Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Đình Chiểu gồm 7bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay và sáng tạo.
Giới thiệu nhà văn Nguyễn Đình Chiểu sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú. Các em hãy đọc kĩ từng đoạn văn, từng bài văn rồi suy nghĩ, tham khảo, chứ không sao chép một cách máy móc. Bên cạnh đó các bạn xem thêm thuyết minh về tác phẩm văn học.
Dàn ý thuyết minh về nhà văn Nguyễn Đình Chiểu
I. Mở bài:
- Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của dân tộc.
- Ông đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm văn chương có giá trị.
- Ông còn là người có lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc.
- Ông luôn nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù, giữ trọn lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.
II. Thân bài:
* Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:
- Ông sinh năm 1822 và mất năm 1888.
- Quê cha: xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Quê mẹ: làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP Hồ Chí Minh).
- Năm 1843 (21 tuổi): ông thi đỗ tú tài. 6 năm sau, ông bị mù.
- Nguyễn Đình Chiểu về Gia Định dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân.
- Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, ông tích cực tham gia phong trào kháng chiến bằng cách cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn bạc việc đánh giặc và sáng tác thơ văn khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân.
- Khi Nam Kì rơi vào tay giặc, ông về sống tại Ba Tri, Bến Tre. Ông luôn giữ trọn lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân cho đến lúc mất.
* Sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại nhiều áng văn chương có giá trị:
- Truyện Lục Vân Tiên
- Dương Từ – Hà Mậu
- Chạy giặc
- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
- Thơ điếu Trương Định
- Ngư Tiều y thuật vấn đáp.
III. Kết bài:
- Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương cho mọi người noi theo.
- Các tác phẩm của ông có giá trị truyền bá đạo lý làm người, cổ vũ lòng yêu nước, ý chí cứu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, sẵn sàng hi sinh vì dân, vì nước.
- Ông đã cho em bài học quý về đạo lý làm người, về ý chí nghị lực phi thường, về lòng căm thù giặc và lòng yêu nước.
- Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông mãi mãi sống trong lòng người dân đất Việt.
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Đình Chiểu – Mẫu 1
Nguyễn Ðình Chiểu là người mở đầu cho giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX, tên tuổi ông là tượng trưng cho lòng yêu nước của nhân dân miền Nam và thơ văn ông là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta.(*)
Nguyễn Ðình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương phủ Tân Bình, Gia Ðịnh và mất ngày 3-7-1888 tại Ba Tri, Bến Tre. Cuộc đời Nguyễn Ðình Chiểu sớm trải qua những chuỗi ngày gia biến và quốc biến hải hùng đã tác động đến nhận thức của ông.
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Ðình Chiểu đã theo cha chạy giặc. Từ một cậu ấm con quan, bỗng chốc trở thành một đứa trẻ thường dân sống trong cảnh chạy loạn, trả thù, chém giết. Lớn lên, bị bệnh mù mắt, bị gia đình giàu có bội ước, công danh dang dở. Mặc dù cuộc đời Nguyễn Ðình Chiểu gặp nhiều bất hạnh nhưng lúc nào ông cũng gắn bó với nhân dân. Tuy sống trong cảnh mù lòa nhưng Nguyễn Ðình Chiểu đã tiến thân thành danh bằng con đường hành đạo của mình. Ông đã mở lớp dạy học, viết văn và hốt thuốc chữa bệnh cho dân. Lúc nào ông cũng quan tâm lo lắng cho chiến sự. Ở đâu ông cũng làm cùng một lúc ba nhiệm vụ của ba người tri thức để cứu dân, giúp đời.
Nguyễn Ðình Chiểu có nhiều nghị lực và phẩm chất, phải có nghị lực phi thường và khí phách cứng cỏi thì Nguyễn Ðình Chiểu mới vượt qua những bất hạnh của cá nhân và thời cuộc để đứng vững trước cơn binh lửa hãi hùng của lịch sử mà không sờn lòng, nản chí. Nguyễn Ðình Chiểu là hiện thân của nhiều phẩm chất cao đẹp làm người. Trong ứng xử cá nhân, Ðồ Chiểu là tấm gương sáng về đạo hiếu nghĩa nhân từ. Tất cả cô đúc lại thành khí tiết của nhà nho yêu nước Việt Nam tiêu biểu cho giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.
Văn chương chưa phải là toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Ðùnh Chiểu. Sự nghiệp của ông còn lớn hơn nhiều. Ông không chỉ là nhà văn mà còn là nhà giáo, người thầy thuốc và là một nhà tư tưởng. Nhưng văn chương của ông đồ sộ đủ đứng thành sự nghiệp riêng. Nguyễn Ðình Chiểu bắt đầu viết văn sau khi mù, hầu hết các tác phẩm đều viết bằng chữ Nôm. Căn cứ vào nội dung có thể chia ra thành hai thời kỳ sáng tác: Trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ: Tác phẩm Lục Vân Tiên là tác phẩm đầu tay, có tính chất tự truyện. Pháp xâm lược Nam Kỳ: Tác phẩm Dương Từ-Hà Mậu có ý kiến cho rằng tác phẩm được viết trước khi Pháp xâm lược cũng có ý kiến ngược lại, mục đích của tác giả là dạy đạo Khổng cho học trò và sau này được sửa lại cho phù hợp với tình hình. Tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp chủ yếu nói về các phương thuốc và nghề làm thuốc nhưng tràn đầy tinh thần yêu nước.
Các bài thơ Ðường luật, các bài hịch, văn tế… tiêu biểu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc(1861), Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Ðịnh(1864), Mười bài thơ điếu Phan Tòng(1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh(1874), Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây, Hịch đánh chuột chưa xác định thời điểm sáng tác. Với những tác phẩm nổi tiếng của mình, Nguyễn Ðình Chiểu trở thành người có uy tín lớn. Bọn thực dân nhiều lần tìm cách mua chuộc ông nhưng ông vẫn một mực từ chối các ân tứ. (Có nhiều giai đoạn về thái độ bất hợp tác của Nguyễn Ðình Chiểu với kẻ thù).
Cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà thơ mù Nam Bộ là một bài học lớn về lòng yêu nước, về việc sử dụng ngòi bút như một vũ khí đấu tranh sắc bén. Tấm gương Nguyễn Ðình Chiểu theo thời gian vẫn không mờ đi chút nào. Nguyễn Ðình Chiểu tuy không nghị luận về văn chương nhưng ông có quan điểm văn chương riêng. Quan điểm văn dĩ tải đạo của ông khác với quan niệm của nhà nho, càng khác với quan niệm chính thống lúc bấy giờ. Nhà nho quan niệm Ðạo là đạo của trời, còn Ðồ Chiểu cũng nghĩ đến nhưng có khác:
Ðạo trời nào phải ở đâu xa
Gẫm ở lòng người mới thấy ra
Trên nguyên tắc đạo trời được đề cao nhưng trong thực tế đạo làm người đáng quý hơn nhiều. Ðó là quan niệm bao trùm văn chương Ðồ Chiểu. Quan điểm văn chương Ðồ Chiểu tuy không được tuyên ngôn nhưng đây là quan điểm tiến bộ và gần gũi với văn chương dân tộc: Văn chương chiến đấu, vị nhân sinh, đầy tinh thần tiến công và tinh thần nhân ái.
Thuyết minh về Nguyễn Đình Chiểu – Mẫu 2
Có ai mà không mơ ước được một lần nhìn thấy thiên đường? Một lần được đặt chân vào và mục kích những kì quan tuyệt mĩ mà không nơi nào ở trần thế có được? Em đã may mắn được đến tham quan nơi mà người ta gọi là “thiên đường” – nơi chỉ dành cho những người hiền tài, nhân đức – và càng may mắn hơn nữa khi mà tại đó, em được gặp gỡ, trò chuyện với một trong những nhà thơ Nôm xuất chúng của nền văn học Việt Nam thời Pháp thuộc, người đã để lại cho đời những tác phẩm lớn có giá trị, một trong những người đặt nền tảng để phát triển ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc – cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Hôm ấy, sau khi chuẩn bị bài cho ngày mai xong, em đánh ngay một giấc ngon lành. Bỗng, có ai đó nắm chặt lấy tay em, kéo em chạy về hướng một cánh cửa lớn bằng vàng đang tỏa một thứ ánh sáng chói chang, kì ảo. Sau khi qua khỏi cánh cổng, lực kéo cũng biến mất và em như không tin vào mắt mình: hiện ra trước mắt em là một khu vườn lung linh với muôn vàn loại cây xinh đẹp và kì lạ mà em chưa từng biết đến. Càng tiến sâu vào rừng, em lại càng không khỏi ngạc nhiên và thích thú với vạn vật nơi đây: nào là loài chim với bộ lông ngũ sắc sặc sỡ, nào là chú hươu trắng muốt với cặp những đồ sộ vươn dài, hay những chú bướm với đôi cánh lấp lánh tỏa sáng dịu nhẹ,… Tiến sâu hơn nữa, em bỗng nghe có tiếng ai đàn hát vui vẻ. Tò mò, em bèn đi về phía tiếng hát. Và ô kìa, ở giữa khu rừng diệu kì này lại có một mái vòm nhỏ, tại đó, vài ông lão râu tóc bạc phơ đang uống rượu, làm thơ, xung quanh họ là hai cô gái xinh đẹp uyển chuyển gảy từng phím đàn. Phải chăng họ là những thần tiên sinh sống tại khu rừng này? Trong số các tiên nhân đang đối ẩm, em đặc biệt chú ý đến một ông lão với đôi mắt nhắm nghiền. Ông làm thơ rất hay, nhưng những bài thơ của ông không có ngôn từ hoa mỹ như các bạn hữu của mình mà lại mộc mạc, dễ hiểu và khiến em cảm thấy rất gần gũi. Trông ông lão rất quen, và khi nghe những tiên nhân khác gọi ông là “cụ đồ Chiểu”, em mới nhận ra, thì ra ông chính là cụ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả của rất nhiều bài thơ Nôm nổi tiếng, trong đó có một vài bài thơ em đã từng được học. Bỗng, một trong hai tiên nữ đánh đàn phát hiện có người lạ nhìn trộm, nàng thông báo cho những người còn lại và chỉ tay về phía em đang đứng. Như hiệu ứng domino, buổi tao đàn bị gián đoạn và tất cả những cặp mắt đổ dồn về một phía – phía mà ngón tay vị tiên nữ chỉ về. Không còn cách nào, em đành bước ra, xin lỗi về sự bất lịch sự của mình và giải thích vì sao em lại có mặt ở đó. Sau khi nghe em giải thích, mọi người không những không giận mà còn mời em tham gia hội tao đàn của chốn tiên cảnh. Cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng nói chuyện với em rất thân tình, hôm đó, em đã hỏi cụ:
“Cháu đã từng được đọc về những bài văn của ông, cháu rất thích và ngưỡng mộ tài văn chương cũng như tinh thần yêu nước của ông qua những bài thơ ấy. Hôm nay lại được may mắn gặp và nói chuyện với ông, ông có thể kể cho cháu về cuộc đời văn chương của mình không?
