Văn mẫu lớp 10: Viết bài nghị luận về cuộc đời, sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi mang đến dàn ý và 2 bài văn mẫu siêu hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều nguồn tư liệu tham khảo, củng cố kỹ năng viết văn ngày một tiến bộ hơn.
Nguyễn Trãi là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, ông không những góp phần viết nên các trang hào hùng trong lịch sử giữ nước mà còn góp phần xây đắp nền móng vững chãi cho văn học dân tộc. Vậy dưới đây là 2 bài nghị luận về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi mời các bạn cùng đón đọc. Ngoài ra các bạn xem thêm rất nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 10.
Đề bài: Viết một bài văn nghị luận thể hiện những điều bạn cảm nhận được qua tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của danh nhân Nguyễn Trãi.
Dàn ý nghị luận về cuộc đời, sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi
1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về tác gia Nguyễn Trãi.
- Nêu cảm nhận, đánh giá khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.
2. Thân bài:
a, Khái quát chung:
- Nguyễn Trãi (1380 – 1442), hiệu Ức Trai.
- Là một nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ, Danh nhân văn hóa thế giới.
- Có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn học nước nhà.
b, Cuộc đời Nguyễn Trãi: Cuộc đời của một con người tài hoa nhưng bạc mệnh:
– Sinh ra trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động:
- Sự sụp đổ của triều đại nhà Hồ.
- Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự lên ngôi của Lê Lợi.
- Nội bộ triều đình nhà Lê nảy sinh nhiều xung đột, nhiều công thần bị hãm hại.
– Từng từ quan về Côn Sơn ở ẩn do ghét bỏ sự thối nát của triều đình.
– Do bản tính trung trực, liêm khiết mà bị kẻ gian hãm hại, gây ra thảm án Lệ Chi viên:
- Gia đình Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc.
- Thơ văn bị cấm đoán, tiêu hủy.
- Đến tận năm 1464 mới được vua Lê Thánh Tông minh oan.
c, Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Trãi:
* Một sự nghiệp đồ sộ, mang lại nhiều đóng góp quan trọng cho văn học trung đại Việt Nam:
– Số lượng các tác phẩm đồ sộ:
- Chữ Hán: “Ức Trai thi tập”, “Quân trung từ mệnh tập”, “Bình Ngô đại cáo”, “Lam Sơn thực lục”, “Dư địa chí”, “Chí Linh sơn phú”, “Băng Hồ di sự lục”.
- Chữ Nôm: “Quốc âm thi tập”.
– Bao gồm nhiều lĩnh vực: quân sự, chính trị, lịch sử, địa lí, văn học.
* Về nội dung thơ văn:
- Đa dạng đề tài, giàu giá trị tư tưởng và đậm chất trữ tình:
- Tư tưởng nhân nghĩa: thương dân, trung quân, ái quốc.
- Tình yêu thiên nhiên.
- Những ưu tư về thế sự.
* Về đặc điểm nghệ thuật:
- Ngòi bút chính luận sắc sảo, đạt đến trình độ mẫu mực.
- Các sáng tác thơ chữ Hán đạt tới sự nhuần nhuyễn, điêu luyện.
- Sáng tạo ra được thể thơ riêng bằng chữ Nôm.
- Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của dân chúng.
d, Đánh giá:
- Tuy có một cuộc đời trắc trở, đầy biến cố nhưng Nguyễn Trãi vẫn tỏa sáng với tài năng chói lóa và những giá trị đạo đức quý báu.
- Thơ văn Nguyễn Trãi là tập đại thành của văn học trung đại Việt Nam.
3. Kết bài:
- Khẳng định ý kiến, quan điểm về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.
- Liên hệ mở rộng.
