Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt thành công”. Đây là một lời răn dạy vô cùng quý giá. Chính vì vậy, Pgdphurieng.edu.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền.
Tài liệu bao gồm dàn ý và 10 bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 7, hy vọng có thể giúp ích cho các bạn học sinh khi hoàn thiện bài văn của mình. Mời tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Dàn ý chứng minh câu Không có việc gì khó
I. Mở bài
Dẫn dắt để giới thiệu đến câu nói cần chứng minh:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
II. Thân bài
1. Giải thích
– “Đào núi và lấp biển”: Đây là cách nói ẩn dụ cho những điều lớn lao, khó khăn tưởng chừng như khó có thể đạt được.
– Ý nghĩa bài thơ: Sự khẳng định một chân lý sống trong cuộc đời. Mọi điều dù có khó khăn đến đâu đều có thể hoàn thành chỉ cần con người ta có ý chí quyết tâm vượt qua nó.
2. Chứng minh
– Những khó khăn trong cuộc sống không phải là những rào cản mà là phương thức giúp ta học cách giải quyết vượt qua, khi ấy nó sẽ trở thành bước đệm đưa ta chinh phục những chân trời mới.
– Mọi khó khăn sẽ chỉ được vượt qua nếu nó được xây đắp bởi lòng kiên trì, sự bền bỉ của một ý chí quyết tâm.
– Ta không thể trông chờ vào một kỳ tích xuất hiện như há miệng chờ sung. Khó khăn chỉ có thể vượt qua khi ta có động lực phấn đấu không ngừng nghỉ.
– Dẫn chứng: Hồ Chí Minh, Thomas Edison…
III. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề, liên hệ bản thân.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 1
Cuộc sống là một hành trình với nhiều thử thách, khó khăn. Bởi vậy, chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực mới làm nên thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định điều đó qua câu:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Ở đây, Bác Hồ đã sử dụng hình ảnh “đào núi” và “lấp biển” và cách nói phủ định – “Không có việc gì khó” để nhằm khẳng định rằng nếu có ý chí, nghị lực thì sẽ vượt qua mọi thử thách để “làm nên” có nghĩa là sẽ gặt hái được thành công.
Điều này đã được chứng minh trong thực tế cuộc sống. Abraham Lincoln là vị tổng thống thứ mười sáu của nước Mỹ. Ông chính là một tấm gương sáng chói của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người thành công. Xuất thân từ gia đình nghèo khổ, thiếu thốn. Cha mẹ của Lincoln là những người thất học. Bản thân ông cũng không được đến trường thường xuyên. Nhưng không vì vậy mà ông lựa chọn từ bỏ cố gắng. Năm hai mươi mốt tuổi, ông phải đánh xe bò và bắt đầu cuộc đời tự lập cho chính mình. Sau một thời gian trải qua nhiều nghề nhưng thất bại, ông phát hiện ra mình thích ngành luật. Vào năm 1836, ông đậu kỳ thi trở thành luật sư và bắt đầu hành nghề. Cuộc đời của A. Lincoln từng gặp phải nhiều thất bại nhưng ông chưa bao giờ lựa chọn từ bỏ bản thân.
Một tấm gương tiêu biểu có thể kể đến là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Ký đã nổi tiếng là hiếu học. Cho đến năm lên bốn tuổi, một cơn bạo bệnh đã cướp mất đôi bàn tay của ông. Tưởng như sự nghiệp học hành phải chấm dứt, nhưng bằng nghị lực phi thường cùng như lòng kiên trì không ngại khó khăn, ông đã rèn luyện để có thể viết chữ bằng chân. Ông từng kể lại, mọi chuyện lúc đầu vô cùng khó khăn tưởng chừng như muốn từ bỏ. Nhưng khi bình tâm lại tiếp tục rèn luyện thì dần dần viết được chữ cái, rồi sau đó còn vẽ vẽ được bằng thước, xoay được compa… Nếu không có lòng kiên trì vượt qua bệnh tật và khó khăn, có lẽ ngày hôm nay chúng ta đã không được biết đến cái tên Nguyễn Ngọc Ký – từng được Bác Hồ hai lần trao tặng huy hiệu cao quý.
Với học sinh, chúng ta cần phải chăm chỉ, kiên trì học tập, rèn luyện. Mọi khó khăn, thử thách sẽ giúp tôi luyện bản lĩnh của mỗi người, để từ đó tự tin vững bước trong tương lai.
