Đêm 14/3, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), nghiên cứu bệnh án của bệnh nhân này để sáng hôm sau hội chẩn. “Thông thường, với trường hợp này, phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất, nếu không sự sống rất mong manh”, bác sĩ nói, thêm rằng cuộc mổ sẽ vô cùng khó khăn.
Lý do, người bệnh cao tuổi, kèm mắc các bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, thời gian điều trị và phục hồi sau mổ có thể kéo dài, nhiều nguy cơ biến chứng. Trong quá trình mổ, nếu không cắt được khối u, hoặc chỉ cắt được 1-2 khối, là thất bại. Ở bệnh nhân này, khối u dính vào các tạng của cơ thể, nhất là dạ dày, trực tràng, ăn vào bàng quang, lá lách. Không phẫu thuật, khối u sẽ bùng lên mạnh mẽ, nguy cơ nhiễm trùng cao, rút ngắn thời gian sống.
“Lúc này, con dao mổ của người bác sĩ đóng vai trò sống còn với sinh mạng người bệnh”, bác sĩ chia sẻ.
Sau hội chẩn, bác sĩ Nam và đồng nghiệp quyết định phẫu thuật để xử lý triệt căn khối u. Sau 6 tiếng, đèn phòng mổ tắt, bác sĩ chia sẻ “thở phào” vì ca phẫu thuật suôn sẻ nhưng chỉ khi ông cụ tỉnh, đủ sức khỏe để tiếp tục phác đồ điều trị thì ca mổ mới được đánh giá thành công.
Tuy nhiên, không phải ca mổ nào cũng trôi chảy. Bệnh nhân nữ 49 tuổi, được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn hai, tiên lượng khá tốt nếu phẫu thuật. Trên bàn mổ, bác sĩ dùng ống soi để can thiệp, phát hiện di căn đã lan xa khắp ổ bụng, ở giai đoạn muộn. Các tế bào ung thư đang phát triển rất nhanh, khiến phẫu thuật trở nên vô cùng mạo hiểm. Việc “đụng dao kéo” có thể khiến thời gian sống của người bệnh ngắn hơn, cơ thể suy kiệt, không thể bình phục.
“Tôi rất thất vọng vì chẩn đoán trước mổ của mình khác với thực tế, buộc phải dừng mổ và không thể làm được gì hơn”, bác sĩ kể, thêm rằng quyết định mổ là để cứu sống bệnh nhân chứ không phải vì cái tôi, muốn thể hiện bản lĩnh hay khả năng cầm dao mổ của bác sĩ.
Đây là tình huống không hiếm gặp trong phẫu thuật ung thư ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Những xét nghiệm, chụp chiếu đôi khi không phản ánh đúng, toàn diện căn bệnh. Chỉ trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng khối u. Với các khối u đang phát triển nhanh, di căn rộng, phẫu thuật không phải lựa chọn tối ưu, đồng nghĩa bác sĩ phải đóng lại vết mổ.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu, với hơn 300.000 người hiện mắc bệnh, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết mỗi năm. Điểm chung là hầu hết bệnh nhân đều không chấp nhận sự thật, cố gắng tìm một chẩn đoán khác ung thư để xoa dịu, ổn định tâm lý.
Nhiều người tin vào quan niệm “động dao kéo làm vỡ, khiến u di căn, chết nhanh hơn”, do đó tìm thuốc nam, hoặc xem bói giải hạn hơn là nhập viện. Bác sĩ cho rằng người bệnh đang chơi canh bạc trả giá bằng chính mạng sống của họ.
Như một bệnh nhân nam, 35 tuổi, mắc ung thư đại tràng, đã nằm trên bàn mổ để chuẩn bị gây mê. Tuy nhiên, mẹ đẻ và mẹ vợ bệnh nhân yêu cầu dừng phẫu thuật, đưa về điều trị thuốc nam. Đây là một trong những ca khiến bác sĩ nhớ mãi, bởi tiên lượng bệnh nhân rất tốt, chỉ cần cắt khối u là thành công 70-80%, có thể điều trị khỏi.
Theo bác sĩ Nam, hóa, xạ trị và phẫu thuật là ba trụ cột điều trị ung thư, trong đó phẫu thuật là biện pháp quan trọng không thể thay thế. Ở giai đoạn sớm, cuộc mổ giúp loại bỏ khối u nhanh chóng, triệt để, cải thiện chất lượng sống. Tuy nhiên, tùy tình trạng, giai đoạn bệnh, tính chất của khối u, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp từng người, phối hợp nhiều biện pháp để hiệu quả tốt nhất.
Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Văn Thành, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện K, cho biếtvới nhiều loại ung thư như dạ dày, đại tràng, thực quản, xương, gan, phổi, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ, kiểm soát khối u, đặc biệt ở giai đoạn sớm.
Ở giai đoạn muộn, phẫu thuật cũng là phương pháp điều trị triệu chứng cho bệnh nhân như làm hậu môn nhân tạo (khi ung thư đại tràng giai đoạn muộn có tắc ruột), hoặc phẫu thuật cắt tuyến vú triệu chứng.
Chỉ định phẫu thuật được đưa ra tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Thông thường bác sĩ sẽ dựa trên các hướng dẫn điều trị trên thế giới, như của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ASCO), Hiệp hội Ung thư châu Âu (ESMO), hay Hiệp hội Ung thư Nhật Bản.
Gần đây, một số nghiên cứu cho thấy “có sự gia tăng thoáng qua” các tế bào ung thư trong và sau mổ. Trong quá trình phẫu thuật, có thể việc đụng chạm trực tiếp vào khối u làm phóng thích các tế bào bướu vào máu. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác định việc gia tăng này làm bệnh tiến triển.
Sau mổ, một vài bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đớn nhiều hơn sau phẫu thuật, nhất là cuộc mổ lớn. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng phẫu thuật khiến ung thư di căn, làm họ suy kiệt. Song, với các tiến bộ trong kỹ thuật mổ, gây mê, hồi sức hiện nay, phối hợp nhiều chuyên khoa đã giúp hạn chế tối đa các biến chứng do phẫu thuật gây ra.
“Trách nhiệm của bác sĩ là cứu người, không bác sĩ nào đưa chỉ định mổ để rút ngắn thời gian sống của người bệnh”, bác sĩ Thành cho hay.
Để tăng hiệu quả điều trị, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần tin tưởng và thực hiện theo đúng phác đồ, kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Việc tự ý điều trị, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền miệng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc, khiến người bệnh bỏ lỡ “giai đoạn vàng”, mất cơ hội chiến thắng bệnh tật.
Minh An
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/mo-ung-thu-quyet-dinh-dong-dao-keo-hay-la-chet-4578610.html