nhận của Bác cũng thật độc đáo, ánh trăng soi chiếu xuống cây cổ thụ làm in trên mặt đất những mảng màu sắc sáng tối, tạo nên cảnh chập chùng của ánh trăng, cây và trong cảm nhận của Bác, trăng, bóng cây cùng “lồng” vào hoa tạo ra sự hòa hợp đến lạ kì.
Từ ba hình ảnh ngỡ như chẳng hề có mối liên hệ nào, Hồ Chí Minh đã dùng sự tinh tế trong cảm nhận của mình để tạo ra cho chúng một sự hòa hợp, đan xen vô cùng sống động và gợi cảm. Cũng miêu tả về ánh trăng, nhưng trong bài thơ “Rằm tháng Giêng” Hồ Chí Minh lại cho người đọc một cảm nhận mới, một cách nhìn mới về ánh trăng:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
Ánh trăng trong bài thơ này là ánh trăng của đêm Rằm mùa xuân nên nó mang cái nét thơ mộng, gợi cảm của tiết trời xuân. “Lồng lộng” gợi ra cái bao la, bát ngát của không gian bầu trời. Trong cái không gian ấy, ánh trăng dường như sáng hơn, đẹp hơn, nó soi sáng và bao phủ lên mọi cảnh vật, làm cho cảnh vật trở nên đầy sức hấp dẫn, quyến rũ:
“Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
Trong một câu thơ mà Hồ Chí Minh đã sử dụng đến ba từ xuân, làm cho sắc xuân, không khí xuân tràn đầy khắp cả ý thơ.
Nếu trong bài “Cảnh khuya” có sự hòa hợp giữa ba yếu tố: “trăng, bóng và hoa” để tạo ra khung cảnh thi vị mà đầy hấp dẫn thì ở trong bài thơ “Rằm tháng Giêng” lại có sự kết hợp của ba yếu tố: “trăng, nước và bầu trời”. Vừa gợi ra cái mênh mông của bầu trời, cái thi vị của dòng sông mùa xuân và cả sự kết hợp giữa nước và trăng đã tác động ngược lại với bầu trời,làm cho không gian bầu trời mang đậm không khí của mùa xuân. Nếu trong “Cảnh khuya” đối tượng miêu tả của Bác là ánh trăng rừng trong đêm khuya thanh tĩnh thì “Rằm tháng Giêng” lại là vẻ đẹp của cảnh trời nước bao la dưới ánh trăng rằm đầu năm.
Có thể thấy, Hồ Chí Minh sáng tác rất nhiều các phẩm lấy đề tài từ vầng trăng, ánh trăng. Song mỗi bài Bác lại tạo ra cho người đọc một cảm nhận khác, một ấn tượng khác về ánh trăng mà không hề có sự trùng lặp. Có sự đa dạng này phải kể đến sự cảm nhận tinh tế và tài năng sáng tạo không ngừng của Bác.
Thiên nhiên trong Cảnh khuya và Rằm tháng giêng – Mẫu 4
Hồ Chí Minh là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Các tác phẩm của Bác gửi gắm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Một trong số đó là vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước. Điều đó được thể hiện qua bài thơ “Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng”.
Hai bài thơ đều khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng. Nhưng mỗi bài thơ lại mang một nét độc đáo riêng. Trước hết là Cảnh khuya:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Đêm xuống, trăng càng sáng và lan tỏa khắp mọi không gian. Trong rừng vắng lắng, nhân vật trữ tình càng nghe thấy rõ được tiếng suối nghe càng rõ. Tiếng suối trong đêm khuya như tiếng hát xa dịu êm vang vọng như âm thanh của tiếng hát sâu lắng. Bác đã vận dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh để diễn tả tiếng suối. Không chỉ dừng lại ở đó, ánh trăng chiến khu cũng được Bác khắc họa sinh động. Hình ảnh trăng trong thơ Bác vốn đã rất quen thuộc:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
(Ngắm trăng)
Còn trong “Cảnh khuya”, ánh trăng được Bác diễn tả qua câu thơ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” với hai cách hiểu cho người đọc. Đầu tiên là hình ảnh ánh trăng chiếu xuống mặt đất xuyên qua từng tán cây, chiếu xuống cả những bông hoa rừng. Không gian núi rừng Việt Bắc đều ngập trong ánh trăng. Cách hiểu thứ hai là ánh trăng sáng chiếu xuống mặt đất xuyên qua từng tán cây cổ thụ, khi phản chiếu xuống mặt đất tạo ra hình thù như những bông hoa. Cả hai cách hiểu đều cho thấy vẻ đẹp của ánh trăng. Ánh trăng đã trở thành người bạn tri kỷ của nhà thơ ngay cả nơi núi rừng hoang sơ. Bức tranh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc dưới cái nhìn của một thi sĩ được hiện lên với nét đẹp thơ mộng, và đầy hoang sơ.
Còn với “Rằm tháng giêng”, thiên nhiên núi rừng Việt Bắc hiện lên trong đêm trăng mùa xuân tràn đầy sức sống:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,”
(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất)
Nhưng không phải là một đêm trăng bình thường, mà là đêm rằm tháng giêng. Trăng lúc này đang ở độ đẹp nhất – “nguyệt chính viên” (trăng đúng lúc tròn nhất). Mọi vật tại nơi đây đều nhuốm màu của ánh trăng.
“Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên;”
(Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân)
Bác đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ – từ “xuân” được nhắc lại ba lần nhằm nhấn mạnh vào sức sống và sắc xuân đang trỗi dậy khắp mọi không gian. Từ “tiếp” gợi ra cho người đọc cảm nhận rằng dường như trời và đất đang giao hòa gặp gỡ nhau bởi sắc xuân rực rỡ. Không gian ấy mở rộng ra cả ba chiều: chiều cao, chiều rộng và chiều sâu làm cho cảnh vật thiên nhiên trở nên rộng lớn hơn chứ không bó hẹp. Sự nối tiếp giữa “sông xuân”, “nước xuân” và “trời xuân” cũng gợi ra vẻ đẹp giao hòa giữa bầu trời và mặt đất đều tràn ngập ánh trăng.
Cả hai bài thơ mang đậm phong cách sáng tác của Bác. Qua những bức tranh thiên nhiên nhiên đó, Hồ Chí Minh gửi gắm tâm tư về sự nghiệp cách mạng của đất nước, cũng như tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước của nhà thơ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Phân tích thiên nhiên trong bài Cảnh khuya và Rằm tháng giêng 4 bài văn mẫu lớp 7 hay nhất của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.