Mời bạn cùng An du lịch bụi qua ảnh với hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) đi thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo cung đường mới (đối với An): cung đường đèo Tà Pứa, tránh quốc lộ 20.
Có nhiều cung đường để đi Bảo Lộc từ Sài Gòn. Trong đó, cung đường quen thuộc nhất, ngắn nhất (tính theo tổng số km, chớ hổng tính tới mật độ giao thông, lưu lượng xe, hay là đường xấu tốt gì nghen!) mà mọi người thường đi là sẽ theo quốc lộ 20, qua đèo Chuối.
Quốc lộ 20 là trục đường bộ đi từ ngã ba Dầu Giây (nay đã là ngã tư với một cây cầu vượt đang xây, không biết khi nào xong) thuộc thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lên tới thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, đoạn đường từ thành phố Bảo Lộc xuống tới ngã ba Dầu Giây dài khoảng 120 km. Tổng quãng đường cho hành trình Sài Gòn – Bảo Lộc thông thường sẽ tầm 180 km.
Với cung đường qua đèo Tà Pứa, tránh quốc lộ 20, quãng đường Sài Gòn – Bảo Lộc sẽ xa hơn chừng 20 km so với cung đường phổ biến trên. Tuy nhiên, trên thực tế, do đây là đi cung đường mới, mới rợi đối với mình, là đi lần đầu tiên, có quá nhiều thứ để ngắm nghía, dừng chân chụp ảnh, nên thời gian đi sẽ lâu hơn rất nhiều. Nếu theo quốc lộ 20, mình đi Sài Gòn – Bảo Lộc chỉ mất 4 tiếng (tính luôn những khi dừng chân uống nước, chụp ảnh dọc đường). Còn với cung Tà Pứa này, tụi mình đi tới tận 6 tiếng. Nhưng tin chắc, khi đã quen đường, mọi thứ bớt mới mẻ đi, thì cũng chỉ mất tầm 4,5 đến 5 tiếng thôi.
Nếu như đi Bảo Lộc từ Sài Gòn theo quốc lộ 20, mình sẽ chỉ phải qua 2 tỉnh khác là Bình Dương (thành phố Dĩ An trên quốc lộ 1A), và Đồng Nai (đường Võ Nguyên Giáp tránh thành phố Biên Hòa, qua huyện Long Thành, quốc lộ 1A qua huyện Trảng Bom, quốc lộ 20 qua huyện Thống Nhất, rồi huyện Định Quán, huyện Tân Phú). Còn khi đi theo cung đường mới qua đèo Tà Pứa này, tụi mình sẽ qua thêm 1 tỉnh nữa là Bình Thuận (qua huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh theo đường tỉnh/ tỉnh lộ DT766/ ĐT766 và DT713/ ĐT713).
Nói là cung đường mới tránh quốc lộ 20, nhưng thực tế tụi mình cũng sẽ gặp quốc lộ 20 từ đoạn ngã ba DT713 và quốc lộ 20 của huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Từ đây đi thêm một xíu là gặp đèo Bảo Lộc, qua hết đèo là đã đến được địa phận thành phố Bảo Lộc.
Cụ thể cung đường từ Sài Gòn đi Bảo Lộc qua đèo Tà Pứa mà tụi mình đi sẽ như thế này, tính từ đường Điện Biên Phủ, quận 1 (Sài Gòn) nha. Tụi mình sẽ đi thẳng theo hướng đi Dĩ An (Bình Dương) trên xa lộ Hà Nội (quốc lộ 1A), qua công viên Văn hóa Suối Tiên, bến xe Miền Đông mới, qua cầu Đồng Nai, tới được địa phận Đồng Nai thì rẽ phải vào quốc lộ 51 (đường đi Vũng Tàu á). Khi tới một ngã ba lớn có bảng đề quẹo trái là Hà Nội, quẹo phải là Vũng Tàu, thì tụi mình quẹo trái là vô đường Võ Nguyên Giáp (tức tuyến đường tránh thành phố Biên Hòa, cũng là tránh được một đoạn quốc lộ 1A qua thành phố Biên Hòa luôn đông đúc người xe).
Đi thẳng đường Võ Nguyên Giáp, đến cuối đường sẽ là ngã ba giao nhau với quốc lộ 1A, tụi mình rẽ phải nhập lại vào quốc lộ 1A thẳng tiến về hướng thành phố Long Khánh (Đồng Nai). Sau đó rẽ vào đường Xuân Lộc – Long Khánh rồi quẹo qua DT766, đi tiếp hoài thì đến được địa phận huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Lại đi thẳng tiếp sẽ là DT713, đi ngang qua hồ Tân Hà, thị trấn Võ Xu, ngang qua chợ Mê Pu 2. Khi càng gần đến đèo Tà Pứa thì đường đi sẽ có vài đoạn khá xấu và nhỏ.
Tiếp tục đi thì sẽ lên đèo Tà Pứa lúc nào chẳng hay! Đèo Tà Pứa hay còn gọi là đèo Bà Sa nằm trên DT713 ở vùng giáp ranh xã Mê Pu, huyện Đức Linh và xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Đèo chỉ dài chừng 2 km thôi!
Qua hết đèo Tà Pứa là đến được địa phận huyện Đức Linh. Vẫn theo DT713 đi thẳng đến cuối đường sẽ gặp ngã ba giao nhau với quốc lộ 20, thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng). Từ đây tụi mình rẽ phải, nhập vào quốc lộ 20, đi thêm một xíu là gặp đèo Bảo Lộc, qua hết đèo là chạm ngõ thành phố Bảo Lộc. Phải đi chừng 10 km nữa thì mới đến được trung tâm Bảo Lộc.
Viết ra thì dài dòng như vậy, nhưng thực tế mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn với bác Google Maps (mặc dù không ít lần bị bác chơi khăm khi chỉ đi đường chim bay, đường hẻm đường hóc ngõ nhỏ, băng ruộng xé sân nhà người ta!!!). Từ vị trí của bạn, chỉ cần đánh từ khóa tìm đường đi đến đèo Tà Pứa, rồi đi theo sự chỉ dẫn của bác Google Maps là được. Khi đã đến đèo Tà Pứa, bạn lại tìm đường đến đèo Bảo Lộc, qua tới đèo là đã tới thành phố Bảo Lộc rồi đó!
Nếu chưa từng đi cung đường đèo Tà Pứa này, và muốn khám phá thêm một cung đường mới đi Bảo Lộc từ Sài Gòn, thì mời bạn theo chân mình du lịch bụi qua những bức ảnh ghi lại hành trình dưới đây.
Nắng mai trên cầu Đồng Nai, quốc lộ 1A
Trên quốc lộ 51
Trên đường Võ Nguyên Giáp (tuyến đường tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
Trên đường Xuân Lộc – Long Khánh, địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (bên tay phải là núi Chứa Chan/ núi Gia Lào)
Khối đen đen trong bản đồ là núi Chứa Chan đó! Ảnh chụp màn hình Google Maps.
Cảnh trên đường
Đoạn này hình như là đã tới được địa phận huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận trên DT766.
Mùa này (đầu tháng 3), đi đường sẽ bắt gặp những mùa hoa rải rác: hoa giấy, hoa bò cạp vàng (muồng hoàng yến), hoa chuông vàng, hoa sen, bằng lăng tím,…
Đường đi tuy chỉ là đường tỉnh, nhỏ nhưng tương đối tốt và ít xe nha mọi người.
Ngang qua hồ Tân Hà trên DT713
Khung cảnh thân thương…
Ngang qua một dòng kênh (hay sông) êm ả…
Cánh đồng lúa chín vàng ươm đẹp mắt…
Lúc này nắng nóng thôi rồi. Bình Thuận mà!
Dừng chân nghỉ ngơi xíu…
Chụp ảnh đồng lúa chín và hồ sen.
“Tự sướng” cái nè!
Lại đi tiếp, ngang qua một thánh thất Cao Đài.
Đoạn đường này (vẫn trên DT713) rộng rãi, trơn tru láng mịn đi thiệt đã!
Nhưng càng gần về đèo Tà Pứa thì đường thu hẹp lại…
Ngang qua rừng cây cao su (giờ mới biết Bình Thuận cũng có trồng cao su) với những cây đang ra hoa…
Một đoạn đường xấu trên DT713 gần chân đèo Tà Pứa.
Rồi lên đèo Tà Pứa lúc nào chẳng hay (không thấy bảng đề gì luôn)!
Đường đèo cong cong mát mẻ với khung cảnh rừng núi vắng vẻ khá là đẹp!
Đã đi hết đèo, đây là địa phận huyện Tánh Linh (Bình Thuận) trên DT713.
Nếu dư dả thời gian và ưa thích du lịch khám phá – mạo hiểm, bạn có thể tìm đến các dòng thác gần đèo Tà Pứa như: thác Đầu Trâu, thác trượt Tà Pứa,… Ảnh chụp màn hình Google Maps.
Đi thêm xíu nữa là đã sang địa phận huyện Đạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng.
Trên cung đường này bạn cũng có thể dừng chụp ảnh ở những cây cầu treo của huyện Đạ Huoai như: cầu treo Đạ Ploa, cầu treo thôn 5 Đạ Ploa, cầu treo Cây Chanh,…, hay xuống suối nghỉ chân, ngắm cảnh.
Cứ chạy thẳng theo DT713 cho đến khi nhìn thấy chóp ngọn núi ngộ ngộ kia là biết sắp ra tới quốc lộ 20. Tới đây thì tụi mình quẹo phải nha. Trong ảnh là địa phận thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng).
Chạy xíu thì lên đèo Bảo Lộc, cửa ngõ vào thành phố Bảo Lộc.
Đèo Bảo Lộc nằm trên quốc lộ 20, có chiều dài 10 km
Đã đến được địa phận thành phố Bảo Lộc rồi đây!
Ngang qua một nhà thờ đang xây dựng trên quốc lộ 20.
Trung tâm Bảo Lộc đây rồi. Trong ảnh là khu vực gần quảng trường 28 Tháng 3 (28/3).
Bảo Lộc mùa hoa kèn hồng (tầm tháng 2, tháng 3)
Đoạn phim du lịch ngắn ghi lại hành trình đi Bảo Lộc theo cung đường đèo Tà Pứa, trải nghiệm ngủ lều săn mây ở Ga Mây Homestay & Cafe (huyện Bảo Lâm).
Đăng bởi: Lâm Đạt Tường
Từ khoá: Từ Sài Gòn đi Bảo Lộc qua cung đường đèo Tà Pứa, tránh quốc lộ 20
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Từ Sài Gòn đi Bảo Lộc qua cung đường đèo Tà Pứa, tránh quốc lộ 20 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.