Câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” gửi gắm bài học vô cùng ý nghĩa. Hôm nay, Pgdphurieng.edu.vn muốn giới thiệu đến bạn đọc tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
Tài liệu dưới đây bao gồm dàn ý và 11 bài văn mẫu. Hy vọng có thể giúp ích cho các em học sinh lớp 7.
Dàn ý giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
1. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu câu tục ngữ: Tục ngữ gửi gắm nhiều bài học quý giá. Một trong số đó là câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
2. Thân bài
a. Giải thích
- “một con ngựa”: cá nhân, “cả tàu”: tập thể.
- “con ngựa đau”: ý chỉ cá nhân khi gặp phải khó khăn hay bất hạnh; “cả tàu bỏ cỏ: ý chỉ sự đồng cảm, chia sẻ của tập thể với cá nhân.
=> Lời khuyên nhủ rằng con người cần biết sống yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với đồng loại.
b. Ý nghĩa
– Trong một tập thể, khi có một cá nhân nào đó gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh thì luôn có những con người trong tập thể ấy sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ để cả nhân vững vàng vượt qua khó khăn.
– Bên cạnh đó, câu tục ngữ còn thể hiện và khẳng định rõ tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết giữa những con người với nhau. Khi một người gặp khó khăn thì mọi người xung quanh không nên thờ ơ, mà hãy sẵn sàng quan tâm, sẻ chia và ra tay giúp đỡ.
– Dẫn chứng: Lịch sử đã chứng minh tinh thần đoàn kết của dân tộc ta qua bao cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, nhờ có sự đồng lòng của cả dân tộc mà nhân dân ta giữ vững được chủ quyền độc lập dân tộc cho tới hiện tại
3. Kết bài
Khẳng định giá trị câu tục ngữ: Câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã thể hiện được một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay cần gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa truyền thống này.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 1
Tục ngữ đã đúc kết những kinh nghiệm quý giá của ông cha ta, gửi gắm nhiều bài học sâu sắc. Một trong số đó phải kể đến câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ nói đến một hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống. Ngựa vốn là loài vật sống theo bầy đàn. Khi một con bị đau ốm, các con khác trong đàn cũng chán nản, không muốn ăn uống. Xét về nghĩa bóng, “một con ngựa đau” mang hàm nghĩa về sự đau khổ, khó khăn của một cá thể. Còn “cả tàu bỏ cỏ” muốn chỉ sự chia sẻ của đồng loại đối với nỗi đau, khó khăn của cá thể đó. Như vậy, qua “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, nhân dân ta nêu lên bài học đạo lý rằng con người cần biết sống yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với đồng loại.
Trong cùng một tập thể, cần phải biết yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Khi một người gặp phải khó khăn, cảm thấy đau khổ mà nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người thì sẽ cảm thấy được an ủi, ấm áp hơn. Từ đó, họ có thêm niềm tin cũng như động lực để cố gắng vượt qua. Nhờ vậy, tập thể đó mới ngày càng phát triển, vững mạnh hơn trước. Từ xưa, dân tộc Việt Nam vẫn luôn biết đùm bọc và yêu thương lẫn nhau. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh còn nhiều gian khổ, nguy hiểm nhưng tinh thần nhân ái, đoàn kết vẫn luôn sáng ngời. Nhiều người đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người ở lại. Thế hệ mai sau vẫn nhớ đến họ với lòng yêu mến, kính trọng và cảm phục vô cùng. Ngày hôm nay, chúng ta sống trong một đất nước hòa bình, được học tập, làm việc và vui chơi. Và câu tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị đối với mỗi người. Trong một lớp học, bạn bè cần yêu thương, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Trong một cơ quan, đồng nghiệp cần tôn trọng, chia sẻ và cố gắng để cùng phát triển. Dù trong bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng cần biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau.
Tóm lại, câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” đã đem đến lời khuyên quý giá. Bài học mà ông cha ta muốn gửi gắm vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 2
Kho tàng tục ngữ của nhân dân ta vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa. Mỗi câu tục ngữ như một kinh nghiệm đúc kết của nhân dân ta. Chúng ta không thể nào quên những bài học được rút ra từ những câu tục ngữ ấy. Tiêu biểu là câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho mỗi người.
