Tại Ngân hàng Tài nguyên mầm Nông nghiệp Thiên Tân thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Thiên Tân, các nhà nghiên cứu đang tiến hành kiểm tra toàn diện tỷ lệ nảy mầm và hàm lượng nước của hạt ngô và hạt đậu tương. Những ngày gần đây, cơ sở này nhận được hơn 500 nguồn tài nguyên mầm mới, Xinhua hôm 5/4 đưa tin.
Lan Qingkuo, Phó giám đốc Viện Tài nguyên mầm và Công nghệ Sinh học, cho biết nguồn gene cây trồng là vật liệu thực vật được nuôi cấy có chức năng di truyền, đóng vai trò quan trọng trong cả an ninh lương thực, sự đa dạng loài và đổi mới trong công nghệ nông nghiệp.
“Chúng tôi đã xây dựng 8 ngân hàng hạt giống khác nhau, trong đó các nguồn tế bào mầm thực vật được bảo tồn trong môi trường nhiệt độ thấp và độ ẩm không đổi”, Tiến sĩ Wang Lu tại Ngân hàng Tài nguyên mầm Nông nghiệp Thiên Tân lưu ý trong khi đóng gói hạt giống trong các túi màng nhôm có mã vạch 2D. “Thông tin về hạt giống, bao gồm loại và nguồn, có thể hiển thị nhanh chóng sau khi quét mã, mang lại sự thuận tiện cho công việc nghiên cứu tiếp theo”.
Theo Cui Shuhong, Giám đốc Bộ Sinh thái và Môi trường của Trung Quốc, sự tuyệt chủng nhanh chóng của các loài là một vấn đề cấp bách mà thế giới phải đối mặt hiện nay. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc ước tính rằng 75% tính đa dạng của cây trồng đã bị mất kể từ đầu thế kỷ 20.
Đối mặt với tình trạng mất nguồn tài nguyên mầm này, các ngân hàng hạt giống phân bố khắp nơi trên thế giới được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ tính đa dạng loài. Trong Ngân hàng Tài nguyên mầm Nông nghiệp Thiên Tân, có nhiều “giống cũ” khó tìm thấy trên thị trường.
“Khi các giống ưu thế với năng suất cao, chất lượng tốt và nỗ lực quảng bá mạnh mẽ được trồng rộng rãi, một số giống cũ đã bị thất lạc theo thời gian”, Lan nói.
Một số giống cây trồng cũ cho năng suất thấp và sức đề kháng kém, nhưng rất thơm ngon. Nếu được bảo tồn đúng cách, chúng có thể giúp ích trong các lĩnh vực khoa học như xác định kiểu gene và nghiên cứu tiến hóa loài, đồng thời góp phần lai tạo các giống mới “vừa ngon vừa năng suất” trong tương lai.
Cho đến nay, Ngân hàng Tài nguyên mầm Nông nghiệp Thiên Tân đã bảo tồn hơn 47.000 nguồn gene của 111 loài thuộc 75 chi trong 26 họ, bao gồm cả cây lương thực và rau, từ nhiều vùng khác nhau.
Ngoài Thiên Tân, các ngân hàng gene và tài nguyên mầm tương tự cũng lần lượt được thành lập trên khắp Trung Quốc để đẩy nhanh việc bảo vệ đa dạng sinh học. Thống kê cho thấy số lượng tài nguyên mầm nông nghiệp được bảo quản lâu dài ở Trung Quốc đã vượt quá 520.000, đứng thứ hai trên thế giới.
“Trên cơ sở thu thập rộng rãi các nguồn gene, chúng tôi có thể phân tích sâu dữ liệu kiểu gene và kiểu hình của chúng, đồng thời sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ nhân giống sinh học để thiết kế và gieo trồng hạt giống mới đáp ứng những nhu cầu cụ thể”, Lan nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo Xinhua/Sina)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/trung-quoc-thanh-lap-chuoi-ngan-hang-hat-giong-4590496.html