Văn mẫu lớp 11: Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử gồm có dàn ý và 8 bài văn hoàn chỉnh hay nhất được đánh giá cao. Với dàn ý chi tiết xúc tích, bài văn được xây dựng đầy đủ, mạch lạc, rõ ràng từng phần các bạn có thể dễ dàng viết bài văn hay cho riêng mình.
Khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh thôn Vĩ tươi đẹp cùng tâm trạng tiếc nuối của tác giả. Mỗi câu thơ là một nét vẽ khắc họa sống động đẹp đẽ của bức tranh thôn Vĩ trong hoài niệm. Vậy dưới đây là 8 bài phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ, mời các bạn cùng theo dõi. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm phân tích Đây thôn Vĩ Dạ, phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ.
Lập dàn ý Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1
1/ Mở bài
Giới thiệu tác phẩm: “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ đặc sắc bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử, bài thơ là bức tranh hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên trong trẻo với tâm hồn suy tư, xót xa của cái tôi trữ tình.
2/ Thân bài
– Trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã hướng ngòi bút đến khung cảnh thiên nhiên giản dị mà đẹp đẽ, trong trẻo của thôn Vĩ.
– “Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác dựa trên cảm xúc tha thiết khi Hàn Mặc Tử đón nhận món quà của Hoàng Cúc là bức thiệp có in phong cảnh xứ Huế mộng mơ cùng lời mời đầy dịu dàng, tha thiết “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”
– Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ cùng giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết vừa như trách móc, vừa như hờn giận, vừa như lời mời chân thành của người con gái xứ Huế.
– Hoàn cảnh hiện tại không cho phép nhà thơ về thăm Vĩ Dạ nhưng bằng tất cả nỗi nhớ, hồi ức đã có, Hàn Mặc Tử đã vẽ lên bức tranh Vị Dạ thật sinh động, độc đáo.
– Hình ảnh hàng cau trong thơ Hàn Mặc Tử được gợi tả thật đẹp với màu xanh ngắt của lá cau cùng ánh nắng vàng nhẹ tinh khiết của mặt trời khi buổi bình minh.
– “Nắng” được điệp lại hai lần vừa gợi ấn tượng về ánh sáng vừa diễn tả được cảm giác náo nức, xôn xao của thi sĩ trước khung cảnh thôn Vĩ.
– Khung cảnh khu vườn xanh ngát, căng tràn sức sống của thôn vĩ hiện lên tươi đẹp đến ngỡ ngàng.
– Sắc xanh trong trẻo của những tán lá dưới ánh mặt trời trở lên thật lung linh, thật đặc biệt.
– Trong cảm xúc bất tận, xao xuyến về khung cảnh thôn Vĩ, hình ảnh con người thấp thoáng sau khóm trúc hiện lên thật đặc biệt.
– Khuôn mặt chữ điền gợi ra vẻ hiền lành, phúc hậu mang đến cho người đọc một liên tưởng, phải chăng đây chính là bóng dáng của người con gái Hàn Mặc Tử thương.
–> Cảnh và người đã hòa quyện làm một cùng tạo nên bức tranh thơ thật đẹp đẽ, trong trẻo.
3/ Kết bài: Chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn, tác giả Hàn Mặc Tử đã vẽ lên bức tranh Vĩ Dạ đầy gợi cảm, sinh động cùng tình cảm tha thiết, chan chứa tình yêu thương của chủ thể trữ tình.
Phân tích khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 1
Hàn Mặc Tử là một trong những tên tuổi lớn đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển phong trào Thơ mới nói riêng và thành tựu thơ ca Việt Nam nói chung. Thơ ông hay nhưng vẫn thoang thoáng một nỗi buồn, phải chắc số phận buồn của ông đã đi vào thơ, chắc cũng vì thế mà Hàn Mặc Từ được người đời gọi với cái tên “thi nhân của những mối tình”. Tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là tiêu biểu văn phong ấy. Ông đã nói lên tiếng lòng của bao triệu trái tim bằng những vần thơ tình yêu đơn phương trong khung cản thiên nhiên thơ mộng mà huyền ảo ở xứ Huế mộng mơ.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Nếu như những vần thơ tình yêu đều gắn với một thời gian, không gian và kỉ niệm cụ thể, thì hình ảnh của nhân vật trữ tình trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đều gắn với thiên nhiên và con người thôn Vĩ với những kỉ niệm khó phai mờ.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Có lẽ đến đây nhiều người đọc vẫn còn đang băn khoăn liệu câu thơ là câu hỏi mang ý là lời mời mọc hay lời trách móc hoặc phải chăng là lời của cô gái? Nhưng không, tất cả đều không phải. Đây như là lời của chính Hàn Mặc Tử, tác giả tự đặt câu hỏi cho bản thân, tự chất vấn nhưng cũng phần nào để gửi gắm nỗi nhớ, niềm khao khát, lời thúc giục được về thăm lại thôn Vĩ.
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Ở câu thơ thứ hai, không gian cảnh vật đã được chuyển đến khung cảnh khu vườn thôn Vĩ Dạ. Có thể nói đây là một cuộc hành trình trong tâm thức nhà thơ, bởi lẽ khi sáng tác những vần thơ này, tác giả đang phải chống chọi với căn bệnh phong quái ác. Tất cả chỉ được vẽ lên trong tiềm thức, nhưng không vì thế mà nó thiếu đi cảm xúc. Cái nắng được miêu tả “nắng hàng cau”, có thể cảm nhận rõ đây là nắng sớm tròng ngày, cái nắng ấy nhẹ nhàng chứ không gay gắt, khó chịu. Những tia nắng sớm được thắp lên đầu tiên trên những hàng cau trong vườn. Dù chỉ là qua câu từ nhưng ngườu đọc cũng có thể cảm nhận được một khu vườn đang ngập tràn màu xanh ngọc của là cây, của sự sống. Dù thân thể có thể đang nằm trên giường bệnh nhưng đôi mắt thi nhân đang ở trên khu vườn thôn Vĩ, như đang muốn xé toạc vòm trời đen để nhìn thấy bình minh nắng mới diệu kì thắp lên từ thôn Vĩ Dạ. Nơi ấy có mảnh đất mình nhớ, có người mình thương.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Câu thơ thứ ba tựa như lời cảm thán, đã “vườn ai mướt quá” lại còn phát hiện ra “xanh như ngọc”. “Xanh như ngọc” là màu xanh mỡ màng, tràn đầy sức sống, màu xanh ấy cảm giác như có thể phản chiếu ra ánh sáng. Người ta vẫn bảo thơ Hàn Mặc tử là thơ điên vì khi đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta bắt gặp nhiều hình tượng, một thế giới vừa thực vừa ảo. Cũng thật khó tin khi trong thơ Hàn Mặc Tử đã gặp lại chính mình với gương mặt chữ điền thời còn là chàng trai trên đất Huế. Lá trúc che ngang càng tạo cảm giác bí ẩn, nửa thực nửa mơ. Phải chăng thi sĩ đang muốn quên mình trong hiện thực bệnh tật phũ phàng để được yêu thêm lần nữa, yêu nhiều hơn nữa? Lá trúc phải chăng đang ngăn cách lòng người người? Cũng có người cho rằng ý thơ cuối là hướng đến bóng hình người con gái mà nhà thơ thầm thương trộm nhớ bao lâu nay, người con gái thôn Vĩ chứ không phải nói về nhân vật trữ tình. Nhưng dù hiểu theo ý thơ như thế nào thì tình cảm của nhà thơ với con người xứ Huế và mảnh đất nơi đây vẫn là không bao giờ thay đổi dù cho năm tháng đổi thay.
Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã khắc họa bức tranh vườn quê thôn Vĩ bằng nỗi nhớ nhung, tiếc nuối, day dứt của nhà thơ với người con gái mình thương thôn Vĩ, với mảnh đất xứ Huế mộng mơ, trữ tình. Chỉ với bốn câu thơ trong khổ thơ đầu, cảnh nói lên tình, tình buồn thấm vào cảnh vật, vào lòng người. Thơ ca của Hàn Mặc Tử sẽ mãi là in sâu vào tâm khảo bạn đọc bao thế hệ.
Phân tích khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 2
Hàn Mặc Tử (1912-1940) là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới (1932-1941). Ông là nhà thơ đa phong cách. Bên cạnh những kịch thơ huyền ảo thơ mộng là những bài thơ thuận nghịch độc cực kì điêu luyện, bên cạnh những vần thơ điên loạn, thi sĩ nhiều khi lại sáng tạo những hình ảnh tuyệt mĩ và hồn nhiên, trong trẻo lạ thường. Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ… là những bài thơ tuyệt bút đầy hương sắc trong vườn thơ Việt Nam hiện đại.
Đây thôn Vĩ Dạ viết về cảnh sắc thiên nhiên và con người xứ Huế đáng yêu nói lên nỗi niềm khát khao được hòa hợp, gắn bó với người, với cảnh của nhà thơ đối thoại một miền quê . Đây là khổ thơ đầu của áng thơ trữ tình này:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Vĩ Dạ, một làng cổ nổi tiếng, nơi cố đô Huế, nằm bên bờ Hương Giang. Cảnh vườn tược xanh tươi, cây trái bốn mùa, với sông nước con đò và những nếp nhà duyên dáng, êm đềm, thơ mộng… Vĩ Dạ từng gắn liền với những câu hò Mái nhi. Mái đẩy. hò Giã gạo… từng làm say đắm lòng người đã mấy trăm năm qua:
Núi Truồi ai đắp mà cao,
Sông Hương ai bới, ai đào mà sâu?
Nong tằm ao cá nương dâu
Đò xưa bến cũ nhớ câu hẹn hò
Những tiếng ai thân thương trong câu hò xứ Huế ấy đã vọng vào thơ Hàn Mặc Tử, gợi nên bao ám ảnh thương nhớ bao năm.
Câu thơ đầu mang tính lưỡng ngôn vừa như một lời chào mời thân mật, vừa như một lời trách nhẹ nhàng sơ sơ mà nghe rất đáng yêu: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Câu hỏi tu từ chứa đựng bao hoài niệm bâng khuâng. Sáu thanh bằng liên tiếp, rồi đọng lại một thanh trắc Vĩ, âm điệu vần thơ lâng lâng, tình tứ; đã lâu anh không về thăm thôn Vĩ, và thăm… em. Vĩ Dạ phải là nơi đã để lại trong lòng Hàn Mạc Tử nhiều kỉ niệm đẹp mới thoáng hiện chút tâm tình ấy.
Câu thứ hai, thứ ba tả cảnh sắc Vĩ Dạ:
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.
Nắng mới lên là nắng sớm bình minh. Cảnh được nhìn từ xa với bao trìu mếu, vẫy gọi. Điệp từ nắng trong hai tiểu đối nắng hàng cau / nắng mới lên như một tiếng ngân dội lên trong lòng với bao xúc động. làng cau vun vút, thẳng tắp là hình ảnh thân thuộc của Vĩ Dạ. ở đây, hầu như vườn nhà nào cũng có một, hai hàng cau thẳng tắp, vút cao lên như đón chào du khách từ xa, bóng cau như trái mặc trong sương sớm, lắng nghe chuông chùa Diệu Đế, Thiên Mụ, và tắm ánh bình minh rạng ngời tàu cau. Nhịp thơ 1-3-3: Nhìn nắng hàng cau/ nắng mới lên nhịp nhịp bước khoan thai của khách phương xa, rồi đứng dừng lại, trầm ngâm ngắn nhìn nắng mới lên trên những tàu cau xanh biếc rạng ngời.
Câu thơ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc như một lời trầm trồ ngạc nhiên thốt lên trước vẻ đẹp lộng lẫy của cỏ cây, hoa trái. Vườn ai không xác định, mơ chút ngỡ ngàng bâng khuâng. Đích thị là vườn xuân của thiếu nữ, của nhà em của lòng em. vẫn là cảnh cũ người xưa, nhưng đã lâu chưa về thăm lại nên ngỡ ngàng mới thốt lên như vậy. Vườn tược Vĩ Dạ xanh tươi và sum suê bốn mùa, xanh mơ màng ướt đẫm sương đêm. láng mướt lên, ánh ngời lên dưới nắng hồng bình minh một màu xanh ngọc bích. Hai tiếng mướt quá và hình ảnh so sánh xanh như ngọc là những nét vẽ thần tình đã tô đậm cái hồn của cây lá trong vườn ai. Tưởng như nghe thấy tiếng nhựa đang chuyền lên cành lá xôn xao. Tất cả đều tưng bừng, rạo rực, đầy sức sống. Chỉ có vườn xuân mới có màu xanh mướt mỡ màng như ngọc vậy. Chỉ có vườn êm mới đáng yêu và hữu hình như thế!