Tác giả dân gian đã sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Khi có một con bị ốm đau, bỏ ăn thì những con ngựa khác trong tàu cũng sẽ bỏ ăn theo. Qua đó, câu tục ngữ muốn thể hiện tình thương giữa con người với con người – là sự đoàn kết, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Khi con người biết coi nỗi đau của người khác giống như nỗi đau của chính mình thì mới có thể hiểu được những gì mà họ cần khi ấy. Chính vì thế mà đoàn kết, nhân ái, quan tâm chính là ý nghĩa mà câu nói trên muốn nhắc đến. Và đó cũng là một lối sống đẹp của con người Việt Nam nước ta.
Tình yêu thương đó được thể hiện từ những hành động vô cùng nhỏ bé. Một đứa trẻ bắt gặp một người ăn xin liền cho họ một ổ bánh mì. Một cụ già đi trên đường đất trơn trượt như sắp ngã, có người chạy đến đỡ bà cụ qua đường. Sự đoàn kết của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945 khi tích cực hưởng ứng phong trào: “Hũ gạo cứu đói”, “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” của chủ tịch Hồ Chí Minh… Thế mới thấy được có yêu thương mới có đoàn kết một lòng.
Qua đây ta thấy câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” thật sự rất có ý nghĩa và mang tính răn dạy cao. Như thế chúng ta hãy phát huy hết tinh thần đoàn kết, yêu thương chăm sóc quan tâm ấy. Nó không có phạm vi mà nó có không có giới hạn.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 3
Truyền thống tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn hoạn nạn của dân tộc ta xuất phát từ tình yêu thương, sự đồng cảm, biết lo lắng cho nhau giữa những người trong cùng một gia đình, một tập thể. Cha ông ta từng nói: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” cũng mang hàm nghĩa ấy.
“Ngựa” là một loài vật phải lao động nặng, có nhu cầu sử dụng lượng thực nhiều. Còn “tàu” chỉ máng đựng thức ăn trong chuồng ngựa, cũng dùng để gọi chuồng ngựa. Khi “một con ngựa đau” mà “cả tàu không ăn cỏ” điều đó cho thấy cả đàn ngựa cũng buồn bã, không thiết đến việc ăn uống, không để ý đến sức khỏe của chính bản thân mình. Câu tục ngữ mang hàm ý rất rằng trong một gia đình hay tập thể, nếu người gặp chuyện không may thì những người còn lại cũng lo lắng không yên. Câu tục ngữ này đã phản ánh rất trung thực đời sống tinh thần tình cảm biết quan tâm, chia sẻ những buồn vui nỗi buồn của người Việt Nam.
Trong một gia đình, khi có người bị ốm, những thành viên khác cũng rất lo lắng, bồn chồn. Bạn có nhớ lần bạn bị ốm, mẹ đã thức suốt đêm để chăm cho bạn ngủ. Bố cũng ăn cơm không ngon, người đi công tác mà liên tục gọi điện về hỏi thăm tình hình của bạn. Bạn cũng chẳng thể nào quên ngày bố đi công tác xa vào đúng đợt rét tăng cường. Mẹ nghe dự báo thời tiết mà đứng ngồi không yên vì bố chủ quan không mang áo rét. Bạn cũng vì thế mà bồn chồn đi lại. Hay trong lớp học của chúng ta cũng vậy. Khi có một bạn bị ốm phải nghỉ học, các bạn khác chợt thấy thiếu vắng mà lòng nao nao buồn. Sau buổi học, ai cũng cố sắp xếp thời gian đi thăm bạn. Lại nữa, nếu trong lớp học có bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì lớp chắc chắn sẽ có một quỹ khuyến học để động viên, giúp đỡ bạn trong đời sống sinh hoạt.
Không chỉ vậy, tấm lòng đồng cảm sẻ chia với những người có hoàn cảnh bất hạnh không bó hẹp trong một gia đình, một lớp học mà lan rộng trong cộng đồng xã hội. Những em bé lang thang cơ nhỡ, những cụ già không nơi nương tựa, những trẻ em tật nguyền, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… khiến trái tim của bao người rung lên thương cảm. Biểu hiện sinh động của những tấm lòng nhân ái là sự phát triển của những hoạt động từ thiện. Ta có thể kể đến quỹ “Vì người nghèo”, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học… Như vậy, không chỉ một nhóm, một tập thể mà cả cộng đồng xã hội đã quan tâm, chia sẻ với nỗi đau của những người bất hạnh.
Tóm lại, câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” là hoàn toàn đúng đắn, đem đến một bài học vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 4
Tình thương giữa con người với nhau là tiền đề tạo nên sự gắn bó lâu dài và sâu sắc. Đây chính là nền tảng để duy trì và phát triển hơn nữa sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ. Cha ông ta vẫn thường bảo rằng tình yêu có thể làm xoa dịu nhiều nỗi đau, nỗi buồn. Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã nói lên sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông đối với người khác. Đây là truyền thống mà người đời đi trước vẫn khuyên răn con cháu đời sau nên nhớ về.
