Bạn đang xem bài viết U phổi tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
U phổi là gì?
U phổi bao gồm u lành tính và u ác tính (ung thư); u ác tính gồm ung thư phế quản phổi nguyên phát và ung thư phổi thứ phát . Tuy nhiên, ở Việt Nam, mỗi khi nhắc đến u phổi là người ta nghĩ đến các ung thư phổi nguyên phát (hay ung thư phế quản – phổi).
U phổi lành tính thường ít gặp, tiến triển chậm, thường là u tuyến phế quản, u mô thừa, u loạn sản sụn ở phổi,…
Ung thư phổi thứ phát do các u ác tính ở cơ quan khác di căn lên phổi bằng đường bạch huyết hay đường máu.
Ung thư phổi nguyên phát là 1 trong những bệnh gây tử vong cao nhất (sau bệnh tim mạch), liên quan đến môi trường sống, nghề nghiệp và đặc biệt là thuốc lá (80-90% ung thư phổi liên quan đến thuốc lá). Phần lớn ung thư phổi nguyên phát được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Nguyên nhân của u phổi
U phổi là do sự bất thường trong chức năng và cấu tạo của tế bào phế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất thường này.
Thuốc lá:
Hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điếu, cho đến nay là tác nhân chính gây nên u phổi, đặc biệt là ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất gây ung thư đã biết như là buta-1,3- dien, benzopyren. Ngoài ra, việc hút thuốc lá chủ động hay thụ động (hít phải khói thuốc từ một người khác đang hút thuốc) đều có nguy cơ cao mắc u phổi.
Tổn thương ở phổi:
Sự suy giảm chức năng ở phổi do những vết thương trên phổi, vết sẹo sau phẫu thuật hay nhiễm khuẩn (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm,…) cũng là tác nhân gây nên các khối u ở phổi, nhưng đa số các khối u này là lành tính.
Ô nhiễm không khí:
Ô nhiễm không khí ngoài trời cũng có tác động đến sự gia tăng nguy cơ mắc u phổi. Các hạt vật chất nhỏ, khí thải, theo ước tính, là nguyên nhân của 1-2% số trường hợp mắc ung thư phổi.
Di truyền:
Theo thống kê, khoảng 8% số trường hợp ung thư phổi có liên quan đến các yếu tố di truyền. Một người có quan hệ huyết thống với người bị ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên 2,4 lần.
Các yếu tố khác:
– Một số kim loại (sản phẩm nhôm, hợp chất crom VI, asen và các hợp chất vô cơ,…)
– Bức xạ ion hoá (bức xạ tia X, gamma, plutoni)
– Khí độc (methyl ete, mù tạc lưu huỳnh, hơi sơn)
Các yếu tố trên cũng là tác nhân gây ra ung thư phổi
Các đối tượng dễ mắc u phổi :
– Người lớn trên 40 tuổi.
– Nam có nguy cơ mắc u phổi cao hơn phụ nữ.
– Người hút thuốc lá chủ động hoặc bị động.
– Người làm việc trong môi trường ô nhiễm như công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất xi măng, sơn, sắt thép,…
– Người bị bệnh ở phổi như lao, viêm phổi, bụi phổi,…
– Người có tiền sử gia đình mắc u phổi.
Triệu chứng, dấu hiệu của u phổi
Ở giai đoạn đầu, u thường khởi phát và tiến triển âm thầm, các triệu chứng thường không rõ ràng. Khi xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng thì thường khối u đã khá to, xâm lấn xung quanh hoặc di căn.
Các dấu hiệu lâm sàng khởi đầu và không đặc hiệu của u phổi như:
– Đau ngực, khó thở nhẹ
– Ho khan hoặc ho ra máu (thường ít máu)
– Sốt (cao hay nhẹ)
– Sụt cân, mệt mỏi
Khi bệnh tiến triển, nhất là ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như:
– Khàn tiếng.
– Khó thở
– Hội chứng đè ép tĩnh mạch chủ trên (Pancoast) (phù mặt và cổ, khó thở, mặt tím tái,…), hội chứng Horner (sụp mi cùng bên tổn thương, co đồng tử, không bài tiết mồ hôi),…
Ngoài thăm khám lâm sàng, còn có các chỉ định xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán u phổi như X quang phổi, chụp cắt lớp (CT Scan), soi phế quản, sinh thiết, soi đàm tìm tế bào ung thư,…
Điều trị u phổi
Phương pháp điều trị u phổi bao gồm:
– Đối với u lành tính : theo dõi định kỳ và không cần điều trị.