Như vậy, lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn và giàu giá trị. Mỗi người hãy ghi nhớ để có thể vững bước trên con đường tương lai phía trước.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 2
Cuộc sống là một hành trình dài với nhiều thử thách. Thành công chỉ biết kiên trì, có ý chí vượt qua. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm đến mỗi người lời khuyên vô cùng quý giá:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bác Hồ đã sử dụng hình ảnh giàu tính biểu tượng “đào núi” và “lấp biển” ý chỉ những công việc gian nan, khó có thể thực hiện được. Cùng với cách nói phủ định – “không có việc gì khó” để nhằm khẳng định rằng nếu “quyết chí” nghĩa là có ý chí, nghị lực và kiên trì thì sẽ vượt qua mọi thử thách để “làm nên” có nghĩa là sẽ gặt hái được thành công, hiện thực hóa ước mơ của bản thân.
Trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của cố nhạc sĩ Trần Lập có viết: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”. Quả thật, hành trình của cuộc sống luôn chứa đựng nhiều gian nan. Có đôi khi những việc tưởng chừng như không thể thực hiện được, nếu quyết tâm sẽ có thể chạm tới đích thành công. Bởi vậy, chúng ta hãy kiên trì, nỗ lực hết mình cũng như không ngại dấn thân, thử thách.
Bài học về những tấm gương tiêu biểu đã giúp chúng ta hiểu được giá trị của ý chí, nghị lực. Có thể kể đến Picasso – họa sĩ thiên tài người Tây Ba Nha. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ sự say mê và năng khiếu trong lĩnh vực hội họa. Nhưng để có được thành công, Picasso cũng cần phải nỗ lực rèn luyện không ngừng nghỉ. Có những lúc, ông còn phải trải qua những ngày tháng sống nghèo khổ, phải đốt những bức tranh của mình để sưởi ấm. Hay như nhà bác học Louis Pasteur cũng vậy. Khi còn nỏ là một hoc sinh trung bình, ông chỉ là một trong sinh có học lực trung bình, nhưng ông vẫn luôn kiên trì, sự nỗ lực không ngừng để vượt qua những khó khăn. Bởi vậy, ông đã đạt được thành công và trở thành một nhà bác học nổi tiếng. Trở về với Việt Nam, bên cạnh những cái tên tiêu biểu như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nhà bác học Lương Đình Của, nhà văn Mai Xuân Thưởng… Vẫn còn rất nhiều con người bình thường, nhưng họ vẫn luôn cố gắng nỗ lực để đạt được thành công trong cuộc sống. Chàng trai Nguyễn Sơn Lâm – do ảnh hưởng của chất độc màu da cam để lại sau chiến tranh, anh đã bị dị tật ở hệ xương khiến chân tay mềm yếu. Dù vậy, anh đã vượt qua hạn chế của bản thân để đạt được thành công của riêng mình. Hình ảnh một chàng cao chưa đầy 90cm chinh phục nóc nhà Đông Dương – đỉnh Phan-xi-păng trên đôi nạng gỗ khiến chúng ta cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ.
Quả như lời Bác Hồ khẳng định, không có việc gì khó khăn nếu đủ ý chí, quyết tâm để vượt qua. Với một học sinh, em luôn cố gắng học tập, trau dồi bản thân để trong tương lai có thể trở thành một con người có ích cho xã hội.
Như vậy, mỗi người hãy hiểu được tầm quan trọng của ý chí, nghị lực trong cuộc sống để có thể đạt được mục tiêu của bản thân. Chẳng có việc gì là khó khăn, nếu chúng ta tin tưởng bản thân có thể làm được.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 3
Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã để lại những lời khuyên vô cùng quý giá. Một trong số đó là câu:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bài thơ đã mượn hình ảnh mang tính biểu tượng “đào núi” và “lấp biển” cùng với cách nói phủ định “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền” để khẳng định rằng nếu có người sống có ý chí, nghị lực thì sẽ vượt qua mọi thử thách để “làm nên” – đạt được thành công trong cuộc sống.