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” vừa nói lên tình nhân ái, tình yêu thương vừa nói đến sự đoàn kết trong một tập thể. Bởi tập thể được tạo nên, được gắn kết từ nhiều cá nhân. Và cá nhân chính là những mắt xích móc nối trở thành một tập thể vững mạnh.
Dân gian đã khéo léo khi mượn hình ảnh “con ngựa đau” để nói đến mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội hiện nhau. Khi một con ngựa bị “đau” – và bỏ ăn thì những con ngựa khác trong chuồng đó cũng “đau”, cũng “bỏ cỏ”. Đây là nghĩa tường minh của câu tục ngữ. Còn ý nghĩa hàm ý ẩn chứa sau từng câu, từng chữ. Không hẳn dân gian xưa chỉ nhắc đến con ngựa đơn thuần như thế. Cha ông ta còn muốn nói đến con người. Khi có một cá nhân trong tập thể gặp hoạn nạn, gặp tai ương, khó khăn hay đau ốm gì thì đều ảnh hưởng đến tâm lý của những người khác. Họ sẽ lo lắng, sẽ bất an, sẽ cùng động viên và chia sẻ với cá nhân đó để vượt qua hoàn cảnh và hướng về phía trước.
Thật vậy, trong cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng suôn sẻ, cũng theo dòng nước chảy trôi. Trước mặt sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng lúc đó nếu có những người khác sẵn sàng ở bên và giúp đỡ thì thật tốt biết bao. Đây cũng chính là một biểu hiện sâu sắc nhất của tình thương, lòng nhân ái. Trong một lớp học, có một bạn bị ốm suốt một tuần liền không đi học được. Những bạn khác trong lớp đến tận nhà thăm hỏi, động viên; có bạn còn chép bài lại cho bạn, có bạn còn giúp bạn làm bài tập. Những biểu hiện này tuy rất nhỏ nhặt nhưng đã nói lên được tình yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Xã hội đang cần lắm rất nhiều tấm lòng có tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc. Bởi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn khi được chia sẻ, được giãi bày và được giúp đỡ.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có không ít người sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Ví dụ như câu tục ngữ “Đèn nhà ai người ấy rạng”. Đây chính là lối sống chỉ biết mình rất đáng lên án, trái ngược với tinh thần đồng cam cộng khổ nói trên.
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã nhắc nhở chúng ta hãy sống có tình có nghĩa, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau cùng sống, cùng phát triển. Tình yêu thương sẽ làm tốt đẹp hơn rất nhiều mối quan hệ trong xã hội.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 5
Tinh thần yêu thương một tổ chức một cộng đồng hay nói rộng ra là toàn xã hội là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bàn về vấn đề này có rất nhiều câu ca dao khuyên con người phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Vấn đề ấy được nhắc đến thường xuyên qua lời dạy dỗ của cha mẹ thầy cô từ khi chúng ta còn rất nhỏ qua câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Trước hết chúng ta cần phải hiểu câu tục ngữ có ý nghĩa như thế nào. Con ngựa là một loài động vật có sức khỏe, là một loại động vật ăn rất nhiều. Còn “tàu” là cái máng lợn hoặc là chuồng ngựa. Ở đây tàu có nghĩa là một chuồng ngựa. Câu tục ngữ có nghĩa là khi một con ngựa trong đàn mà bị ốm không ăn được thì cả đàn ngựa đó cũng không muốn ăn gì cả mà chăm sóc con ngựa bị ốm để nó mau chóng khỏi bệnh khỏe để cùng chơi đùa với chúng. Dân gian đã mượn hình ảnh một con vật nuôi ở đây là con ngựa một con vật vốn thân thiết với con người để nói đến một vấn đề sâu sắc về con người “Một con ngựa đau” hàm ý chỉ sự hoạn nạn khó khăn của một cá thể còn “cả tàu bỏ cỏ” thể hiện sự sẻ chia của cả một đồng loại. Câu thành ngữ đã nói lên sự sẻ chia khi gặp khó khăn hoạn nạn tinh thần tương ái của cộng đồng luân quan tâm của một tập thể đến một cá thể trong xã hội.