Nghị luận về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là người tận trung ái quốc, yêu mến quê hương đất nước thiết tha, là nhà quân sự tài ba, là nhà văn nhà thơ lỗi lạc. Nguyễn Trãi đúng là một đại văn hào của dân tộc, có nhiều đóng góp lớn cho dân tộc nhưng lại là người chịu nhiều bất hạnh oan uổng nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, sinh năm 1380 và mất năm 1442, quê ở Nhị Khê (Hà Tây ), phụ thân là Nguyễn Phi Khanh, phụ mẫu là Trần Thị Thái, cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, là người có xuất thân từ dòng dõi quý tộc. Ông là người thông minh từ nhỏ, rất chịu khó học, năm 1400 ông đỗ Thái học sinh. Cuộc đời của Nguyễn Trãi trải qua rất nhiều thăng trầm, lên 6 tuổi mẹ qua đời, ông đỗ Thái học sinh vào năm 20 tuổi. Hai cha con cùng ra làm quan với nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh tràn sang cướp nước ta, Nguyễn Phi Khánh bị bắt sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi đi theo chăm sóc cha. Sau đó ông đã trở về và làm nên chiến thắng cho dân tộc vào 10 năm sau đó.
Sau khi đất nước trở lại yên bình, chán ngán với chốn quan trường, ông đã xin về ở ẩn. Đến năm 1440 Lê Thái Tông mời ông ra giao việc lớn. Ông đã giúp vua rất nhiều trong việc trị vì đất nước. Mọi chuyện đang diễn ra rất tốt đẹp thì nhà vua chết đột ngột, bọn gian thần vu cho ông âm mưu giết vua, khép tội chu vi tam tộc 1442. Nguyễn Trãi và dòng tộc đã phải mang nỗi oan nghiệt đó suốt 20 năm và đến năm 1464 Lê Thánh Tông mới giải tỏa nỗi oan này cho Nguyễn Trãi, ban chiếu truy tìm hậu duệ còn sót lại của Nguyễn Trãi và ban cho chức quan.
Không chỉ có vậy, Nguyễn Trãi còn để lại cho kho tàng văn học dân tộc rất nhiều những tác phẩm có giá trị. Sau khi bị dính vào nghi án giết vua, nhiều tác phẩm tác phẩm của ông từng bị ra lệnh tiêu hủy. Sau nhiều năm, những tác phẩm giá trị ấy mới được sưu tầm. Ông đã để lại cho kho tàng văn học nhiều tác phẩm có giá trị: về quân sự và chính trị, Nguyễn Trãi có ”Quân trung từ mệnh tập” gồm những thư từ và giấy tờ giao thiệp với giặc Minh và triều đình nhà Lê.
“Bình ngô đại cáo” là áng ”thiên cổ hùng văn” trong lịch sử, tổng kết cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh và mở ra một kỉ nguyên mới cho nước nhà … Về lịch sử có ”Lam Sơn thực lục” là cuốn sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và ”Dư địa chí” viết về địa lý nước ta lúc bấy giờ. Về văn học, Nguyễn Trãi có “Ức trai thi tập, Quốc Âm thi tập”. ”Quốc Âm thi tập” được viết bằng chữ nôm, đánh dấu sự hình thành của nền thơ ca Tiếng Việt.
Thơ văn Nguyễn Trãi luôn thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên, nổi bật trong thơ văn Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa mang nội dung yêu nước, thương dân. Ông luôn một lòng suy nghĩ, tìm cách để đem lại sự yên bình cho dân. Ông yêu thiên nhiên và coi thiên nhiên là bầu bạn của mình.
Ông để lại nhiều tác phẩm thơ chữ Hán với thế giới thẩm mĩ phong phú, vừa trữ tình, trí tuệ, vừa hào hùng, lãng mạn. Về thơ Nôm, Nguyễn Trãi là người tiên phong và để lại những bài thơ giàu trì tuệ, sâu sắc, thấm đẫm trải nghiệm về cuộc đời, được viết bằng ngôn ngữ tinh luyện trong sáng, đăng đối một cách cổ điển. Nguyễn Trãi là nhà thơ đã sớm đưa tục ngữ vào tác phẩm, ông cũng là người đã sáng tạo hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn, một hình thức khác với Đường Luật. Có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật tài đức có đủ, trí dũng song toàn trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến.
Nguyễn Trãi đúng là một danh nhân lẫy lừng của dân tộc, ông tạo nền tảng cho văn học nước nhà, có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Ông là người đã dành hết cuộc đời mình để lo cho dân cho nước. Ghi nhớ công lao của Nguyễn Trãi, năm 1980, Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.
