Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục Thế kỷ 21, hồi tháng 1, cho rằng tranh cãi về việc học tiếng Anh ngày càng tăng ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Trong chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc, tiếng Trung chiếm 20-22% tổng số giờ học của các trường tiểu học và THCS, Toán chiếm 13-15%, tiếng Anh 6-8%. Dù vậy, tiếng Anh được coi trọng trong các kỳ thi. Với kỳ thi tuyển sinh đại học, tiếng Anh chiếm 150 trong số 750 điểm, bằng với môn Toán và tiếng Trung.
Theo ông Xiong Bingqi, một số người cho rằng nên chuyển tiếng Anh từ môn bắt buộc thành môn tự chọn, thậm chí đề nghị loại tiếng Anh ra khỏi các kỳ thi. Nguyên nhân là kỳ thi tuyển sinh trung học và đại học đã sử dụng cùng một tiêu chí để phân loại học sinh trong nhiều năm. Nhiều người gặp khó khăn khi học tiếng Anh nhưng không phải ai cũng giỏi hoặc sau này sẽ phải dùng đến ngôn ngữ này.
Một đại biểu quốc hội Trung Quốc đề xuất Bộ Giáo dục nước này giảm số giờ dạy và trọng số của môn tiếng Anh trong các kỳ thi quan trọng. Bằng cách đó, các trường học có thể tăng cường giảng dạy văn hóa truyền thống, giúp học sinh phát triển niềm tự hào và tự tin về văn hóa Trung Quốc khi còn nhỏ. Người này cũng cho rằng tiếng Anh đã trở nên quan trọng “bất thường” và việc học ngôn ngữ này không nên mất nhiều thời gian như vậy.
Bộ Giáo dục cho rằng ngoại ngữ là một phần quan trọng trong sự phát triển toàn diện của học sinh, có lợi cho việc trau dồi ngôn ngữ, nhận thức văn hóa, tư duy quốc tế và khả năng giao tiếp đa văn hóa. Cơ quan này cũng cho biết trọng số của môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ không thay đổi.
Câu chuyện này được thảo luận sôi nổi, riêng trên mạng xã hội Sina, các bài viết liên quan đã có hơn 520 triệu lượt đọc.
Giữa tranh cãi, đầu tháng 1, công ty Education First (EF) của Thụy Điển công bố bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh năm 2022 của các quốc gia mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ. Trung Quốc đạt 498/800 điểm, đứng thứ 61/111 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm so với vị trí 38 hồi năm 2020. EF cho biết trình độ tiếng Anh của người Trung Quốc rơi từ mức trung bình xuống thấp.
Wu Peng, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Giang Tô, hoài nghi về xếp hạng này. Tuy nhiên, ông Wu thừa nhận trình độ tiếng Anh của Trung Quốc vẫn tương đối thấp, chủ yếu do hệ thống giáo dục theo định hướng thi cử và giáo viên tiếng Anh trong nước không thích ứng với các phương pháp giảng dạy mới nhất trên thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, lý do còn là vì từ năm 2021, Trung Quốc áp dụng chính sách “giảm kép” nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh. Các hoạt động dạy và học thêm bị cấm, trong đó có môn tiếng Anh.
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, cho rằng cấm học thêm không có nghĩa gánh nặng học tập của học sinh sẽ giảm. Do hệ thống giáo dục định hướng thi cử, nhiều học sinh vẫn tiếp tục đổ xô đến các trường luyện thi để cải thiện điểm số, tăng cơ hội vào trường đại học tốt.
“Vấn đề không phải là có học tiếng Anh hay không, mà là học như thế nào”, ông Chu Zhaohui nói, cho biết Trung Quốc đang tiến tới hiện đại hóa, nên việc học tiếng Anh là đặc biệt quan trọng.
Ông Xiong Bingqi đồng tình với điều này. Ông nói chừng nào kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông và đại học vẫn dựa trên điểm số, thì khao khát đạt điểm cao sẽ không chấm dứt.
Để giải quyết vấn đề, ông Xiong Bingqi nhận định cần thiết lập các tiêu chí đánh giá khác nhau và cho phép các trường tự đưa ra chính sách tuyển sinh. Khi đó, sinh viên có thể quyết định nên dành bao nhiêu thời gian cho việc học tiếng Anh. Ngoài ra, các trường có thể thay đổi yêu cầu về trình độ tiếng Anh với từng chuyên ngành.
Minh Tuấn (Theo China Daily)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tranh-cai-hoc-va-thi-tieng-anh-o-trung-quoc-4564763.html