Cụ đồ Chiểu cười hiền hậu, ôn tồn kể:
– Ta chào đời vào năm 1822, tại làng Tân Thới. Cha mẹ đặt cho ta cái tên Mạnh Trạch, khi lớn, ta lấy hiệu là Trọng Phủ, Hối Trai để sáng tác thơ văn. Nhưng có lẽ mọi người đã quen gọi ta bằng cái tên dân gian: cụ Đồ Chiểu. Phụ thân ta – Nguyễn Đình Huy – vốn là thơ lại Văn hàn ty ờ Gia Định, nhưng sau cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, ông bị cách chức nên cùng ta và mẫu thân là Trương Thị Thiệt trở về quê ở Thừa Thiên. Tại đó, ta đã được một người bạn của bố nhận nuôi và được dạy dỗ, học hành. Sau này, ta lấy vợ là Lê Thị Điền, nàng là một người có tài có đức.
Không chỉ em mà các vị tiên nhân khác cũng bị cuốn vào câu chuyện của cụ Chiểu, mọi người im lặng lắng nghe cụ thuật lại, không gian yên tĩnh đến lạ. Ngừng một chút, cụ lại kể tiếp:
– Cháu và các bạn đồng trang lứa khác rất may mắn khi được sống trong cảnh đất nước độc lập, nhân dân ấm no. Còn ta, khi sinh ra gặp phải thời loạn lạc, triều đình bất lực, nông dân bị áp bức, bóc lột khắp nơi, rồi sau này, khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng càng hà hiếp, vơ vét của dân, cuộc sống lại càng cực khổ trăm bề.
Kể đến đây, giọng cụ đầy phẫn nộ và căm giận. Em càng hiểu rõ thêm về cụ – một người với tấm lòng yêu nước tha thiết.
– Sau khi được ăn học đàng hoàng, năm 22 tuổi, ta về lại Gia Định ứng thí và đã đỗ Tú tài. Ba năm sau đó, ta lại ra Thừa Thiên thi tiếp nhưng chưa kịp thị lại hay tin thân mẫu ở nhà vừa qua đời, ta bỏ thi, tức tốc trở về chịu tang mẹ. Bất hạnh thay, trên đường trở về, ta mắc phải chứng đau mắt rồi bị mù từ đó.
25 tuổi mất mẹ, cùng lúc mù lòa, tai họa ập đến với cụ vô tình quá! Em cảm thấy thương thay cho số phận của một người tài nhưng cuộc đời gặp phải nhiều sóng gió! Tất cả mọi người đều lặng đi, cụ vẫn kể tiếp:
-Từ ngày bị mù, ta bắt đầu chuyển sang học nghề thuốc, đồng thời cũng mở trường dạy học và đôi khi lại sáng tác văn chương. Ta cứ sống yên bình như thế. Rồi ta lấy vợ. Từ khi nên duyên, nàng trở thành đôi mắt của ta, giúp ta đọc viết. Có thể nói, ta có được sự nghiệp như hôm nay một phần cũng nhờ nàng. Khoảng năm 1862, khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam bộ, ta cùng vợ lánh giặc ở Bến Tre. Mặc dù mù lòa, không thể cầm vũ khí giết giặc nhưng ta vẫn luôn bí mật liên lạc bàn mưu với những nhà lãnh đạo yêu nước như Trương Định, Đốc binh Là,… Bên cạnh đó, ta tiếp tục sáng tác văn chương và xem đó như một vũ khí đắc lực để chống giặc, ủng hộ Cách mạng. Dù phải sống trong bóng tối nhưng ta cảm thấy thật mãn nguyện với cuộc sống của mình. Rồi cái gì đến cũng đến, năm 1888, ta mất, từ đó, ta được đưa đến thiên giới, sống tại chốn tiên cảnh này, cùng bầu bạn, làm thơ với các tiên nhân.
Nghe về cuộc đời của ông khiến nhiều người không khỏi khâm phục. Một trong những tiên nhân nghe xong câu chuyện đã không cầm lòng được, tấm tắc:
– Ngài quả thật là người xuất chúng, đã có tài văn thơ lại một lòng yêu nước. Tôi từng nghe, khi Pháp ngỏ ý cấp đất, cấp tiền, hòng mua chuộc ngài – người được lòng tin và sự kính trọng của nhân dân – ngài đã kiên quyết từ chối. Câu nói “Nước chung đã mất, đất riêng còn có được sao?” đầy khảng khái, kiên định của ngài được lan truyền, vun đắp thêm tình yêu nước và tinh thần quật cường của nhân dân.
– Đúng vậy! Đúng vậy! – Một người khác tiếp lời – Những bài thơ ngài đã sáng tác dù là trước hay sau khi Pháp xâm lược đều rất hay, rất ý nghĩa. Trước khi Pháp thuộc thì có truyện thơ dài Lục Vân Tiên, sau có các loại văn tế như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định,…thơ Đường luật: Chạy Tây, Mười hai bài điếu Trương Định,. . ngoài ra còn có Thảo thử hịch, Ngư Tiều y thuật vấn đáp,…. Riêng truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu thì không rõ là sáng tác trước hay sau thời Pháp xâm lược. Tuy nhiên một điều chắc chắn là những bài thơ của ngài đã góp phần không nhỏ trong kho tàng văn học Việt Nam.
Các tiên nhân bình luận thật sôi nổi làm em cũng hào hứng, muốn góp phần:
– Nhất là truyện thơ Lục Vân Tiên đấy ạ! Cháu vừa được học một đoạn trích của truyện vài hôm trước. Câu chuyện kể về người anh hùng hào kiệt Lục Vân Tiên với tình thần nghĩa hiệp và Kiều Nguyệt Nga – một tiểu thư liễu yếu đào tơ. Hai người yêu nhau nhưng phải chia cắt, trải qua bao nhiêu sóng gió, hai người gặp lại nhau và sống hạnh phúc bên nhau. Đọc tác phẩm này, khiến người đọc cảm thấy thân thuộc, gần gũi, mang chất trữ tình, có thể nói đây là một trong những tác phẩm cháu thích nhất trong các truyện thơ của văn học Việt Nam.
