Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật Ăng Đrô Mác trong tác phẩm Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 2 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn phân tích đánh giá nhân vật ngày một tốt hơn.
Ăng Đrô Mác là nhân vật để lại rất nhiều ấn tượng. Đây là mẫu người phụ nữ giàu tình thương yêu với chồng con và gia đình. Chính bởi vậy, đôi khi, nàng lo lắng cho gia đình tới mức đánh mất lí trí của mình. Để hiểu rõ hơn về nhân vật này mời các bạn cùng theo dõi dàn ý và 2 bài văn mẫu dưới đây. Bên cạnh đó các bạn xem thêm phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác, dàn ý phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác.
Dàn ý phân tích nhân vật Ăng Đrô Mác
1. Mở bài: Giới thiệu đoạn trích và nhân vật Ăng-đrô-mác.
2. Thân bài:
a. Trình bày hoàn cảnh của nhân vật:
– Biết quân A-kê-en khí thế áp đảo, các chiến binh Tơ-roa buộc phải thoái lui, Ăng-đrô-mác vội vã mang theo con thơ tới thành I-li-ông.
– Hai vợ chồng Héc-to và Ăng-đrô-mác gặp nhau tại cổng Xkê. Tại đây, nàng đã bộc lộ nỗi lòng cùng những tâm tư, suy nghĩ của bản thân.
b. Phân tích và nhận xét về hình tượng, tính cách, phẩm chất,… của nhân vật Ăng-đrô-mác:
* Ngoại hình: cánh tay trắng ngần, cao quý, trang phục diễm lệ.
* Phẩm chất:
– Nàng là người phụ nữ chung thủy, luôn yêu thương Héc-to và gia đình của mình:
- Khi nghe tin những chiến binh của thành Tơ-roa phải rút lui, nàng vội vã chạy lên thành để tìm kiếm Héc-to.
- Khi gặp lại Héc-to ở cổng thành Xkê, nàng nước mắt đầm đìa, xiết chặt bàn tay phu quân và trút bầu tâm sự.
- Không muốn Héc-to ra trận vì lo sợ chàng sẽ gặp nguy hiểm.
- Nàng coi Héc-to là người thân yêu duy nhất của mình “giờ đây với thiếp, chàng là cha và cả mẹ kính yêu, chàng là cả anh trai duy nhất, cả đức lang quân cao quý của thiếp”.
- Giây phút tạm biệt Héc-to, nàng vô cùng lưu luyến “hàng lệ tuôn rơi, chốc chốc lại ngoái nhìn theo bóng hình phu quân yêu quý”.
– Ăng-đrô-mác cũng là người có ý thức sâu sắc về bổn phận và trách nhiệm của bản thân đối với thành Tơ-roa:
- Thường cùng các phu nhân thành Tơ-roa vấn tóc chỉnh tề đi dâng lễ cầu xin nữ thần nguôi cơn thịnh nộ.
- Sau khi nghe Héc-to khuyên giải, nàng đã quay trở về nhà.
c. Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
– Khắc họa nhân vật thông qua hành động, lời nói.
– Sử dụng biện pháp điệp ngữ: lặp đi lặp lại những từ ngữ miêu tả cố định về nhân vật “trang phục diễm lệ”, “phu nhân hiền thục”, “người mẹ dịu hiền”.
d. Suy nghĩ và cảm xúc bản thân về nhân vật:
– Ăng-đrô-mác là một người phụ nữ yêu chồng con, yêu gia đình. Chính vì thế, đôi khi, nàng lo lắng đến mức đánh mất lí trí. Nhưng cuối cùng, nàng cũng nhận ra trách nhiệm, bổn phận của bản thân mình.
-> Tâm lí của nàng Ăng-đrô-mác là tâm lí thường thấy ở người phụ nữ khi chồng đi chinh chiến.
3. Kết bài:
– Khái quát thành công của tác giả trong việc xây dựng nhân vật.
– Nêu cảm nghĩ của bản thân về thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.
Phân tích Ăng Đrô Mác – Mẫu 1
Nhắc tới nhà thơ Hô-me-rơ, chúng ta không thể bỏ qua tác phẩm đồ sộ của ông – sử thi “I-li-át”. Trong đó, đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” là một trích đoạn tiêu biểu. Văn bản đã khắc họa thành công nhân vật Ăng-đrô-mác – một người phụ nữ yêu thương gia đình.