Trong cuộc sống ai cũng có lúc gặp phải những khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống. Trước hết đó là trong một tập thể, đó là sự quan tâm chăm sóc đến nhau của một tập thể đối với một cá nhân. Đó là mối quan tâm của cha mẹ của anh chị em đối với ta khi ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Đó chỉ cần là những lời động viên an ủi thôi cũng khiến cho chúng ta ấm lòng cảm thấy tự tin hơn và dường như những nỗi khó khăn cũng được voi khi phần nào. Đó cũng là sự quan tâm của một tập thể lớp đối với một bạn trong lớp khi bạn ấy gặp khó khăn trong gia đình hay những chuyện trong cuộc sống
Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam ta cũng bắt gặp không ít những câu tục ngữ, ca dao như thế. Đó là: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”.
Hay:
“Nhũ điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Qua đó ta mở rộng vấn đề ra một vấn đề rộng lớn hơn. Đó chính là sự đoàn kết trong cả một cộng đồng một xã hội, ý thức đoàn kết cả một xã hội lại với nhau chứ không dừng lại ở một tập thể. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta, người Việt Nam ta từ xưa đến nay đã biết rất rõ ý nghĩ của câu ca dao này. Nhưng với một lớp nghĩa rộng hơn thì đã là con người thì ai cũng cần có một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp vì thế việc chia sẻ những gì mình có thật sự rất quan trọng trong cuộc sống để có thêm nhiều niềm vui hơn và để bớt đi những giọt nước mắt rơi xuống.
Con người cần phải yêu thương nhau bởi một dân tộc nếu không hòa nhập với cộng động với xã hội thì cũng như là người đó không tồn tại trong xã hội. Con người sống một mình luôn cô đơn không tìm được ý niệm của cuộc sống và thật tẻ nhạt khi ta không thể sẻ chia cùng ai đó một niềm vui to lớn của cuộc đời hay những nỗi buồn không biết san sẻ cùng ai. Khi đó cũng rất cần cố kết cộng đồng cùng nhau xây dựng xã hội. Tình cảm cộng đồng sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn về cả vật chất và tinh thần khiến con người vượt qua bao khó khăn chiến thắng kẻ thù và hướng tới cuộc sống ấm no hạnh phúc. Những hành động nhỏ giúp đỡ mọi người khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng hơn trong những ngày đông giá rét xua tan đi mọi lo lắng phiền muộn khiến ta yêu thương cuộc đời yêu thương con người hơn và điều đó thật đáng quý biết bao. Bên cạnh đó ta cũng cần phê phán thói dửng dưng trước những nỗi đau của người khác. Ta cũng thấy thật thất vọng khi gần đây đức tính đoàn kết yêu thương cộng đồng của nhân dân ta ngày càng xuống dốc. Đó là thái độ thờ ơ mỗi khi những người gặp tai nạn giữa đường. Họ không những không giúp đỡ như gọi một cú điện thoại cho xe cấp cứu mà còn túm năm tụm ba người chụp ảnh người quay phim người bàn tán. Đó là một bộ phận nhở những người dân hiện nay có tư tưởng “đèn nhà ai nhà nấy rạng” Tinh thần đoàn kết đã được đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận một cách rất rõ nét “nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng tinh thần ấy lại sôi nổi nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn nó nhấn chìm cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Hưởng ứng phong trào đại đoàn kết dân tộc của Bác của đảng chúng ta hãy cùng nhau giúp đỡ những người xung quanh mình dù là những việc nhỏ nhất.
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” mãi là một lời dạy bảo triết lí đối với chúng ta. Câu tục ngữ khuyên chúng ta hãy luôn quan tâm yêu thương đối với những người xung quanh và cao hơn đó chính là ý thức đoàn kết cố kết lịa cộng đồng.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 6
Trong kho tàng ca dao dân ca của Việt Nam ta có rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ nói về tinh thần đoàn kết, sự gắn bó keo sơn tình nghĩa giữa con người với con người. Nhờ có những câu ca dao ấy mà dân tộc ta luôn tự hào là một dân tộc đoàn kết, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tiêu biểu trong số các câu ca dao tục ngữ ấy là câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Câu tục ngữ trên đã nêu lên và khẳng định mối quan hệ gắn kết giữa con người với con người với nhau, giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng, xã hội. Nó không chỉ ca ngợi về tình người ấm áp và còn mang đến cho chúng ta bài học về tinh thần đoàn kết. “Một con ngựa” đại diện cho một cá nhân, mỗi một con người, “con ngựa đau” chính là biểu tượng cho hoàn cảnh của cá nhân con người đó khi phải đối mặt với những bất hạnh, khó khăn và thử thách trong cuộc sống. “Cả tàu” ý nói là cả tàu ngựa hay đàn ngựa, tượng trưng cho một tập thể, cộng đồng và lớn hơn là cả xã hội bao gồm những con người cùng chung sống. Khi một con ngựa bị đau thì cả tàu ngựa “bỏ cỏ” ý muốn nói về tình thương của tập thể, cộng đồng vì cá nhân. Trong một tập thể, có một cá nhân nào đó gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, những trở ngại khó có thể vượt qua thì luôn có những con người trong tập thể ấy sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ để cả nhân vững vàng vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, câu tục ngữ còn thể hiện và khẳng định rõ tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết giữa những con người với nhau. Khi một người gặp khó khăn thì mọi người xung quanh không được phép thờ ơ, hững hờ, mà hãy sẵn sàng quan tâm, sẻ chia và ra tay giúp đỡ. Tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Lịch sử đã chứng minh tinh thần đoàn kết của dân tộc ta qua bao cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, nhờ có sự đồng lòng của cả dân tộc mà nhân dân ta giữ vững được chủ quyền độc lập dân tộc cho tới hiện tại.