– Quả thật, ngài đã cống hiến cho đời những thành tựu to lớn, nhất là với văn học. Nếu là ngày xưa, những bài thơ cổ vũ Cách mạng của ngài chính là nguồn động lực to lớn cho nhân dân, là vũ khí sắc bén tấn công kẻ thù xâm lược. Có người bảo:” Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào bọn giặc ngoại xâm và tôi tớ:
Học theo ngòi bút chí công
Trong thơ cho ngụ tấm lòng xuân thu.”
Ngài là một trong những người đặt nền tảng để phát triển chữ Nôm dần thành chữ Quốc ngữ. Còn đối với đất nước hiện đại ngày nay, những áng văn chương của ngài trở thành di sản quý báu của văn học, những bài thơ của ngài giúp cho cuộc sống thêm xuân, đánh dấu sự ngoan cường chiến đấu chống giặc của người dân nước Việt.
Cuộc trò chuyện diễn ra thật sôi nổi khiến em quên cả thời gian. Bỗng em nghe tiếng chuông báo thức quen thuộc vang lên. Mọi thứ bỗng tối sầm lại và em choàng tỉnh. Thì ra chỉ là một giấc mơ. Nhưng qua giấc mơ này, em có lẽ đã biết được phần nào về Nguyễn Đình Chiểu: ở con người mù lòa từ tuổi thanh xuân ấy, nổi lên ba nhân cách: một nhà giáo mẫu mực, một thầy thuốc đức độ và một nhà thơ xuất chúng. Hòa với ba nhân cách đó là tấm lòng nồng nàn yêu nước của con người tài ba. Được trò chuyện với ông dù chỉ qua giấc mơ cũng khiến em vô cùng mãn nguyện. Trở về thực tại, em bỗng nhớ đến một câu nói của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân ngày mất Nguyễn Đình Chiểu: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.
Thuyết minh về nhà văn Nguyễn Đình Chiểu – Mẫu 3
Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phòng Cầu Kho, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Thân sinh nhà thơ là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên là Thơ lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.
Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ. Những cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc bị triều đình Huế đàn áp, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã gây ra những bão táp kinh hoàng trực tiếp đến gia đình Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Huy bỏ trốn ra Huế, bị cách chức, sau đó trở vào Nam đón Nguyễn Đình Chiểu, đem gửi cho một người bạn để ăn học. Cuộc sống 8 năm ở Huế đã giúp ông nhận rõ hơn sự thối nát và phức tạp của triều đình, đồng thời có điều kiện để tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc ở đất kinh đô.
Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849), nhưng chưa kịp thi thì có tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang mẹ, vì quá lo buồn, khóc thương, ông lâm bệnh và mù cả hai mắt.
Về đến Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, ông tổ chức dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn. Nhờ sống gắn bó với nhân dân, ông có điều kiện hiểu đồng bào của mình sâu sắc hơn. Chính trong thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện thơ đầu tiên Lục Vân Tiên. Tác phẩm đề cập đến vấn đề đạo nghĩa ở đời, mang dấu ấn tự truyện, đã được nhanh chóng phổ biến rộng rãi. Một người học trò của ông là Lê Tăng Quýnh, vừa trọng nể tài năng và nhân cách, lại vừa thương cảm hoàn cảnh của thầy, đã đem gả người em gái là Lê Thị Điền cho ông. Ngày 17-2-1858, giặc Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ngợi ca chiến công anh hùng của những người “dân ấp dân lân” trong trận tấn công đồn Tây Dương, mà người bạn đồng khoa với ông là Đỗ Trình Thoại đã hy sinh cùng với 7 nghĩa quân khác. Tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu dài 3.448 câu thơ mang nội dung phê phán âm mưu lợi dụng tôn giáo của kẻ địch, lên án những người thờ ơ, vô trách nhiệm trước cảnh nước mất nhà tan cũng được sáng tác tại đây
Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến. Khi được tin Trương Định hy sinh (19-8-1864), nhà thơ xúc động, viết bài Văn tế và Mười hai bài thơ liên hoàn điếu người anh hùng. Mười bài thơ điếu Đốc binh Phan Tòng hy sinh trong trận Giồng Gạch (1868) vốn gốc là hương sư, bạn bè thân thiết với ông, lời lẽ rất thống thiết, có những câu thơ tâm huyết như lời thề tạc vào đá: “Tinh thần hai chữ pha sương tuyết, khí phách ngàn thu rỡ núi non”. Khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây, ông làm thơ điếu họ Phan với ít nhiều ngụ ý phê phán.
Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Nổi bật là thiên hùng bút Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh. Tất cả tâm huyết của nhà thơ như dồn vào những câu đau xé lòng người: “Dân sa nước lửa bấy chầy, giặc ép mỡ dầu hết sức”. Đồng bào ở đây kể lại rằng chính ông đứng ra làm lễ tế những nghĩa sĩ Lục tỉnh ngay tại chợ Ba Tri. Khi đọc xong bài điếu, nước mắt chảy ràn rụa và ông lăn kềnh ra nằm bất tỉnh.
Tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp được viết vào giai đoạn cuối đời với một bút pháp già dặn hơn và một niềm tâm sự sâu lắng, xót xa hơn trước cảnh đất nước bị “dưa chia, khăn xé”, nhưng không hề tuyệt vọng.
Bến Tre không phải là nơi sinh của nhà thơ, nhưng lại là nơi vinh hạnh được ông chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm đầy biến cố phức tạp vào giai đoạn cuối đời và đã vĩnh viễn gởi xương cốt tại đây. Người ta kể lại rằng ngày đưa đám ma ông, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những bạn bè, học trò, con cháu xa gần, những thân chủ được ông chữa khỏi bệnh và những đồng bào quanh vùng hoặc đã chịu ơn ông, hoặc vì mến mộ, cảm phục một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.
