Bạn đang xem bài viết Trào ngược dạ dày – thực quản tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là gì?
Tên gọi khác: Gastroesophageal Reflux Disease, GERD, Trào ngược axít
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày (acid chlorhydrid, pepsine, dịch mật…) lên thực quản. Bệnh gây ra các triệu chứng, biến chứng khó chịu cho người mắc bệnh.
Tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản có thể được gia tăng nhờ các yếu tố sau: uống rượu, béo phì, hút thuốc lá, mang thai, bệnh đái tháo đường,…
Nguyên nhân bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày – thực quản do rối loạn hoạt động của cơ thắt dưới thực quản và cơ chế bảo vệ chống trào ngược.
Bình thường, cơ thắt dưới thực quản chỉ giãn mở ra khi nuốt để đẩy thức ăn xuống dạ dày, sau đó sẽ co thắt và đóng kín ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi cơ thắt dưới thực quản hoạt động không tốt thì dịch dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản gây ra bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
Khi có sự trào ngược của dịch dạ dày lên thực quản, dịch nhày thực quản cùng với bicarbonat và nước bọt có tính kiềm sẽ trung hòa acid của dịch vị để làm giảm sự kích thích của acid dịch vị lên niêm mạc thực quản. Nhu động của thực quản sẽ đẩy dịch vị trào ngược trở xuống dạ dày.
Các yếu tố được xem là tác nhân làm giảm áp lực co thắt dưới thực quản như :
– Các thuốc: Secretin, Glucagon, các thuốc kích thích β thụ cảm, ức chế α, kháng tiết Choline, Theophylline
– Các chất kích thích như cafein, rượu, thuốc lá, chocolate,
– Ăn nhiều dầu mỡ…
– Loét dạ dày, ung thư dạ dày
Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là cảm giác nóng rát trong họng và ngực. Có thể kèm theo các biểu hiện như:
– Ợ nóng
– Có vị đắng trong miệng
– Cảm giác đau rát ở ngực
– Trào ngược thức ăn vào cổ họng
– Nôn và buồn nôn
– Khàn giọng và ho mãn tính
Các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
– Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng giúp chẩn đoán bệnh, mức độ nặng của bệnh, điều trị bệnh và biến chứng.
– Đo pH thực quản
– Đo áp lực thực quản
– Chụp thực quản – dạ dày
Điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các thuốc được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản bao gồm:
Thuốc điều hòa vận động
– Metoclopramid: có tác dụng thúc đẩy mở môn vị, làm vơi dịch dạ dày, nên làm giảm trào ngược dạ dày – thực quản. Thuốc có thể gây buồn ngủ cho bệnh nhân.
– Domperidon: tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản, giúp làm tăng hoạt động dạ dày dẫn đến làm trống dạ dày nhanh tránh gây ứ đọng và gây trào ngược.
– Sulpirid có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản, thuốc gây buồn ngủ, chảy sữa, bất lực.
– Metopimazin có tác dụng làm thay đổi vận động ống tiêu hoá nhưng không làm tăng vơi dạ dày
Thuốc bảo vệ niêm mạc
– Alginat: axít Alginic khi tiếp xúc với HCl sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của axít dạ dày.
– Dimeticol (gel Polysilan) là một chất bảo vệ niêm mạc tương tự như trên.
– Sucralfat gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày – thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày.
Thuốc kháng axít: Maalox, Phosphalugel…
Thuốc kháng thụ thể H2: Cimetidin, Ranitidin, Nizatidin, Famotidin
Thuốc ức chế bơm Proton: Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol, Esomeprazol
Cần kết hợp duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý:
– Không nên ăn quá nhiều ở mỗi bữa, nên ăn làm nhiều bữa (4 – 5 bữa mỗi ngày)
– Ăn thức ăn đặc, khô
– Không nên nằm ngay sau khi ăn
– Không nên ăn các thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng: Sôcôla, thuốc lá, cà phê, chất mỡ, nước khoáng có hơi.
– Nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh nuốt hơi vào dạ dày
– Hạn chế dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng như Estrogen, Progesteron, đối phó giao cảm, Barbituric, Diazepam, Theophylin.
Điều trị bằng phẫu thuật được thực hiện khi điều trị nội khoa không khỏi hoặc có biến chứng nặng nề.
Phòng ngừa trào ngược dạ dày – thực quản
Quan trọng nhất trong phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý
– Không ăn các thực phẩm gây trào ngược: Thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, có tính chua, bạc hà, sôcôla, đồ uống có caffein hoặc có ga
– Nên ăn nhiều bữa nhỏ và không nằm nghỉ ngay sau khi ăn.
– Gối đầu cao khi nằm để tránh trào ngược axít dạ dày lên thực quản.
– Không nên dùng các thuốc là tác nhân gây ra bệnh này như: thuốc chống viêm không Steroid, chẹn kênh canxi, một số thuốc điều trị hen, thuốc an thần, giảm đau… hoặc cần được bác sĩ tư vấn để thay thế các thuốc tương tự khác
– Tránh hút thuốc lá, rượu bia
– Dùng chế độ ăn không có Gluten (trong ngũ cốc như lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì)
Xem thêm Tìm hiểu về bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
(Hình ảnh tổng hợp từ ghim.vn, Kênh Y Học, google,…)
Thạc sĩ Ân Thái Hoàng Anh
Bệnh viện Đa khoa Triều An
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Trào ngược dạ dày – thực quản tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.