Bạn đang xem bài viết Ung thư vú là gì? Biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất ở nữ giới chính là ung thư vú. Tuy nhiên, ung thư vú diễn biến rất thầm lặng và hầu như không được phát hiện ở giai đoạn sớm. Hãy cùng tìm hiểu về ung thư vú để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong bài viết dưới đây nhé!
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú (Breast Cancer) là sự tăng trưởng bất thường (phát triển và phân chia một cách không kiểm soát) của các tế bào vú. Ung thư vú có thể bắt nguồn từ các phần khác nhau của tuyến vú như tiểu thuỳ, ống dẫn hoặc mô liên kết.
Thông qua máu và hệ bạch huyết, các tế bào ung thư có thể từ vú di chuyển ra ngoài, tạo thành khối u ở các cơ quan khác. Hiện tượng này gọi là ung thư di căn.
Các loại ung thư vú thường gặp
Ung thư biểu mô ống tuyến vú xâm nhập
Ống tuyến vú là thành phần có chức năng như một chiếc ống dẫn sữa từ tiểu thùy đến núm vú. Ung thư bắt đầu từ vị trí này sẽ tăng sinh, phá vỡ thành ống dẫn sữa và nhanh chóng lan sang các mô vú xung quanh. Đây là ung thư vú phổ biến nhất, chiếm 80% tổng số ung thư vú [1].
Ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ
Loại ung thư này cũng phát triển từ các tế bào ống tuyến vú. Tuy nhiên, sự phát triển của các tế bào này chỉ tồn tại trong ống tuyến vú, chưa xâm lấn ra các mô lành bên ngoài.
Đây có thể được xem là tổn thương tiền ung thư (giai đoạn 0). Tình trạng này nếu được phát hiện chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ ngăn ngừa hình thành ung thư biểu mô ống tuyến vú xâm nhập.
Ung thư biểu mô tiểu thùy tuyến vú xâm nhập
Tiểu thùy tuyến vú là các tế bào sản xuất sữa. Ung thư bắt đầu từ các tế bào biểu mô tiểu thùy tuyến vú và lan ra các mô núm vú, ống tuyến xung quanh tạo thành khối u. Loại ung thư này chiếm khoảng 10% đến 15% các loại ung thư vú [1].
Ung thư biểu mô tiểu thuỳ tuyến vú tại chỗ
Đây được coi là tổn thương tiền ung thư (tổn thương có nguy cơ cao dẫn tới ung thư), các tế bào phát triển bất thường ở tiểu thùy tuyến vú nhưng chưa xâm lấn ra bên ngoài các tế bào khỏe mạnh bên cạnh.
Các tổn thương này, diễn biến âm thầm, nếu phát hiện sớm trong giai đoạn này thì cần theo dõi sát để kịp thời phát hiện những tổn thương khác.
Ung thư vú bộ ba âm tính (TNBC)
Nguyên nhân loại ung thư này có tên ung thư vú bộ ba âm tính bởi không có ba dấu hiệu liên quan như các loại ung thư vú khác là estrogen, progesterone, HER-2 (một loại thụ thể trên các tế bào vú). Đây là ung thư khó điều trị và khótiên lượng nhất. Ung thư loại này chiếm 15% tổng số ung thư vú được ghi nhận [1].
Ung thư vú dạng viêm
Ung thư vú dạng viêm là do các tế bào ung thư tắc nghẽn trong các mạch bạch huyết trong mô vú và da, biểu hiện trên da giống với biểu hiện viêm trên da kèm theo tình trạng ban đỏ, da dày, phù nề, có thể lõm cả núm vú.
Ung thư vú dạng viêm là loại ung thư hiếm gặp và nguy hiểm nhất, với diễn biến nhanh, biểu hiện nặng nề như nhiễm trùng vú, có thể tiến triển thành nhiễm trùng huyết, suy đa tạng.
Bệnh Paget vú
Đây là loại ung thư hiếm gặp, các tế bào ung thư tạo thành các mảng đỏ tương tự tổn thương vảy nến hoặc chàm bao quanh núm vú và quầng vú. Nguồn gốc của các tế bào ung thư này thường là ung thư biểu mô ống tuyến vú xâm nhập.
Dấu hiệu của bệnh ung thư vú
Xuất hiện khối u mới hoặc có cảm giác vú không mềm như bình thường: các khối u này phát triển nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, cứng hơn, thường không gây đau.
Thay đổi kích thước, hình dạng của vú: các tế bào vú sẽ tăng kích thước và có hình dạng không giống như bình thường (lệch về một bên).
Da vùng vú thay đổi: da lồi lên, biến dạng, có thể xuất hiện sần như quả cam (sần da cam) hoặc da bị lõm xuống ở bất kỳ vị trí nào.
Núm vú thụt vào trong: da ngực, núm vú bị kéo vào trong.
Da ở phần vú núm vú có tình trạng đóng vảy, bong tróc, xuất hiện vảy, thay đổi sắc tố.