Hơn một phần tư thế kỷ, sống trên đất Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Thơ văn của ông đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ con người Bến Tre và ngưng đọng lại ở đó, biến thành một sức mạnh vật chất giúp họ có thể chiến thắng được mọi gian nguy, thử thách gay go và khốc liệt nhất.
Thuyết minh về nhà văn Nguyễn Đình Chiểu – Mẫu 4
Trong nền văn học Việt Nam, hiếm có nhà thơ nào vừa tài năng vừa đức độ như Nguyễn Đình Chiểu. Ông là một nhà thơ lớn của dân tộc ta với những áng văn chương bất hủ mang đậm giá trị văn học Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Đình Chiểu (hay được gọi là cụ Đồ Chiểu) sinh năm 1822 trong một gia đình phong kiến tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định và mất vào năm 1888. Tuy là một nhà thơ lớn của dân tộc nhưng cuộc đời ông lại lắm những gian truân, lận đận ngược xuôi. Là con đầu lòng trong một gia đình đông con, lại là con của vợ lẽ nên từ bé cuộc sống của ông đã cơ cực, vất vả. Năm lên 11, khi Nam Kì bị chiếm, cha gửi ông ra Huế ở nhờ nhà người bạn. Sau 8 năm, theo học tại nơi đây, ông trở lại miền Nam chăm lo đèn sách chờ ngày thi hương. Năm 1843, ông đỗ tú tài khi ấy ông mới 21 tuổi. Năm 1846,ông lại quay về Huế ôn thi hội. Ba năm sau đó, vừa đúng lúc ngày thi cận kề thì cũng là lúc ông nhận được tin mẹ mình qua đời. Ông lập tức về Nam chịu tang mẹ, bỏ dở dang việc thi cử. Trên đường về quê, ông bị ốm. Vì đường xá xa xôi, tiết trời oi bức, bệnh ông càng trở nặng, lại thêm nỗi đau vừa mất mẹ, thương khóc quá nhiều nên chẳng may ông bị mù cả hai mắt. Thế là giấc mộng công danh đã không thành, thân lại còn mang khiếm khuyết. Những tưởng tương lai, cuộc đời ông đến đây là chấm hết, cánh cửa cuộc đời như khép lại. Thế nhưng, ông quyết không đầu hàng số phận, bằng chính nghị lực và ý chí của bản thân, ông đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ biến đau thương thành động lực tiếp tục phấn đấu, vươn lên làm chủ số phận mình. Sau đó, ông về Gia Định vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho người dân.
Cuộc đời ông là một tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, sự bất khuất trước quân thù. Tuy không nhìn thấy ánh sáng, không thể trực tiếp tham gia kháng chiến chống giặc ngoài chiến trường nhưng ông vẫn luôn bàn bạc việc nước với Đốc binh và trao đổi thư tín với Trương Định. Khi tản cư về Ba Tri (Bến Tre), Nguyễn Đình Chiểu vẫn trao đổi với các chí sĩ yêu nước và thường sáng tác những bài thơ phục vụ cho kháng chiến, động viên tinh thần chiến đấu của các anh chiến sĩ bộ đội ngoài sa trường. Mặc dù, nhiều lần ông bị bọn thực dân Pháp dụ dỗ mua chuộc nhưng ông vẫn luôn cự tuyệt và tiếp tục tham gia vào cuộc kháng chiến.
Trước khi ra đi, ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm nổi bật, mang đậm tư tưởng đạo lí, bản sắc văn hóa dân tộc. Các tác phẩm tiêu biểu như là: “Dương Từ-Hà Mậu”, “Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”,… đã góp phần tạo nên tên tuổi của ông như ngày hôm nay. Đặc biệt nhất là tác phẩm “Lục Vân Tiên” là một tuyệt tác đã để lại nhiều ấn tượng cho người đọc. Nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện cũng chính là hình ảnh ẩn dụ của nhà văn Nguyễn Đình Chiểu và cuộc đời đầy truân chuyên, sóng gió của chàng Lục Vân Tiên cũng chính là cuộc đời của ông ngoài đời thực. Dưới ngòi bút tài ba của Nguyễn Đình Chiểu, các nhân vật từ chính đến phụ, phản diện hay chính diện trong truyện đều được ông khắc họa một cách tinh tế, manh những màu sắc rất riêng biệt và đa dạng. Các tác phẩm của ông đều truyền đến cho đọc giả những giá trị đạo đức, đạo lý làm người trong cuộc sống.
Nguyễn Đình Chiểu sẽ luôn là một nhà thơ lớn của dân tộc ta và những áng thơ của ông luôn mang một tầm ảnh hưởng nhất định đến người dân Việt. Ông và những tuyệt tác của ông sẽ luôn sống mãi với thời gian trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Thuyết minh về nhà văn Nguyễn Đình Chiểu – Mẫu 5
Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tên tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ. Sau khi bị mù, ông còn lấy thêm hiệu là Hối Trai. Cha là Nguyễn Đình Huy, quê Thừa Thiên. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nên từ nhỏ Nguyễn Đình Chiểu đã được học chữ nghĩa thánh hiền. Năm 1843, ông đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học để chuẩn bị thi tiếp.
Đến năm 1849, trước khi vào trường thi thì ông nhận được tin mẹ mất, đành bỏ dở để trở về Nam chịu tang. Trên đường về, phần do vất vả, bệnh tật, phần do thương mẹ, Nguyễn Đình Chiểu khóc đến nỗi bị đau mắt nặng rồi mù. Không khuất phục trước số phận bất hạnh, ông mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo; đồng thời sáng tác thơ ca để bày tỏ lòng yêu nước và thái độ căm thù quân xâm lược cùng bè lũ phong kiến bán nước. Nguyễn Đình Chiểu đã giữ vững khí tiết của một nhà Nho chân chính và tấm lòng son sắt với nước với dân cho đến hơi thở cuối cùng.
