Yêu cầu được UBND TP HCM đưa ra sau khi tiếp nhận công văn ngày 17/3 của Bộ Y tế, cho rằng virus Marburg là mầm bệnh nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao 50-88%, cần giám sát chặt chẽ. Hiện, virus này đã lây lan trong phạm vi 160 km ở ba khu vực tại châu Phi, khiến hàng chục người tử vong.
Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra, lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể như nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch. Môi trường, vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người bệnh Marburg, cũng có thể làm trung gian lây virus cho người tiếp xúc.
Thời gian ủ bệnh 2-21 ngày, khởi phát với triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.
Marburg được xếp vào nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, cần chủ động phòng chống không để lan truyền vào Việt Nam. Bệnh nhóm A được định nghĩa là những bệnh cực kỳ nguy hiểm như Covid-19, Ebola, cúm A/H5N1…
Do đó, UBND TP HCM yêu cầu các quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng bệnh, giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg, không để virus lây ra cộng đồng. Ngoài ra, Sở Y tế xây dựng các kịch bản đối phó để không bị động.
Các cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận người có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, khó chịu, kèm tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết, cần điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc để phát hiện và lấy mẫu kịp thời.
Cùng ngày, UBND TP HCM cũng ra văn bản khẩn chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết, do dịch đang có chiều hướng tăng.
Trong hai tháng đầu năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết cả nước tăng 2,3 lần; TP HCM tăng 1,47 lần so với cùng kỳ 2022. Cơ quan chức năng nhận định số ca mắc, tử vong có khả năng tăng cao trong thời gian tới.
Vì vậy, các sở ngành tiếp tục xử lý các vật chứa, ổ lăng quăng, giám sát trạm trung chuyển chất thải rắn, bãi đất trống, khu quy hoạch, nơi công cộng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong đó, đảm bảo đầy đủ thuốc men, dịch truyền, vật tư, hóa chất cho điều trị.
Năm 2022, bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, cả nước ghi nhận hơn 360.000 ca mắc, riêng TP HCM phát hiện 81.878 trường hợp.
Mỹ Ý
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tp-hcm-giam-sat-nguoi-nhap-canh-tu-chau-phi-ngan-virus-marburg-4588071.html