Không ít những tấm gương trong cuộc sống đã chứng minh cho câu nói trên của Bác. Vợ chồng nhà bác học người Pháp là Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri đã kỳ công trong bốn năm trời lọc đi lọc lại tám lần bã quặng để tìm được một phần mười gam chất phóng xạ Radium. Hay như ca sĩ Ô-pê-ra nổi tiếng En-ri-cô Ca-xu-rô từng bị thầy giáo chê là thiếu chất giọng và không thể nào hát được. Ngay cả ở Việt Nam, chúng ta có thể kể đến nhà văn Mai Xuân Thưởng. Trong một vụ tai nạn giao thông, anh đã bị mất hai cánh tay nhưng vượt lên trên những mặc cảm, những khổ đau anh đã tự học rồi trở thành một nhà văn. Hay Lương Định Của là một nhà bác học nghiên cứu về nông nghiệp. Để tạo một giống lúa mới có năng suất cao, có khả năng chống rầy tốt, bác phải làm việc vô cùng vất vả, khó nhọc. Hằng ngày từ tờ mờ đất bác đã ra ruộng lội bì bõm nghiên cứu, thử nghiệm đến tối mịt mới về. Qua nhiều vụ lúa dày công, một giống lúa mới được tạo lập đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình đất nước đã ghi công sự kiên nhẫn, bền bỉ của bác trong nỗ lực đem lại sự no ấm cho cuộc đời…
Bên cạnh đó, có những người không kiên trì. Họ không dám đương đầu với thử thách. Khi gặp phải khó khăn, họ nản lòng, cảm thấy sợ hãi và cuối cùng là từ bỏ. Những người như vậy sẽ luôn sống trong thất bại.
Như vậy, có thể khẳng định “Không có gì việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền…” là một lời khuyên đúng đắn. Nếu chúng ta bền bỉ cố gắng vì mục tiêu của bản thân, thì thành công sẽ chờ ở phía cuối con đường.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 4
Con đường đến với thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Chỉ có lòng kiên trì không ngại gian khổ mới giúp chúng ta làm nên thành tựu. Điều đó đã được thể hiện qua lời khuyên của chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bài thơ là lời khẳng định về chân lý sống. Trong cuộc sống, bất kể khó khăn đến đâu đều có thể hoàn thành, chỉ cần con người ta có ý chí quyết tâm vượt qua nó.
Điều đó đã được thể hiện qua nhiều tấm gương tiêu biểu. Henry Ford – người sáng lập ra công ty ô tô Ford danh giá – cũng là một tấm gương điển hình cho sự nỗ lực kiên trì bền bỉ. Để có được những thành công và tiếng tăm tới tận ngày nay, ít ai biết được rằng, chính bản thân ông đã phá sản tới ba công ty liên tiếp. J.K. Rowling – tác giả của bộ truyện nổi tiếng Harry Potter cũng đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn. Cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn khiến bà phải đi đến ly hôn. Không dừng lại ở đó, mọi chi phí để trang trải cuộc sống của con bà đều phải phụ thuộc vào những đồng phụ cấp. Cuốn Harry Potter bị nhiều nhà xuất bản từ chối nhưng bà không hề nản lòng, Nhờ vậy, hiện nay bà đã trở thành nữ tỷ phú đầu tiên trên thế giới nhờ viết sách.
Ở Việt Nam, bên cạnh những tấm gương tiêu biểu như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nhà bác học Lương Đình Của, nhà văn Mai Xuân Thưởng. Còn có rất nhiều những con người bình thường, họ vẫn hàng ngày hàng giờ cố gắng để đạt được những thành tựu trong xã hội, trở thành những người có ích. Đó là Nguyễn Sơn Lâm – do ảnh hưởng của chất độc màu da cam để lại sau chiến tranh, anh đã bị dị tật ở hệ xương khiến chân tay mềm yếu. Những bằng ý chị, nghị lực phi thường và ước mơ cháy bỏng, anh đã vượt qua hạn chế của bản thân để đạt được thành công của riêng mình. Đặc biệt hơn là hình ảnh một chàng cao chưa đầy 90cm chinh phục nóc nhà Đông Dương, đỉnh Phan-xi-păng trên đôi nạng gỗ…
Khi con người trải qua khó khăn, chúng ta mới khai khá được thế mạnh của bản thân. Nhưng có đôi khi, nhiều người lại sợ hãi điều đó, để rồi không dám thực hiện những điều mình mong muốn. Cần phải hiểu được rằng, người luôn kiên trì với mục tiêu, lý tưởng của bản thân đều thành công ở lĩnh vực của chính mình. Không chỉ vậy, họ còn có được là tấm lòng ngưỡng mộ, kính trọng và yêu quý của những người xung quanh.