Nguyễn Đình Chiểu gặp rất nhiều bất hạnh trong cuộc đời riêng, ở tuổi thanh xuân, ông đã từng ôm ấp lý tưởng cao đẹp trí quân trạch dân, tức là phò vua giúp nước để thỏa chí nam nhi. Nhưng những tai ương dồn dập trút xuống khiến ông không thể thực hiện được lí tưởng ấy. Mẹ mất, đường công danh dang dở, vợ sắp cưới bội ước, bản thân lại mù lòa… Một con người bình thường khó có thể đứng vững trước ngần ấy chuyện không may liên tục xảy ra trong một thời gian ngắn, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua tất cả bằng một nghị lực phi thường, bằng tình yêu cuộc sống mãnh liệt.
Có thể nói cuộc đời của nhà thơ mù Đồ Chiểu gắn bó chặt chẽ với cuộc đời của nhân dân lao động nghèo khổ. Ông vừa dạy chữ vừa dạy đạo lý làm người, vừa chữa thân bệnh vừa chữa tâm bệnh cho dân. Trái tim ông đập theo nhịp đập trái tim dân chúng, thông cảm và chia sẻ nỗi đau, nỗi nhục bị áp bức và nô lệ trong tình cảnh đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm. Nhờ vậy mà ông phát hiện ra những phẩm chất cao quý ẩn giấu trong hình thức lam lũ của người lao động. Tất cả những cái đó tạo nên tầm cao trong tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp sáng tác của ông. Tấm lòng nhân ái sâu xa, rộng lớn của Nguyễn Đình Chiểu đã được đáp đền một cách chân thành, nồng hậu. Nhân dân Nam Bộ dành cho ông tình cảm yêu thương, tôn kính đặc biệt. Ngày tiễn đưa ông về với tổ tiên, cả cánh đồng Ba Tri rợp trắng khăn tang của hàng ngàn người mến mộ. Tên tuổi, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu sống mãi trong lòng nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã khắc sâu, tô đậm hình ảnh những con người lao động mộc mạc, chân chất mà ông hết lòng yêu thương, mến phục. Hình ảnh người dân Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài kết tinh trong nhân vật Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực…, trong nhân vật ông Ngư, ông Tiều mà ai ai cũng biết. Lục Vân Tiên dũng cảm, nghĩa hiệp: Làm ơn há dễ trông người trả ơn. Ông Ngư hết lòng cứu người trong Cơn hoạn nạn: Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn. Kiều Nguyệt Nga tiết hạnh, trung trinh… Đó là những nhân vật tư tưởng của tác giả mà cũng là hình tượng được dân chúng Nam Bộ thời ấy tôn thờ. Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tinh thần cộng đồng là vì lẽ đó. Nội dung thấm đẫm tư tưởng nhân nghĩa của truyện khiến nó đã trở thành kinh nhật tụng của đồng bào Nam Bộ. Đi đâu cũng thấy hiện tượng mọi người thích thú nghe nói thơ, kể thơ Vân Tiên, bởi trong đó có biết bao bài học thấm thía về đạo lí. Đằng sau câu chuyện tưởng như minh hoạ cho những tư tưởng, triết lí đậm chất Nho giáo ấy chính là những bài học đạo đức đề cao tình nghĩa vợ chồng, cha con, bè bạn, tình thương yêu, cưu mang, đùm bọc giữa người với người. Đó là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã có tự ngàn đời.
Khi thực dân Pháp tấn công lấn chiếm Lục tỉnh Nam Kỳ thì tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã chuyển biến thành tư tưởng yêu nước chống xâm lăng. Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên những câu thơ tâm huyết để bày tỏ quan điểm của mình:
Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ,
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình.
Dù đui mà đặng trọn mình,
Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu.
Thái độ kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù của ông càng làm cho nhân dân tin tưởng và khâm phục. Điều đáng trân trọng ở ông là cả tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng yêu nước đều hướng tới nhân dân lao động.
Qua một số tác phẩm nổi tiếng như Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư Tiều y thuật vấn đáp… Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện rất rõ lập trường, quan điểm của mình là đứng hẳn về phía nhân dân để phê phán và lên án triều đình nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng, bán rẻ giang sơn gấm vóc của tổ tiên để lại, quay lưng ngoảnh mặt làm ngơ trước tình cảnh lầm than của dân đen, con đỏ:
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng?
Nỡ để dân đen mắc nạn này!
(Chạy Tây)
Trong bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc, nhà thơ căm hận gọi lũ xâm lược là quân tả đạo, đi tới đâu gieo rắc mùi tinh chiên tanh hôi và thói mọi đến đó. Dân chúng phẫn nộ muốn xông ra ăn gan, cắn cổ quân thù cho hả dạ. Thái độ ấy hoàn toàn đối lập với thái độ thờ ơ vô trách nhiệm của phần lớn vua quan nhà Nguyễn. Giặc Pháp chiếm nước ta đã ba năm và đánh chiếm Nam Bộ đã hơn mười tháng, dân trông tin quan như trời hạn trông mưa, chờ đợi đến mỏi mòn mà vẫn không thấy triều đình có phản ứng gì. Yêu nước, căm thù quân xâm lược, những người dân ấp dân lân vốn côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó đã tự nguyện đứng lên làm nhiệm vụ trọng đại chém rắn, đuổi hươu, đoạn kình, bộ hổ để cứu nước, cứu nhà.
