Bạn đang xem bài viết Ung thư cổ tử cung tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Tên gọi khác: Cervical cancer.
Cổ tử cung là phần dưới của tử cung, nối với âm đạo. Ung thư cổ tử cung là bệnh mà tế bào ung thư xuất hiện ở cổ tử cung. Nguyên nhân của bệnh này là do các tế bào niêm mạc tử cung ở vùng giữa tử cung và âm đạo phát triển một cách bất thường, tăng sinh liên tục khó kiểm soát dẫn đến hình thành khối u tại đó.
Ung thư cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh và ít gặp ở người dưới 20 tuổi.
Nguyên nhân bệnh ung thư cổ tử cung
Nhiễm virus Papilloma ở người (HPV: Human Papilloma virus) qua đường tình dục được xem là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung, đặc biệt là HPV type 16, 18.
Khi xâm nhập vào bên trong tế bào cổ tử cung, virus HPV phát triển và làm biến đổi gen của tế bào niêm mạc trở thành các tế bào ác tính. Sau giai đoạn tiền lâm sàng khoảng 10 – 15 năm (cổ tử cung có thể hoàn toàn bình thường, chưa có triệu chứng rõ ràng) khối u thành bướu lan rộng nhanh chóng và gây ra các triệu chứng điển hình của bệnh.
Yếu tố thuận lợi:
– Phụ nữ lập gia đình sớm, sinh đẻ nhiều.
– Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người.
– Có người bạn tình quan hệ tình dục với nhiều người.
– Thiếu vệ sinh cá nhân, vệ sinh sinh dục.
– Các yếu tố khác như: thuốc lá, nhiễm Herpes- simplex virus type 2, HIV cũng làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Triệu chứng của ung thư cổ tử cung
Phát hiện sớm: Tìm ung thư giai đoạn 0, trên lâm sàng không có triệu chứng. Tuy nhiên có thể phát hiện các tổn thương này bằng các xét nghiệm tầm soát (xét nghiệm PAP, soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung, nạo sinh thiết kênh tử cung, khoét chóp).
Thường gặp:
– Xuất huyết âm đạo bất thường: xuất huyết giữa hai kỳ kinh, xuất huyết sau khi giao hợp. Tính chất máu thường đỏ tươi, lượng ít hay vừa, nếu xuất huyết nhiều có thể có máu cục. Đây là triệu chứng thường gặp khiến phụ nữ đi khám.
– Ra dịch âm đạo hay huyết trắng, bội nhiễm hay hoại tử bướu. Dịch có thể lượng ít hay nhiều, thường kéo dài.
Tình huống trễ:
– Huyết trắng lẫn lộn huyết đỏ, hôi.
– Đau vùng bụng dưới.
– Chảy nước tiểu hoặc phân qua ngã âm đạo (do dò bàng quang – âm đạo, dò trực tràng – âm đạo).
– Biếng ăn, sụt cân.
– Hạch vùng cổ.
Các phương tiện chẩn đoán:
– Sinh thiết: Khám phụ khoa, bấm sinh thiết làm giải phẫu bệnh
– Siêu âm bụng và/hoặc siêu âm qua ngã âm đạo
– X – quang ngực: đánh giá tình trạng di căn phổi
– CT Scan hoặc MRI: để đánh giá rõ sự xâm lấn vùng chậu, di căn hạch ổ bụng…
– Soi bàng quang, soi trực tràng: để đánh giá sự xâm lấn của bướu.
Điều trị bệnh ung thư cổ tử cung
Điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào mức độ của bệnh bao gồm các biện pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Trong đó ung thư cổ tử cung được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và xạ trị. Cách thức điều trị cụ thể tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.
Phẫu thuật
Trong phẫu thuật, tùy vào giai đoạn bệnh, mong muốn sinh con và điều kiện để tái khám, theo dõi của bệnh nhân, mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật:
– Khoét chóp và theo dõi
– Cắt bỏ cổ tử cung
– Cắt bỏ tử cung
– Phẫu thuật đoạn chậu (trong đó có cổ tử cung, âm đạo, tử cung, bàng quang, buồng trứng, ống dẫn trứng và trực tràng)
Xạ trị
Tiến hành chiếu tia xạ vào cơ thể, máy chiếu tia xạ có thể đặt ở bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Một đợt xạ trị thường kéo dài khoảng 5-8 tuần.
Hóa trị
Là phương pháp tiêm thuốc vào cơ thể qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa khối u phát triển hơn.
Nên nhớ tất cả các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung nói riêng và điều trị ung thư nói chung đều có tác dụng phụ vì vậy cần cân nhắc kỹ và được bác sĩ tư vấn để chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp.
Phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung
Có thể kiểm soát bệnh ung thư cổ tử cung nếu áp dụng các biện pháp sau:
– Tiêm vắc xin HPV.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm PAP hoặc DNA- HPV định kỳ đối với phụ nữ đã có gia đình, soi cổ tử cung.
– Không quan hệ tình dục sớm và không quan hệ với nhiều bạn tình.
– Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.
– Điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
– Không hút thuốc lá, rượu bia.
Xem thêm Tìm hiểu về ung thư cổ tử cung
(Hình ảnh tổng hợp từ dotcomwomen, Elite Readers, google,…)
Thạc sĩ Lê Thị Huỳnh Trang
Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Ung thư cổ tử cung tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.