Sau cảnh đẹp là bóng hình thôn nữ:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gương mặt cô gái Huế thường gắn liền với chiếc nón bài thơ. Lá trúc che ngang là một nét vẽ tài hoa, gợi lên thấp thoáng gương mặt thiếu nữ. Một nét vẽ rất đẹp miêu tả vẻ dịu dàng, duyên dáng và tình tứ của thiếu nữ sông Hương. Lá trúc thanh mảnh biếc xanh đã làm tôn thêm vẻ đẹp phúc hậu của thiếu nữ gương mặt chữ điền. Đã có giai nhân vịn cành mẫu đơn; đã có mĩ nhân ngắm hoa tử kim nở, bức thêu dở dang trên đôi tay thon nhỏ, nõn nà. Và ở đây trong thơ Hàn Mặc Tử lại có gương mặt chữ điền ẩn hiện thấp thoáng sau cành trúc, lá trúc. Cây đẹp, cảnh đẹp và người đẹp là thế? Hàn Mặc Tử cũng tả ít mà gợi nhiều như các tao nhân nghìn xưa. Có màu phơn phớt hồng bình minh. Có màu ngọc xanh mướt của cây lá. Có đường nét thanh mảnh xinh xắn của lá trúc. Và còn có gương mặt dịu dàng, e ấp, phúc hậu của thiếu nữ. Nếu tách riêng hai khổ thơ này ra khỏi bài thơ, nó là một bài tứ tuyệt đặc sắc. Cảnh và người đều thấm tình thương mến, bâng khuâng. Bức tranh quê hương xinh đẹp, tươi tắn, tràn đầy sức sống mơn mởn và có sức quyến rũ lạ lùng.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Cảnh đẹp thế, người đáng yêu thế sao đã lâu anh không về chơi? Đâu chỉ là sự mời chào, hay lời nhẹ trách mắng còn hàm chứa cả niềm tiếc nuối, bâng khuâng của thi sĩ. Trên cái nền phong cảnh đầy hương sắc ấy, vương vấn một hoài niệm, một tiếng thầm thì của tình yêu. Người đọc tưởng như nhà thơ đang đi tìm bóng hình giai nhân, bóng hình cô gái Huế sau lá trúc của vườn ai mờ sương khói nơi Vĩ Dạ.
Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1 – Mẫu 3
Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới. Tuy có cuộc đời nhiều bi thương nhưng qua hồn thơ phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn, người đọc vẫn cảm nhận được một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế của ông. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những sáng tác nổi tiếng của Hàn Mặc Tử đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Chính vì vậy, qua bao nhiêu thế hệ, người ta có ba ý kiến nhận định về bài thơ: Đó là bài thơ về tiếng nói trăn trở của mối tình thầm kín; là lời yêu thương với một miền quê; là niềm khao khát được sống trong niềm sẻ chia, đồng cảm được trở về với cuộc đời. Đoạn thơ đầu của thi phẩm đã thể hiện một cách thật tha thiết, xúc động những tâm tình ấy.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
“Đây thôn Vĩ Dạ” được Hàn Mặc Tử viết khi đang mắc bệnh nan y – bệnh phong, căn bệnh khiến nhiều người xa lánh, hắt hủi ông nên ông luôn mang trong mình nỗi niềm khao khát được sẻ chia, đồng cảm, muốn trở về với cuộc đời. Nằm trong bệnh viện và nhận được tấm bưu thiếp của người con gái ông thầm thương trộm nhớ, Hàn Mặc Tử lấy đó làm cảm hứng để bài thơ được ra đời. Qua đó, ông đã vẽ nên bức tranh phong cảnh và cũng là tâm cảnh, thể hiện nỗi niềm cô đơn của ông về một mối tình đơn phương xa xăm vô vọng. Không chỉ vậy, bài thơ cũng là tấm lòng yêu tha thiết của nhà thơ đối với thiên nhiên, cuộc sống, con người xứ Huế.
Mở bài bài thơ, tác giả đã sử dụng câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?” vừa như một lời chào thân mật vừa như lời trách móc nhẹ nhàng của cô gái thôn Vĩ. Không thô lỗ, mà hết sức ân cần, tế nhị. Vì thôn Vĩ có em, vì thôn Vĩ là quê hương anh, là nơi thân thiết của anh. Tuy nhiên, có thể hiểu đây là lời tự nhủ, tự trách của tác giả. Ông tự hỏi bản thân sao bấy lâu nay không về thăm lại vùng đất ấy, thôn quê ấy. Ông khao khát được về thăm quê hương, nỗi nhớ thương mảnh đất ấy cứ đau đáu mãi. Ngặt nỗi, lúc ấy Hàn Mặc Tử đang bị bệnh, làm sao có thể trở về được mà cũng có thể mãi không trở về được…
Qua ba câu thơ sau, khung cảnh thiên nhiên và con người hiện lên trong hoài niệm, tưởng tượng của Hàn Mặc Tử rất đỗi bình dị, quen thuộc:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Nắng mới lên là nắng sớm buổi bình minh. Ánh sáng tinh khôi, rực rỡ ấy làm sáng bừng không gian rộng lớn, khoáng đạt của xứ Huế. Điệp từ “nắng” không chỉ thể hiện sự tràn ngập ánh sáng, sức sống mà còn bộc lộ tâm hồn luôn hướng về ánh sáng, hướng về cuộc đời của Hàn Mặc Tử. Câu thơ ấy đã vẽ nên một hàng cau đầy sức sống, mãnh liệt đang vươn lên đón lấy những tia sáng đầu tiên của buổi sớm. Nhớ đến Vĩ Dạ, nhà thơ nhớ đến hàng cau đầu tiên. Bởi lẽ hình ảnh hàng cau, vun vút cao quá đỗi quen thuộc đối với người dân thôn Vĩ. Nhịp thơ 1/3/3 như bước chân khoan thai của bất kỳ vị khách nào, trầm ngâm nhìn nắng mới lên trên những hàng cau xanh biếc rạng ngời.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Câu thơ như lời khen ngợi, trầm trồ, ngạc nhiên thốt lên trước vẻ đẹp thanh tao, mơn mởn của cỏ cây, thiên nhiên. Vườn ai? Phải chăng là vườn nhà em? Cảnh cũ người xưa nhưng vì lâu chưa về nên mới thốt lên ngỡ ngàng như vậy. Tác giả dùng biện pháp tu từ so sánh “xanh như ngọc” và từ “mướt”, như vậy có thể thấy thôn Vĩ không chỉ xinh đẹp mà còn rất trù phú. Câu hỏi tu từ “Vườn ai mướt quá” như tiếng reo của trẻ thơ, một tiếng reo trong sung sướng, một lời trầm trồ khen ngợi buột ra tự nhiên khi chợt nhận ra vẻ đẹp bất ngờ của khu vườn. Tưởng chừng như nghe thấy tiếng nhựa sống đang chảy trong cây. Tất cả đều rạo rực, đều đầy sức sống. Chỉ có vườn xuân mới xanh mướt, phì nhiêu đến vậy. Hay chỉ có vườn nhà em mới đẹp đẽ, hữu hình đến thế.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Nhắc đến con gái Huế, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh cô gái duyên dáng, thướt tha trong tà áo dài tím mộng mơ cùng chiếc nón lá trắng, dịu dàng, yểu điệu mà tinh tế. “Mặt chữ điền” chỉ tướng mạo phúc hậu, dịu dàng. “Lá trúc che ngang” là một nét vẽ tài tình, gợi lên hình ảnh gương mặt thấp thoáng của thiếu nữ. Một nét vẽ ấy đã miêu tả vẻ đẹp thanh tao, dịu dàng. Một nét vẽ ấy đã vẽ ra dáng vẻ e lệ, ẩn sau lá trúc của người con gái. Và chính hình ảnh cô gái e lệ thấp thoáng sau những lá trúc càng chứng tỏ “vườn ai” và vườn cô gái đứng chỉ là một. Thiên nhiên và con người dưới ngòi bút đầy sắc sảo của Hàn Mặc Tử đã kết hợp hài hòa với nhau tạo nên một bức tranh phong cảnh tươi đẹp, đầy sức sống và có sức hút lạ lùng.
