Hiện Hervas-Jones sống trên một con thuyền, tránh xa các thiết bị kết nối cũng như các nền tảng xã hội. Anh chia sẻ trải nghiệm “không Wi-Fi, không Internet” qua bài báo trên Financial Times.
“Tôi thường dành hơn sáu tiếng mỗi ngày sử dụng smartphone, lướt mạng xã hội, đặc biệt là vào đầu và cuối ngày. Lúc đó, tôi thấy mệt mỏi và cần thư giãn, nhưng không thể rời điện thoại. Tôi nhận ra mình bị quá tải trước thông tin, ảnh, video, những khoảnh khắc tiệc tùng hay khi mọi người đang vui vẻ. Sau tất cả, nó khiến tôi thấy trống rỗng.
Cách đây hơn một năm, tôi quyết định ngắt Internet, vứt bỏ modem Wi-Fi, xóa mạng xã hội, đổi smartphone sang một mẫu nắp gập cơ bản. Tôi cũng thuê một chiếc thuyền ở London và sống trên đó. Mọi thứ hoàn toàn ngoại tuyến, không có Internet.
Đó là một thiên đường yên bình. Điều tôi thấy thích nhất là khả năng bảo vệ tôi trước sự tấn công dồn dập của thế giới trực tuyến.
Khi bắt đầu chuyển sang ngôi nhà mới, buổi sáng đầu tiên là khoảng thời gian khác biệt nhất. Khi đó, tôi vẫn còn cảm giác giật mình và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Trong đầu tôi cảm thấy thôi thúc phải lấy điện thoại xem thông báo, lượt thích mạng xã hội, tin tức, tin nhắn văn bản và email công việc, những thứ từng khiến tôi phải thức giấc.
Trong nhiều tuần, tôi vẫn vô thức quờ tay đến nơi từng để smartphone, như một kẻ nghiện. Sự bối rối khi không tìm thấy điện thoại dần nhường chỗ cho sự bình tĩnh. Nhắm mắt lại, tôi có thời gian thư giãn vào buổi sáng. Bản thân bắt đầu thiết lập lại công việc, sẵn sàng cho bất cứ điều gì.
Trong thời gian này, tôi đã nói chuyện với Nicholas Epley, giáo sư khoa học về nghiên cứu hành vi tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago. Theo ông ấy, khi rời Internet, tôi không chỉ tránh được sự tấn công của thế giới trực tuyến, mà còn có cơ hội tiếp xúc với mọi người ngoài đời thực.
‘Mọi người thực sự thú vị khi nói chuyện trực tiếp. Họ có những câu chuyện và việc kết nối khiến chúng ta cảm thấy tuyệt vời’, Epley nói. ‘Vấn đề là việc quen biết người lạ có thể khó khăn hơn một chút so với trên môi trường mạng, nhưng khá dễ vượt qua’.
Kể từ khi rời xa Internet, tôi bắt đầu đón nhận tình cảm từ cộng đồng. Gần đây, tôi gặp một người tên Ali khi neo thuyền bên cạnh. Không có rào cản nào. Tôi nói về bản thân, anh ấy cũng giới thiệu mình là con trai của một triết gia Ai Cập.
Không lâu sau cuộc gặp đầu tiên, tôi đi làm về và hét lên: ‘Này Ali!’. Anh hét lại: ‘Sebastian! Tôi đang nấu ăn, đến phụ cùng tôi đi!’.
Ali cũng không dùng điện thoại hay kết nối Internet. Khi tôi hỏi làm cách nào để không bị cô đơn, anh ấy cho rằng việc đầu tiên là ‘kết bạn với giọng nói trong đầu’ và nên tìm những mối quan hệ ngoài cộng đồng. Sau cuộc trò chuyện, tôi suy nghĩ đến Internet và cảm thấy bình yên khi rời khỏi thế giới trực tuyến vô tận, nơi đầy tiếng bíp, tiếng ding và ping.
Càng không có Wi-Fi, tôi càng có thời gian suy nghĩ. Lâu dần, cửa sổ thuyền thành màn hình thay cho điện thoại. Thay vì lướt, cuộn, tôi nhìn chằm chằm vào cảnh vật bên ngoài: một con vịt lắc lư, một người đàn ông hút thuốc ở ban công, cây liễu đung đưa trong gió, những đám mây từ từ sáng lên lúc hoàng hôn với màu hồng, đỏ, vàng và sau đó là bóng tối.
Tuy nhiên, đôi khi sự im lặng trở nên đáng sợ. Tôi cảm thấy cô đơn và bị cô lập. Trước đây, khi ở nhà một mình, tôi ngồi với chiếc điện thoại và thấy vui với sự kết nối bạn bè trên không gian mạng, bằng cách trao lượt thích, bình luận, xem ảnh và video cũng như chia sẻ meme. Nhưng bây giờ chỉ im lặng. Đôi khi, tôi lo bản thân có thể đang không còn tồn tại trên đời.
Nhưng khoảnh khắc đó nhanh chóng bị xua tan. Tôi hạnh phúc khi bị lay động bởi những điều nhỏ nhặt – điều mà tôi không bao giờ nhận ra khi hàng giờ ngồi xem video trên YouTube hoặc lướt Facebook.
Tất nhiên, việc chuyển sang sống trong một không gian từ trực tuyến sang ngoại tuyến không dành cho tất cả. Ngay cả bản thân tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi không thể truy cập ngân hàng trực tuyến tại nhà, phải dựa vào bản đồ giấy và người lạ chỉ đường thay cho Google Maps, hay khiến người thân, bạn bè lo lắng lẫn tức giận khi họ không thể liên hệ với tôi lập tức.
Tôi không khuyên tránh xa Internet, nhưng mọi người có thể thử bằng cách chọn một ngày và ngay sau khi hết giờ làm việc, hãy tắt kết nối Internet trên điện thoại, sau đó xem liệu bản thân có thể thoải mái mà không cần Internet cho đến hôm sau không. Bên cạnh đó, hãy cảm nhận ngôi nhà yên bình thế nào, chú ý đến chi tiết nhỏ mà ngày thường đã bị nội dung trên Internet xâm chiếm.
Và có lẽ, quan trọng nhất là chú ý đến thời gian rảnh rỗi dồi dào khi không dùng Internet. Tôi đã thử và sau đó dành phần lớn thời gian rảnh mới này cho công việc thợ mộc. Tôi đã từ bỏ công việc phóng viên công nghệ, chủ yếu làm mộc và viết tự do.
Cuối cùng, tôi không nghĩ mọi người đều cần phải xóa tài khoản mạng xã hội, chuyển sang đi thuyền và loại bỏ smartphone, nhưng việc hạn chế mức tiếp cận Internet nhiều nhất có thể trong ngôi nhà của mình có thể là bước quan trọng.”.
Bảo Lâm (theo Financial Times)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/trai-nghiem-mot-nam-tranh-xa-internet-4641101.html