Trong xã hội Việt Nam ngày nay vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh kém may mắn, những con người gặp bất hạnh trong cuộc sống và đã có những cá nhân, tập thể đã hết lòng quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ họ vươn lên. Họ không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất mà cả về tinh thần, khẳng định tinh thần đoàn kết chưa bao giờ phai mờ trong con người Việt Nam. Miền Trung nước ta là nơi mỗi năm phải hứng chịu rất nhiều cơn bão, tàn phá hoa màu, nhà cửa và cuốn trôi nhiều người. Nhân dân trên cả nước đã cùng nhau quyên góp, huy động lực lượng vào miền Trung khắc phục bão, cứu trợ đồng bào miền Trung, mang lương thực, quần áo, dựng nhà cửa và khôi phục hệ thống đường xá…
Như vậy, câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 7
Một trong những đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc đó chính là tinh thần đoàn kết. Từ bao đời nay, con người ta luôn được giáo dục những bài học về “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” để khuyên con người ta biết sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau những lúc gặp khó khăn. Bàn về vấn đề này, ông cha ta cũng có câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Bằng cách ví von với hình ảnh “ngựa” và “cỏ”, ông cha ta đã đưa ra một bài học đạo lý thật sâu sắc biết bao. “Một con ngựa” là đại diện cho một cá nhân nằm trong một “tàu” – tức là một tập thể. Khi con ngựa bị đau thì cả tàu cũng đau buồn, lo lắng đến “bỏ cỏ”. Từ đó, ông cha ta liên tưởng đến con người trong một tập thể, mỗi người phải biết giúp đỡ, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau những lúc gặp khó khăn, thử thách, cần biết sống vị tha, luôn nhớ về đồng loại của mình.
Câu tục ngữ là hoàn toàn đúng đắn và sâu sắc. Cần phải hiểu rằng, không phải ai cũng có thể sống một mình lẻ loi trong cuộc sống này, mà mỗi chúng ta luôn cần biết hướng về cộng đồng, hướng về tập thể, xây dựng cộng đồng ấy ngày một phát triển, mà để phát triển thì con người luôn cần biết giúp đỡ, yêu thương lẫn nhau để vì một mục đích chung cao cả. Khi xưa, chính nhờ có tinh thần đoàn kết toàn dân, ông cha ta đã kiên cường chiến thắng được sách đô hộ, xâm lược của kẻ thù. Cũng chính tình yêu thương, sẻ chia mà biết bao những đồng bào vùng lũ lụt, những hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ một phần để cải thiện cuộc sống bởi những tấm lòng hảo tâm, những trái tim vàng luôn rộng mở, lan tỏa hơi ấm tình thương.
Không chỉ có thế, đôi khi, trong cuộc sống, con người ta có lúc gặp những thất bại, khó khăn mà không thể lường trước được, và không thể tự mình vượt qua. Vì thế, cần có những bàn tay nâng đỡ ta dậy, giúp ta vượt qua những gian nan, thử thách ấy. Khi biết yêu thương, sẻ chia, ta cũng sẽ giúp cuộc sống này ngày càng tốt đẹp hơn, con người ta biết sống vì cộng đồng, vì tập thể, từ bỏ những ích kỷ cá nhân để sống vị tha, để đóng góp một phần nhỏ của mình đến cuộc sống xung quanh. Chính sự cảm thông, sẻ chia sẽ là chiếc cầu nối giữa con người với con người, để xã hội luôn tràn ngập tình yêu thương, gắn bó, mà khi một xã hội đã đoàn kết để cùng hướng về một mục tiêu chung thì xã hội ấy sẽ ngày một phát triển đạt được những thành quả nhất định.