Bằng âm điệu tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên một bức tranh thôn Vĩ Dạ cho người nghe cảm nhận khổ một bài Đây thôn Vĩ Dạ thật mơ mộng, bình dị. Qua đó cho thấy tình yêu to lớn của ông đối với mảnh đất yên bình, trù phú này. Tuy nhiên, ẩn sau mỗi ý thơ là nỗi niềm luyến tiếc, vấn vương về người và cảnh nơi đây. Ông vấn vương, trăn trở về mối tình thầm kín của mình với người con gái thôn Vĩ. Ông vấn vương, thương nhớ về cảnh sắc tươi đẹp của thôn Vĩ. Nhưng tất cả đối với nhà thơ thời điểm ấy chỉ còn là hoài niệm.
Nếu ở khổ một là không gian vui tươi, đầy sức sống thì ở phần còn lại của bài thơ, giọng thơ chùng xuống, ảm đạm hơn nhiều. Chính xác hơn, bắt đầu từ khổ hai, Hàn Mặc Tử đã bộc lộ tâm trạng đau buồn, u uất của mình. Lúc bấy giờ, ông mắc bệnh phong, căn bệnh khiến ông bị mọi người xa lánh. Sống trong lãnh cung của sự chia lìa, tác giả ao ước, khát khao một vị tri âm, tri kỷ. Ông khao khát hơn bao giờ hết về sự sẻ chia, giao cảm. Ông khát khao tình người, tình đời, hạnh phúc. Ông khát khao được trở về cuộc sống bình thường, được trở về thôn Vĩ Dạ. Ông biết căn bệnh hiểm nghèo của mình, biết thời gian minh còn rất ít. Vậy nên nhà thơ vừa như bồn chồn, lo lắng vừa như hy vọng một cái gì đó sẽ rời xa. Đây chính là nỗi niềm ao ước tha thiết cùng nỗi buồn man mác khi tác giả hoài niệm của tác giả.
Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp lãng mạn đầy sức gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, Hàn Mặc Tử đã họa nên bức tranh nên thơ, tươi đẹp của một miền quê. Và ẩn sau đó không chỉ là tiếng nói trăn trở của mối tình thầm kín hay lời yêu thương với một miền quê mà còn là nỗi niềm khao khát được đồng cảm, được trở về với cuộc đời.
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người. Bài thơ như bông hoa rực rỡ giữa rừng hoa của văn học nước nhà. Qua đó cho thấy tâm hồn thanh khiết, yêu đời dù là trong lúc khổ đau, tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử.
Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1 – Mẫu 4
Hàn Mặc Tử là một trong những cây bút xuất sắc có đóng góp không nhỏ trong phong trào Thơ mới nói riêng và thành tựu thơ ca Việt Nam nói chung, ông còn được nhớ đến là “thi nhân của những mối tình”, “khuấy” mãi không thành khối. Với “Đây thôn Vĩ Dạ” ông đã chạm khắc vào tâm khảm muôn triệu trái tim một vần thơ tình yêu đơn phương, thơ mộng mà huyền ảo ở xứ Huế mộng mơ.
Thôn Vĩ Dạ được biết đến như sông Hương, núi Ngự của xứ Huế. Bởi vậy, không lấy làm ngạc nhiên khi thấy nhiều tên tuổi như Nguyễn Bính, Bích Khuê, Nguyễn Tuân đều nảy sinh cảm hứng về xứ sở này. Nếu như mỗi tình yêu đều gắn với một thời gian và không gian cụ thể, thì mỗi hình ảnh của nhân vật trữ tình trong bài thơ đều gắn với thiên nhiên và con người thôn Vĩ với những kỉ niệm khó phai mờ.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Đây là lời trách yêu, một sự dỗi hờn thể hiện nỗi ngóng trông da diết của cô gái ở thôn Vĩ. Là lời nói dịu dàng chứa đầy yêu thương ấy chính đã gây xôn xao, đã trở thành giai điệu và phát ra lời nói.
Ở câu thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhanh chóng có mặt ở không gian Vĩ Dạ. Đây là một cuộc hành trình trong tâm thức nhà thơ:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Cái nắng được miêu tả “nhìn nắng hàng cau” song hành với một cái nắng tinh khôi mới mẻ khiến nhà thơ phải reo lên như con trẻ “nắng mới lên”; “nắng” được thắp trên những hàng cau. Du khách thấy được nắng hàng cau và càng đến gần khu vườn càng thấy màu xanh ngọc của là cây. Đôi mắt thi nhân đang ở trên khu vườn thôn Vĩ, như đang muốn xé toạc vòm trời đen để nhìn thấy bình minh nắng mới diệu kì thắp lên từ thôn Vĩ Dạ. Nơi có người mình thương nhớ như là một nơi ẩn chứa phép màu cổ tích.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Đã “vườn ai mướt quá” lại còn phát hiện ra cái “mướt quá” ấy còn “xanh như ngọc”. Tất cả đều non tơ và xanh như ngọc cho ta cảm nhận không chỉ bằng thị giác mà còn cảm nhận được thanh âm của những chiếc lá ngọc. Vì “vườn ai” có phải chính là vườn em, là ta thấy khuôn mặt của em trong khu vườn ấy. Đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta bắt gặp nhiều hình tượng, một thế giới vừa thực vừa ảo. Bởi thế, thật khó tin nhưng Hàn Mặc Tử đã gặp lại chính mình với gương mặt chữ điền thời còn là chàng trai trên đất Huế.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?
Thi sĩ của trăng muốn yêu một tình yêu trong trắng, một tình yêu đắm say thì phải trở lại là con người của ngày hôm qua, con người trong quá khứ, hẳn phải là nhà thơ đa tình phong lưu thời còn làm bạn với Huế. Phải chăng Hàn Mặc Tử đang muốn quên mình trong hiện thực phũ phàng để được yêu thêm lần nữa, yêu nhiều hơn nữa?