Đối với mỗi học sinh, lời khuyên của chủ tịch Hồ Chí Minh chính là lời nhắc nhở chúng ta phải cố gắng học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Để xứng đáng với vai trò chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp.
Qua chứng minh trên, có thể khẳng định lời khuyên của chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng đúng đắn. Mỗi người hãy tự rèn luyện để bản thân trở thành những “viên ngọc sáng” giữa cuộc đời này.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 5
Để có được ngày hôm nay ông cha ta đã phải vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ. Để có được thành công con người phải bền gan, vững chí, phải có lòng quyết tâm, kiên trì, tinh thần vượt khó. Nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về phẩm chất tinh thần đặc biệt ấy, trong một lần nói chuyện với thanh niên, Bác Hồ đã ân cần khuyên bảo:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Chỉ với vài câu thơ ngắn ngủi, Bác Hồ đã dạy bảo chúng ta một chân lý trong cuộc sống. Nếu có ý chí, quyết tâm thì dù công việc khó khăn đến đâu cũng có thể vượt qua. Chân lý đó đã được hiện thực cuộc sống khẳng định và chứng minh. Lời thơ của Bác vô cùng dễ hiểu, giống như những lời nói thường ngày. Không có việc gì khó khăn, chỉ sợ không có ý chí, lòng kiên trì, sự nhẫn nại; công việc dù gian nan đến đâu, chỉ cần ta quyết chí thì ắt sẽ thành công. Hình ảnh “đào núi và lấp biển” chỉ là hình ảnh mang tính ước lệ, khái quát tượng trưng cho những công việc phi thường tưởng chừng khó thực hiện được. Nhưng nếu có ý chí, sự nỗ lực con người nhất định sẽ đạt được ước mơ.
Những tấm gương trong cuộc sống mà thế hệ trước đã để lại cho con cháu bài học về sự kiên trì bền bỉ, vượt qua khó khăn gian khổ. Hẳn nhiều người biết đến câu chuyện, vợ chồng nhà bác học người Pháp: Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri, họ đã kỳ công trong bốn năm trời lọc đi lọc lại tám lần bã quặng để tìm được một phần mười gam chất phóng xạ Radium. Thế mới biết muốn tìm ra một nguyên tố hóa học cũng đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì mãnh liệt. Ca sĩ Ô-pê-ra nổi tiếng En-ri-cô Ca-xu-rô từng bị thầy giáo chê là thiếu chất giọng và không thể nào hát được…
Còn ở Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết đến tấm gương đầy nghị lực của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thuở nhỏ, thầy bị liệt cả hai tay không viết được. Trải qua bao đau đớn, bao khó khăn, chật vật của những lần bị chuột rút cuối cùng thầy đã có thể viết chữ bằng chân. Không những thế, chữ của thầy còn rất đẹp. Sau này, thầy trở thành người nhà giáo ưu tú được nhiều thế hệ học sinh yêu mến, cảm phục. Thầy thực sự là một tấm gương lớn cho thế hệ thanh niên Việt Nam. Tiếp sau thầy Nguyễn Ngọc Ký còn có nhà văn Mai Xuân Thưởng. Trong một vụ tai nạn giao thông, anh đã bị mất hai cánh tay nhưng vượt lên trên những mặc cảm, những khổ đau anh đã tự học rồi trở thành một nhà văn. Lương Định Của là một nhà bác học nghiên cứu về nông nghiệp. Để tạo một giống lúa mới có năng suất cao, có khả năng chống rầy tốt, bác phải làm việc vô cùng vất vả, khó nhọc. Hằng ngày từ tờ mờ đất bác đã ra ruộng lội bì bõm nghiên cứu, thử nghiệm đến tối mịt mới về. Qua nhiều vụ lúa dày công, một giống lúa mới được tạo lập đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình đất nước đã ghi công sự kiên nhẫn, bền bỉ của bác trong nỗ lực đem lại sự no ấm cho cuộc đời… Còn nhiều hơn nữa những con người thành công, vượt qua mọi khó khăn gian khổ bằng khả năng của bản thân. Những nghị lực phi thường đó sẽ được đời sau tôn vinh. Còn với thế hệ chúng em, những tấm gương đó đã và đang động viên chúng em vượt qua khó khăn đồng thời tận dụng những thuận lợi của hoàn cảnh để cố gắng nỗ lực đạt được những thành tích tốt nhất trong học tập, sáng tạo.
Bốn câu thơ trên của Bác là một lời khuyên vô cùng quý báu. Bằng trí tuệ sắc sảo, Bác đã vạch ra chân lý đúng đắn nhất cho thế hệ trẻ. Bằng trái tim tràn đầy tình yêu thanh niên, Bác đã ân cần khuyên nhủ, động viên mọi thế hệ hôm nay và mai sau có được phương pháp hành động và suy nghĩ đúng đắn để thành người có ích hơn cho xã hội, cuộc sống sẽ ấm lo hạnh phúc hơn.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 6
Có người từng ví thanh niên là tương lai của tổ quốc. Bởi lẽ họ chính là thế hệ sẽ kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, mở ra cánh cửa hội nhập với thế giới sau này. Vì vậy, trách nhiệm của thanh niên là vô cùng lớn, thấu rõ điều này, sinh thời Bác Hồ đã từng nhắc nhở:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Những câu thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh chính là những lời nhắc nhở dành cho thế hệ trẻ ở bất kỳ thời đại nào. “Đào núi”, “lấp biển” tượng trưng cho những việc lớn lao và vĩ đại. Qua hình ảnh này, Bác đã nêu ra cho lớp lớp thế hệ trẻ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Trên đời này không có việc gì khó, những việc lớn lao, phi thường hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta đủ ý chí và quyết tâm.
Mỗi người đều có thế mạnh riêng của mình. Ai cũng đều có khả năng làm nên những điều lớn lao. Rõ ràng trên bước đường đời ta luôn khao khát bản thân mình có thể làm được điều gì đó vĩ đại, tô điểm cho cuộc sống của chính mình. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là ta phải vượt qua mọi khó khăn thử thách để có thể đạt được mục tiêu mà mình đã chọn. Nelson Mandela đã từng phải ra khám vào lao, đã chịu bao nhiêu miệt thị rồi cả những trận đòn roi để có thể đứng lên chống nạn phân biệt chủng tộc. Đó chẳng phải là một minh chứng hùng hồn hay sao?
Những gian lao thử thách, chỉ cần chúng ta bền chí bền lòng ắt sẽ thành công. Cuộc đời không hề phụ lòng người, thành công sẽ đến với những ai đam mê và quyết tâm thật sự để đạt được nó. Dẫu biết rằng trong cuộc đời này, để khiến mình thành công là một điều không mấy dễ dàng, khi đó chính lòng quyết tâm sẽ là chiếc chìa khóa hữu ích giúp ta mở ra con đường đến với tương lai. Ý chí kiên cường là cánh tay nâng bước con người qua những vực sâu thử thách. Dù bước đường có nhiều chông gai thử thách đến đâu thì những quyết tâm và ý chí sắt đá có thể đẩy lùi mọi thử thách và hướng con người ta tới một tương lai tràn đầy ánh sắc và tỏa hương. Hồ Chí Minh khi còn trẻ cũng đã từng ra đi với hai bàn tay trắng để trở về giải phóng dân tộc, để làm những việc “đào núi” và “lấp biển” mà không phải ai cũng sẵn sàng đảm đương. Sở dĩ ta không dám làm những việc lớn lao vì tâm lý e ngại, tự ti mình không làm được. Thế nhưng nên nhớ rằng thành công được tạo nên từ những quyết tâm và sự cần cù cố gắng. Chỉ cần bản thân ta có đam mê, có quyết tâm, có năng lực thì việc “đào núi” hay “lấp biển” đâu có xá gì.
Hiện nay, lớp trẻ đang rơi vào tư thế thụ động, không dám đứng lên để khẳng định mình. Có những người nghĩ rằng bản thân mình không làm được cho nên chưa từng có một ước mơ. Đó đều là những biểu hiện không đáng có trong cuộc sống hiện nay. Mỗi chúng ta hãy là một ngọn lửa cháy, phải tự đốt cháy mình rồi mới có thể tỏa sáng trước cuộc đời. Câu nói của Hồ chủ tịch đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 7
Kiên trì bền bỉ và không ngừng nỗ lực sẽ luôn dẫn ta đến con đường thành công. Luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn thì đó mới là cuộc sống chân chính. Trên đời không có gì mạnh hơn ý chí có ở con người. Bởi thế, Bác Hồ đã từng khuyên rằng:
“Không có việc gì khó.
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bài thơ là lời căn dạy đúng đắn và đáng trân trọng của người cha già vĩ đại. Câu nói thể hiện lòng kiên trì và sự quyết tâm không ngừng cố gắng để đạt được mục đích bản thân.
Không có việc gì khó có nghĩa là không có việc gì khó đến mức không thể làm được. Bền lòng là sự bền bỉ, cố gắng, sức chịu đựng khó khăn trong một thời gian dài. “Đào núi và lấp biển” là những hình ảnh tượng trưng cho sự khó khăn vất vả, tưởng chừng như không thể đạt được. Quyết chí là có ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn.
Có ý chí kiên trì và sự nhẫn nại mạnh mẽ thì mới có thể đạt được mục đích mà mình mong muốn và thành công. Con người, ai cũng ham muốn sự thành công, thành đạt mà ít ai có thể đạt được điều đó. Bởi vì, nếu chúng ta chỉ có ước mơ và đam mê thì vẫn không đủ, quan trọng nhất là niềm tin, ý chí, kiên nhẫn và năng lực của bản thân. Nếu không có ý chí, dù việc dễ đến mấy, ta cũng dễ dàng bỏ cuộc, đầu hàng khó khăn, trở thành người thất bại. Mỗi thất bại nhỏ trong công việc sẽ dẫn đến thất bại lớn trong cuộc đời này.
Lịch sử dân tộc ta là một minh chứng rõ ràng cho chân lý “Quyết chí ắt làm nên”. Từ một dân tộc nô lệ, nghèo khó, nhân dân ta đã biết đùm bọc lẫn nhau, rèn luyện ý chí và không ngừng mơ ước đến một ngày được tự do. Dưới ánh sáng của cách mạng và sự lãnh đạo sáng suốt của Bác hồ và Đảng cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại lật đổ hoàn toàn nền cai trị của thực dân Pháp, mở ra một kỉ nguyên mới. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một dân tộc thuộc địa với sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã có thể giành lấy độc lập. Điều đó khẳng định một điều “không có việc gì khó”, nếu có đủ ý chí, có đủ niềm tin tưởng, nếu “quyết chí” thì việc khó đến mấy cũng có thể làm được. Trong cuộc sống, rất nhiều người đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau này học tập theo bởi sự kiên trì phi thường của bản thân. Chẳng hạn như Nguyễn Ngọc Ký, ông là một nhà giáo ở Việt Nam, từ khi lên bốn tuổi, ông đã không may bị liệt hai tay. Nhờ sự kiên trì cố gắng và lòng hiếu học đã giúp ông có thể vượt qua số phận và trở thành người thầy ưu tứu đầu tiên có thể viết bằng chân.
Con người chiến thắng khó khăn là nhờ tinh thần. Sức mạnh tinh thần là một vũ khí lợi hại và hiệu quả hơn những vũ khí vật chất khác. Nhờ sức mạnh tinh thần mà con người không đầu hàng trước số phận và đẩy lùi khó khăn, nhờ sức mạnh ấy mà nhiều người đã biến những điều không thể thành có thể.
Ý chí, sự kiên trì, cố gắng, kiên nhẫn và nhẫn nại đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thành bại trong cuộc sống cũng như sự nghiệp của mỗi con người. Lời khuyên của Bác Hồ đã thúc giục mọi người xây dựng cuộc sống tốt đẹp và xã hội văn minh. Cố gắng để đạt được mục đích ước mơ bản thân.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 8
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một lời khuyên nhủ nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bài học về ý chí, nghị lực:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Lời dạy đó bao năm qua đã cổ vũ, khích lệ thanh niên phấn đấu khắc phục muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.
Không biết ai đã nói rất đúng “Sống là hành trình khắc phục khó khăn”. Để có được thành công, chúng ta phải trải qua rất nhiều thử thách. Các Mác từng nói: “Sống tức là đấu tranh”, cũng có nghĩa là đấu tranh khắc phục mọi khó khăn, trở ngại trên con đường đi tới.
Mỗi người lại có một thái độ khác nhau khi đối diện với khó khăn. Có người thấy khó khăn thì run sợ, chùn bước, ngã lòng, né tránh. Kết quả là họ buông xuôi, mặc cho số phận rủi may xô đẩy. Trái lại, đối với một số người thì khó khăn không làm họ nản chí, mà chỉ làm cho họ thêm mạnh mẽ. Lời khuyên của Bác Hồ nhằm tăng thêm sức mạnh cho tuổi trẻ.