– Đối với ung thư phổi: Gồm 3 phương thức điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hoá trị và xạ trị. Việc điều trị tùy thuộc vào từng giai đoạn và loại giải phẫu bệnh.
U phổi lành tính: thường không nguy hiểm và không đe dọa tính mạng. Đa số các trường hợp, thay vì điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi khối u trong khoảng 1 – 2 năm để xem nó có khả năng phát triển thành ung thư hay không.
Ung thư phổi: điều trị hợp lý là rất cần thiết và quan trọng.
Ung thư phổi được chia làm 2 loại chính, dựa vào giải phẫu bệnh là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Tuỳ vào loại ung thư phổi và giai đoạn bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Ung thư phổi tế bào nhỏ: Điều trị theo từng giai đoạn, chủ yếu là hoá và xạ trị.
– Giai đoạn khu trú : Xạ trị kết hợp hóa trị. Có thể xạ trị não dự phòng đề phòng tế bào ung thư di căn lên não. Phẫu thuật chưa chứng minh được hiệu quả đối với loại giải phẫu bệnh này.
– Giai đoạn lan tràn : Hầu hết các trường hợp khi đã được chẩn đoán thì khối u đã lan rộng, do đó giai đoạn này điều trị chủ yếu là đa hóa trị.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Điều trị theo từng giai đoạn, chủ yếu là phương pháp phẫu thuật.
– Giai đoạn 1: Phẫu thuật là chủ yếu, cắt bỏ thùy phổi chứa u hoặc toàn bộ phổi.
– Giai đoạn 2: Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ 1 phần phổi hoặc toàn bộ phổi. Sau phẫu thuật có thể cần điều trị hỗ trợ thêm bằng xạ trị hoặc hóa trị.
Nếu bệnh nhân không đủ khả năng phẫu thuật, có thể tiến hành xạ trị hoặc hóa xạ trị đồng thời.
– Giai đoạn 3: Có thể phẫu thuật tùy thuộc vị trí ung thư. Sau phẫu thuật, hóa trị hỗ trợ được tiến hành để ngăn tái phát. Nếu không thể phẫu thuật, biện pháp thay thế là xạ trị hoặc hóa xạ trị đồng thời.
– Giai đoạn 4: Mục đích điều trị là kiểm soát bệnh càng lâu càng tốt và làm giảm kích thước khối u cũng như giảm sự di căn của tế bào ung thư. Các phương pháp điều trị cho giai đoạn này có thể là hóa trị, điều trị sinh học và điều trị các triệu chứng kèm theo.
Chăm sóc hậu phẫu:
Theo dõi tình trạng của bệnh nhân:
– Theo dõi tình trạng hô hấp
– Tập vật lý trị liệu về hô hấp sau phẫu thuật
– Theo dõi mạch, cảm giác đau hay những bất thường như chảy máu, sốc…,
– Theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
– Khi có bất thường cần báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời can thiệp
Có chế độ dinh dưỡng thích hợp:
– Ăn nhiều tinh bột và chất xơ
– Giảm ăn đường và đồ ngọt
– Ăn ít chất béo và cholesterol
– Giảm ăn muối và đồ mặn
– Nên chia ra thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn 1 lượng nhỏ thức ăn.
– Uống đủ nước.
Phòng ngừa u phổi
Cách phòng ngừa tốt nhất đó chính là tránh những tác nhân gây nên u phổi:
– Không hút thuốc, cai thuốc lá, tránh xa nơi có khói thuốc.
– Chú ý tới môi trường làm việc an toàn: tránh tiếp xúc khói, bụi, giảm phơi nhiễm hoá chất.
– Ăn uống lành mạnh: Nên ăn những đồ ăn dinh dưỡng, vitamin A, D như rau xanh và hoa quả tươi.
– Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên.
– Giữ vệ sinh môi trường sống, giảm thiểu khói dầu nơi sinh hoạt.
– Tầm soát u phổi, đặc biệt là ung thư phổi: Nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng 1 lần tại các cơ sở y tế.
Xem thêm Tìm hiểu về tình hình Ung thư phổi hiện nay
(Hình ảnh tổng hợp từ humannhealth.com, Người Đưa Tin, healthplus.vn, google…)
Thạc sĩ Lê Thị Huỳnh Trang
Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM
Cảm ơn bạn đã xem bài viết U phổi tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.