Lá trúc phải chăng đang ngăn cách tình người? Làm “Gió theo lối gió, mây đường mây”, tạo nên “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” đưa đến tâm trạng hy vọng mong manh mà thất vọng tràn trề: “Có chở trăng về kịp tối nay” và kết lại trong lời trách móc:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hàn Mặc Tử đã khắc họa bức tranh vườn quê thôn Vĩ qua nỗi lòng nuối tiếc bâng khuâng về một mối tình dở dang rồi chạm vào tâm khảo lớp lớp thế hệ Việt Nam trong một tâm trạng nhớ thương. Với bốn câu thơ trong khổ thơ đầu, cảnh nói lên tình, tình buồn thấm sâu vào cảnh vật, và nếu đặt khổ thơ trong cảm hứng chung của cả ta mới cảm nhận được đúng tình và ý thi nhân.
Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ khổ 1 – Mẫu 5
Hàn Mặc Tử là một trong những gương mặt nhà thơ tiêu biểu nhất trong phong trào thơ mới với sức sáng tạo dồi dào cùng phong cách sáng tác ấn tượng. “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ đặc sắc bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử, bài thơ là bức tranh hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên trong trẻo với tâm hồn suy tư, xót xa của cái tôi trữ tình.
Trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã hướng ngòi bút đến khung cảnh thiên nhiên giản dị mà đẹp đẽ, trong trẻo của thôn Vĩ:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc chen ngang mặt chữ điền”
“Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác dựa trên cảm xúc tha thiết khi Hàn Mặc Tử đón nhận món quà của Hoàng Cúc là bức thiệp có in phong cảnh xứ Huế mộng mơ cùng lời mời đầy dịu dàng, tha thiết “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”.
Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ cùng giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết vừa như trách móc, vừa như hờn giận, vừa như lời mời chân thành của người con gái xứ Huế. Câu hỏi cũng chính là lời tự trách của nhà thơ với bản thân khi không thể về thăm lại vùng đất Vĩ Dạ, nơi nhà thơ từng có những kỉ niệm tốt đẹp. Hoàn cảnh hiện tại không cho phép nhà thơ về thăm Vĩ Dạ nhưng bằng tất cả nỗi nhớ, hồi ức đã có, Hàn Mặc Tử đã vẽ lên bức tranh Vị Dạ thật sinh động, độc đáo.
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Vĩ Dạ là vùng quê nổi tiếng với nghề trồng rau truyền thống, với những hàng cau thẳng tắp xanh mướt. Hình ảnh hàng cau trong thơ Hàn Mặc Tử được gợi tả thật đẹp với màu xanh ngắt của lá cau cùng ánh nắng vàng nhẹ tinh khiết của mặt trời khi buổi bình minh. “Nắng” được điệp lại hai lần vừa gợi ấn tượng về ánh sáng vừa diễn tả được cảm giác náo nức, xôn xao của thi sĩ trước khung cảnh thôn Vĩ. Nhớ về thôn Vĩ, tâm hồn nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng sáng bừng những cảm xúc trong trẻo, chân thành.
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Khung cảnh khu vườn xanh ngát, căng tràn sức sống của thôn vĩ hiện lên tươi đẹp đến ngỡ ngàng, để tăng hiệu quả về thẩm mỹ, tác giả Hàn Mặc Tử đã sử dụng cách so sánh đầy ấn tượng “xanh như ngọc”. Sắc xanh trong trẻo của những tán lá dưới ánh mặt trời trở lên thật lung linh, thật đặc biệt. Từ “mướt” được tác giả sử dụng rất khéo không chỉ diễn tả được cái mượt mà, tươi tốt của vườn cây mà còn cho thấy sự khéo léo, chăm chỉ của bàn tay chăm sóc khu vườn ấy.
Trong cảm xúc bất tận, xao xuyến về khung cảnh thôn Vĩ, hình ảnh con người thấp thoáng sau khóm trúc hiện lên thật đặc biệt:
“Lá trúc chen ngang mặt chữ điền”
Khuôn mặt chữ điền gợi ra vẻ hiền lành, phúc hậu mang đến cho người đọc một liên tưởng, phải chăng đây chính là bóng dáng của người con gái Hàn Mặc Tử thương. Dáng vẻ xa xôi, bị cách trở bởi hàng trúc nhưng lại mang đến những xuyến xao da diết cho người nhìn. Đến đây, cảnh và người đã hòa quyện làm một cùng tạo nên bức tranh thơ thật đẹp đẽ, trong trẻo.
Chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn, tác giả Hàn Mặc Tử đã vẽ lên bức tranh Vĩ Dạ đầy gợi cảm, sinh động cùng tình cảm tha thiết, chan chứa tình yêu thương của chủ thể trữ tình.
Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 6
Phong trào thơ mới (1932 -1945) đã sản sinh ra một lực lượng các cây bút trẻ đầy tài năng. Những cái tên như Huy Cận, Xuân Diệu hay Hàn Mặc Tử…đã đi sâu vào tiềm thức người yêu văn thơ cả trong và ngoài nước. Giữa bầu trời sao lung linh trên thi đàn ngày ấy, Hàn Mặc Tử vẫn rất nổi bật, ông được chú ý không chỉ vì cái tôi riêng có trong thơ, ông còn rất được quan tâm chính từ hoàn cảnh và số phận đặc biệt của một con người tài năng.
Đến với thơ từ khi mới 16 tuổi, sự nghiệp sáng tác của ông phôi thai và phát triển cực điểm cho đến tận hơi thở cuối cùng. Dù ở đề tài nào, người đọc vẫn tìm thấy chính cuộc đời thăng trầm, dâu bể của ông sau những vần thơ. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một tác phẩm nổi tiếng đã góp phần đưa tên tuổi của Hàn Mặc Tử bừng sáng giữa bầu trời lấp lánh sao của văn thơ Việt Nam buổi nào.
“Đây thôn Vĩ Dạ” được nhà thơ lấy cảm hứng từ sự khơi gợi về một kỷ niệm của người yêu cũ. Bài thơ có 12 câu, chia làm 3 khổ, mỗi khổ thơ như một bức tranh tuyệt đẹp về xứ Huế mộng mơ. Khổ đầu tiên là bức tranh hừng đông nơi thôn, khổ thứ hai là cảnh trăng về trên thôn và khổ cuối cùng là hoài niệm về người xưa nơi thôn Vĩ. Chúng ta cùng thưởng thức cảnh bình minh trên thôn Vĩ qua khổ thơ đầu để cảm nhận được sức sáng tạo tuyệt mĩ, hồn nhiên, trong trẻo lạ thường nơi tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Nhà thơ mở đầu bài bằng một câu hỏi tu từ đa phong cách “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?” Lời mời mọc tế nhị, kín đáo này của người con gái xứ Huế xinh đẹp và nên thơ, chở đầy sức hấp dẫn lạ kỳ. Đó cũng được xem là lời trách yêu của người con gái ấy đối với thi nhân. Câu thơ đầy ý nhị, với nỗi nhớ nhung da diết của cô thiếu nữ đang yêu, nhưng dù là lời mời, lời trách cứ hay lời nhắc yêu đi nữa vẫn dễ mến lạ lùng. Không lồ lộ, bỗ bã, nói anh về thăm em, mà nói anh về thăm thôn Vĩ, nhắc nhở anh rằng, hãy nhớ quê hương, anh nhớ quê hương thì anh nhớ em, nơi quê hương có em. Quê hương là em, thôn Vĩ là em và ngược lại.
