Tôi cho rằng bảo hiểm nhân thọ không phải công cụ sinh lời. Ví dụ cụ thể là trường hợp của tôi đã đóng 15 năm với mức phí 45 triệu đồng/năm, tính ra tổng số tiền đóng cả kỳ là 675 triệu đồng, với lời hứa hẹn của nhân viên tư vấn là sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng.
Thế nhưng, khi kết thúc gói bảo hiểm và muốn đáo hạn toàn bộ thì tôi chỉ được nhận lại 470 triệu đồng. Đem thắc mắc hỏi lại công ty bảo hiểm, tôi mới nhận được câu trả lời rằng nếu chưa rút hết ngay mà cứ để tiền đó và đầu tư tiếp 5 năm (tức là tổng 20 năm) thì tôi mới nhận được đầy đủ số tiền 675 triệu đồng đã đóng.
Tất nhiên, ở đây là trong trường hợp tôi là đóng đầy đủ số tiền theo đúng hợp đồng, chứ nếu phá ngang trước ba năm đầu tiên coi như tôi sẽ mất trắng, sau ba năm đó thì may ra tôi gỡ được 15% tiền gốc (đóng 114 triệu, nhận về 27 triệu đồng). Vấn đề là tư vấn viên đã không nói cho tôi biết rằng có hai loại phí, đó là phí sản phẩm chính và phí sản phẩm bổ trợ, trong đó sản phẩm chính cũng bị trừ nhiều khoản, còn sản phẩm bổ trợ bị trừ ít nhất là 35% tiền gốc của phí đó.
Cho nên, khi đáo hạn, dù tôi đóng đủ số năm theo hợp đồng nhưng vẫn bị mất một phần ba tổng gốc. Số tiền rơi khỏi túi khách hàng đó khiến tất cả sẽ sốc vì hầu như không biết trước (trừ khi gặp được tư vấn viên có tâm). Vì vậy, tôi khuyên các bạn rằng chỉ nên mua bảo hiểm nhân thọ khi có một khoản tiền thật dư dả.
>> Khách sập bẫy vì nhân viên bảo hiểm chỉ cần ‘chốt đơn’
Cứ cho là nhân viên tư vấn sai nội dung hợp đồng, hoặc cố tình sai để người mua đồng ý ký, hoặc chính nhân viên đó cũng mơ hồ chưa hiểu hết về nội dung hợp đồng nên đã nói sai… thì bản thân những công ty bảo hiểm cũng không thể nào sai được. Họ hoàn toàn nắm rất rõ những điều khoản mà mình đã cài cắm vào trong hợp đồng với khách hàng.
Khi duyệt một bản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nếu thấy có gì đó phi lý, không ổn thì lẽ ra, bên công ty phải mời nhân viên tư vấn cùng khách hàng lại để thông báo và thỏa thuận rõ ràng xem thế nào, tránh trường hợp hiểu sai dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Tiếc rằng một số công ty bảo hiểm đều không đứng trên quyền lợi của khách hàng.
Mục đích lớn nhất khi mua bảo hiểm nhân thọ là để tâm an, giúp bảo vệ bản thân, chứ không phải nhằm kiếm lời lãi. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn bảo hiểm ở nước ta đang đi ngược lại mục đích này. Rất mong các hãng bảo hiểm nhân thọ phải đặt cái tâm lên trên hết, không nên cài cắm câu từ để “bẫy” khách hàng. Đồng thời, cần mình bạch, công khai nội dung chính sách trên các trang thông tin điện tử chính thống của công ty, để khách hàng có thể xem trước khi gặp nhân viên tư vấn.
Làm được vậy, tôi tin khách hàng sẽ không còn hoang mang trước khi đặt bút ký hợp đồng, ngay cả khi nhân viên tư vấn có nói sai, thì bản thân người mua cũng có thể kiểm chứng lại thông tin và có cái nhìn chính xác nhất về hợp đồng bảo hiểm của mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/toi-mua-bao-hiem-nhan-tho-lo-von-vi-cac-loai-phi-map-mo-4592971.html