Biết sống vị tha là một lối sống tốt đẹp, tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng có được đức tính ấy, mà cần phụ thuộc vào sự rèn luyện, đó là cả một quá trình lâu dài. “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy”. Con người ta cần biết học cách sẻ chia nhiều hơn, đồng cảm nhiều hơn hi sinh nhiều hơn, luôn hướng về cái thiện, khát khao xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.Tất nhiên, cần phải biết cho đi tình yêu đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, không nên phân phát nó một cách bừa bãi, kể cả những hoàn cảnh không hề khó khăn hay những con người xấu xa. Tình yêu thương của bạn vẫn cần nằm trong đúng khuôn khổ của chuẩn mực đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn tồn tại những con người có lối sống ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, không có tinh thần tập thể, thờ ơ với chính những người xung quanh. Đây là một lối sống đáng phê phán và cần bài trừ.
Như vậy, đây là một lời khuyên quý giá dành. Mỗi người hãy ghi nhớ để có thể thêm một bài học ý nghĩa trong cuộc sống.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 8
Tinh thần “tương thân tương ái”, đoàn kết giúp đỡ nhau của dân tộc ta từ xưa đến nay vẫn luôn được giữ gìn và phát huy rất tốt. Chưa nói gì là anh em ruột thịt, người cùng một nước, gọi tên hai tiếng “đồng bào” vẫn phải giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, loài vật mà còn biết đau xót vì nhau chứ huống chi là con người.
Chúng ta hãy hiểu rằng, giúp người cũng chính là giúp mình còn hại người cũng như hại mình. Bạn cho đi nhân nào thì có ngày cũng gặp lại quả ấy mà thôi. Mượn hình ảnh của những con ngựa trong cùng một môi trường sinh trưởng để thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ giữa người với người. Khi một con ngựa bị đau ốm, cả bầy ngựa cũng chẳng buồn ăn. Nhìn thấy người anh em, người đồng đội của mình như thế, tất cả những con ngựa còn lại cũng muốn thể hiện một chút hành động nhỏ nhằm bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ của mình.
Đến cả loài vật còn biết như thế huống chi là con người chúng ta. Ngoài câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, văn học dân gian Việt Nam còn có vô vàn những câu thể hiện lý tưởng đó.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Hoặc như “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”… Không cần dùng hành động gì quá to tát, sự chia sẻ lan tỏa từ tấm lòng mới chính là điều đáng quý và cần được gìn giữ.
Đôi khi, chúng ta nhìn thấy ở ngoài đường những người ăn xin tội nghiệp, người khuyết tật bán hàng rong hay những cụ già đang lang thang cơ nhỡ,…Tự trong lòng, bạn cảm thấy chợt buồn và cảm thấy tâm tư chùng xuống. Điều đó chứng tỏ, bạn thật sự có cảm xúc như một con người bình thường, biết thương cảm khi nhìn thấy nỗi đau của đồng loại.
Chúng ta thừa hiểu rằng, xã hội đang dần phát triển nhưng sự phân chia tầng lớp giữa giàu và nghèo là điều hiển nhiên không thể thay đổi. Người giàu thì vô số nhưng người nghèo cũng không ít. Hàng ngày, mỗi chúng ta đều phấn đấu và nỗ lực để mong sao cuộc sống luôn được đủ đầy. Cứ như thế, chúng ta lại dần bị cuốn vào thế giới của riêng mình và thờ ơ với nỗi đau của những người xung quanh.
Tôi biết rằng, nhiều người trong chúng ta có lòng nhưng mà sức lại không đủ. Làm sao đây khi bạn muốn giúp đỡ một ai đó nhưng sức lực lại chẳng đáng là bao nhiêu. Bởi thế, sự bất lực khiến bản thân cảm thấy khó chịu và bạn xua đi mọi ý nghĩa nhân ái để làm mình đỡ mệt mỏi hơn. Có sao đâu, chúng ta không thể giúp đỡ hết những người khổ sở trên thế gian này nhưng chúng ta có thể giúp được một trong số họ.
Bạn có thể mua giúp cụ già tờ vé số, mua giúp cô bé cây kẹo hay trả thêm tiền đánh giày mà không cần thối lại… Chúng ta chỉ thể hiện những hành động đơn giản như thế thôi nhưng đã đổi lại ý nghĩa lớn lao. Tất nhiên rằng, bạn hãy thể hiện điều đó bằng tấm lòng của mình.
Mỗi ngày, chúng ta đều cảm thấy an ủi vì còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh được các nhà hảo tâm giúp đỡ. Những ngôi chùa được xây cho người vô gia cư, trẻ em cơ nhỡ và trẻ sơ sinh. Đến những chương trình đến thăm nhà người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ lương thực cho người dân vùng sâu, vùng xa… Đó là những giây phút, tôi cảm thấy ấm lòng vì ít ra, còn có người giúp đỡ họ.
Tóm lại, câu tuc ngữ đã để lại một lời khuyên đúng đắn dành cho mỗi người chúng ta cần ghi nhớ.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 9
Con người sống trong xã hội sẽ có cộng đồng, người thân, chính tình cảm thân thương, gắn bó với nhau tạo nên sự gắn bó thân thiết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Và câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đó. Đây là truyền thống quý báu mà cha ông ta muốn khuyên nhủ con cháu đời sau cần phải giữ gìn và phát huy để tạo nên sức mạnh lớn lao.
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” có nghĩa là khi một con ngựa trong đàn ngựa bị đau ốm thì những con ngựa còn lại không ăn uống, buồn bã. Qua đó, cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể gắn bó vô cùng quan trọng. Trong đó, mỗi cá nhân là một móc xích không thể thiếu để tạo thành một tập thể vững mạnh.
Cha ông ta thời xưa mượn hình ảnh con ngựa để nói lên mối quan hệ giữa con người với con người, thể hiện sự tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” mà ông bà ta thời xưa thường răn dạy con cháu mình. Trong gia đình, hay trong một tập thể khi có một người bị đau ốm hoặc gặp tai nạn, chuyện buồn khổ nào đó thì những người còn lại cũng đau buồn theo không thiết tha ăn uống gì cả.
Câu tục ngữ nhằm nói tới tình yêu thương, tấm lòng nhân ái của con người khi sống chung với nhau trong một ngôi nhà, một tập thể, cùng một môi trường sống. Chính sự tương thân, tương ái chia sẻ vui buồn sẽ giúp con người gần gũi nhau hơn, xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài hơn. Trong gia đình, hay trong một tập thể khi có một người bị đau ốm hoặc gặp tai nạn, chuyện buồn khổ nào đó thì những người còn lại cũng đau buồn theo không thiết tha ăn uống gì cả.
Câu tục ngữ nhằm nói tới tình yêu thương, tấm lòng nhân ái của con người khi sống chung với nhau trong một ngôi nhà, một tập thể, cùng một môi trường sống. Chính sự tương thân, tương ái chia sẻ vui buồn sẽ giúp con người gần gũi nhau hơn, xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài hơn.
Trong xã hội chúng ta ngày nay có rất nhiều người có tinh thần tương thân, tương ái tinh thần sống chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Nhưng bên cạnh đó, có những người sống vô cùng ích kỷ, sống không quan tâm tới ai cả, mà chỉ quan tâm tới lợi ích của mình mà thôi.
Những con người đó sẽ bị xã hội loại bỏ, đến lúc họ gặp khó khăn, thử thách sẽ không có ai bên cạnh giúp đỡ sẻ chia. Họ sẽ sống cô độc, buồn tủi đến hết đời.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 10
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” là một bài học nêu lên lời khuyên về tình thương đồng loại.
Đầu tiên, “một con ngựa đau” mang hàm nghĩa về sự hoạn nạn, đau khổ của một cá thể. Còn “cả tàu bỏ cỏ” hàm chỉ sự chia sẻ của đồng loại đối với nỗi đau của một cá thể “tàu” cũng là chuồng để nhốt ngựa. Nơi nhốt trâu, bò, lợn, gà, chó, mèo gọi là chuồng. Nơi nhốt voi, nhốt ngựa thì gọi là tàu. Ngôn ngữ của dân tộc thì giàu có. “Cả tàu” chỉ tất cả đàn ngựa trong tàu, là mọi thành viên của một cộng đồng. Hành động “bỏ cỏ” nghĩa là không ăn uống, sống trong tâm trạng đau buồn ghê gớm. “Cả tàu bỏ cỏ” nói lên cả đàn ngựa bỏ ăn, cùng chia sẻ nỗi đau buồn khi “con ngựa đau” gặp điều bất hạnh. Qua câu tục ngữ, nhân dân ta nêu lên bài học đạo lý rằng khi mọi người biết sống trong tình thương, biết gắn bó, quan tâm, san sẻ niềm đau, nỗi buồn với đồng loại. Trong cuộc sống, trước mọi mất mát, đau khổ, hoạn nạn của mọi người không nên dửng dưng, không thể “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”.