Từ mái tranh nghèo, họ xông ra thẳng chiến trường với vũ khí là rơm con cúi, lưỡi dao phay, ngọn tầm vông… những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống lao động hằng ngày. Những nghĩa sĩ nông dân tung hoành nơi chiến trận, chẳng đợi ai đòi ai bắt, chẳng sợ tàu thiếc tàu đồng súng nổ. Họ đã làm cho quân giặc khiếp vía kinh hồn. Những vũ khí thô sơ trong tay họ cũng góp phần làm nên chiến thắng: Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia. Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức, gần ba chục nghĩa sĩ đã ngã xuống. Cái chết vì nghĩa lớn của họ khiến cho đất trời và lòng người cảm động: Đoài sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ. Điều an ủi lớn nhất đối với gia đình họ là chồng con mình đã sống và chết đúng theo quan niệm chết vinh còn hơn sống nhục của ông cha từ bao đời nay. Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh:
Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Ngòi bút thấm đẫm cảm xúc mến yêu, kính phục của Nguyễn Đình Chiểu đã vẽ nên bức tranh công đồn ngất trời tráng khí, đã dựng nên tượng đài sừng sững về người nghĩa sĩ nông dân yêu nước muôn thuở sáng ngời. Tinh thần tự nguyện xả thân cứu nước của họ góp phần khẳng định truyền thống anh dũng, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Trong tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, nước với dân là một. Tình yêu thương nhân dân tha thiết chính là cơ sở vững chắc của lòng yêu nước dạt dào, mãnh liệt của ông. Suốt một đời sống hoà đồng, gắn kết với nhân dân, ông đã phát hiện ở họ những phẩm chất quý giá, những quan niệm nhân sinh giản dị mà có giá trị vĩnh hằng và lấy đó làm cơ sở cho triết lý sống của bản thân.
Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, cho nền văn học nước nhà, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu, kính phục của nhân dân dành cho ông. Nhận xét về Nguyễn Đình Chiểu, nhà lý luận phê bình văn học Hoài Thanh viết: “Sự gắn bó sâu xa với quần chúng là đặc điểm nổi bật trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, là nhân tố chủ yếu đào tạo nên con người, sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.”
Thuyết minh Nguyễn Đình Chiểu – Mẫu 6
Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), người làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong một gia đinh nhà nho, cha người gốc Thừa Thiên – Huế. Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học, chuẩn bị thi tiếp thì nhận được tin mẹ mất, ông phải bỏ thi về chịu tang mẹ. Dọc đường về, Nguyễn Đình Chiểu đau mắt nặng rồi bị mù. Về quê, không khuất phục trước số phận oan nghiệt, nhà thơ mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân rồi cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc và sáng tác những vần thơ đánh giặc cháy bỏng căm hờn, sôi sục ý chí chiến đấu.
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương giàu nghị lực, giàu lòng yêu nước và tinh thần bất khuất kiên cường trước kẻ thù xâm lược. Dù bị tàn tật, ông vẫn là một thầy giáo tận tâm, là một thầy thuốc giàu y đức và là một nhà thơ xuất sắc. Ở cương vị nào ông cũng làm việc và cống hiến hết mình.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho, bởi thế mà tư tưởng đạo đức, nhân nghĩa của ông mang tinh thần của Nho giáo. Mặc dù vậy, Nguyễn Đình Chiểu còn là một trí thức nhân dân, suốt đời sống nơi thôn xóm, giữa những người “dân ấp, dân lân” tâm hồn thuần hậu, chất phác nên tư tưởng đạo đức của ông có những nét mang phong cách rất dân dã của những người nông dân thuần phác. Nguyễn Đình Chiểu thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa là tình thương yêu con người, sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn; nghĩa là những quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, tình cha con, nghĩa chồng vợ, tình bạn bè, xóm giềng, tinh thần hiệp nghĩa sẵn sàng cứu khốn phò nguy,…
Những nhân vật lí tưởng trong Truyện Lục Vân Tiên hầu hết là đều là những người dân thường, sinh trưởng trong những nơi thôn ấp nghèo khó (những nho sinh như Vân Tiền, Tử Trực, Hớn Minh; những ông Ngư, ông Quán, ông Tiều, bà lão dệt vải,…). Tâm hồn của họ ngay thẳng, không màng danh lợi, không tham phú quý, sẵn sàng ra tay cứu giúp người hoạn nạn. Trước Nguyễn Đình Chiểu, nhân nghĩa vẫn được xem là phạm trù đạo đức lí tưởng, chỉ có ở bậc thánh nhân, những người quân tử thuộc tầng lớp trên. Đến Nguyễn Trãi, nhân nghĩa cũng đã hướng đến người dân. Ông kêu gọi nhà cầm quyền nhân nghĩa với dân, thời chiến thì lấy nhân nghĩa để thắng quân bạo ngược, thời bình thì đưa nhân nghĩa vào chính sự, khoan sức cho dân. Tuy nhiên, phải đến Nguyễn Đình Chiểu thì phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân. Điều đó giải thích tại sao nhân dân, đặc biệt là cư dân vùng đất mới Nam Kì, vốn rất xem trọng mối liên hệ gắn kết giữa con người với con người trên cơ sở chữ nghĩa truyền thống, tiếp nhận tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu nồng nhiệt đến thế.
Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn yêu nước ở thời kì đầu chống Pháp xâm lược đé bảo vệ Tổ quốc. Đây là thời kì khổ nhục nhưng vĩ đại (Phạm Văn Đồng) của dân tộc. Đất nước mất dần vào tay giặc trước mắt nhà thơ. Các phong trào chống Pháp cũng lần lượt thất bại, người yêu nước thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đã ngã xuống chiến trường. Nhưng “Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã làm sáng tỏ chân lí đó. Ông khóc than cho Tổ quốc buổi đầu gặp thương đau:
Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hỏm mai vắng chúa; thua buồn nhiều nỗi khúc nhôi;
Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trong vua, ngơ ngẩn một phường trẻ dại.