“Không có việc gì khó” – nghe có vẻ như phủ nhận mọi khó khăn ở đời, nhưng thật ra không có ý xem mọi thứ ở đời là bằng phẳng và dễ dàng. Khó khăn ở đời là một thực tế không ai phủ nhận được. Nhưng khó hay dễ là phụ thuộc vào ý chí của con người. Con người có ý chí thì biến khó khăn thành cái có thể vượt qua, khắc phục mọi khó khăn, dù cho đó là việc lớn lao như đào núi, lấp biển:
“Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Lời dạy của Bác Hồ đề cao vai trò sức mạnh ý chí của con người trong mọi việc, đặc biệt là ý chí của nhân dân, của tập thể, của người cách mạng. Người từng dạy quân đội ta: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Người từng khuyên cán bộ ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đây hoàn toàn không phải là Bác Hồ khinh thường khó khăn, chủ trương “ý chí luận”, mà là Người rất coi trọng yếu tố chủ quan của con người. Bởi vì nếu thiếu đi yếu tố đó thì dù điều kiện có thuận lợi đến đâu cũng dễ dàng bị bỏ qua, không được tận dụng.
Trong lời khuyên của Bác có một câu rất quan trọng: “Chỉ sợ lòng không bền”. Không sợ khó mà lại sợ lòng không bền. Câu nói đó nói lên một nhược điểm thường gặp của con người là sợ gian khổ, dễ ngã lòng. Chính vì con người thường sợ khó cho nên việc khó lại càng khó! Đặc biệt là khi làm việc lớn, như đào núi lấp biển, kháng chiến chống giặc thì lại càng phải bền lòng hơn nữa. Có người nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” cũng là nói về ý này.
Bản thân Bác Hồ là một tấm gương nêu cao ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Hồi còn thanh niên Bác từng rủ một người bạn đi sang Pháp. Khi người bạn hỏi lấy tiền đâu mà đi, Bác Hồ đưa hai bàn tay lên và trả lời: “Đây, tiền đây”. Người sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền ra đi cứu nước. Và Người đã làm bồi bàn, làm thợ ảnh, làm phụ bếp… để hoạt động cách mạng. Khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại nhà ngục Quảng Tây, Người lại tự khuyên mình bằng bài thơ Đi đường:
“Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng,
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”
Ở đây lại xuất hiện tinh thần khắc phục khó khăn: Nếu quyết tâm bền bỉ leo lên đến tận cùng thì rừng núi trùng điệp cũng bị khuất phục.
Tóm lại, với một bài thơ ngắn năm chữ, dễ thuộc, Bác Hồ đã khuyên thanh niên ta nêu cao vai trò quyết định của nhân tố con người trong việc khắc phục khó khăn.
Lời dạy của Hồ Chí Minh quả là vô cùng sâu sắc, ý nghĩa. Điều đó đã đem đến cho mỗi người một lời khuyên quý giá về cách sống.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 9
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị anh hùng của dân tộc Việt Nam đã để lại cho thế hệ sau nhiều lời khuyên quý giá. Một trong số đó chính là câu:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Hồ Chủ tịch đã khẳng định trong cuộc sống, không có bất kì việc gì là khó khăn. Điều duy nhất khiến con người không thể thành công là không có sự kiên trì. Hình ảnh “đào núi” và “lấp biển” tượng trưng cho những công việc lớn lao, vĩ đại. Bác mượn hai hình ảnh trên để khẳng định vai trò của ý chí, nghị lực sẽ dẫn dắt chúng ta “làm nên” – có nghĩa là thành công. Trong kho tàng tục ngữ của dân tộc cũng có nhiều câu có lời khuyên giống với của Bác như: “Có chí thì nên”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”… Có thể thấy tầm quan trọng to lớn của sự quyết tâm, của ý chí trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cuộc sống là một hành trình vô tận với thật nhiều khó khăn, thử thách. Nếu như con người không đủ bản lĩnh thì khi phải đương đầu với chúng, họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc, chán nản rồi rơi vào thất bại. Nhưng nếu có được quyết tâm, một ý chí mạnh mẽ cùng lòng kiên trì thì mọi thử thách chỉ là bước đệm để vươn tới thành công. Chắc hẳn không ai là không biết đến vị cố tổng thống nước Mỹ, Abraham Lincoln – là một tấm gương sáng chói của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người quyền lực. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Bố mẹ của ông đều là những người nông dân thất học và mù chữ. Cuộc đời Lincoln gặp nhiều thất bại cũng như thành công. Tuy nhiên, sau mỗi thất bại ông đều lấy lại tinh thần, coi đó là nguồn động lực để tiếp tục cố gắng. Cho đến bây giờ, cái tên Abraham Lincoln luôn được xem là một nhà chính trị tiêu biểu sánh ngang với vị tổng thống khai quốc huyền thoại – George Washington. Có ai mà không biết đến Cao Bá Quát – một con người nổi tiếng với tài văn hay chữ tốt. Nhưng khi còn đi học, ông thường bị cho điểm kém vì chữ xấu. Một lần nọ, Cao Bá Quát có viết đơn cho một bà cụ để kêu oan. Bà cụ đem nộp lá đơn lên cho quan nhưng vì chữ viết quá xấu mà quan đọc không được bèn thét lính đuổi bà cụ ra khỏi công đường. Khi đó, ông mới thấm thía rằng: “dù văn hay đến đâu mà chữ xấu cũng chẳng ích gì!”. Chính vì lẽ đó, Cao Bá Quát đã quyết tâm luyện chữ với phương pháp vô cùng công phu. Tối nào ông cũng luyện viết và phải viết xong mười trang vớ mới chịu đi ngủ.