Dịch núm vú xuất hiện bất thường: dịch tiết bất ngờ xuất hiện, có thể chỉ ở một bên vú. Giai đoạn muộn hơn có thể xuất hiện tình trạng loét vú, dịch hôi, nặng hơn là chảy máu vùng tổn thương.
Xuất hiện hạch: hạch xuất hiện ở vùng nách hoặc vùng thượng đòn.
Các giai đoạn ung thư vú
Giai đoạn 0
Đây là giai đoạn ung thư chưa xâm lấn (giai đoạn tiền ung thư). Các tế bào chỉ nằm ở ống tuyến sữa hoặc biểu mô tiểu thuỳ ống tuyến vú, chưa lan ra để phá huỷ cũng như tăng kích thước ở các khu vực lân cận.
Giai đoạn này rất khó phát hiện vì không có thay đổi nào mang tính đại thể. Tuy nhiên, đây lại là mục tiêu hướng tới khi sàng lọc ung thư của các bác sĩ do tỷ lệ chữa khỏi ở giai đoạn này rất cao.
Giai đoạn 1
Các tế bào ung thư vú đã phát triển và lan ra các mô vú khoẻ mạnh bên cạnh. Giai đoạn này u có kích thước rất nhỏ (nhỏ hơn 2cm) chưa lan ra ngoài vú và chưa xâm lấn vào hệ bạch huyết. Giai đoạn này rất khó phát hiện ra bệnh.
Giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, khối u có thể có những đặc điểm như:
- Với khối u lan đến hạch bạch huyết: kích thước nhỏ hơn 2cm và có ít hơn 4 hạch ở nách di căn ung thư.
- Với khối u chưa lan đến hạch bạch huyết: khối u có kích thước từ 2cm đến 5cm.
Giai đoạn 3
Giai đoạn này các khối u phát triển nhanh và mạnh mẽ, tăng kích thước, lan ra các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các cơ quan ở xa. Giai đoạn 3 còn được với tên ung thư vú tiến triển cục bộ.
Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn cuối cùng của ung thư, còn gọi là ung thư di căn. Các tế bào ung thư không còn giới hạn ở vú và các thành phần xung quanh, mà đã theo hệ bạch huyết đến các cơ quan như não, gan, xương, phổi,… và tạo thành các khối u ở vùng này.
Yếu tố nguy cơ ung thư vú
Giới tính nữ: nữ giới dễ mắc ung thư vú hơn nam giới do tuyến vú phát triển mạnh hơn.
Tuổi: từ 55 tuổi trở lên tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Di truyền: bệnh nhân mắc ung thư vú có thể chị gái, mẹ hoặc em gái mắc ung thư vú. Nếu gia đình có từ 2 người mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc tăng 5 đến 6 lần.
Đột biến gen: Hai gen đột biến di truyền đã được xác định làm tăng khả năng mắc ung thư vú là BRCA1 và BRCA2.
Mắc các bệnh lành tính về vú trước đó: xơ nang tuyến vú, u xơ tuyến vú, nang tuyến vú, hoại tử mô mỡ, viêm tuyến vú, áp xe vú,…
Kinh nguyệt có sớm hơn bình thường: bắt đầu có kinh trước 12 tuổi.
Phụ nữ mãn kinh muộn: phụ nữ mãn kinh khi trên 54 tuổi.
Phụ nữ có con đầu muộn: phụ nữ có con lần đầu tiên khi trên 30 tuổi.
Phụ nữ chưa từng mang thai: phụ nữ chưa từng mang thai có nguy có mắc ung thư vú nhiều hơn phụ nữ đã mang thai.
Sử dụng hormone thay thế sau mãn kinh: Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh dùng các hormone nội tiết nữ như estrogen và progesterone để làm giảm những dấu hiệu của tuổi mãn kinh.
Phụ nữ có estrogen nội sinh cao hơn mức bình thường.
Béo phì: người béo phì có nguy cơ tăng ung thư vú.
Sử dụng rượu bia nhiều và thường xuyên.
Tiếp xúc với phóng xạ: những người có tiền sử điều trị tia xạ, đặc biệt là tia xạ vùng ngực và vú.
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh nhân có thể luôn cảm thấy lo lắng dẫn đến stress và các bệnh về sức khỏe tinh thần.
Với ung thư vú dạng viêm: gây chảy dịch. Đây là môi trường để các vi khuẩn xâm nhập gây loét và hoại tử vú. Nếu nhiễm trùng vào máu có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết.
Ung thư vú di căn đến các cơ quan khác và gây ảnh hưởng tại điểm đó như não, gan, phổi, xương và có thể dẫn đến tử vong
Ung thư vú có thể di căn sang phổi
Cách chẩn đoán bệnh ung thư vú
Chẩn đoán lâm sàng bằng cách quan sát các triệu chứng như đau nhức vùng vú, sờ vào thấy khối u và các biểu hiện khác như núm vú bị tụt vào trong hoặc vết lóm dưới da vú.
Nhũ ảnh (X-quang tuyến vú): đây là phương pháp không xâm lấn với độ chính xác cao. Tia X năng lượng thấp chiếu vào mô tuyến vú có thể phát hiện các bất thường ở giai đoạn sớm.