(Văn tế Trương Định)
Ông cảm uất chửi mắng vào mặt kẻ thù:
Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;
Bát cơm manh áo ở dời, mắc mớ chi ông cha nó.
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Ông hết lòng ngợi ca những sĩ phu như Trương Định đã một lòng vì nước, vì dân:
Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;
Theo bụng dân phải chịu tướng quân thù, gánh vác một vai khổ ngoại.
(Văn tế Trương Định)
Ông dựng bức tượng đài bất tử về những người dân ấp, dân lân: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ bình” (Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc). Ngay cả lúc bờ cõi đã “chia đất khác”, Nguyễn Đình Chiểu vẫn nuôi giữ một niềm tin vào ngày mai: “Một trận mưa nhuần rửa núi sông” (Xúc cảnh), vẫn kiên trì một thái độ bất khuất trước kẻ thù: “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt – Lòng đạo xin tròn một tấm gương” {Ngư Tiều y thuật vấn đáp). Với những nội dung trên, có thể nói thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời. Nó có tác dụng động viên, khích lệ không nhỏ tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân ta.
Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông. Mỗi người dân Nam Bộ có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông từ lời ăn tiếng nói, ở sự mộc mạc, chất phác đến tấm lòng nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương rất mực và căm ghét đến điều. Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi những phép tắc, lễ nghi và sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Họ nóng nảy, bộc trực nhưng lại rất đằm thắm, ân tình. Đó là những nét rất riêng trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam.
Như đã nói ở trên, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Trãi có những điều gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi cũng lấy cái nền tảng của sự nhân nghĩa là quyền lợi của nhân dân nhưng đến Nguyễn Đình Chiểu thì phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân, gần gũi thực sự với nhân dân. Đó thực sự là một bước tiến dài của tư tưởng.
Giới thiệu nhà văn Nguyễn Đình Chiểu – Mẫu 7
Nguyễn Đình Chiểu là chí sĩ yêu nước thiết tha, là nhà văn, nhà thơ lớn, là thầy thuốc hết lòng vì dân. Tuy sớm bị mù cả hai mắt nhưng ông đã ông ngừng sáng tạo và để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Có thể nói sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu như bóng cây đại thụ rợp mát cả bầu trời văn học nước ta thế kỉ 19.
Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 tại tỉnh Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Ông xuất thân trong gia đình nhà nho gốc Thừa Thiên Huế. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, Tổng trấn Gia Định Thành. Mẹ ông là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới.
Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu theo học chữ thầy đồ ở trong làng. khi cha ông bị cách chức, ong được cha đem ông ra gửi cho một người bạn đang làm Thái phó ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 11 tuổi (1833) đến 18 tuổi (1840), thì trở về Gia Định. Sau đó ông lại tiếp tục ra Huế chờ kì thi năm 1849. Đến năm 1848, mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ. Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, lại thêm đường đi vất vả, ăn uống thiếu thốn khiến Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng và mù cả hai mắt. Khi mãn hạn tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học và làm thuốc. Trong thời gian này, ông bắt đầu sáng tác văn chương.
Khi quân Pháp nổ súng đánh phá thành Gia Định vào đầu năm 1859. Vô cùng đau đớn trước thảm cảnh mà quân Pháp đã gây nên cho đồng bào ông, và rất thất vọng về sự hèn yếu, bất lực của triều đình, ông làm bài thơ “Chạy giặc” tỏ rõ tấm lòng xót thương.
Cuộc tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc của nghĩa quân thất bại khiến cho nhiều nghĩa sĩ hi sinh. Theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu làm bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” hết sức bi thiết. Khi Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Thanh Ba (Cần Giuộc) về Ba Tri (Bến Tre), vì không thể sống chung với họ. Chia tay với bạn bè thân quen, ông làm bài thơ “Từ biệt cố nhân”. Về Ba Tri, ông tiếp tục dạy học, làm thuốc và đem ngòi bút yêu nước của mình ra phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Kỳ suốt trong hơn 20 năm, dù đã mù lòa.
Bởi yêu nước nhưng bị mù lòa, xót thương đồng bào trong cảnh li tán, khổ đau, bị sát hại, Nguyễn Đình Chiểu đã viết rất nhiều văn tế. Ông mất năm 1888, tại Ba tri, thọ 66 tuổi. Thương xót cho cụ, hàng chục vạn người từ nam chí bắc hướng về Ba Tri. Lê truy điệu diễn ra hầu hết ở Nam kì lục tỉnh. Đám tang cụ Đồ Chiểu được xem là đám tang lớn nhất diễn ra trong khoảng thời gian này.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn, một thầy thuốc và đồng thời cũng là một chiến sĩ. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng về nghị lực và đạo đức, suốt đời chiến đấu không biết mệt mỏi cho lẽ phải, cho quyền lợi nhân dân. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù tối, và gặp lúc biến loạn mà vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy mẫu mực, mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị.
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ đầu tiên xây dựng thành công hình ảnh những người nông dân trong văn học Việt, đắp tô tượng đài vĩnh cửu về người anh hùng Nam Bộ tiên phong trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược. Ông đề cao tư tưởng Nho gia, xem ra có vẻ bảo thủ. Song điều đáng chú ý là các tư tưởng ấy mang nội dung đạo nghĩa nhân dân, gắn chặt với ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, do đó có một ý nghĩa xã hội to lớn, khởi đầu cho một thời đại văn chương sử thi mới sau này.
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương trong sáng, cao đẹp. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là “vì sao có ánh sáng khác thường”…”phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng”. Ánh sáng tỏa ra từ thơ văn của ông là ánh sáng của đạo đức, nhân nghĩa, là tiếng nói yêu nước, là thành tựu nghệ thuật xuất sắc mang đậm sắc thái Nam Bộ.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về nhà văn Nguyễn Đình Chiểu (Dàn ý + 7 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 10 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.