Bài văn nghị luận về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi
“Danh nhân văn hóa thế giới” Nguyễn Trãi là một trong những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến văn học Việt Nam. Cuộc sống tuy nhiều thăng trầm nhưng sau tất cả, con người ông vẫn sáng ngời phẩm chất, giá trị đạo đức tốt đẹp cùng tài năng “ngàn năm có một”. Ông đã trở thành một tượng đài trong lòng người dân đất Việt.
Qua thông tin từ sách báo, có thể thấy, Nguyễn Trãi là một con người “tài hoa bạc mệnh”. Ông có tài năng, có nền tảng gia đình tốt đẹp. Nhưng tiếc thay, ông lại sống trong một giai đoạn lịch sử hỗn loạn hỗn loạn. Sự sụp đổ và vùng lên của các triều đại phong kiến gây ra bao lục đục, mâu thuẫn nội bộ. Rất nhiều công thần chính trực, liêm khiết bị bọn xu nịnh hãm hại, trong đó có cả Nguyễn Trãi. Không chỉ phải chịu án thảm khốc “chu di tam tộc”, tất cả các tác phẩm của ông cũng bị hủy hoại. Chỉ đến khi vua Lê Thánh Tông giải oan vào năm 1464, văn thơ Nguyễn Trãi mới dần được tìm kiếm và khôi phục lại.
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi không chỉ nổi tiếng bởi mức độ đồ sộ, đa dạng mà còn bởi những giá trị vượt thời đại mà nó mang đến.
Nội dung chủ đạo xuyên suốt các tác phẩm của Ức Trai có thể kể đến: tư tưởng nhân nghĩa, tình yêu thiên nhiên và nỗi lòng ưu tư về thế sự. Đó là tấm lòng trung quân, ái quốc, trọng dân, ơn dân sâu sắc, quý báu của người làm quan. Đó là những rung động, cảm nhận, chiêm nghiệm đầy tinh tế của tâm hồn người nghệ sĩ về cuộc sống. Và đó cũng là băn khoăn, trăn trở trước thời cuộc. Nhìn vào thực tế xã hội đổ vỡ với bộ máy chính quyền thối nát, Nguyễn Trãi chỉ còn biết thở dài đầy cay đắng.
Không chỉ xuất sắc về nội dung, thơ văn Nguyễn Trãi còn là sự kết tinh hoàn hảo của vô số hình thức nghệ thuật đặc sắc. Với vai trò là nhà chính trị, ông đã vô cùng thành công với thể loại văn chính luận. Ngòi bút của ông đạt đến trình độ mẫu mực, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các tư tưởng, đạo đức Nho giáo với chân lí, quy luật tất yếu của cuộc sống. Thơ ông dù bằng chữ Hán hay chữ Nôm thì đều sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật một cách điêu luyện, giản dị, đậm đà tính dân tộc. Đặc biệt, ông còn sáng tạo nên thể thơ Nôm riêng khi đưa những câu thơ sáu chữ vào bài thơ thất ngôn vô cùng hài hòa. Có thể nói, Nguyễn Trãi đã đóng góp nhiều giá trị lớn cho sự phát triển và hoàn thiện của văn học trung đại Việt Nam.
Sinh ra trong một thời đại loạn lạc với vô vàn cám dỗ, Nguyễn Trãi đã chứng tỏ sự thanh khiết, chính trực của một bậc đại trượng phu qua vô vàn áng thơ văn giàu tính triết lí. Tuy cuộc đời gặp nhiều thăng trầm, bi kịch nhưng ông vẫn sáng ngời đức tính tốt đẹp. Ông mãi là một trong những tượng đài lớn của nền văn học nước nhà.
Nói về Nguyễn Trãi, Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Trán thi sĩ vượt mây nhưng trong ruột thơ vẫn cháy lên ngọn lửa đời rất ấm”. Câu nói ấy là lời khẳng định cho cái cao cả, bao la của thơ văn Nguyễn Trãi, đánh thức bao cảm xúc mãnh liệt ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Những tác phẩm của ông đã, đang và sẽ còn nguyên giá trị đối với mọi thế hệ sau này.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Viết bài văn nghị luận về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi Những bài văn hay lớp 10 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.