Tình thương làm cho con người trở nên cao quý. Được sống trong tình thương là được sống trong hạnh phúc. Vui buồn có nhau, hoạn nạn khó khăn có nhau, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh. Trong hoạn nạn, phải được san sẻ, phải được đùm bọc, được cảm thông, được giúp đỡ, đồng cam cộng khổ với nhau. Trong một gia đình thì “Chị ngã em nâng”. Bà con láng giềng thì “lúc tắt lửa tối đèn có nhau”. Bước vào cuộc đời rộng lớn, hạnh phúc biết bao khi ta được sống trong tình thương “lá lành đùm lá rách”.
Biết xúc động, cảm cảnh trước nỗi đau của mỗi người. Biết yêu thương, an ủi, san sẻ nỗi buồn đau của đồng loại. Biết giúp đỡ vật chất trước mất mát, ốm đau tật bệnh, đói nghèo vì thiên tai bão lụt. Biết đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Càng thương mình bao nhiêu ta càng thương người bấy nhiêu.
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã dạy ta hai chữ tình thương. Con người càng suy nghĩ càng thấm thía.
Giải thích Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ – Mẫu 11
Tục ngữ là những câu nói chứa đựng những giá trị sâu sắc trong cuộc sống. Một trong số đó là câu: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” để lại cho người đọc, người nghe nhiều suy tư.
Trước hết cần hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ trên. “Một con ngựa đau” chỉ một con người đang ốm yếu, không thể ăn uống được. Còn “cả tàu bỏ cỏ” nghĩa là khi một con ngựa ốm yếu, không ăn uống thì các con ngựa khác trong tàu cũng bỏ ăn uống theo. Câu tục ngữ đã mượn hình ảnh này để nói lên truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó chính là tình thương, sự đoàn kết giữa con người Việt Nam.
Trong một tập thể, khi có một cá nhân nào đó gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Thì những người khác luôn sẵn sàng giúp đỡ để cả nhân vững vàng vượt qua khó khăn. Con người từ khi sinh ra đã có được tình yêu thương từ những người thân trong gia đình, đó là bố mẹ. Họ là người đã đưa chúng ta đến với cuộc đời, ở bên chúng ta trong hành trình trưởng thành. Họ là người đã đưa tay ra ôm lấy khi chúng ta ngã trong những bước đi chập chững đầu tiên. Bố mẹ cũng là người luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay đón những đứa con của mình trở về mỗi khi vấp ngã. Nếu được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, con người sẽ cảm thấy ấm áp và bình yên hơn bao giờ hết. Đến khi lớn lên, chúng ta quen được những người bạn tốt, họ cũng yêu mến và giúp đỡ chúng ta những khó khăn trong công việc. Lúc trưởng thành, chúng ta gặp được người mà mình yêu thương, muốn chăm sóc cả đời. Khi đi làm, chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, những chia sẻ và thấu hiểu về khó khăn.
Đồng thời, câu tục ngữ cũng thể hiện và khẳng định rõ tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết giữa những con người với nhau. Khi một người gặp khó khăn thì mọi người xung quanh không được phép thờ ơ, hững hờ, mà hãy sẵn sàng quan tâm, sẻ chia và ra tay giúp đỡ. Lịch sử của đất nước Việt Nam trải qua bao nhiêu năm là gắn với bấy nhiêu năm chiến đấu để bảo vệ đất nước. Có lẽ sẽ không ai quên trang sử vẻ vang với một nghìn năm Bắc thuộc với những cuộc đấu tranh: Từ khởi nghĩa hai bà Trưng, bà Triệu đến Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân. Rồi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng hay cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt và cả Hưng Đạo vương – Trần Quốc Tuấn ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên … Nhưng có phải kể đến cuộc chiến đấu khốc liệt nhất đó là kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Dù cho là cuộc chiến đấu nào, bên cạnh tài năng lãnh đạo của những con người kiệt xuất, còn có sự đoàn kết từ quân đến dân trên dưới một lòng chống lại kẻ thù. Nhờ vậy, dân tộc ta mới có được nền hòa bình và hạnh phúc như ngày hôm nay.
Như vậy, câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” là hoàn toàn đúng đắn. Nó đã gợi ra cho chúng ta những bài học ý nghĩa về cuộc sống.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ Dàn ý & 11 bài văn mẫu lớp 7 hay nhất của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.