Chụp quét cắt lớp phát xạ positron(PET): đây là phương pháp sử dụng chất phóng xạ đưa vào cơ thể. Do đặc tính của các tế bào ung thư sử dụng nhiều năng lượng hơn, nên khi sử dụng máy PET có thể cho thấy nơi sử dụng nhiều năng lượng trong cơ thể. Từ đó nghi ngờ vùng mắc ung thư.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có tỷ lệ phát hiện ung thư vú cao hơn nhũ ảnh.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
- Sờ thấy các khối u ở vú, hoặc ở nách.
- Đau nhức vùng vú nhưng không phải do kinh nguyệt.
- Xuất hiện vết lõm dưới da vú hoặc hình ảnh da vú dày hơn bình thường.
- Có biểu hiện tình trạng núm vú tụt vào trong.
- Vú lớn hơn bình thường hoặc lệch về một bên.
Nơi khám chữa ung thư
Khi gặp bất kỳ dấu hiệu nào bất thường về tuyến vú nên đến ngay khoa Ung bướu của các bệnh viện đa khoa hoặc các bệnh viện ung bướu để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tham khảo các bệnh viện chuyên khoa ung bướu uy tín:
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Gia An 115,Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện K, Bệnh viện Sản Trung ương, Bệnh viện Sản Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,…
Các phương pháp chữa bệnh ung thư vú
Phẫu thuật ung thư vú
- Phẫu thuật bảo tồn vú: cắt vùng khối u nhưng vẫn giữ lại vùng lành tính, thường áp dụng với bệnh nhân giai đoạn sớm (giai đoạn 0 và giai đoạn 1).
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú: đây là phẫu thuật lấy toàn bộ mô vú, da vú, lớp mỡ dưới da bên bị bệnh.
- Phẫu thuật tái tạo tuyến vú: đây là phẫu thuật dùng túi độn tạo hình lại vú cùng các vùng da khác của cơ thể như da vùng lưng, vùng bụng để cải thiện thẩm mỹ cũng như chất lượng cuộc sống.
Hóa trị
Hoá trị là phương pháp truyền các chất vào trong cơ thể nhằm làm suy yếu, ngừng lại sự phát triển của các tế bào ung thư. Thông thường phương pháp này được sử dụng trong các trường hợp trước phẫu thuật, sau phẫu thuật, ung thư di căn.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị sẽ được áp dụng trong các trường hợp sau phẫu thuật, trước phẫu thuật hoặc phối hợp xạ trị và điều trị giảm nhẹ.
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone được sử dụng giảm hoặc ngăn ngừa estrogen tác động vào các tế bào ung thư, thường được sử dụng sau phẫu thuật để ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, liệu pháp này chỉ thật sự có ích với các ung thư vú liên quan đến hormone.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các tế bào gốc từ cơ thể nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch, qua đó ngăn ngừa ung thư lan rộng trong các cơ quan. Liệu pháp miễn dịch thường đi cùng với hoá trị để nâng cao hiệu quả.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng sử dụng các thuốc để hạn chế sự tăng trưởng và lan rộng của khối u, áp dụng ở giai đoạn muộn hoặc khối u đã di căn. Đây là mọto bước tiến rất lớn trong điều trị ung thư vú.
Biện pháp phòng ngừa
Các biện pháp phòng ngừa chủ yếu xoay quanh hạn chế các yếu tố nguy cơ có thể gây nên ung thư vú.
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất, các chất chống oxy hóa nhằm làm giảm nguy cơ mắc ung thư nói chung. Những loại rau họ cải giàu flavonoid hỗ trợ giảm tỷ lệ mắc ung thư vú do có tác dụng ức chế sự gia tăng tế bào.
Sử dụng các chế phẩm từ đậu nành như: đậu phụ, sữa,…
Hạn chế các chất béo bão hoà trong thực phẩm như mỡ động vật,…
Hạn chế đồ uống có cồn: do các loại này có thể đẩy nhanh sự phát triển các tế bào ung thư.
Bỏ thuốc lá: thuốc lá tăng nguy cơ mắc ung thư vú lên 30% [4].
Tăng cường hoạt động thể lực: để nâng cao sức khỏe cũng như hệ miễn dịch của cơ thể.
Duy trì cân nặng, tránh không xảy ra béo phì.
Khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm tình trạng bệnh.
Thường xuyên tự sờ ngực kiểm tra để phát hiện sớm các bất thường.
Xem thêm
- Ung thư da là gì? Dấu hiệu nhận biết của bệnh
- Ung thư vòm hầu
- 9 dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 bạn không nên chủ quan
Ung thư vú là một bệnh diễn biến thầm lặng, khó phát hiện. Vì vậy, chúng ta cần nắm rõ các dấu hiệu bất thường để thăm khám cũng như theo dõi và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để có thể phát hiện và điều trị sớm. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn các kiến thức về ung thư vú. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!
Nguồn: CDC, NHS, Mayo Clinic, Cleveland Clinic
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Ung thư vú là gì? Biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.