Công cụ AI mới có tên Sybil, do các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Tổng quát Massachusetts và Viện Công nghệ Massachusetts phát triển. Công cụ dự đoán chính xác đến 86% đến 94% khả năng một người bị ung thư phổi trong những năm sắp tới của cuộc đời.
Để dự đoán, Sybil dựa vào một lần chụp CT, phân tích hình ảnh ba chiều, tìm kiếm điểm bất thường trong phổi, chỉ ra những vấn đề mà các nhà khoa học chưa hiểu hết, tiến sĩ Florian Fintelmann, bác sĩ X quang tại Trung tâm Ung thư Massachusetts, cho biết.
Dựa trên những gì quan sát được, Sybil dự đoán tỷ lệ ung thư phổi của một người trong vòng một đến 6 năm tới. Đã có những trường hợp, Sybil phát hiện ra dấu hiệu ung thư mà bác sĩ X-quang bỏ sót.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người trưởng thành có nguy cơ mắc ung thư phổi nên chụp CT liều thấp để sàng lọc bệnh hàng năm. Tuy nhiên, ngay cả khi kiểm tra thường xuyên, việc phát hiện bệnh cũng khá khó khăn. Bác sĩ khó có thể nhìn hoặc sờ thấy ung thư phổi. Vào thời điểm các triệu chứng xuất hiện, gồm ho dai dẳng hoặc khó thở, ung thư đã tiến triển và khó điều trị.
Sybil có thể giải quyết vấn đề này. Công cụ tìm kiếm các dấu hiệu chỉ vị trí xuất hiện của khối u ung thư. Từ đó, bác sĩ biết nơi cần chiếu chụp và chú tâm quan sát, phát hiện nó càng sớm càng tốt.
Theo các chuyên gia, công cụ này có thể là bước đột phá trong việc phát hiện sớm ung thư phổi, loại ung thư phổ biến thứ ba tại Mỹ, nhưng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong năm nay, Mỹ ước tính có hơn 238.000 ca mắc ung thư phổi mới và hơn 127.000 trường hợp tử vong.
Sybil chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt bên ngoài các thử nghiệm lâm sàng. Theo Anant Madabhushi, giáo sư khoa kỹ thuật y sinh tại Trường Y Đại học Emory ở Atlanta, hiện có hơn 300 công cụ AI được FDA chấp thuận sử dụng trong kỹ thuật X-quang. Hầu hết chúng hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị ung thư, nhưng không dùng để dự đoán nguy cơ ung thư trong tương lai của người bệnh.
“Nếu được phê duyệt, nó có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư”, ông Madabhushi nói.
Dù tiên tiến, Sybil còn điểm hạn chế. Giáo sư Madabhushi nói các dữ liệu đầu vào của AI chưa đủ đa dạng, không đại diện cho dân số toàn nước Mỹ. Các nhà khoa học phát triển Sybil cũng thừa nhận dữ liệu được sử dụng để tạo ra công cụ AI chưa bao gồm nhiều bệnh nhân da đen hoặc gốc Tây Ban Nha.
Thục Linh (Theo NBC News)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tri-tue-nhan-tao-co-the-xac-dinh-som-ung-thu-phoi-4592486.html