Câu thơ tiếp theo đã gợi lên trước mắt độc giả một bức tranh hừng đông nơi thôn Vĩ có “nắng mới lên” phơn phớt hồng đượm vẻ tinh khôi của bình minh long lanh trên những tàu cau còn đọng những giọt sương đêm.
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Cau là loại cây thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu và thường được trồng ở trước nhà. Vì có dáng cao vút nên cây cau dễ dàng tiếp nhận những tia nắng đầu tiên của một ngày mới. Tác giả sử dụng nghệ thuật lặp từ ngữ “nắng…nắng”. Bút pháp nghệ thuật giản dị nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc nhấn mạnh vẻ đẹp và cái thần của sắc nắng ban mai. Chỉ với một câu thơ tác giả đã làm hiện lên trước mặt người đọc những nét đẹp đầu tiên của vườn cây nơi thôn Vĩ. Cũng qua đó chúng ta cảm nhận sâu sắc cái nhìn âu yếm, thiết tha như chờ đón cái đẹp xuất hiện từ lưng chừng trời của thi nhân.
Ở câu thơ thứ ba, “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, “Ai” – đây là một đại từ nhân xưng phiếm chỉ được tác giả sử dụng để nói về khu vườn đẹp này chính là khu vườn nhà cô gái ông yêu. Với vhir một từ mà khẳng định được vẻ đẹp của khu vườn nhà người con gái mà mình từng đắm say mơ mộng, từng khao khát hạnh phúc lứa đôi. Tiếp sau đó nữa là “mướt quá”, giá trị của từ “mướt” trong câu thơ này gợi cái sắc vẻ bóng láng và mỡ màng nhìn thấy thích mắt của những lá cành vươn lên trong khu vườn trù mật, phì nhiêu được con người cần cù chăm sóc. Thêm vào đó, chữ “quá” làm tăng màu sắc biểu cảm của tứ thơ. Thông thường từ “quá” nói lên cái mức độ vượt ra ngoài ngưỡng trung bình. Nhưng ở câu thơ này, nó mang âm hưởng của một tiếng reo trong niềm sung sướng, ngất ngây, một lời trầm trồ buột ra tự nhiên khi chợt nhận ra một vẻ đẹp bất ngờ của khu vườn ở một khoảnh khắc đặc biệt. Cùng với nghệ thuật so sánh từ “xanh như ngọc”, nhà thơ càng làm tăng cái vẻ đẹp đến thanh cao, quý phái của khu vườn, mơn mởn dưới ánh sáng bình minh.
Câu thơ cuối khổ là một khám phá nghệ thuật độc đáo và rất đẹp của thi sĩ Hàn Mặc Tử “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Mới đọc xong câu thơ, chúng ta thường nghĩ ngay đến là tác giả đang ca tụng khuôn mặt chữ điền nào đó thấp thoáng sau nhành trúc. Mặt chữ điền chỉ tướng mạo đẹp của một người có bản chất tốt, phúc hậu, thủy chung. Nhưng nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen kia thì e rằng chưa thực thấu hiểu hết suy tư của tác giả. Cần hiểu câu thơ theo nghĩa của nghệ thuật cách điệu hóa chứ không phải tả thực, tuy cách điệu hóa cũng xuất phát từ hiện thực. Cách điệu hóa thường chỉ giữ lại một dáng điệu, cái đường nét chung của sự vật, từ đó, sáng tạo nên một hình tượng có ý nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp của sự vật ấy. Ở đây thi nhân muốn diễn tả những gương hiền lành, phúc hậu thấp thoáng sau tre trúc nơi vườn cây cảnh, cây trái xinh đẹp ở thôn Vĩ Dạ mỗi buổi sớm mai.
Sâu xa hơn nữa, ẩn sau mỗi ý thơ là nỗi niềm luyến tiếc, vấn vương về cái đẹp của cảnh và người xứ Huế ở thôn Vĩ, sông Hương đối với nhà thơ tại thời điểm ấy chỉ còn là hoài niệm. Tình cảm yêu quý, trân trọng của thi nhân gửi gắm qua cái nhìn cảnh vật ấy, chợt gợi nhớ, gợi thương trong tâm hồn độc giả chúng ta hai câu thơ của Bích Khê:
“Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn
Biếc tre cần trúc không buồn mà say.”
(Huế đa tình)
Bức ảnh phong cảnh Huế của Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử là nguồn cảm hứng để tác giả cho ra đời bài thơ. Người gửi đã nhiều thâm tình, người nhận được – nhà thơ lại càng sắc sảo hơn. Tác giả nghe như có lời mời mọc, lời trách yêu, hờn dỗi vang lên của người con gái xứ Huế. Từ đó ùa về trong tâm tưởng của ông, khung cảnh thôn Vĩ hừng đông vần vật nhựa sống. Phải là một con người yêu Huế mãnh liệt, nồng nàn, gắn bó máu thịt với thôn Vĩ, sông Hương, thi nhân Hàn Mặc Tử mới lột tả cảnh và người xứ Huế có hồn đến thế. Và cái làm cho người đọc thực sự cảm kích cũng chính cái đẹp nhất của đoạn thơ là “tâm hồn tác giả luôn hướng về cái thánh thiện, khát khao với cái đẹp của tình người, tình đời dù xa xôi mờ ảo.”
Xem thêm: Cảm nhận khổ 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 7
Hàn Mặc Tử một nhà thơ tiêu biểu trong phong trào thơ mới 1932-1945 với những tác phẩm tiêu biểu. Các nhà thơ đã hòa mình vào thiên nhiên, ngắm nhìn cảnh đẹp quê hương đất nước dù ông đang phải trải qua những đau đớn của bệnh tật với mong muốn được gắn bó lâu hơn với cuộc sống này. Đó là một tinh thần đáng ngợi ca và tâm trạng ấy đã được khắc họa rõ trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ”. Khổ 1 là bức tranh thôn Vĩ tươi đẹp cùng tâm trạng tiếc nuối của tác giả.