Sau khi biết tin những chiến binh Tơ-roa phải thoái lui vì khí thế áp đảo của quân A-kê-en, nàng Ăng-đrô-mác vô cùng lo lắng. Nàng nóng vội mang theo nhũ mẫu đang bồng bế con thơ tới tòa tháp lớn tại thành I-li-ông. Nàng đi trong tâm thế “như người mất trí, bà vừa đi vừa chạy lên thành, đầu không ngoảnh lại”. Ăng-đrô-mác mong muốn nhanh chóng được gặp Héc-to. Cuối cùng, vợ chồng Héc-to và Ăng-đrô-mác đã gặp nhau ở cổng Xkê. Tại đây, nàng trực tiếp bộc lộ nỗi lòng cùng tâm tư, suy nghĩ của bản thân.
Trong mắt Héc-to, Ăng-đrô-mác là một người vợ hiền thục. Trước khi trở thành phu nhân của Héc-to, Ăng-đrô-mác là nàng công chúa xinh đẹp, đài các con vua Ê-ê-xi-ông. Theo thời gian, khí chất thanh cao ấy vẫn tỏa sáng trên người nàng. Nàng có cánh tay trắng ngần, trang phục luôn diễm lệ. Bên cạnh vẻ bề ngoài cao quý, Ăng-đrô-mác còn mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp.
Trước hết, nàng người phụ nữ chung thủy, luôn yêu thương Héc-to và gia đình. Khi nghe tin những chiến binh của thành Tơ-roa phải rút lui, nàng không thể bình tĩnh ngồi chờ. Nàng lo lắng đến mức vội vàng mang theo con nhỏ, chạy tới thành I-li-ông. Giây phút gặp được phu quân – hoàng tử Héc-to tại cổng Xkê, trạng thái lo sợ trong nàng phần nào buông bỏ, nàng hạnh phúc “nhào tới đón chồng”. Chứng kiến người chồng “bằng xương bằng thịt” ở ngay trước mắt, nàng không khỏi trào dâng nỗi xúc động “nước mắt đầm đìa”, siết chặt bàn tay phu quân và trút bầu tâm sự. Nàng luôn tin tưởng, tín nhiệm Héc-to vì biết chàng là một con người giàu lòng can đảm. Thế nhưng, khi đứng trước khó khăn, nàng lại không muốn phu quân ra trận. Nàng lo sợ Héc-to sẽ gặp nguy hiểm ở bất cứ nơi đâu “Ra trận, bọn A-kê-en nhất loạt xông lên sẽ tức khắc hạ sát chàng… Thiếp nguyện xuống mồ sâu còn hơn để mất chàng”. Có thể thấy, tình yêu mà Ăng-đrô-mác dành cho Héc-to thật cao cả, lớn lao. Nàng nguyện hi sinh bản thân chứ không muốn mất đi Héc-to. Tận sâu thâm tâm và trái tim nàng, Héc-to đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Nàng coi vị hoàng tử thành Tơ-roa là người thân yêu duy nhất của mình “giờ đây với thiếp, chàng là cha và cả mẹ kính yêu, chàng là cả anh trai duy nhất, cả đức lang quân cao quý của thiếp”. Nàng hi vọng, khao khát gia đình nhỏ bé của mình sẽ mãi êm ấm, hạnh phúc. Nàng không muốn “trẻ thơ phải mồ côi, vợ hiền thành góa phụ”. Lúc này đây, trái tim cùng lí trí của nàng Ăng-đrô-mác đã dành hết cho người chồng và gia đình yêu dấu. Cuối cùng, dù vô cùng lưu luyến khi phải tạm biệt Héc-to “hàng lệ tuôn rơi, chốc chốc lại ngoái nhìn theo bóng hình phu quân yêu quý” nhưng nàng vẫn lựa chọn tin tưởng quyết định ở chồng mình.
Là vợ của hoàng tử thành Tơ-roa – Héc-to, nàng Ăng-đrô-mác luôn có ý thức sâu sắc về bổn phận và trách nhiệm của bản thân. Nàng thường cùng các phu nhân trong thành đến đền thờ A-tê-na để dâng lễ cầu xin nữ thần nguôi cơn thịnh nộ. Nàng hi vọng cuộc sống nơi thành I-li-át sẽ lại êm ấm, hạnh phúc. Bởi vậy, sau khi nghe Héc-to tâm sự, nàng đã quyết định quay trở về nhà theo lời chồng. Có thể thấy, đứng trước hạnh phúc gia đình và lợi ích cộng đồng, nàng Ăng-đrô-mác đã có suy nghĩ tích cực. Nàng biết đặt tình cảm to lớn với quốc gia, dân tộc lên trên tình cảm cá nhân. Rồi đây, nàng sẽ là hậu phương vững chắc của hoàng tử Héc-to, là người chăm lo gia đình khi chồng vắng nhà.
