Bạn đang xem bài viết Vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván tiêm mấy mũi? Ai không nên tiêm? tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bạch hầu, ho gà và uốn ván là những căn bệnh đã bùng phát thành dịch lớn ở nhiều nơi trên thế giới và hiện đã có các vắc xin phòng bệnh là DTaP và Tdap hay DT và Td.
Cùng tìm hiểu những thông tin xoay quanh các loại vắc xin nay qua tham vấn của Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh – Bác sĩ Nhi – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cùng Pgdphurieng.edu.vn.
Những điều cần biết về bạch hầu, uốn ván và ho gà
Đầu tiên chúng ta cần có khái niệm chung nhất về 3 căn bệnh này.
Bạch hầu: Đây là loại bệnh liên quan đến đường hô hấp, có thể làm cản trở hô hấp, tê liệt, suy tim và thậm chí là tử vong. Bệnh rất dễ lây lan khi người bệnh ho và hắt hơi.
Ho gà: Bệnh này gây ho và co thắt cổ họng nghiêm trọng, làm trẻ sơ sinh khó khăn khi ăn uống, thậm chí là thở. Ho gà rất dễ lây lan, có thể dẫn đến các tình trạng viêm phổi, co giật, tổn thương não và tử vong.
Uốn ván: Bệnh này một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong đất gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ tiết ra chất độc tấn công hệ thần kinh, gây co thắt cơ và tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Sự khác nhau giữa vắc xin DTaP, Tdap, DT và Td
- DT và Td: Vắc xin chỉ phòng bệnh uốn ván và bạch hầu.
- DTaP: Đây là 2 loại vắc xin ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ em dưới 7 tuổi, xây dựng khả năng miễn dịch đối với ba căn bệnh nguy hiểm này.
- Tdap: Chủng ngừa vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván Tdap giúp tăng cường miễn dịch, cung cấp sự bảo vệ liên tục cho thanh thiếu niên đủ 11 tuổi và người lớn từ 19 – 64 tuổi.
Vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván tiêm mấy mũi?
Trẻ từ 0 – 6 tuổi
Theo khuyến cáo, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên tiêm đủ 5 liều vắc xin DTaP theo lịch trình như sau:
- Một liều lúc 2 tháng tuổi
- Một liều lúc 3 tháng tuổi
- Một liều lúc 4 tháng tuổi
- Một liều lúc 18 – 24 tháng tuổi
- Một liều lúc 4 – 6 tuổi.
Trẻ từ 7 – 18 tuổi
Theo Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh, trẻ em trong độ tuổi từ 7 – 10 tuổi chưa được tiêm phòng đầy đủ bệnh ho gà, bao gồm cả trẻ em chưa bao giờ được tiêm phòng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng, nên tiêm bổ sung 1 liều vắc xin Tdap.
Trong khi đó, trẻ vị thành niên từ 11 – 12 tuổi nên tiêm thêm 1 liều Tdap để tăng cường khả năng miễn dịch.
Với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 13 – 18 tuổi, chưa tiêm vắc xin Tdap nên tiêm bổ sung 1 liều, sau đó là tiêm phòng uốn ván và bạch hầu (vắc xin Td) vào 10 năm sau.
Thanh thiếu niên và người lớn
Theo bác sĩ, miễn dịch của vắc xin bạch hầu và uốn ván sẽ mất dần theo thời gian. Vì vậy, mọi người cần tiêm nhắc lại vắc xin Td phòng hai bệnh này cứ sau 10 năm kể từ lần đầu tiên được tiêm ngừa.
Ngoài ra, khả năng miễn dịch của bệnh ho gà cũng bị suy yếu, một dạng vắc xin ho gà yếu hơn đã được thêm vào vắc xin Td tăng cường để tạo ra vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván Tdap. Theo khuyến cáo hiện nay, người trong độ tuổi từ 11 – 64 cần tiêm 1 liều vắc xin Tdap để thay thế cho 1 liều vắc xin Td.