Khổ thơ bắt đầu bằng một câu hỏi: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” câu hỏi vang lên như một lời trách thầm, nhắn nhủ của nhân vật trữ tình trong tâm trạng vời vợi nhớ mong. Câu hỏi đó là của ai mà lại vừa hỏi vừa trách móc vừa nhớ mong nhất định không phải của Hoàng Cúc, không phải của cô gái nào ở thôn Vĩ. Vậy có thể là của ai? Có thể là của Hàn Mặc Tử tác giả đang phân thân để chất vấn chính mình. Câu hỏi đó như xác nhận một sự thật đã lâu rồi tác giả không được về thôn Vĩ hay không biết đến bao giờ có thể trở lại thôn Vĩ một lần nữa. Đó là cái cớ rất giàu chất thơ vừa nhẹ bẫng xót xa để gọi về những kỉ niệm thôn Vĩ. Câu thơ bảy chữ nhưng có tới sáu thanh bằng, thanh trắc duy nhất vút lên cuối câu như một nốt nhấn khiến cho lời thơ nhẹ nhàng mà thấm thía những nỗi niềm tiếc nuối vọng lên da diết khôn nguôi. Từ niêm nhớ thương được khơi nguồn như thế, hình ảnh thôn Vĩ chợt sống dậy trong lòng nhà thơ:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Chỉ ba câu thơ Hàn Mặc Tử đã khắc họa được những nét đặc trưng của thiên nhiên xứ Huế. Mỗi câu thơ là một nét vẽ, mỗi chi tiết sống động tạo thành sự khắc họa sống động đẹp đẽ của thôn Vĩ trong hoài niệm. Trước tiên là vẻ đẹp trong trẻo tinh khôi của buổi sớm mai: nắng hàng cau nắng mới lên không phải là cái nắng chang chang dọc bờ sông trắng mà là cái nắng trong trẻo tinh khôi của một ngày. Chỉ miêu tả nắng thôi mà đã gợi lên trong lòng người đọc bao nhiêu liên tưởng đẹp. Những cây cau mảnh dẻ vút cao vươn mình đón lấy tia nắng ban mai trong lành ấm áp. Khung cảnh quen thuộc ấy ta có thể bắt gặp ở bất cứ góc sân khoảng trời nào từ miền quê đất Việt thân yêu. Phép luyến láy: nắng hàng cau nắng mới lên làm cho cái nắng như lan tỏa hơn bừng sáng hơn. Điệp từ “nắng” đã vẽ ra một bức tranh ánh nắng trong không gian nắng lan đến đâu vạn vật bừng sáng đến đó từ trên cao tràn xuống thấp và tràn đầy cả khu vườn, thôn Vĩ như được khoác lên một chiếc áo mới thanh tân, tươi tắn.
Đến câu thơ thứ ba là cảnh vườn tược được tắm đẫm trong nắng mai ngời sáng lên như một viên ngọc xang diệu kì: “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.” Câu thơ như một tiếng reo đầy ngỡ ngàng thích thú, không phải xanh non xanh biếc mà là xanh như ngọc. Còn gì trong sáng và cao quý hơn ngọc. Cảnh giản dị mà thanh khiết cao sang vô cùng. Phải chăng sương đêm đã gột rửa hết những bụi bặm để khoác lên cây lá tấm áo choàng trong suốt lấp lánh khi nắng lên. Chữ “mướt” tác động mạnh mẽ vào giác quan người đọc ấn tượng vẻ mượt mà loáng mướt của khu vườn. Nhưng cái thần của câu thơ lại dồn cả vào chữ “ai” chỉ một chữ mà khiến cho cảnh đang gần gũi bỗng bị đẩy ra xa, hư thực khó nắm bắt. Âm hưởng nhẹ bẫng của tiếng này khiến hơi thở như thoáng xuôi về một cõi hư ảo mơ hồ. Với Hàn Mặc Tử lúc này, đó là thế giới ở ngoài kia, của sự sống ngoài kia chứ không phải thế giới của bệnh tật. Và rất tự nhiên theo mạch cảm xúc, nhắc đến “ai” lập tức nhà thơ nhớ đến hình bóng con người:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Câu thơ kết đoạn là nét cách điệu hóa rất tài tình của Hàn Mặc Tử nhằm ghi lấy hồn Vĩ Dạ. Có lẽ hình ảnh cành trúc đã trở nên quen thuộc khi nhắc đến con người nơi đây, mảnh đất cố đô văn hiến. Con người như hòa vào, như ẩn vào thiên nhiên một vẻ đẹp kín đáo tao nhã. Đó là vẻ đẹp riêng trong mảnh đất cố đô nhưng ngay trong dòng cảm xúc miên man ấy ta đã thấy nỗi buồn man mác xa nỗi thấm vào lòng người. Nhưng cũng có một điều đặc biệt trong thơ Hàn Mặc Tử là vừa có ảnh hưởng thơ ca dân gian vừa có sản phẩm của lối thơ sáng tạo hay vẽ khuôn mặt sau hàng liễu được viết lên bởi mặc cảm chia lìa của con người luôn tự nhận mình đứng ngoài cuộc vui.
Phân tích khổ 1 bài Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh cảnh và người xứ Huế vừa trần thế vừa trong sáng, tinh khôi trong tâm trí Hàn Mặc Tử. Qua đó có thể thấy ở Hàn Mặc Tử một tình yêu quê, yêu người tha thiết, và cũng vời vợi nỗi nhớ mong của thi sĩ hướng về cảnh và người thôn Vĩ.
Đọc bài thơ mà khơi gợi trong lòng người tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên sâu sắc, yêu con người cảnh vật nơi đây. Từ đó mà dạy chúng ta cách giữ gìn và bảo vệ những thứ xung quanh mình.
Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 8
Nếu nhân loại không còn khao khát nữa
Và nhà thơ nghề chẳng kẻ nào yêu
Người – Thi sĩ – cuối cùng là Hàn Mặc Tử
Vẫn hiện lên ở đây đợi chờ
(Tràn Ninh Hổ)
Hàn Mặc Tử – thi nhân của những mối tình “khuấy” mãi không thành khối. Tử yêu nhiều nhưng chua xót nhận ra rằng: Trăng là người bạn tình và là người bạn tình chung thuỷ cuối cùng của đời mình. Trong đời thơ, đời người quá ngắn, Hàn say mê bốn thiếu nữ (Hoàng Cúc,-Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương). Hoàng Cúc, một thiếu nữ thôn Vĩ Dạ là mối tình đầu của Tử, hai người quen nhau ở Quy Nhơn, Tử là nhân viên Sở Đạc điền, còn cha Hoàng Cúc là chủ sở. Hàn thầm yêu Hoàng Cúc từ năm 1936, nhưng vì rụt rè nên chỉ dám bộc bạch tâm sự cùng thơ và bạn bè… Năm 1939 biết Tử bị mắc bệnh nan y, lại được người khác nhắc nhở, thúc giục Hoàng Cúc gửi tặng thi nhân Hàn Mặc Tử bưu ảnh phong cảnh Huế và mấy dòng hỏi thăm mà không kí tên. Hàn lầm tưởng đó là cảnh “Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông hay đêm trăng ?“. Để tạ lòng cố nhân, Tử gửi tặng Hoàng Cúc bài Đây thôn Vĩ Dạ. Đọc bài thơ này, người vô tâm mấy cũng không thể không nhớ khổ thơ đầu :
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Cảm nhận Đây thôn Vĩ Dạ phải gắn với mối tình đầu của Tử và Hoàng Cúc. Nhưng lâu nay, bị ám ảnh bởi yếu tố ngoài văn bản ngôn ngữ – đặc biệt là ý kiến “Hoàng Cúc đã chỉ cho Hàn Mặc Tử một tấm hình cô mặc áo dài trắng trường Đồng Khánh (…), và trách Hàn Mặc Tử sao lâu nay không ra thăm thôn Vĩ Dạ nên nhiều người đã hiểu câu thơ mở đầu bài thơ là lời trách nhẹ nhàng, nhè nhẹ – đúng là giọng hờn dịu ngọt của các cô gái Huế, trách mà cứ như là chào mời khách về thăm thôn Vĩ. Những lời bình ấy xem ra có lẽ thoát văn bản. Căn cứ vào đâu mà nói: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?” là câu hỏi trách móc của một thôn nữ. Hơn nữa, như Hoàng Cúc khẳng định: sau tấm bưu ảnh, không có lời trách móc nào. Làm sao có thể trách người đang từng giờ, từng phút đợi tử thần đến mang đi? Thơ trữ tình là thơ hướng nội. Thơ Hàn Mặc Tử càng là thơ hướng nội. Câu hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?” có thể là câu tự văn của chính bản thân Tử. “Anh” ở đây là đại từ nhân xưng được dùng ở ngôi thứ nhất, chứ không phải ngôi thứ hai. Một câu hỏi mang tính chất giãi bày. Câu thơ thể hiện niềm nuối tiếc. Nhân vật trữ tình đã tự trách mình sao lại không về chơi thôn Vĩ. Dòng thơ đượm buồn, có pha chút hối hận. Cả bài Đây thôn Vĩ Dạ phải chăng là để trả lời câu hỏi đã đặt ra ở câu đầu tiên của bài thơ (có lẽ nên đặt dấu chấm hỏi ở vị trí cuối cùng của dòng thơ thứ hai thì hợp lí hơn).
Trước khi tạo nên bài Đây thôn Vĩ Dạ bất hủ này. Hàn Mặc Tử đã có lần đi qua khu vườn nhà Hoàng Cúc ở bến Vĩ Dạ, nhưng chỉ đứng ở cổng mà nhìn vào. Ấn tượng sâu sắc đầu tiên còn lại trong độc giả khi đọc khổ thơ đầu là cảnh “bến Vĩ Dạ lúc hừng đông”. Qua cảnh này, Tử muốn gửi gắm những tâm sự kín đáo nào đây? Trong muôn vàn cây, lá của Vĩ Dạ, nhà thơ nhắc đến hàng cau tắm nắng bình minh. Bao đời nay với người Việt Nam, cây cau vẫn gợi mối tình đôi lứa, bằng biện pháp nghệ thuật tăng cấp tiên tiến, nhà thơ đã nhấn mạnh ý “nắng mới lên”, “xanh như ngọc”. Nắng bình minh (nắng mới lên) đẹp thì đẹp, nhưng qua cái nhìn của thi nhân lãng mạn nó cũng qua nhanh như ”hơi rượu say” (bởi vậy liền sau cảnh hừng đông là cảnh bến sông đêm trăng buồn đến nao lòng).
“Nắng hàng cau nắng mới lên” đi liền với “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Cũng là vườn mang hương vị ngọt ngào của ca dao, nhưng vườn mà Từ miêu tả khác vườn của Nguyễn Bính, ở đây, người ta thấy xuất hiện trong thơ một khu vườn “mướt quá xanh như ngọc’. “Vườn ai” – vườn có một đối tượng có vẻ như phiếm chỉ, nhưng cũng có thể là vườn của người mình thương, vườn tình của cô gái.
Rõ ràng, khu vườn trong thơ Tử không phải là “vườn hồng”, cũng không phải là khu vườn có “bóng hoàng hôn”, mà là vườn xanh như ngọc. Phép so sánh khá mới lạ này khiến cho độc giả có thể nghĩ đến “vườn em” là vườn cành vàng lá ngọc. Vào khu vườn ấy đâu phải dễ dàng. Câu thơ thứ tư nói rõ thêm ý tưởng ấy:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Hình ảnh lá trúc góp phần làm rõ thêm tính quyền quý của khu vườn Vĩ Dạ. Khuôn mặt chữ điền bị lá trúc che ngang lâu nay đã trở thành lời thách đố đối với bao nhiêu bạn yêu thơ. Nhiều người đồng tình khẳng định khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt phúc hậu, hiền lành, trung thực, ca dao Huế đã từng có câu:
Mặt em vuông tựa chữ điền
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung
Nhà thơ quá cố Chế Lan Viên đã có ý nghi ngờ, khi ông nêu ra câu hỏi “Con gái mặt chữ điền thì đẹp gì đâu mà Hàn Mặc Tử ca ngợi”. Gương mặt chữ điền trong câu thơ là gương mặt ai? Một số người cho rằng: Gương mặt ấy chính là gương mặt Hoàng Cúc, người khác lại nghĩ là gương mặt Hàn Mặc Tử. Hình ảnh lá trúc làm nảy sinh sự tranh cãi khá gay gắt. Lá trúc thực ở ngoài đời hay lá trúc vẽ trên những bức rèm treo trước cửa các nhà quyền quý? Người ta nói: “Văn chương tự cổ bằng cử cũng không phải là không có nguyên cớ. Theo thiển nghĩ của người viết bài này thì trung tâm phát sóng của khổ thơ nằm trong chi tiết thẩm mỹ:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền Lá trúc ấy phải ở trong vườn ngọc kia, nó che khuất, che lấp cả sự phúc hậu, hiền lành, trung thực; Phải chăng nó thực sự trở thành trở lực ngăn cách tình người. Nó làm cho “Gió theo lối gió, mây đường máy”; nó tạo nên “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” ; nó kết lại trong một lời trách:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
Câu kết bài thơ đã trả lời khá đầy đủ lí do “Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Chỉ thiên về việc khai thác vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên và con người xứ Huế, có thể người bình thơ sẽ mắc phải sai lầm là không hiểu hết bi kịch tình yêu của Tử. Khi Hàn Mặc Tử viết Đây thôn Vĩ Dạ thì tình cảm của thi nhân với Hoàng Cúc cũng chỉ còn trong quá vãng. (Lúc này Hàn Mặc Tử đã yêu người khác). Hơn nữa, Tử lại đang ở trong tình trạng hoang mang, bi quan đến cực độ khi biết mình bị bệnh nan y. Khổ thơ đầu nói riêng và cả bài “Đây thôn Vĩ Dạ” nói chung do vậy vẫn nằm trong cảm hứng “đau thương” của Hàn Mặc Tử.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Phân tích khổ 1 Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử Dàn ý & 8 bài văn mẫu lớp 11 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.