Có thể nói, với ngòi bút tài hoa, nhà thơ Hô-me-rơ đã xây dựng thành công nhân vật nàng Ăng-đrô-mác. Những phẩm chất, tính cách của nhân vật chủ yếu được bộc lộ rõ nét thông qua hành động, lời nói “Phu nhân lại bên chàng, nước mắt đầm đìa”, “Xin chàng hãy rủ lòng thương thiếp và con mà đừng ra trận…”. Bên cạnh đó, Hô-me-rơ còn sử dụng biện pháp điệp ngữ để làm nổi bật đặc điểm nhân vật nàng Ăng-đrô-mác. Ông thường lặp đi lặp lại những từ ngữ miêu tả cố định về nhân vật như “trang phục diễm lệ”, “phu nhân hiền thục”, “người mẹ dịu hiền”. Từ đây, nàng Ăng-đrô-mác hiện lên thật chân thực, sinh động.
Đọc xong đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác”, em vô cùng yêu mến nhân vật Ăng-đrô-mác. Nàng là một người phụ nữ giàu tình thương yêu với chồng con và gia đình. Chính bởi vậy, đôi khi, nàng lo lắng cho gia đình tới mức đánh mất lí trí. Chúng ta không nên vội vàng đánh giá Ăng-đrô-mác là một người ích kỉ, chỉ biết lo cho gia đình mà hãy thử đặt mình vào vị trí của nàng. Đứng trước hiểm nguy, nàng đã lựa chọn lắng nghe theo lời trái tim mách bảo. Đây cũng là biểu hiện thường thấy ở phụ nữ – suy nghĩ thiên về cảm xúc. Tuy nhiên, sau tất cả, nàng Ăng-đrô-mác cũng nhận ra trách nhiệm và bổn phận của bản thân với thành Tơ-roa. Như vậy, tâm lí của nàng Ăng-đrô-mác là tâm lí thường thấy ở người phụ nữ khi chồng đi chinh chiến.
Phân tích nhân vật Ăng Đrô Mác – Mẫu 2
Có thể nói, sử thi “I-li-át” là bản anh hùng ca nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Bằng những sáng tạo độc đáo, nhà thơ Hô-me-rơ đã xây dựng nên vô vàn nhân vật với những nét tính cách tiêu biểu. Trong đó, nhân vật Ăng-đrô-mác trong đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” đã để lại cho độc giả dấu ấn sâu đậm bởi tấm lòng thương yêu chồng con, gia đình tha thiết.
Trước hết, nàng Ăng-đrô-mác hiện lên trong tình cảnh vô cùng éo le. Sau khi biết tin các chiến binh thành Tơ-roa phải rút lui trước khí thế áp đảo của quân A-kê-en, Ăng-đrô-mác vội vàng mang theo con thơ tới thành I-li-ông để tìm Héc-to. Biết tin, Héc-to cũng khẩn trương chạy khắp nơi tìm nàng. Cuối cùng, hai vợ chồng gặp nhau tại cổng Xkê. Trong khoảnh khắc ấy, nàng Ăng-đrô-mác đã bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình khi đứng trước lợi ích gia đình và vận mệnh cộng đồng. Từ tình huống này, phẩm chất, tích cách ở nhân vật được bộc lộ một cách chân thực.
Mang trong mình khí chất cùng xuất thân cao quý, Ăng-đrô-mác hiện lên với vẻ đẹp lộng lẫy “cánh tay trắng ngần”, “trang phục diễm lệ”. Nàng là vị công chúa xinh đẹp – con vua Ê-ê-xi-ông. Sau này, nàng gả cho Héc-to – hoàng tử đồng thời là chủ soái quân đội thành Tơ-roa. Tuy sống trong quyền thế và nhung lụa nhưng nàng Ăng-đrô-mác chưa từng tỏ ra kênh kiệu, ngạo mạn. Thay vào đó, con người nàng luôn sáng ngời đức tính tốt đẹp.