Một học sinh – việc hiểu được ý nghĩa trong lời khuyên của Hồ Chủ tịch sẽ đem đến những bài học ý nghĩa. Hãy luôn cố gắng học tập, không ngại phải đối mặt với những khó khăn gặp phải khi giải một bài toán khó hay viết một bài văn… Xung quanh tôi, có nhiều bạn dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn vươn lên cố gắng học tập và đạt thành tích tốt…
Như vậy, lời khuyên của Bác Hồ là vô cùng quý giá. Mỗi người hãy lấy đó làm lời nhắc nhở cho bản thân để không ngừng cố gắng vươn tới thành công bởi không có thành công nào là dễ dàng.
Chứng minh câu Không có việc gì khó – Mẫu 10
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về cách sống. Người đã để lại nhiều lời khuyên quý giá, trong đó có câu:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bác Hồ đã sử dụng cách nói giàu hình ảnh – “đào núi” và “lấp biển” cùng với cách nói phủ định – “Không có việc gì khó” nhằm khẳng định rằng nếu có ý chí, nghị lực thì sẽ vượt qua mọi thử thách để “làm nên” có nghĩa là sẽ gặt hái được thành công.
Lời khuyên của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện qua nhiều tấm gương trong cuộc sống. Họ là những con người có ý chí kiên cường, không ngại thử thách, dám dấn thân vào khó khăn để theo đuổi đam mê của mình.
Bill Gates – một tỷ phú “lắm tiền nhiều của”. Một doanh nhân thành đạt, nhưng ít ai biết rằng để có thành công ngày hôm nay, ông đã đấu tranh quyết liệt như thế nào để tự khẳng định cái “tôi” của chính mình. Trong hành trình theo đuổi đam mê của mình, ông không bao giờ ngại khó khăn, gian khổ hay thử thách. Ông luôn hiểu được rằng chỉ có cố gắng hết sức mới có thể chạm tay tới thành công. Một tấm gương khác có thể kể đến ở trong lĩnh vực thời trang của Việt Nam. Nếu như theo dõi Vietnam’s Next Top Model mùa đầu tiên, chắc chắn không ít người sẽ kinh ngạc vì sự bứt phá quá ngoạn mục của Trang Khiếu. Người từng trở thành trò cười trong phần thi tuyển của cuộc thi, liên tục lọt vào tốp thí sinh nguy hiểm ở các tuần đầu tiên. Nhưng nhờ có sự quyết tâm, không ngừng rèn luyện nâng cao kỹ năng cá nhân mà và lòng đam mê với công việc người mẫu mà cô mới có được sự nghiệp thành công như hiện tại.
Đối với tôi, lời khuyên của Hồ Chủ tịch vô cùng quý giá. Nó giúp tôi có thêm sự tự tin, ý chí để bước đi trên con đường chinh phục tri thức phía trước.Để từ đó, trong tương lai tôi có thể trở thành một con người có ích cho xã hội.
Mỗi thành công đều phải trải qua thử thách. Lòng kiên trì, ý chí mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta gặt hái được “quả ngọt” trong hành trình cuộc sống.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền Dàn ý & 10 bài văn hay lớp 7 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.