Bạn đang xem bài viết Ung thư vòm mũi họng tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Ung thư vòm mũi họng là gì
Ung thư vòm mũi họng là 1 trong 5 loại ung thư phổ biến ở nước ta và đứng đầu trong ung thư Tai Mũi Họng và Đầu Mặt Cổ. Ung thư vòm mũi họng là bệnh do các khối u ác tính ở vị trí vòm mũi họng tăng sinh và lan rộng ra các khu vực xung quanh. Khối u ác tính này diễn tiến tương đối nhanh so với các loại ung thư khác và thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Tuổi 40 –60 là độ tuổi thường gặp nhất, nam nhiều hơn nữ theo tỷ lệ 2,5 : 1
Triệu chứng ung thư vòm mũi họng
* Giai đoạn đầu: các triệu chứng âm thầm nên khó phát hiện. Nhức đầu là triệu chứng sớm, thường nhức nửa đầu, thành từng cơn.
* Giai đoạn khu trú: nhức đầu càng rõ rệt, nhức nửa đầu hoặc nhức sâu trong hốc mắt, vùng thái dương. Cùng với nhức đầu, tùy vị trí bản chất khối u có các triệu chứng của bộ phận kế cận như mũi, tai, miệng, hạch…các triệu chứng này không điển hình
– Tai: khối u đè vào lỗ thông vòi nhĩ làm cho bệnh nhân bị ù tai, nghe kém. Khối u lớn hơn, triệu chứng ù tai càng nặng, nghe kém hơn. Kèm theo đó bệnh nhân bị nhức một bên đầu uống thuốc giảm đau nhưng không khỏi.
– Mũi: chảy mũi nhầy, chảy máu mũi hay hỉ mũi lẫn máu, nghẹt mũi cùng bên nhức đầu. Lúc đầu bệnh nhân bị nghẹt 1 bên mũi, về sau nghẹt mũi sẽ nặng hơn và lan sang bên kia mũi.
– Vòm: Ban đầu bệnh nhân có cảm giác vướng ở vòm mũi họng, triệu chứng này giống như triệu chứng khi bệnh nhân bị viêm vòm họng.
– Mắt: khi khối u đã lan lên sọ sẽ làm cho mắt bệnh nhân khép không kín, mắt không di chuyển được, liệt nhãn cầu, giảm thị lực, lé trong.
– Miệng: cử động hạn chế, cắn không chặt, đưa hàm qua lại hai bên khó, đau khi nhai lâu, có cảm giác tê bì ở miệng và vùng mặt một bên.
– Hạch: góc hàm. Hạch lúc đầu nhỏ sau to dần, hạch cứng ấn không đau, không có viêm quanh hạch, di động hạn chế dần, sau cố định do dính vào da cơ.
– Thần kinh: nhức đầu, liệt các dây thần kinh sọ.
– Nội soi vòm: thấy khối u sùi, quanh có thâm nhiễm ở nóc vòm hay thành bên vòm, ở gờ loa vòi tai.
* Giai đoạn lan tràn
– Toàn thân: thể trạng suy giảm, kém ăn, mất ngủ, sụt cân, thiếu máu, da vàng rơm, hay sốt do bội nhiễm.
– Lan ra phía trước: lan vào hốc mũi gây ngạt mũi, chảy mũi mủ mùi hôi, thường lẫn tia máu. Khám mũi thấy khối u sùi sâu trong hốc mũi, loét hoại tử, dễ chảy máu.
– Lan ra bên: u ở loa vòi, lan theo vòi Eustachi ra tai giữa. Ù tai, nghe kém 1 bên. Đau trong tai lan ra vùng chũm, chảy mủ tai lẫn máu, mùi hôi, có khi lẫn tổ chức hoại tử. Nội soi tai: màng tai thủng, có u sùi, hoại tử, dễ chảy máu. U có thể lan ra ống tai ngoài.
– Lan xuống dưới: u lan xuống dưới đẩy phồng màn hầu làm ảnh hưởng đến giọng nói, nuốt sặc. U lan tới miệng, thường ở sau trụ sau amidan. Bệnh nhân có thể điếc tai giữa, khít hàm, liệt màn hầu.
– Lan lên trên: u lan lên nền sọ gây nên các triệu chứng nội sọ: đau màng não, tăng áp lực sọ…
Nguyên nhân gây ung thư vòm mũi họng
– Do virus Epstein-Barr, virus này lây lan chủ yếu qua đường miệng.
– Do sống và làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, thường xuyên tiếp xúc với khói nhang và thói quen ăn thức ăn lên men hay thức ăn có ướp nhiều muối, ăn đồ khô, ăn đồ cháy, thường xuyên dùng nước tương, dầu hào (chứa chất 3-MPCD và 1,3 DCP được cho là chất sinh ung thư), hột vịt muối, nho khô, táo tàu khô, rau quả đóng hộp để lâu v.v.
– Các yếu tố như di truyền, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá nhiều cũng là nguyên nhân gây ung thư vòm mũi họng.
– Sử dụng tràn lan thuốc kích thích tăng trưởng thực vật và vật nuôi, thực phẩm chế biến không an toàn vì có nhiều chất độc hại và thức ăn nhanh có quá nhiều chất béo .v.v.
Điều trị ung thư vòm mũi họng
– Xạ trị là biện pháp điều trị chủ yếu và cho kết quả khả quan nếu bệnh nhân đến sớm.
– Phẫu thuật, hóa trị liệu ít hiệu quả nên không được sử dụng, trừ phẫu thuật nạo vét hạch cổ vẫn cần thiết
Phòng ngừa ung thư vòm mũi họng
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng, kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
– Có chế độ ăn uống hợp lý. Hạn chế ăn các loại thức ăn ướp quá nhiều muối hoặc thức ăn lên men, ăn nhiều thức ăn có chứa chất chống oxi hóa giúp chống lại các tế bào gây ung thư như chuối, cà rốt, củ cải,…
– Tập thể dục thể thao hằng ngày để tăng cường sức khỏe chống lại mọi bệnh tật, trong đó có ung thư vòm mũi họng.
– Hạn chế uống quá nhiều rượu và không hút thuốc.
Xem thêm: Ung thư vòm mũi họng
(Hình ảnh tổng hợp từ peopleinfo.net, lifelabs.vn, soha.vn, google,…)
Thạc sĩ Hà Nguyễn Anh Thư
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Ung thư vòm mũi họng tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.