Đầu tiên, nàng là người yêu gia đình, chung thủy với chồng. Khi biết tin chiến binh trong thành phải thoái lui, nàng như người mất trí, mang theo con thơ đi tìm Héc-to. Nàng vội vã tới mức “vừa đi vừa chạy, đầu không ngoảnh lại”. Lúc này đây, chắc hẳn tràn ngập trong thâm tâm nàng là nỗi lo sợ phu quân của mình đã gặp nguy hiểm. Khoảnh khắc nhìn thấy Héc-to – bóng hình mà nàng đang kiếm tìm tại cổng Xkê, nàng khẩn trương mà “nhào tới đón chồng”. Ăng-đrô-mác nghẹn ngào bật khóc “nước mắt đầm đìa” rồi bày tỏ suy nghĩ của chính mình “Ra trận, bọn A-kê-en nhất loạt xông lên sẽ tức khắc hạ sát chàng”. Đứng trước tình thế nguy hiểm như hiện tại, nàng không muốn Héc-to ra trận dẫu biết chồng mình có bản lĩnh anh hùng cùng lòng dũng cảm. Nàng thà rằng mình là người “xuống mồ sâu còn hơn để mất chàng”. Nàng yêu Héc-to như yêu chính sinh mệnh của bản thân. Nàng không chỉ coi hoàng tử thành Tơ-roa là người chồng mà còn là người thân cận ruột thịt “chàng là cha và cả mẹ kính yêu, chàng là cả anh trai duy nhất”. Bởi vậy, nàng không muốn đức lang quân cao quý của mình sẽ gặp nguy hiểm ngoài trận mạc. Nàng hi vọng tổ ấm gia đình luôn hạnh phúc, không thiếu vắng bóng hình ai cả “đừng để trẻ thơ phải mồ côi, vợ hiền thành goá phụ”. Thế nhưng, cuối cùng, nàng vẫn phải lựa chọn từ biệt Héc-to, tiễn chồng ra trận. Nàng vô cùng lưu luyến “hàng lệ tuôn rơi, chốc chốc lại ngoái nhìn theo bóng hình phu quân yêu quý”. Như vậy, toàn bộ đức tin và tình yêu ở Ăng-đrô-mác đã dành trọn vẹn cho chủ soái quân đội thành Tơ-roa.
Hô-me-rơ thật tài tình khi đặt nhân vật Ăng-đrô-mác vào tình cảnh phải lựa chọn hạnh phúc gia đình và lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, dù đứng ở vị trí nào thì nàng cũng làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh đó, nàng cũng là người có ý thức sâu sắc về bổn phận của bản thân với thành Tơ-roa. Nàng thường xuyên cùng các phu nhân vấn tóc chỉnh tề đi dâng lễ, cầu nguyện nữ thần nguôi giận. Hơn ai hết, nàng luôn hi vọng về một cuộc sống không chiến tranh, không thù địch. Chính bởi vậy, mặc dù yêu thương Héc-to nhưng nàng đã lựa chọn “buông tay”, để chồng ra trận còn mình thì quay trở về nhà như lời dặn “Nàng hãy về nhà chăm lo công việc của mình, quay xa kéo sợi, dệt vải, sai bảo tì nữ chăm chỉ”.
Những đặc sắc về nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần làm nổi bật hình tượng nhân vật Ăng-đrô-mác. Đầu tiên, nhà thơ Hô-me-rơ đã khắc họa thành công nhân vật thông qua hành động, lời nói. Tiếp đến, ông còn sử dụng biện pháp điệp ngữ bằng cách lặp đi lặp lại những từ ngữ miêu tả cố định về nhân vật “trang phục diễm lệ”, “phu nhân hiền thục”, “người mẹ dịu hiền”. Nhờ đó, nhân vật Ăng-đrô-mác hiện lên thật nổi bật và rõ nét.
Có thể nói, Ăng-đrô-mác là một người phụ nữ yêu chồng con, yêu gia đình. Do đó, khi biết chồng sẽ gặp phải khó khăn lúc ra trận, nàng cảm thấy rất lo lắng. Lúc này đây, cảm xúc trái tim đã đánh thắng suy nghĩ lí trí. Như vậy, tâm trạng của Ăng-đrô-mác là tâm trạng thường gặp ở tất cả phụ nữ khi có chồng đi đánh trận.
Đoạn trích “Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác” đã khẳng định và tô đậm vẻ đẹp của nàng Ăng-đrô-mác – một người giàu tình yêu thương. Mong rằng, những giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp ở tác phẩm sẽ sống mãi trong kí ức độc giả.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật Ăng Đrô Mác (Dàn ý + 2 Mẫu) Những bài văn hay lớp 10 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.