Phụ nữ mang thai
Bà bầu cũng được khuyên nên tiêm 1 liều vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván Tdap ở mỗi lần mang thai, tốt nhất là trong khoảng từ tuần thứ 27 – 36 của thai kỳ. Việc làm này giúp bảo vệ em bé khỏi bệnh uốn ván sơ sinh và ho gà trong vài tháng đầu đời.
Đối tượng không nên tiêm vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván
Theo CDC, trẻ em đang bị bệnh vừa hoặc nặng nên đợi cho đến khi hồi phục sức khỏe thì mới tiến hành tiêm chủng vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván. Tuy nhiên, các bệnh nhẹ như cảm lạnh hoặc sốt không cao thì vẫn có thể tiêm như bình thường.
Nếu trẻ gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng sau khi tiêm bất cứ liều vắc xin nào thì không tiếp tục tiêm chủng nữa.
Nếu trẻ gặp vấn đề ở não hoặc hệ thống thần kinh trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vắc xin thì cũng không nên tiêm thêm liều khác.
Một số trẻ có thể gặp phản ứng tiêu cực với vắc xin ho gà có trong DTaP thì không nên tiêm thêm liều tương tự. Tuy nhiên, có thể thay thế bằng vắc-xin DT phòng bệnh bạch hầu và uốn ván.
Tác dụng phụ của vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván
Giống như tất cả những loại thuốc khác, vắc xin cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Tuy vậy, nguy cơ gặp phải sự cố nghiêm trọng đối với vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván DTaP hoặc Tdap là vô cùng thấp. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ mắc những căn bệnh nguy hiểm như bạch hầu hoặc ho gà là rất cao nếu không tiêm vắc xin.
Triệu chứng thông thường sau tiêm
Một số biểu hiện nhẹ thường xuất hiện sau tiêm vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván là:
- Sốt
- Đỏ, sưng hoặc đau nhức tại vị trí tiêm
- Quấy khóc
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
Những triệu chứng này có thể xuất hiện trong vòng 1 – 3 ngày sau khi tiêm và thường tự động hết.
Phản ứng dị ứng (hiếm gặp)
Phản ứng dị ứng thường xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiêm vắc xin. Mặc dù rất hiếm khi xuất hiện, nhưng phản ứng dị ứng phải được cảnh giác và can thiệp y tế ngay lập tức. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Khó thở hoặc thở khò khè
- Khàn tiếng
- Nổi mề đay
- Cơ thể xanh xao, yếu đuối
- Rối loạn nhịp tim
- Chóng mặt.
Một vài trường hợp nạn nhân sẽ bị co giật trong thời gian dài, hôn mê hay thậm chí là suy giảm ý thức và tổn thương não. Tuy nhiên cần lưu ý rằng những vấn đề trên rất hiếm khi xảy ra. Cho đến này vẫn chưa thể khẳng định liệu phản ứng dị ứng có thực sự liên quan đến vắc-xin hay là do một nguyên nhân khác gây ra.
Cách xử trí khi gặp các phản ứng tiêu cực sau tiêm vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván
Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu sau khi tiêm một liều vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván DTaP gặp những triệu chứng sau đây:
- Co giật hoặc ngất xỉu
- Khóc liên tục hơn 3 giờ
- Sốt trên 40 độ C.
Nếu trẻ đã từng bị co giật vì bất kỳ nguyên nhân nào, ba mẹ nên ưu tiên hạ sốt nếu có. Sử dụng thuốc giảm đau không chứa aspirin trong 24 giờ sau khi tiêm thuốc có thể giúp hạ sốt và giảm đau. Không dùng aspirin cho trẻ bị sốt dưới 18 tuổi vì chất này có thể gây ra một căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng – gọi là hội chứng Reye, làm tổn thương não, gan và đe dọa tính mạng.
Trên đây là những thông tin liên quan đến việc tiêm phòng vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván. Bạn cần tuân thủ đúng theo lịch tiêm chủng để không chỉ giúp bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nghiêm trọng mà còn có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: Vinmec
Pgdphurieng.edu.vn
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván tiêm mấy mũi? Ai không nên tiêm? tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.