Đây là biến chứng nặng khi phế cầu khuẩn xâm lấn ở phổi và khó điều trị bởi bản thân vi khuẩn độc lực cao. Đồng thời thuốc kháng sinh khó thấm vào phần phổi hoại tử để diệt vi khuẩn.
Nghiên cứu về nhiễm khuẩn phế cầu ở trẻ em vừa được BS.CKI Võ Thị Minh Tuyền – khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, công bố vào đầu tháng 4 và được giải Nhất cuộc thi “Nhà nghiên cứu hô hấp nhi trẻ tuổi”, tại Hội nghị thường niên Liên chi hội Hô hấp TP HCM.
Nghiên cứu thực hiện trên hồ sơ bệnh án của 124 bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM từ tháng 1/2018-9/2021. Tất cả trường hợp đều dương tính với phế cầu khuẩn. Tất cả các chủng phế cầu được ghi nhận ở các mẫu đều kháng ít nhất 2 nhóm kháng sinh trở lên. Tỷ lệ phế cầu đa kháng thuốc tăng từ 80% (nghiên cứu của tác giả Larsson M. tại Việt Nam năm 2013) lên 94,5% trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, hai loại kháng sinh vancomycin và linezolid còn tác dụng với các chủng phế cầu.
“Tỷ lệ phế cầu đa kháng thuốc rất cao và ngày càng gia tăng về kiểu gene và kiểu hình. Hầu hết các mẫu thu được ghi nhận chủ yếu là trẻ dưới 24 tháng tuổi. Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, do đó khi mắc phế cầu dễ diễn tiến nặng”, bác sĩ Minh Tuyền cho hay.
Trường hợp điển hình là bé trai 5 tuổi (ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu), nhập viện với triệu chứng thở mệt, suy hô hấp, SPO2 giảm kèm theo sốt, tiêu lỏng. Bệnh nhi thở co lõm ngực, phổi bên phải giảm phế âm. Bé viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi bên phải do vi khuẩn phế cầu.
Bé được điều trị bằng cách dùng phối hợp 2 loại kháng sinh đường tĩnh mạch, tuy nhiên tình trạng không cải thiện sau một tuần điều trị. Khi chụp CT ngực, bác sĩ điều trị ghi nhận bệnh nhi có hoại tử tạo hang ở phổi phải, tràn mủ màng phổi phải.
Khi xác nhận tình trạng viêm phổi hoại tử kém đáp ứng điều trị ban đầu, bé được đổi 2 loại kháng sinh khác, tiếp tục điều trị thêm 2 tuần, tuy nhiên tình trạng vẫn kém đáp ứng. Khi bác sĩ phẫu thuật bơm rửa, dẫn lưu mủ màng phổi phải, lúc này bệnh nhi mới đáp ứng với điều trị, xuất viện sau một tháng.
Trước đó, bé đã mắc bệnh 7 ngày và được dùng kháng sinh đường uống không rõ loại. Bé trai sinh thường, đủ tháng, chưa chích ngừa vaccine phòng phế cầu khuẩn.
Bác sĩ Minh Tuyền cho biết viêm phổi hoại tử do phế cầu khuẩn hiếm gặp nhưng nguy hiểm, điều trị khó khăn. Người bệnh có thể tử vong nếu không phát hiện sớm. Dù điều trị khỏi vẫn có thể để lại nhiều di chứng về sau như: giảm chức năng phổi, nguy cơ vỡ các kén khí (pneumatoceles) gây tràn khí màng phổi.
Trẻ bị viêm phổi hoại tử do phế cầu có thể kéo dài số ngày điều trị tích cực đến 1-2 tháng. Viêm phổi thông thường thời gian điều trị chỉ 1-2 tuần.
Bên cạnh gây xâm lấn ở phổi như viêm phổi, hoại tử phổi… phế cầu khuẩn còn gây các bệnh nguy hiểm như: nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não… Tỷ lệ kháng kháng sinh ở các chủng phế cầu ngày càng gia tăng.
Dương Thương
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tre-viem-phoi-hoai-tu-do-phe-cau-khuan-4592018.html