Bạn đang xem bài viết Trò chơi “Rồng rắn lên mây” tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Có lẽ thế hệ 8X, 9X sẽ chẳng còn cảm thấy xa lạ với trò chơi Rồng rắn lên mây. Thế nhưng, cõ lẽ do vòng xoáy bộn bề của cuộc sống, trò chơi dần bị lãng quên. Hôm nay, Pgdphurieng.edu.vn xin gửi đến bạn cách chơi, luật chơi trò chơi Rồng rắn lên mây giúp bạn gợi nhớ lại và có thể dạy cho các thành viên khác trong gia đình.
1. Chuẩn bị trước khi chơi
Đây là một trò chơi tập thể nên không hạn chế số lượng người chơi, độ tuổi, giới tính. Tuy nhiên để trò chơi trở lên thú vị, hấp dẫn, số lượng người chơi nên có khoảng từ 8 người trở lên.
Khi chơi nên chọn những khu vực có không gian rộng rãi, bằng phẳng, không có chướng ngại vật, đồ vật nguy hiểm. Không nên tổ chức chơi ở các khu vực gần ao hồ sông suối, công trường thi công, lề đường. Có thể tổ chức tại sân chơi, sân tập thể, bãi đất trống, …
Trước khi chơi, người chơi cần phải học thuộc bài đồng dao để dễ dàng hòa nhập khi chơi. Ngoài ra, người chơi không cần chuẩn bị các đồ vật hỗ trợ nào khác.
2. Luật chơi
Người chơi cần thuộc lời đồng dao và đung đưa đúng nhịp bài hát.
Sau màn đối đáp, thầy thuốc phải tìm mọi cách để bắt được người cuối cùng trong đoàn rồng rắn để thế chỗ của mình.
Khi thầy thuốc bắt đầu đuổi bắt, người đứng đầu đoàn rồng rắn cần phải dang tay che chở những người phía sau. Phía đuôi phải luôn bám vạt áo người phía trước, không được phép buông tay, đầu chạy hướng nào, đuôi chạy hướng đó để thầy thuốc không bắt được.
Nếu người cuối cùng bị bắt hay đuôi bị đứt khỏi đầu, người cuối hàng sẽ bị coi là thua và phải thay thế làm thầy thuốc.
3. Cách chơi Rồng rắn lên mây
Trước khi bắt đầu trò chơi, người chơi sẽ tham gia chơi “oẳn tù tì” để tìm ra một người làm thầy thuốc. Người thầy thuốc sẽ đứng hoặc ngồi cố định tại một vị trí, gọi là nhà thầy thuốc. Những người còn lại sẽ đứng thành một hàng, người đằng sau sẽ bám vào vạt áo của người đằng trước để tạo thành đoàn “rồng rắn”.
Bắt đầu trò chơi, đoàn rồng rắn sẽ bám đuôi nhau, lượn qua lượn lại đi theo sự dẫn dắt của người đi đầu, vừa đi vừa đọc bài đồng dao:
“Rồng rắn lên mây
Có cây núc nắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”
Khi đọc đến từ “Không”, đoàn rồng rắn phải đứng trước mặt Thầy thuốc. Khi ấy thầy thuốc sẽ trả lời đoàn rồng rắn. Để tăng tính hấp dẫn cho trò chơi, người thầy thuốc sẽ tìm cách từ chối đoàn rồng rắn bằng cách đưa ra những câu từ chối như:
- Không. Thầy thuốc đi chơi rồi! Thầy thuốc đang đánh răng, ….
Sau khi bị từ chối, đoàn rồng rắn sẽ lại tiếp tục lượn đi lượn lại, vừa đi vừa hát cho đến khi thầy thuốc trả lời là “Thầy thuốc có nhà”. Từ đây, thầy thuốc và đoàn rồng rắn sẽ cùng nhau đối đáp:
Thầy thuốc: Mẹ con rồng rắn đi đâu?
- Rồng rắn: Rồng rắn đi xin thuốc cho con
Thầy thuốc: Con lên mấy?
- Rồng rắn: Con lên một.
Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.
- Rồng rắn: Con lên hai.
Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon.
….
- Rồng rắn: Con lên mười.
Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy. Xin khúc đầu.
- Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu.
Thầy thuốc: Xin khúc giữa.
- Rồng rắn: Cùng máu cùng me.
Thầy thuốc: Xin khúc đuôi.
- Rồng rắn: Tha hồ mà đuổi.
Khi nghe đến câu “Tha hồ mà đuổi”, người thầy thuốc bắt đầu đuổi bắt, dùng mọi cách để đánh lừa rồng rắn với hy vọng bắt được khúc đuôi (người đứng cuối hàng). Người đứng đầu hàng sẽ dang tay che chở, nhanh chóng dẫn dắt đuôi thoái khỏi sự đuổi bắt của thầy thuốc. Những người phía sau phải bám chặt vạt áo của người phía trước, chạy theo hướng của người cầm đầu. Người ở khúc đuôi phải quan sát thầy thuốc và tìm cách né không cho người thầy thuốc bắt được. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối hàng (khúc đuôi) thì người đó sẽ bị thua.
Trong trường hợp, đoàn rồng rắn bị đứt khúc hoặc bị ngã cũng bị xem như là thua. Người thua sẽ thay thế làm thầy thuốc trong ván tiếp theo.
Ngoài ra, có thể loại dần người chơi cho đến khi đoàn rồng rắn ngắn dần do mất bạn chơi.
Lưu ý: Trong lúc đối đáp “con lên mấy?” giữa thầy thuốc và đoàn rồng rắn, người chơi không nhất thiết phải trả lời từ 1 đến 10, thay vào đó có thể nhảy cóc số tuổi để giúp giảm bớt thời gian.
Ý nghĩa của trò chơi
- Khi tham gia trò chơi, người chơi được vận động thân thể, rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo.
- Giúp người chơi phát triển ngôn ngữ từ việc đọc đúng bài đồng dao, đúng nhịp điệu cho đến màn đối đáp giữa thầy thuốc và đoàn rồng rắn.
- Trong quá trình chơi, người chơi còn phát huy được tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, giúp đỡ lẫn nhau.
Trên đây là cách tổ chức chơi trò chơi Rồng rắn lên mây. Hy vọng trò chơi dân gian mang tính tập thể này sẽ giúp cho người chơi cảm thấy vui vẻ, thư giãn sau những giây phút căng thẳng. Trò chơi không chỉ thích hợp chơi trong phạm vi trường học mà còn thích hợp trong các buổi sinh hoạt tại địa phương.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Trò chơi “Rồng rắn lên mây” tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://thuthuatphanmem.vn/tro-choi-rong-ran-len-may/
Từ Khoá Tìm Kiếm Liên Quan: